Header Ads

  • Breaking News

    Báo Hàn Quốc: Trung Quốc “yêu hòa bình” đã quân sự hóa Biển Đông

    Báo chí Hàn Quốc ít khi nói đến Biển Đông. Nhưng trong số ra ngày 27/08/2019, trang mạng báo Korea Times đã đăng nhận định của ông Vishnu Prakash, nguyên đại sứ Ấn Độ tại Hàn Quốc, vạch trần thái độ hai mặt của Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông, luôn lớn tiếng khoe mình là một nước yêu chuộng hòa bình, nhưng trong hành động thì lại dùng sức mạnh quân sự đi chèn ép các láng giềng.

    Một chiếc tàu hải cảnh Trung Quốc (P) sử dụng vòi rồng tấn công tầu hải cảnh Việt Nam trên Biển Đông, gần quần đảo Hoàng Sa. Ảnh chụp ngày 03/05/2014.
    Bài viết mang tựa đề hết sức châm biếm: “Biển Đông bị quân sự hóa dưới tay Trung Quốc ‘yêu hòa bình’ - Militarization of South China Sea by 'peace-loving' China”.

    Bài viết trước hết nêu bật lập luận chính thức của Trung Quốc được ghi trong Sách Trắng Quốc Phòng công bố tháng 7 năm 2019, theo đó: “Người Trung Quốc ... đã học được giá trị của hòa bình ... Vì vậy ... từ khi thành lập cách đây 70 năm, Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa chưa bao giờ khởi động bất kỳ một cuộc chiến tranh hay xung đột nào.”

    Tác giả nói ngay: “Cái đó có thể khiến người ta an tâm, có điều là những gì ghi nhận được về Trung Quốc lại trái ngược hẳn”. Và nhà cựu ngoại giao đã liệt kê một danh sách dài các hành động đi ngược lại hòa bình của Trung Quốc trong 70 năm qua.

    Trung Quốc với hàng loạt cuộc chiến, trên bô và trên biển

    Trung Quốc nhảy vào cuộc chiến tranh Liên Triều (1950-1953), thôn tính Tây Tạng (1950), tấn công Ấn Độ (1962), tham gia vào các cuộc xung đột biên giới với Liên Xô (1969), tiến hành một cuộc viễn chinh trừng phạt “để dạy cho Việt Nam một bài học” (1979) ngay trong chuyến thăm chính thức Bắc Kinh của ngoại trưởng Ấn Độ.

    Trên biển thì Bắc Kinh đã bắn thử tên lửa vào vùng lãnh hải ngoài khơi Đài Loan (1995-1996) và ngang nhiên quân sự hóa Biển Đông sau khi đánh chiếm các đảo/đá ngầm của Philippines và Việt Nam.

    Bắc Kinh cũng đang phô trương cơ bắp trong tranh chấp quần đảo Senkaku (Điếu Ngư) với Nhật Bản, đồng thời gây mâu thuẫn với Seoul về quyền sở hữu Đá Socotra (Ieodo). Trung Quốc có thể châm ngòi cho vấn đề này bùng lên bất cứ khi nào họ muốn và do đó đã nêu bật yêu sách của họ theo định kỳ.

    Theo tác giả bài nhận đinh, với việc Trung Quốc đang giầu lên, khả năng quân sự được nâng cao và sự lãnh đạo quyết đoán của chủ tịch Tập Cận Bình, những tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc đã tăng vọt.

    Về mặt Hải Quân chẳng hạn, nhân Đối Thoại Raisina vào tháng Giêng năm 2019, đô đốc Sunil Lanba, tư lệnh Hải Quân Ấn Độ, đã lưu ý rằng trong năm năm qua, Trung Quốc đã có thêm 80 tàu mới, và trong lịch sử 200 năm gần đây, không có một lực lượng hải quân nào khác phát triển nhanh như vậy. Ngoài chiếc Liêu Ninh sẵn có, tàu sân bay đầu tiên mà Trung Quốc tự đóng có thể đi vào hoạt động trong năm nay, và chiếc thứ hai vào năm 2022.

    Sách Trắng Quốc Phòng 2019: Biển Đông là của Trung Quốc

    Đối với cựu đại sứ Ấn Độ tại Hàn Quốc, tiến trình quân sự hóa Biển Đông đã phát triển mạnh được một phần là do chính quyền Mỹ của tổng thống Obama bị phân tâm vì hồ sơ Trung Đông, đã xoay trục muôn màng qua châu Á, trong lúc về phía Trung Quốc, Tập Cận Bình rất kiên quyết. Sách Trắng Quốc Phòng Trung Quốc vừa công bố khẳng định: “Các đảo ở Biển Đông và quần đảo Điếu Ngư là những bộ phận không thể tách rời khỏi lãnh thổ Trung Quốc”.

