Header Ads

  • Breaking News

    Điều gì sẽ xảy ra khi công dân lọt vào “Danh sách đen” của ĐCSTQ?

    Phong trào đấu tranh phản đối Dự luật dẫn độ tại Hồng Kông vẫn đang tiếp diễn, hiện nay, người biểu tình không chỉ đối mặt với bạo lực của cảnh sát, mà còn rơi vào hoàn cảnh bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) “ghi nợ để về sau tính sổ”. Ngày càng có nhiều chứng cứ cho thấy, ĐCSTQ đang thu thập dữ liệu người biểu tình Hồng Kông trên quy mô lớn. ĐCSTQ nhắm vào nhiều đối tượng, từ những người mới 7 tuổi cho đến người già 90 tuổi.
    Hôm 18/9, truyền thông của chính quyền Trung Quốc là tờ Nhân dân Nhật báo đã đăng một bài bình luận, nói rằng chính phủ Hồng Kông đang thúc đẩy cái gọi là “Luật cấm che mặt”, và nói người biểu tình cần “không sợ hãi công khai khuôn mặt”. (Ảnh: Shutterstock)

    Thông tin cá nhân của người biểu tình bị công khai

    Theo Đài Tiếng nói nước Đức (Deutsche Welle) đưa tin, một trang web có tên “Giải mật Hồng Kông” đã công bố thông tin cá nhân của gần 100 người biểu tình, phóng viên và nhân sĩ các giới tại Hồng Kông, trong đó bao gồm hình ảnh, ngày sinh, số điện thoại, tài khoản mạng xã hội, địa chỉ nơi ở, v.v.

    Theo thống kê, trong sự kiện phản đối Dự luật dẫn độ, tư liệu cá nhân của ít nhất 19 nhân viên của tờ Apple Daily bị trang web này tiết lộ, trong đó bao gồm cả người sáng lập tờ báo này là ông Lê Trí Anh (Lai Chee-Ying).

    Bài viết chỉ ra: “Sau khi trang web khả nghi này bị phơi bày, nhiều phương tiện truyền thông tại Trung Quốc Đại lục cũng liên tiếp chia sẻ thông tin liên quan trên Weibo”, “và kêu gọi cư dân mạng Trung Quốc cùng nhau buộc những người trong danh sách này ‘bỏ khẩu trang xuống, tiết lộ thân phận’. Mặc dù hiện không rõ ai đã tiết lộ những thông tin này cho trang ‘Giải mật Hồng Kông’, nhưng nghị viên khu vực Sa Điền Triệu Trụ Bang chia sẻ trên Facebook cá nhân của mình rằng, có một nạn nhân (bị ‘Giải mật Hồng Kông’ tiết lộ danh tính) nói với ông rằng, anh ấy nhận định rằng thông tin của anh là do công an Trung Quốc tiết lộ ra.”
    ĐCSTQ kêu gọi dân mạng cùng chia sẻ

    Hôm 18/9, truyền thông của chính quyền Trung Quốc là tờ Nhân dân Nhật báo đã đăng một bài bình luận, nói rằng chính phủ Hồng Kông đang thúc đẩy cái gọi là “Luật cấm che mặt”, và nói người biểu tình cần “không sợ hãi công khai khuôn mặt”. Nghị viên Hồng Kông thân ĐCSTQ dường như cũng tán đồng quan điểm này, nói rằng việc cấm che mặt trong thời gian kháng nghị sẽ giúp chấm dứt tình hình hỗn loạn tại Hồng Kông.

    Nhiều dấu hiệu cho thấy, dưới sự thúc đẩy của ĐCSTQ, hệ thống “Danh sách đen” phiên bản Hồng Kông sắp được hình thành.

