Tôi thích cái khái niệm “black
friday” với ý niệm “vất bỏ cái cũ” trong các cuộc tổng biểu tình vào
ngày thứ sáu của người dân Algeria. Tại Hoa Kỳ, “black friday” là tên
gọi của ngày thứ Sáu theo ngay sau ngày lễ Tạ Ơn (Thanksgiving). Đây là
dịp đại hạ giá lớn nhất trong năm của các cửa hàng ở Hoa Kỳ, nhằm để bán
tống, bán tháo một loạt những hàng hóa cũ. Với cái khái niệm vất bỏ cái
cũ, cái già cỗi, cái lỗi thời, người dân Algeria đã chống lại cái quyết
định tiếp tục ra tranh cử của vị Tổng Thống 82 tuổi của họ, người đã bị
tê liệt vì đột quỵ từ năm 2013.
Bắt
đầu từ thứ sáu ngày 22/2/2019, tuổi trẻ và người dân Algeria đã ùa
xuống đường. Con số người tham gia các cuộc biểu tình không chỉ hàng
trăm, hàng ngàn, mà đã lên đến hàng triệu người. Có những khẩu hiệu của
người dân Algeria mà người VN nào khi đọc, cũng thấy chạm vào nỗi xốn
xang của riêng mình: “Bọn họ là lũ cướp, chúng cướp đất nước này”,
“Chúng tôi thức tỉnh rồi, các ông phải trả giá”, “Chúng tôi đã quyết,
Algeria sẽ hồi sinh”, … Và cùng với khẩu hiệu “Hãy cút đi” trên tay, dân
Algeria nói với đám lãnh đạo già nua rằng họ muốn thay đổi. Hãy cút đi
những tập đoàn mafia, hãy cút đi những kẻ tham nhũng, bất tài, tham
quyền cố vị.
Hòa
trong đoàn biểu tình là tuổi trẻ Algeria - lớp người vẫn bị xem thường
là những kẻ đứng dựa tường, vô tích sự, thờ ơ và vô cảm. Có nhìn thấy
khí thế của cuộc biểu tình, người ta mới cảm nhận hết được sức mạnh của
mỗi cá nhân. Vâng! ngày hôm nay tuổi trẻ Algeria không im lặng nữa, họ
đã xuống đường, họ đang góp mặt. Nhìn nét rạng rỡ của họ, tôi chạnh nhớ
đến tuổi trẻ Nhân Văn Giai Phẩm; tôi nhớ những Trần Dần, Phùng Quán,
Nguyễn Hữu Đang và nỗi khát khao trong những câu thơ của Lê Đạt:
Tôi đã sống rất nhiều ngày thảm hại
khôn ngoan không dám làm người
Chưa
biết cuộc cách mạng Algeria sẽ ra sao, nhưng những khẩu hiệu của họ nói
với chúng ta rằng ngày hôm nay họ xuống đường vì nhân phẩm của chính
họ. Và với tôi, như thế đã đủ cho chúng ta nhìn thấy tương lai của
Algeria.
Sự
vĩ đại của một dân tộc không chỉ được đánh giá bằng những mặt nổi của
thành công về kinh tế hay những chiến thắng lẫy lừng về quân sự. Tôi
muốn nói đến cái thâm trầm, sâu lắng, vĩ đại của người dân Hàn Quốc. Mặc
dù có mối thù với Nhật bản vì bị quân phiệt Nhật xâm lược và chiếm
đóng; sau thế chiến thứ hai, lãnh đạo Hàn Quốc đã quyết định lấy sách
giáo khoa của kẻ thù làm kim chỉ nam về giáo dục cho dân mình. Người Hàn
Quốc muốn nền kinh tế của họ phải dựa trên lòng tự hào dân tộc, tính kỷ
luật và đạo đức như người Nhật.
Và
rồi, chỉ sau 4 thập niên, từ những đổ nát của chiến tranh, Hàn Quốc đã
vươn mình trở thành một trong hàng những quốc gia thịnh vượng nhất thế
giới.
Nếu
Nhật và Đại Hàn đặt trọng tâm vào đạo đức con người để phát triển thì
Việt Nam ngược lại. Do sự kiêu ngạo và yếu kém của hàng ngũ lãnh đạo;
bốn thập niên sau chiến tranh, điều đau đớn và đáng tiếc nhất cho đất
nước chúng ta, là sự hủy hoại hoàn toàn các giá trị nền tảng của con
người. Và sức tàn phá của nó thật kinh khủng!
Có
thể nói quá trình dẫn đến một Việt Nam tụt hậu, suy đồi của ngày hôm
nay là do sự suy sụp nhân cách của con người. Đã từ lâu, đa số người
Việt Nam đã tự nguyện từ bỏ các giá trị cá nhân, lòng tự trọng và quyền
lực của bản thân. Thái độ ấy cũng đã tạo nên một tầng lớp thanh niên bơ
vơ, thui chột niềm tin, què quặt lý tưởng. Con em chúng ta ngày nay phấn
khích vì những giá trị kiểu Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền, Phúc XO; đi
bão, nhảy múa, reo hò, tự hào quá mức cho những thành công còn rất giới
hạn so với thế giới.
Sự
thiếu vắng trách nhiệm của người lớn trong một thời gian dài đã góp
phần vào tương lai đen tối của các em. Hãy nói riêng về vụ tham ô trong
ngành giáo dục, vụ nâng khống điểm thi cho con cái cán bộ đã biến những
em học sinh từ học lực yếu kém trở thành thủ khoa các trường đào tạo Sỹ
Quan; biến những kẻ vô đạo đức, năng lực tầm thường thành lãnh đạo. Và
mặc nhiên, các bậc phụ huynh đã cho chúng cái đặc quyền được lãnh đạo
đất nước và các thế hệ con em mình.
