Header Ads

  • Breaking News

    Hồng Kông: Phong trào đấu tranh dân chủ rơi vào bẫy bạo lực

    Cuộc khủng hoảng làm rung chuyển Hồng Kông từ nhiều tuần nay vì dự luật dẫn độ về Trung Quốc đã tăng thêm một nấc với cảnh tượng hỗn loạn bạo lực hôm qua : Một nhóm người biểu tình chống Bắc Kinh đã tràn vào đập phá trụ sở Nghị Viện Hồng Kông (LegCo) trong suốt nhiều giờ đồng hồ sau cuộc biểu tình phản kháng chính quyền nhân kỷ niệm 22 năm vùng đất được trả lại cho Trung Quốc trong quy chế bán tự trị.

    Cảnh sát đứng gác trước tòa nhà nghị viện, bi người biểu tình tràn vào đập phá tối 01/07/2019.
    Cuộc tuần hành lớn quy tụ hơn nửa triệu người tham gia, cũng như nhiều cuộc tập hợp đòi dân chủ khác trước đây, ban đầu đã diễn ra ôn hòa. Thế nhưng, về cuối ngày, các hành động bạo lực bắt đầu xuất hiện. Lác đác trong hành trình tuần hành đã nổ ra các xô xát nhỏ với cảnh sát. Bạo lực thực sự bùng phát khi một nhóm người biểu tình trẻ tràn vào Nghị Viện. Cảnh sát đã khôn khéo rút ra để mặc những thanh niên bịt mặt xông vào tòa nhà, tự do đập phá trong nhiều tiếng đồng hồ, trước khi họ trở lại vào nửa đêm, đẩy người biểu tình ra khỏi toà nghị viện không mấy khó khăn bằng hơi cay và dùi cui. Những hình ảnh người biểu tình trẻ bịt mặt đập phá Nghị Viện được phát trực tiếp trên truyền hình ra khắp thế giới.

    Sau cả tháng trời tập hợp cả triệu người biểu tình đòi hủy bỏ dự luật dẫn độ, cuộc đấu tranh của người dân Hồng Kông tự trị mới gần đi tới đích. Chính quyền đã phải lùi bước tạm hoãn thông qua nhưng không hủy hẳn dự luật. Thất vọng trước thái độ khăng khăng của chính quyền, một nhóm người biểu tình chọn mục tiêu tấn công là trụ sở cơ quan lập pháp LegCo, mà họ coi là biểu tượng cho sự áp chế chính trị của Bắc Kinh đối với đặc khu hành chính.

    Trước bức tường câm lặng của chính quyền đặc khu, người đấu tranh cảm thấy bất lực, cần phải hành động mạnh mẽ để được lắng nghe, được lưu tâm và để duy trì phong trào. Dường như do thiếu sự tổ chức lãnh đạo nên một nhóm khoảng một trăm người biểu tình quá khích đã rơi vào « cái bẫy » đã được chính quyền giăng sẵn.

    Từ khi mảnh đất thuộc địa cũ của Anh được trả về cho Trung Quốc dưới quy chế bán tự trị, đã có nhiều phong trào đấu tranh của người Hồng Kông đòi quyền tự quyết, tự trị, chống lại sự lũng đoạn, áp đặt chính trị của Bắc Kinh, nhưng bạo lực chưa bao giờ được ủng hộ, cổ vũ và cũng chưa bao giờ xảy ra dữ dội như lần này.

    Chính quyền trung ương Bắc Kinh luôn coi các phong trào dân chủ như vậy ở Hồng Kông là những cái gai cần phải nhổ, nhưng lại không thể sai khiến chính quyền địa phương trấn áp thẳng tay như ở Hoa Lục, nơi đã có 70 năm dưới chế độ cộng sản toàn trị. Một trong những lý do là vì các cuộc biểu tình của người Hồng Kông diễn ra ôn hòa. Ngay cả phong trào Dù vàng Occupy Central năm 2014 đòi quyền bầu trực tiếp lãnh đạo đặc khu, kéo dài cả tháng phong tỏa trung tâm thành phố, nhưng không hề bộc phát bạo lực từ người biểu tình.

    Những hành động bạo lực của người biểu tình hôm qua ở tòa nhà Nghị Viện không chỉ làm xấu đi hình ảnh của phong trào đấu tranh bền bỉ đòi dân chủ của người Hồng Kông, mà còn cho thấy người biểu tình không thống nhất về chiến thuật và mục tiêu đấu tranh bằng đối thoại.

    Nhiều nhà quan sát nhận định cuộc tấn công của người biểu tình vào Nghị Viện không phải là hành động « khôn ngoan hay cần thiết », mà nó chỉ càng làm cuộc đấu tranh của người Hồng Kông trở nên phản tác dụng. Chính quyền Hoa lục có thêm cơ hội áp đặt kiểm soát chặt hơn nữa hòn đảo, trong khi uy tín, của phong trào dân chủ ôn hòa đã bị tổn hại nặng nề.

    Chẳng thế mà ngay sau vụ đập phá LegCo, Bắc Kinh đã lên tiếng bóng gió đề nghị chính quyền đặc khu « điều tra hình sự những thủ phạm gây bạo lực ». Nhà nghiên cứu chính trị Jean-Pierre Cabestan, thuộc Đại học Baptiste Hồng Kông, được báo le Courrier International trích dẫn, nhận định : « Giờ đây, Bắc Kinh có một cớ rất để không khoan nhượng » với phong trào dân chủ Hồng Kông. Trong những ngày tới, nếu chính quyền đặc khu hành chính có trấn áp mạnh tay các nhà hoạt động dân chủ ở Hồng Kông thì cũng không có gì là bất ngờ.

    Anh Vũ 

    (RFI)

    1 nhận xét:

    1. Không có cuộc đấu tranh nào mà không đổ máu, cho nên con đường đấu tranh của giới trẻ và người dân Hồng Kông cũng không đi ra ngoài "luật lệ bất thành văn" ấy, chỉ có điều là thời điểm nào thì thích hợp và đúng để chuyển từ giai đoạn "đấu tranh bất bạo động sang đấu tranh bạo động" mà thôi.
      Đây là thời điểm đúng cho Hồng Kông vì càng để lâu cứt trâu sẽ hóa bùn! Thời gian Hồng Kông bị TC đô hộ một cách khôn khéo, quỷ quyệt đã đủ rồi, đừng để đợi đến lúc tù nhân bị còng tay và nhốt vô trại tù thì mới biết mình là tù nhân!

      Trả lờiXóa