Ngày 30/5/2019 Đại biểu Quốc hội Lưu
Bình Nhưỡng đã có phát biểu 'khác biệt' tại kỳ họp 7 Quốc hội khoá 14.
Ông không ít lần 'gây bão' trên nghị trường, nhưng lần này ông có cảm
nhận khác, rằng ông đã nói ra điều "… rất động chạm, nhưng vì lương tâm,
trách nhiệm của ĐBQH trước nhân dân, tôi xin được phép chịu rủi ro
này…".
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng được chú ý nhiều trong các lần phát biểu tại Quốc hội. |
Bài phát biểu được truyền hình trực tiếp và nội dung sẽ được tóm tắt dưới đây.
'Không có chỉ đạo từ trên'
Tình
trạng tham nhũng và các bực xúc xã hội khiến cho người dân giảm niềm
tin vào chế độ. Chiến dịch chống tham nhũng khiến cho họ hiểu rằng
nguyên nhân của tình hình là sự tha hoá của đội ngũ cán bộ lãnh đạo. Bất
kể một tín hiệu về sự trừng phạt quan tham đều thu hút được sự chú ý
của dân chúng.
Dân
chúng có phản xạ suy đoán rằng mỗi khi Đảng chuẩn bị xử lý cán bộ lãnh
đạo biến chất cụ thể nào trong chiến dịch chống tham nhũng thì truyền
thông thường có thể được sử dụng như một công cụ dọn đường dư luận.
Tuy
nhiên lần này, bài phát biểu của ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng làm tăng sự nghi
ngờ từ công luận, khi các báo giấy và mạng của nhà nước có vẻ 'lờ đi' sự
việc này.
Dư
luận thì thầm rằng 'không có chỉ đạo từ trên', và nếu là ý kiến riêng,
thì vị 'nghị sĩ' này có thể gặp rắc rối với 'cấp trên' hoặc có thể chịu
rủi ro về đạo đức.
Nội dung bài phát biểu dài của ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng được ghi lại trong một 'videoclip' dài hơn 6 phút có thể tóm lược như sau:
-Trước
nhiều bức xúc trong xã hội người dân 'không còn niềm tin' với một số
lãnh đạo, 'cơ quan đơn vị' về cách giải quyết và xử sự của họ;
-Suy thoái về đạo đức và lối sống của họ là nguyên nhân của tình trạng 'trên bảo dưới không nghe';
-Một
số cán bộ lãnh đạo 'xử lý vấn đề đại biểu quốc hội đề nghị' 'rất hình
thức, qua loa' 'thì nhân dân 'thấp cổ bé họng' còn biết trông cậy vào
đâu!'
-Đề
xuất 'Quốc hội tổ chức giám sát chất lượng cán bộ' và 'đề nghị cán bộ
công chức sai phạm, không được nhân dân tín nhiệm, dư luận lên án nên tự
xử để gỡ gạc một chút danh dự, không nên tham quyền cố vị khi người dân
không còn tôn trọng'.
Video
ghi lại lời phát biểu của ông Lưu Bình Nhưỡng là khá 'gay gắt', song dù
sao vị ĐBQH đã cố gắng sử dụng diễn đàn để phản ánh hiện tình bộ máy
cán bộ và sự bất bình của người dân. Hơn thế, những giải pháp đề xuất
cũng mang tính chất 'xây dựng'.
Tuy
nhiên, đại bộ phận các đại biểu quốc hội là đảng viên cộng sản, nhiều
người trong số họ giữ các cương vị, chức vụ cao trong bộ máy đảng và nhà
nước, họ sẽ nghĩ và biểu lộ thái độ thế nào?
Quốc
hội giám sát công tác cán bộ của chính phủ là công việc khó khăn. Hơn
thế, với tư cách là đại biểu quốc hội, thành viên trong hệ thống chính
trị ông có thể gặp rắc rối với những lời phát biểu hoặc bị phán xét về
mặt đạo đức?
Có thể gặp rắc rối?
Truyền
thông của nhà nước 'không đồng tình' được hiểu là Đảng 'không hài
lòng', nghĩa là 'có vấn đề'. Nhưng với nội dung của bài phát biểu này
thì việc chỉ trích công khai không phải là lựa chọn.
Trong
trường hợp này sự rắc rối có thể là các hình thức xử lý nội bộ tổ chức
đảng, mà không công khai, có thể là nhắc nhở hay kiểm điểm rút kinh
nghiệm - giải pháp mang tính đức trị.
Đảng lãnh đạo toàn diện, đứng trên nhà nước là đặc trưng xuyên suốt của chế độ chính trị hiện hành.
Từ
những ngày đầu giành được độc lập thế hệ khai quốc công thần chưa rõ
ràng việc dùng luật pháp để cai trị đất nước do ảnh hưởng của "văn hóa
phản kháng" với mục tiêu của họ là lật đổ chính quyền thực dân cùng với
các chủ thuyết, triết lý của chính quyền đó, bao gồm việc tôn trọng luật
pháp, dùng luật pháp làm công cụ quản lý xã hội. Điều đó phần nào giải
thích vì sao các nhà lãnh đạo khi đó, và cho đến hiện nay, chọn 'đức
trị' nhiều hơn là 'pháp trị'.