    Ở Trung Quốc Đại lục, hệ thống “Danh sách đen” này vận hành ra sao, từ những ví dụ dưới đây cũng có thể hiểu được phần nào.
    Trẻ nhỏ 7 tuổi cũng vào danh sách đen

    Tạp chí Bitter Winter, một tạp chí chuyên về nhân quyền Trung Quốc đưa tin, năm 1996, một địa điểm tập trung của phái “Gào thét” ở tỉnh Phúc Kiến bị cảnh sát lục soát. Tại đây, cảnh sát đã tìm được một bản danh sách các tín đồ. Theo một nhân sĩ trong chính phủ ĐCSTQ tiết lộ, sau 23 năm, chính phủ một lần nữa yêu cầu điều tra tất cả những người trong danh sách này, bao gồm cả trẻ nhỏ khi đó chỉ có 7 tuổi (hiện đã 30 tuổi).

    Vị này tiết lộ: “Danh sách đen của chính phủ không dễ hủy bỏ, chỉ cần phát hiện người trong danh sách này hiện giờ vẫn còn tham gia các hoạt động tập trung, khi họ bắt được thì đừng mong ra ngoài.”

    Người già 90 tuổi đến chết vẫn phải điều tra

    Tháng 6 năm nay, một cụ ông 90 tuổi bị liệt ở tỉnh Hồ Bắc, bị cảnh sát đến nhà tra hỏi, nguyên nhân là ông từng bị bắt trong một hoạt động tôn giáo cách đây 4 năm. Thời điểm đó do tuổi của ông đã cao nên mới tránh khỏi ngồi tù, nhưng từ đó ông đã bị liệt vào “danh sách đen”. Đến tháng 6 năm nay, hai ngày sau khi bị cảnh sát đến “hỏi thăm”, sang ngày thứ 3 ông đã qua đời.

    Hàng xóm của ông cho biết, trước đó cụ ông này bị bệnh rất nặng, phải nằm trên giường trong thời gian dài, từ năm ngoái ông đã không thể tự chăm sóc bản thân. “Đã bị như thế rồi mà ĐCSTQ vẫn còn quấy rầy ông ấy,” vị hàng xóm này cảm thấy tức giận và khó hiểu với cách làm tàn nhẫn của chính quyền ĐCSTQ.
    Sau khi bị chính quyền nhận định, cả đời sẽ thành “nhân vật nguy hiểm”

    Ngay sau dịp Tết năm 2019, một người phụ nữ họ Vu bị cho thôi việc, nguyên nhân là cảnh sát đã cảnh cáo người chủ lao động không được thuê cô làm việc, nếu không công ty sẽ bị liên luỵ. Tất cả điều này đều là vì cách đây 13 năm, cô đã từng tham gia vào một hoạt động tôn giáo, sau đó bị tố cáo và bị cho vào “danh sách đen”.

    Theo Bitter Winter, ở góc độ của ĐCSTQ, bất cứ người nào chỉ cần từng bị chính quyền nhận định là có hành vi “làm loạn”, thì sẽ vĩnh viễn bị coi là “nhân vật nguy hiểm” và bị cho vào “danh sách đen”.
    Luôn bị hạn chế, bị giám sát

    Ở Trung Quốc Đại lục, những người dân bị liệt vào “danh sách đen”, lúc nào cũng bị chính quyền hạn chế về mọi mặt, ví dụ như có thể bị mất việc bất cứ lúc nào, bị giám sát liên tục, mỗi lần đến dịp lễ kỷ niệm gì đó là bị nhân viên an ninh đến “thăm hỏi”, người thân hoặc con cái được đãi ngộ “đặc biệt” chẳng hạn như không thể làm việc trong cơ quan nhà nước, không được tuyển chọn vào quân đội.

    Cùng với phong trào phản đối Dự luật dẫn độ tại Hồng Kông liên tiếp bùng nổ, ĐCSTQ dường như cũng sử dụng thủ đoạn tương tự với người biểu tình Hồng Kông, thu thập thông tin cá nhân của họ, sau đó sẽ tiến hành trả thù.

    Bitter Winter chỉ ra, ở Trung Quốc Đại lục, hầu như ngày nào cũng có người bất đồng chính kiến hoặc tín đồ tôn giáo bị bức hại, những minh chứng thực tế này chính là lý do người biểu tình Hồng Kông cần đeo khẩu trang và che giấu thân phận.

    Trí Đạt

    Không có nhận xét nào