Header Ads

  • Breaking News

    Nguyễn Hồng Lam - Ai đã cưỡng bức dòng sông?

    Tôi không định nói về sông Hương, cũng không nhớ sai tựa bài tùy bút vừa được đưa vào đề thi sáng hôm qua. Tôi muốn nói về sông Sài Gòn. Đang uốn mềm mại như dải lụa, đột nhiên bờ sông phía đường Nguyễn Hữu Cảnh lòi hẳn ra một cái lưỡi cày. Cũng có người gọi nó là cái cựa gà. Nó chọc thẳng, giật bay mí mắt trong tầm nhìn. Xem tấm hình này, hoặc đứng trên cầu Thủ Thiêm ngắm cảnh này vài ba lần một ngày, nguy cơ thủng tròng mắt là rất cao!


    Lỗi tại dòng sông. Ai bảo nó chảy qua Landmark 81 và khu cao ốc của Vinhomes? Sông vốn giản dị, quen chảy qua bình yên dân dã, chảy làm chi qua phố thị hào nhoáng của đám đại gia, nhà giàu vốn đầy rẫy lòng tham và những trò cướp cạn?
    Qua đó, váy lụa sông Sài Gòn bị gã VIN chặn đường, ngoạm mất một miếng to. VIN lấp sống, xây kè, biến cái lưỡi cày ăn chặn được thành một khu công viên đẹp đẽ. Nó giúp giảm tỉ lệ xây dựng trên quỹ đất của toàn khu vốn đã chật như nêm cối. Không như tuyên bố là thành công viên cảnh quan chung phục vụ toàn thành phố, nó nằm trong khu khép kín, chỉ nhằm tăng giá trị thặng dư đáng kể cho các công trình của VINGROUP. Sang trọng trên bờ, lòng sông bị chọc xương vào ruột, khóc thét. Tàu bè, xà lan qua đó, không chừng có ngày bị lưỡi cày móc thủng, đánh chìm. Và thực tế mới đây thôi, đã có vụ xà lan chở đầy container va đâm, suýt nữa thì chìm. Không hiểu có ai che trời không, báo chí hầu như không ai đề cập.

    Đường Nguyễn Hữu Cảnh, đoạn qua khu dân cư - thương mại - dịch vụ phức hợp của VIN cứ hễ mưa là ngập. Sau mưa con đường bị biến thành một dòng sông khác. E rằng, việc chắn bờ, lấp sông kia không thể vô can. Hàng chục ngàn tỉ ném vào chống ngập cũng công cốc, không cải thiện được chút nào. Thôi thì phải ngập cứ ngập, một Phó Chủ tịch thành phố đã tuyên bố bó tay, mặc nhiên coi đó là một nét...quyến rũ của thành phố hơn 8 triệu con người đang cần bình an, thuận tiện hơn là xa hoa phù phiếm. Ngân sách nhà nước đổ miệng cống, trôi tuồn tuột vào vô ích, trong khi người nghèo khổ vẫn hoàn khổ.

    Bên này bờ sông là Thủ Thiêm nhiều oan khuất. Bờ bên kia thuộc Bình Thạnh dường như cũng muốn cân bằng trong cuộc chạy đua của lòng tham. Chỗ mũi lưỡi cày lấn ra đó khi xưa vốn là đoạn cuối cầu tàu Tân Cảng. Vì nó và cả chục bê bối đất đai khác, một viên tướng, Đô đốc Hải quân vừa mới bị kỷ luật nặng. VIN, đồng tác giả, lẽ nào vô can? Cả các cá nhân, bộ máy đã duyệt quy hoạch, cấp giấy phép cưỡng bức dòng sông nữa. Tất cả đều đồng phạm trong một cuộc hiếp dâm tập thể dòng chảy vốn hiền hòa.

    Một đoạn sông thôi mà hai bờ đều tranh nhau phô diễn sự tham lam khiến trời buồn, đất giận, dân oán. Bờ nào cũng chất đầy củi gộc, không biết khi nào thì đến lượt đút vô lò? Nếu có ngày đó, tôi nghĩ đoạn viết về sông này cũng có thể đưa vào thành đề văn cho một kỳ thi giàu cảm hứng công bằng. Sao lại không? So với dòng Hương chảy da diết, sông Sài Gòn đọng lại trong tâm can, đời người những sâu, những đau, những thét gào, nhức nhối - toàn những phức cảm trái ngược - cũng ám ảnh nào có kém gì?

    Nguyễn Hồng Lam

    (FB Nguyễn Hồng Lam)

    1 nhận xét:

    1. Khi dòng sông Saigon hay bất kỳ dòng sông nào im ắng, sông thật hữu tình và hữu ích cho đời; thế nhưng khi dòng sông ấy bị thay hình đổi dạng bởi con người thì xem chừng dòng sông đã mất đi ít nhiều hay mất hẳn chức năng của nó và sẽ có một ngày nào đó, dòng sông nổi giận hay ... chết yểu!
      Hãy để nó sống như một dòng sông, chứ đừng khai tử nó!

      Trả lờiXóa