Theo
thông tin trên báo chí (xin được tránh nêu tên các em ở đây) năm 2018,
chỉ riêng tại ba tỉnh Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La, vụ gian lận điểm thi
đã đem các em từ học lực cuối lớp trở thành thủ khoa các trường: Sỹ quan
Lục Quân 1, trường Sỹ quan phòng Hóa, trường Học viện Kỹ thuật quân sự.
Tiếp theo là thủ khoa trường Đại Học Sư Phạm Hà Nội. Về Y khoa, có em
còn lọt hẳn vào 1 trong 3 thí sinh có điểm số cao nhất trúng tuyển vào
trường Đại học Y Hà Nội. Sự tha hóa, lũng đoạn đâu chỉ dừng ở cửa công
quyền, nó ảnh hưởng trực tiếp đến giáo dục học đường. Rốt cuộc, chính
con người, chính chúng ta mới là vấn đề của mọi vấn đề. Khi nào chúng ta
thật sự thay đổi, đất nước mới có thể đổi thay.
Gần
nửa thế kỷ sống trong “thảm hại” (chữ của Lê Đạt) người VN mới nhận ra
rằng sống cam chịu không phải là “khôn ngoan”. Đất nước này cần những
con người có trách nhiệm và có tiếng nói. Đã có rất nhiều trí thức VN
lên tiếng,kiến nghị đòi chấn hưng về văn hóa và nhân cách con người. Đặc
biệt trong phiên thảo luận của quốc hội ngày 21/5 vừa qua, một số đại
biểu đã nhắc đến yêu cầu là VN cần có triết lý giáo dục.
Tôi
tin với lòng thành tâm và quyết tâm, ở vị trí nào, người ta cũng có thể
góp phần vào việc thay đổi xã hội. Hãy nói về người tù Ba Sàm Nguyễn
Hữu Vinh. Chỉ trong năm 2017, anh Vinh đã gửi đi tổng cộng 21 kiến nghị,
16 trong số đó đã được giải quyết. Anh đã giúp các tù nhân biết được
các quyền chính đáng của họ như: quyền được tiếp xúc với văn bản pháp
luật, quyền được có tủ sách, quyền được mua văn phòng phẩm bằng tiền lưu
trú,… Những người như Nguyễn Hữu Vinh, Trần Huỳnh Duy Thức, … trong mọi
hoàn cảnh, chưa bao giờ họ buông rơi nhân cách và trách nhiệm của mình.
Đó chính là văn hóa, là triết lý giáo dục Việt Nam.
Ngày
trước khi chế độ đang cực thịnh, khi bạo lực Cộng sản ở vào giai đoạn
hà khắc, tàn bạo nhất, đất nước vẫn có những thanh niên dũng cảm như
Trần Dần, Phùng Quán, Lê Đạt,… Tiếc rằng chỉ kịp đến khi con cái chúng
ta phát cuồng theo các “anh hùng” xăm trỗ Khá Bảnh, Phúc XO, ta mới nhận
ra tuổi trẻ Nhân Văn Giai Phẩm đã không phí hoài. Một thời tuổi trẻ của
họ đã sống qua những thời điểm khắc nghiệt nhất của trù dập và bôi xóa.
Tiếc rằng phải đợi đến khi đạo đức xã hội chạm đáy, chúng ta mới nhớ
tiếc cái văn hóa “không thành công cũng thành nhân” của cha ông mình.
Thế
nên, đừng tìm xem cách mạng Venezuela hay Algeria sẽ đi về đâu mà hãy
hỏi xem mình đang đứng ở đâu trước thực trạng của xã hội và đất nước?
chúng ta sẽ làm gì trước cái tương lai đầy bóng đêm của con em mình? …
Từ một góc độ giới hạn, người tù Ba Sàm còn có thể tạo đổi thay. Liệu
chúng ta có sẵn sàng, để từ chỗ đứng của mình, ngăn chận những cái xấu,
cái ác, cho điều thiện lương được nở rộng?
Tôi
đã nhìn thấy cái khái niệm “black friday” của người dân VN ở những trạm
BOT. Tôi cũng nhìn thấy qua thái độ của thầy giáo trẻ Nguyễn Năng Tĩnh
trước những ánh mắt hướng lên thầy. Họ đang vất bỏ cái cũ kỹ, vất bỏ cái
lỗi thời, vất bỏ những năm tháng cam chịu bằng sự có mặt của chính
mình. Khi chúng ta đã quyết, chính chúng ta sẽ hồi sinh.
Tôi
nghĩ đến những trận đòn và các vết bầm trên người của Nguyễn Văn Hóa
trong những ngày bị biệt giam ở trại giam An Điềm. Hình như Hóa bị đánh
nhiều lắm. Tôi nghĩ đến Trần Hoàng Phúc, Phan Kim Khánh, Hoàng Đức Bình,
Nguyễn Văn Oai, … tôi nghĩ đến những tiếp nối và sự mạnh mẽ của họ mà
xúc động. Bất chợt thấy thấm thía những câu thơ của Rudyard Kipling
Nếu con có thể bình tâm khi mà tất cả
Hết thảy kinh hoàng và đổ lỗi cho con
Thì thế giới này sẽ là của con, cùng tất cả những gì trong đấy
Và – quan trọng hơn – con trai, con là một con người.
(IF - Rudyard Kipling)
Nguyệt Quỳnh
(Tin tức Hàng ngày)
Không có nhận xét nào