Header Ads

  • Breaking News

    Ưu tiên hợp tác kinh tế của Mỹ trong chiến lược mới ở châu Á

    Mỹ sẽ tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng và đảm bảo an ninh năng lượng cho các nước đối tác trong khuôn khổ chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mở và tự do thông qua việc thúc đẩy các doanh nghiệp tư nhân Mỹ đầu tư vào khu vực này trên nguyên tắc ‘công bằng và tự do’, các quan chức Mỹ cho biết ở một diễn đàn mới đây ở thủ đô Washington D.C. Và sự hợp tác kinh tế mang tính chất mở cho mọi quốc gia, kể cả Trung Quốc, miễn là nước này tuân thủ những chuẩn mực cao trong giao thương và đầu tư mà Mỹ yêu cầu.

    Vai trò của Mỹ trong xây dựng, khai thác khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương
    Các quan chức liên quan của Mỹ đã đưa ra những bình luận vừa kể tại một buổi hội thảo có chủ đề ‘Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mở và tự do ở đông nam Á: Báo cáo về tình trạng của các trụ cột kinh tế’ do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) tổ chức hôm 18/6.

    Cách đây gần một năm, vào tháng 7 năm 2018, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã công bố các sáng kiến năng lượng và cơ sở hạ tầng trị giá 113 triệu đô la Mỹ để hiện thực hóa Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mở và tự do. Trong đó, gần 50 triệu đô la được dành cho chương trình Asia EDGE, một ý tưởng thúc đẩy an ninh năng lượng và xây dựng thị trường năng lượng cho khu vực, vào 30 triệu dành để tiếp sức cho đầu tư cơ sở hạ tầng ở các nước đối tác của Mỹ.

    Bên cạnh đó, tháng 10 năm ngoái, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký ban hành đạo luật BUILD vốn nhằm để tăng gấp đôi năng lực tài chính phát triển của chính phủ Mỹ lên 60 tỷ đô la để hỗ trợ cho các doanh nghiệp tư nhân Mỹ đầu tư vào các cơ hội chiến lược ở nước ngoài.

    ‘Không loại trừ ai’

    “Tầm nhìn của Mỹ về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được xây dựng dựa trên những nguyên tắc được chia sẻ rộng rãi trên khắp khu vực thông qua đảm bảo tự do vùng biển và vùng trời, giúp cho các nước có chủ quyền không bị cưỡng ép từ bên ngoài, thúc đẩy các nguyên tắc kinh tế dựa trên thị trường, môi trường đầu tư mở, thương mại công bằng và có qua có lại, hỗ trợ quản trị tốt và tôn trọng các quyền cá nhân,” bà Sandra Oudkirk, quan chức cao cấp của Bộ Ngoại giao vừa được bổ nhiệm làm đại diện của Mỹ ở APEC, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, phát biểu trong bài diễn văn chủ đề tại buổi hội thảo.

    Bà nhắc lại Tổng thống Trump từng khẳng định ở Việt Nam rằng khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ‘nằm trong số những ưu tiên quan trọng nhất của Mỹ’.

    “Hợp tác với các nước đối tác và các định chế khu vực như ASEAN và APEC là then chốt. Sự ủng hộ đối với tính trung tâm của Asean là hòn đá tảng trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của chúng tôi,” bà nói và nhắc lại lời Ngoại trưởng Pompeo rằng APEC là ‘hòn đá tảng trong trụ cột kinh tế của chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương’.

    “Chiến lược của chúng tôi mang tính hội nhập. Như Ngoại trưởng Pompeo đã nói nhiều lần rằng tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương không loại trừ bất cứ quốc gia nào,” bà Oudkirk nói với ẩn ý rõ ràng nhằm vào Trung Quốc. “Chúng tôi cố gắng làm việc với bất cứ ai để thúc đẩy khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mở và tự do.”

    “Miễn là sự hợp tác đó tuân thủ những chuẩn mực cao nhất rằng những người dân chúng ta đòi hỏi tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương không phải là quan niệm của chỉ riêng nước Mỹ mà là được nhiều quốc gia trong khu vực chia sẻ,” bà nói thêm.

    Bà cho biết chiến lược của Mỹ cũng như của các nước đồng minh và đối tác của Mỹ trong khu vực đều đi theo cam kết là ‘đề cao trật tự dựa trên luật lệ’. Bắc Kinh thường bị Mỹ chỉ trích là tìm cách phá hoại trật tự dựa trên luật lệ nhất là với các hành động mạnh bạo của họ trên Biển Đông.

    Nguồn vốn khổng lồn cho cơ sở hạ tầng

    Về vấn đề xây dựng cơ sở hạ tầng mà Trung Quốc đã tranh thủ lôi kéo các nước thông qua Ý tưởng Vành đai-Con đường, bà Oudkirk thừa nhận rằng các quốc gia đang phát triển trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cần đến 1.700 tỷ đô la tiền đầu tư vào cơ sở hạ tầng mỗi năm.

    “Không có bất kỳ chính phủ đơn lẻ nào có số tiền lớn như vậy,” bà nói. “Đó là lý do tại sao chiến lược của chúng tôi tìm cách tạo ra những điều kiện cần thiết để khai thác nguồn lực đầu tư từ khu vực tư nhân.

    Bà dẫn số liệu của một công ty tài chính cho biết các trung tâm tài chính trên thế giới đang tích trữ số vốn lên đến 70.000 tỷ đô la Mỹ và số tiền này đang tìm kiếm các cơ hội đầu tư sinh lợi.

