Header Ads

  • Breaking News

    Vì sao báo chí Nhà nước chậm đưa những tin nóng?

    Tại buổi góp ý vào báo cáo đánh giá kỳ họp thứ 7 của các đại biểu Quốc hội diễn ra hôm 16/7/2019 tại Hà Nội, Phó chủ tịch Quốc hội, ông Uông Chu Lưu nhận định: Tình hình đất nước, xã hội bao nhiêu chuyện đang diễn ra, đang có những vấn đề rất nóng, nhưng báo cáo vẫn êm ả, lạc quan quá!
     
    Báo Sài Gòn giải phóng, một tờ báo của Nhà nước.
    Những vấn đề ‘nóng’ không được phản ánh!

    Không chỉ trong báo cáo của Quốc Hội, mà trên thực tế lâu nay nhiều chuyện nóng trong xã hội không được báo chí chính thống loan tin kịp thời, chính xác. Đơn cử như việc người dân khiếu kiện tại ngay thủ đô Hà Nội; những vụ cưỡng chiếm đất đai phi pháp như  vụ chính quyền quận Tân Bình, TP.HCM cưỡng chế khu đất vườn rau Lộc Hưng trong hai ngày 4 và 8 tháng 1 năm 2019, mà cư dân nơi đây cho là trái pháp luật; đợt biểu tình của người dân chống hai dự luật đặc khu và an ninh mạng vào tháng 6 năm ngoái; đợt biểu tình chống Trung Quốc gây hấn với Việt Nam năm 2011, 2012 sau các sự kiện tàu Trung Quốc cắt cáp, tấn công và đe dọa tàu dân sự Việt Nam tại vùng biển mà Việt Nam tuyên bố thực thi chủ quyền và quyền chủ quyền.

    Gần đây nhất là vụ tàu hải giám Trung Quốc đụng độ tàu cảnh sát biển Việt Nam ở bãi Tư Chính, nơi Việt Nam có nhà giàn DK1 do Tiểu đoàn DK1 trực thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân kiểm soát. Thông tin này được mạng báo Bưu điện Hoa Nam Buổi Sáng (South China Morning Post - SCMP) đăng tải vào chiều 12/7/2019.

    Theo SCMP, cuộc đối đầu có thể dẫn đến đụng độ lớn nhất trên Biển Đông trong vòng 5 năm trở lại đây và có thể kích động làn sóng chống Trung Quốc chưa từng thấy ở Việt Nam kể từ vụ giàn khoan Hải Dương 981 kéo vào vùng biển nước này.

    Trong khi đó báo chí Việt Nam hôm 11/7/2019 chỉ đưa tin Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm và làm việc với Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, thăm hỏi, trò chuyện và động viên cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên biển thông qua truyền hình trực tuyến. Bên cạnh đó là những bản tin với hình ảnh bà chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân bắt tay với những lãnh đạo Trung Quốc trong chuyến thăm từ ngày 8 đến ngày 12 tháng 7…

    Nhà báo Minh Hải cho biết lý do báo trong nước không đưa tin sự việc đang xảy ra tại bãi Tư Chính là vì cơ chế, vì báo chí Việt Nam chịu sự chỉ đạo từ xa. Ông nói:

    Thực sự báo chí ở Việt Nam - báo chí cách mạng - là từ chỉ đạo. không có tờ báo nào không bị chỉ đạo cái gì được đăng, cái gì không. Ví dụ như tại sao những sự kiện xảy ra ở Biển Đông như tàu hải giám Trung Quốc đối đầu tại bãi Tư Chính là vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam được quốc tế công nhận chứ không phải trong vùng tranh chấp, mà sao không báo nào được đăng! Nó có sự chỉ đạo rõ ràng.

    Với tư cách người làm báo thì ai cũng ấm ức. Thà mình không làm báo và không biết tin tức. Quyền lợi và sự tự hào của người Việt ở đâu mà không được đăng?!”

    Biết rằng báo chí phải có tính phản biện. Trách nhiệm và lương tâm nhà báo không cho phép họ im lặng, nhưng vì ‘miếng cơm, manh áo’mà họ đành phải im lặng.

    Có một số nhà báo không thể im lặng được thì họ lên tiếng trên mạng xã hội, trên facebook cá nhân của mình. Nhà báo Đường Văn Thái nói thêm về điều này:

    Vừa qua báo chí bị buộc phải im lặng nhưng có một số các nhà báo “lề đảng” nhưng có lương tâm nghề nghiệp cũng lên tiếng gay gắt trên mạng xã hội. Đồng thời cũng có những nhà báo được ban tuyên giáo chỉ đạo để hướng dư luận.

    Lên tiếng chung chung

    Sau bao nhiêu ngày im lặng, vào chiều ngày 16/7/2019, trả lời câu hỏi của một số phóng viên trong và ngoài nước liên quan đến diễn biến gần đây ở Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển ở Biển Đông, được xác định theo đúng các quy định của Công ước Liên hợp quốc về luật Biển 1982.

    Bà Hằng không đề cập cụ thể sự việc ở bãi Tư Chính mà chỉ nói chung chung là “Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam đã và đang thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán một cách hòa bình, đúng pháp luật nhằm bảo vệ vùng biển Việt Nam”.

    Trước đó bốn ngày, SCMP loan tin dẫn đoạn Tweet của ông Ryan Martinson - Trợ lý giáo sư tại Trường Hải Chiến Mỹ cho hay, hôm 3/7/2019, tàu thăm dò dầu khí Trung Quốc mang tên Haiyang Dizhi 8 (Marine Geology 8) đã đi vào vùng biển gần rạn san hô do Việt Nam kiểm soát để thực hiện một cuộc khảo sát địa chấn.

    Ông Ryan Martinson đăng tải ảnh chụp màn hình về thông tin theo dõi dữ liệu tàu trong một Tweet hôm 11/7/2019 chỉ ra, khu vực trên có sự xuất hiện của các tàu hộ tống tàu thăm dò Trung Quốc gồm tàu bảo vệ bờ biển vũ trang 12 ngàn tấn số hiệu 3901 mang theo trực thăng và tàu 2.200 tấn số hiệu 37111.

    Nhà báo Đường Văn Thái, người từng có thời gian làm việc tại Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu ý kiến của mình:

    Việt Nam luôn luôn bị sự lệ thuộc của Trung Quốc, nên khi chưa có sự chỉ đạo của Bộ Chính trị thì phải im lặng. Mang tiếng là người phát ngôn của Bộ Ngoại Giao nhưng bà Hằng cũng chỉ lên tiếng theo sự chỉ đạo thôi. Đây là vấn đề cực kỳ nhạy cảm, ngay cả ông Võ Văn Thưởng cũng phải theo quyết định của Bộ Chính trị, thế nên báo chí cũng im lặng.

    Theo nhà báo này, các vấn đề nóng khác thì ông Võ Văn Thưởng có thể quyết được nhưng vấn đề liên quan Trung Quốc thì phải do Bộ Chính trị quyết định.

    Chính các vị lãnh đạo như đương kim Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đều từng thừa nhận báo chí nhà nước chậm hơn mạng xã hội về việc thông tin.

    Tuy nhiên với cách thức quản lý của đảng và nhà nước như hiện nay đối với quyền tự do ngôn luận thì mọi vấn đề nóng của xã hội khó có thể được công khai kịp thời, chính xác đến cho toàn xã hội.
     
    Diễm Thi
     
    (RFA) 

    Không có nhận xét nào