    Bắc Kinh đã tăng gấp đôi nỗ lực thực hiện tham vọng của họ, đặc biệt là ở Biển Đông, nơi họ yêu sách gần 70% diện tích dựa trên một “đường chín đoạn” chữ U đáng ngờ.

    Vào năm 2012, Trung Quốc đã giành quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough, trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines - và bồi đắp bảy hòn đảo nhân tạo - để theo dõi hoạt động quân sự của Hoa Kỳ trong khu vực. Hoa Kỳ làm cho Philippines thất vọng khi từ chối đứng can thiệp mà chỉ gởi một lời cảnh báo nghiêm khắc đến Bắc Kinh.

    Trước thái độ đó, Manila đã kiện Trung Quốc trước Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye trong khuôn khổ Công Ước Liên Hiêp Quốc về Luật Biển. Vào tháng 7 năm 2016, Tòa Trọng Tài Thường Trực đã phán quyết rằng “Không có cơ sở pháp lý nào để Trung Quốc đòi chủ quyền lịch sử đối với các tài nguyên trong 'đường chín đoạn'.”

    Trung Quốc đã phủ nhận phán quyết, cũng như từ chối tôn trọng quyền của các quốc gia duyên hải đối với vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của họ, được quốc tế công nhận.

    Thái độ hiếu chiến rất lộ liễu ở Hoàng Sa và Trường Sa

    Thái độ hiếu chiến của Trung Quốc tại Hoàng Sa và Trường Sa theo tác giả bài nhận định, còn lộ liễu hơn. Năm 1988, Bắc Kinh đã chiếm môt phần quần đảo Trường Sa bằng cách tấn công Việt Nam, giết chết 60 thủy thủ Việt Nam.

    Từ năm 2013, họ đã bồi đắp và xây dựng trên quy mô lớn trên các rạn san hô nổi và chìm ở Trường Sa, thiết lập phi đạo và hệ thống phòng thủ tên lửa. Các quan chức tình báo Mỹ đã xác nhận rằng Trung Quốc đã bố trí tên lửa hành trình chống hạm và phòng không ở đó.

    Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tất nhiên phủ nhận việc quân sự hóa Biển Đông, khăng khăng cho rằng các thiết bị quân sự đã được đặt ở đó để thúc đẩy “tự do hàng hải”.

    Việc lực lượng Trung Quốc tiến hành tuần tra thường xuyên ở Biển Đông và xua đuổi các tàu không phải của Trung Quốc, như không có nghĩa lý gì với Bắc Kinh. Chẳng hạn, tàu hải quân Ấn Độ INS Airavat, di chuyển trong vùng biển quốc tế ở Biển Đông, sau khi ghé cảng Việt Nam vào tháng 7 năm 2011, đã bị Hải Quân Trung Quốc quấy rối.

    Ấn Độ có lợi ích chiến lược và kinh tế ở Biển Đông. Theo thỏa thuận năm 2011 ký với Việt Nam, Ấn Độ đã khai thác dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Thế nhưng Trung Quốc đã phản đối một cách vô lý và khẳng định “chủ quyền không thể chối cãi” đối với khu vực đó.

    Trung Quốc thiện nghệ trong việc che giấu hành vi xâm lược

    Các hành vi bắt nạt của Trung Quốc đang trở thành một vấn đề hệ trọng cho các nước ven biển và các quốc gia khác muốn có một Biển Đông tự do và cởi mở. Lần đầu tiên, vào tháng Năm năm nay, Ấn Độ đã tham gia các cuộc tập trận Hải Quân trong khu vực cùng với Hoa Kỳ, Nhật Bản và Philippines.

    Thực tế ngày nay vẫn đúng là sức mạnh đến từ đầu súng. Chỉ có điều là các quốc gia cố gắng nhiều hơn để che giấu các hành vi xâm lược của họ dưới một cái vỏ hợp pháp và thiện chí hòa bình. Trung Quốc đã hoàn thiện nghệ thuật che giấu đó. Bắc Kinh có kỹ năng ngụy tạo các bản đồ, tài liệu và các cột mốc làm ra sau để củng cố các yêu sách thay đổi theo tình huống của họ. Chỉ có một mặt trận quốc tế thống nhất mới có thể cản trở chủ nghĩa bành trướng đang leo thang của Trung Quốc, nhưng lập được mặt trận có vẻ khó khăn. 

    (RFI) 

    Không có nhận xét nào