    “Chúng tôi tin rằng tầm nhìn kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của chúng tôi có thể bắc cầu giữa nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng và nguồn vốn hiện có,” bà nói và cho biết khu vực tư nhân ‘là một trong những điểm mạnh lớn nhất của Mỹ’ và rằng ‘không có ai đầu tư vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhiều bằng các doanh nghiệp Mỹ’.

    Bà dẫn ra số liệu cho thấy đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Mỹ đã tăng gấp đôi trong khoảng thời gian 10 năm từ năm 2007 cho đến 2017, đạt mức 940 tỷ đô la. Ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đầu tư trực tiếp của Mỹ đã hỗ trợ 5,1 triệu việc làm trong năm 2016.

    An ninh năng lượng

    Về lĩnh vực năng lượng, trong khuôn khổ chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mở và tự do, Mỹ có chương trình Asia EDGE (viết tắt từ tiếng Anh là Enhancing Development and Growth through Energy – có nghĩa là Thúc đẩy Phát triển và Tăng trưởng thông qua Năng lượng) nhằm để phát triển năng lượng bền vững và các thị trường năng lượng ổn định trên khắp khu vực.

    “Asia EDGE hướng đến củng cố an ninh năng lượng cho các đồng minh và đối tác của chúng tôi, tạo ra những quy định cởi mở và hiệu quả dựa trên các thị trường năng lượng minh bạch, cải thiện mối quan hệ thương mại năng lượng tự do, công bằng và có qua có lại và mở rộng quyền sử dụng năng lượng đáng tin cậy với giá cả vừa phải cho khắp khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương,” bà Oudkirk phát biểu.

    Theo đó, chương trình Asia EDGE cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật để giúp các nước nâng cấp môi trường quy định và các quy trình thủ đắc liên quan đến năng lượng, tận dụng các nguồn vốn tư nhân cũng như nguồn quỹ phát triển của chính phủ để giúp các nước xây dựng các lưới điện thông minh và cơ sở hạn tầng năng lượng hiện đại.

    Bà Oudkirk đã đề cập đến chương trình ITAN của Mỹ dành cho năng lượng trong khu vực (từ viết tắt tiếng Anh của Infrastructure transaction and Assistance Network – tức Mạng lưới Hỗ trợ và Giao dịch Cơ sở Hạ tầng). Đây là chương trình nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng cho vùng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mà bà nhấn mạnh là ‘chất lượng cao và bền vững’.

    Bà đưa ra những ví dụ về những thành công của các chương trình này như chương trình đối tác điện hóa cho Papua New Guinea trong khi giúp cho nước này tránh ‘gánh nặng nợ nần không bền vững’, chương trình của Cơ quan Viện trợ Mỹ USAID giúp chính phủ Việt Nam thực hiện kế hoạch phát triển năng lượng và thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân.

    Nhật Bản cũng đã dành ra 10 tỷ đô la để cấp vốn cho chương trình Asia EDGE để kích thích đầu tư vào các dự án của khu vực tư nhân, bà cho biết. Còn ở Philippines, Mỹ đã hỗ trợ cho chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng đầy tham vọng của nước này vốn được gọi là chương trình ‘Build, Build, Build’ tức ‘Xây dựng, Xây dựng, Xây dựng’.

    Trong khuôn khổ Luật BUILD mà Tổng thống Trump ký ban hành hồi năm ngoái, Cơ quan Tín dụng Phát triển của Mỹ đã được cải cách thành Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Mỹ (International Development Finance Corporation hay viết tắt là DFC). Cơ quan này sẽ chính thức ra mắt vào ngày 1/10 năm nay, bà Oudkirk cho biết.

    DFC sẽ có khả năng cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật và tiến hành các nghiên cứu khả thi để thúc đẩy sự can dự tốt hơn của các doanh nghiệp Mỹ vào giai đoạn ban đầu của các dự án.

    Riêng về khai thác năng lượng trên Biển Đông, bà Oudkirk nói rằng ‘nước Mỹ có chính sách mạnh mẽ trong nhiều thập niên qua rằng các nước phải được khai thác và sản xuất tất cả các tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế của họ cho dù đó là nguồn lợi hải sản hay dầu khí’.

    Ông Brian Churchill, cố vấn cao cấp của Tập đoàn Đầu tư Tư nhân Hải ngoại (OPIC), cho biết DFC sẽ có chức năng cấp vốn cho các dự án riêng lẻ như các dự án năng lượng gió hay năng lượng mặt trời, bảo hiểm về rủi ro chính trị cho các doanh nghiệp làm ăn ở các nước bất ổn và hỗ trợ tài chính cho các khoản nợ cho đến quỹ đầu tư cổ phần cá nhân.

    Ông khẳng định rằng các dự án của các doanh nghiệp Mỹ trong khu vực sẽ ‘không xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của các quốc gia bên ngoài’, ‘được xây dựng bền vững’, ‘minh bạch từ đấu thầu cho đến vận hành và bảo trì’, ‘tính đến các tác động môi trường’, ‘cố gắng tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương nhiều nhất có thể’.

    Những chuẩn mực mà ông Brian đưa ra tương phản với các dự án đầy tai tiếng trong khuôn khổ Ý tưởng Vành đai-Con đường của Trung Quốc vốn bị cáo buộc là ‘không minh bạch,’ ‘tham nhũng,’ ‘gây ô nhiễm môi trường,’ ‘không đem lại lợi ích cho lao động địa phương,’ và ‘không bền vững vì gây gánh nặng nợ nần.’

    (VOA) 

    Không có nhận xét nào