Hệ
thống chính trị đã và đang chuyển từ 'pháp chế XHCN' sang 'nhà nước
pháp quyền XHCN' do sự ảnh hưởng của mô hình xô viết trước đây.
Khái
niệm 'pháp chế xã hội chủ nghĩa' cùng bốn nguyên tắc chủ yếu. Đó là
'đảng lãnh đạo'; luật pháp thể hiện ý chí của giai cấp thống trị'; chính
sách đảng cao hơn luật; và cá nhân phục tùng tập thể.
Nay
đã sửa đổi, bổ sung. Theo chủ thuyết cai trị 'nhà nước pháp quyền XHCN'
được ghi nhận chính thức vào Hiến pháp 2013, nhà nước dựa trên luật
pháp được tách ra tương đối khỏi đảng cầm quyền. Đảng cầm quyền có thể
đặt ra các mục tiêu kinh tế - xã hội, còn nhà nước thì thực hiện các mục
tiêu đó trên cơ sở tuân thủ hiến pháp của chính nó, và dùng luật pháp
để quản lý hiệu quả đất nước.
Đảng
CS Việt Nam vận hành theo điều lệ đảng, nhưng không nhất thiết bị ràng
buộc bởi hiến pháp trong trường hợp hiến pháp và điều lệ đảng mâu thuẫn.
Và nhà nước pháp quyền đó phải kiên định ý thức hệ chủ nghĩa xã hội.
Đây là một trong những cơ sở cho việc ưu tiên sử dụng công cụ đức trị
đối với những vấn đề nội bộ của đảng.
Về
nguyên lý, Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam được Hiến
pháp công nhận là cơ quan lập pháp, quyền lực cao nhất, nhưng vẫn nằm
trong khuôn khổ hệ thống chính trị 'đảng lãnh đạo toàn diện'.
Đại
biểu Lưu Bình Nhưỡng là một phần của hệ thống, ông buộc phải tuân theo
'nguyên tắc vận hành' của hệ thống này. Ông phải đặt lợi ích của tổ chức
lên trên bản thân. Ngược lại, ông có thể gặp rắc rối.
Rủi ro đạo đức?
Rủi
ro đạo đức nảy sinh khi ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng có thể được cho là đã 'sử
dụng tình huống diễn đàn' để diễn đạt với lời lẽ bức xúc thái quá, mặc
dù ông có nêu tính đại diện cho cử tri và các kiến nghị gửi đến các cơ
quan chức năng, các vị bộ trưởng, trưởng ngành…
Cái
cách ông mô tả, được truyền hình trực tiếp rằng 'cán bộ cao cấp' mà
'sống như thái tử, hoàng tử như là chúa rừng xanh, thái độ như là tuần
phủ, tri phủ, chánh tổng', 'lợi dụng chức vụ vun vén đủ thứ, từ học hàm
học vị, bằng cấp, sắp xếp bộ máy toàn cánh hẩu, đệ tử, sống xa hoa, thậm
chí thâu đêm, đi nước ngoài ăn chơi bằng tiền ngân sách' không chỉ
'đụng chạm' mà còn làm nảy sinh rủi ro đạo đức cho bản thân.
Ông
có thể bị phán xét về mặt đạo đức, kiểu như 'ăn cây nào rào cây đó'
hoặc ông là một phần của hệ thống, nên chắc ông góp phần và 'sự yếu kém'
của hệ thống đó. Ông không có quyền lên tiếng, 'gay gắt' phê phán hệ
thống này…
Gần
đây các cử tri nhận thấy mặc dù chất lượng các đại biểu quốc hội chưa
đồng đều, nhưng không khí thảo luận trên nghị trường đã cởi mở hơn. Ngày
càng có nhiều hơn ý kiến thẳng thắn, tranh luận, các câu hỏi chất vấn
'trúng vấn đề' và yêu cầu giải trình trách nhiệm. Đó là tiền đề để giảm
bớt những phán xét về đạo đức chung chung, thay vì pháp lý chính xác.
Theo
tôi, những cá nhân nêu các ý kiến về những vấn đề cố hữu bên trong hệ
thống nên được khuyến khích thay vì phán xét về mặt 'lập trường, quan
điểm' hay đạo đức. Hơn thế, trên diễn đàn quốc hội những ý kiến như vậy
giúp mọi người bên ngoài và bên trong hệ thống nhìn ra vấn đề thực chất
hơn.
Trong
các chế độ dân chủ ở những nước có tam quyền phân lập và tự do báo chí,
thì những phát biểu kiểu như của vị nghị sỹ kia sẽ được phản ánh đa
chiều, nhưng sẽ không làm ông ta cảm thấy có rắc rối và rủi ro đạo đức.
Giá
như ở nước ta có các điều luật, án lệ, cơ chế hữu hiệu hơn nhằm bảo vệ
quyền lợi những người, những ý kiến dũng cảm lên tiếng tiết lộ các hành
vi sai trái, phạm pháp của chính các hệ thống, tổ chức, hay đơn vị mà họ
là thành viên. Điều đó giúp nhà nước phát hiện và trừng phạt các hành
vi phạm pháp, ảnh hưởng đến quyền lợi chung của các cơ quan, đơn vị.
Đó sẽ là một giải pháp trung gian cần cân nhắc trong thể chế hiện hành.
Phạm Quý Thọ
Gửi tới BBC từ Hà Nội
(BBC)
Không có nhận xét nào