Header Ads

  • Breaking News

    Đông đảo người gốc Việt đến Little Saigon tưởng niệm Trương Vĩnh Ký

    WESTMINSTER, California (NV) – Người tham dự ngồi chật kín hội trường tại buổi ra mắt quyển “Kỷ Yếu Triển Lãm và Hội Thảo Trương Vĩnh Ký” được tổ chức vào chiều Chủ Nhật, 1 Tháng Chín, 2019, tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, Westminster.

    Những diễn giả và người có đóng góp công sức cho “Kỷ Yếu Triển Lãm và Hội Thảo Trương Vĩnh Ký.” (Hình: Uyên Vũ/Người Việt)

    Không những vậy, những người đến trễ đã tự lấy ghế tìm chỗ ngồi. Và khi buổi ra mắt sách chấm dứt vẫn còn rất đông người nán lại trò chuyện, hỏi thăm đồng thời đứng chờ mua sách, chờ ban chủ biên ký tên lên sách. Nhiều người mua không chỉ một quyển mà là một chồng sách.


    Có được sự quan tâm của cộng đồng như vậy là do đề tài quyển sách đã khơi mở nhiều khía cạnh về một nhân vật vốn được người Việt Nam yêu mến, cảm phục từ lâu.


    Mở đầu buổi ra mắt sách, nhà báo Đỗ Quý Toàn, một trong ba giáo sư chủ biên cuốn sách, trình bày nhận định của ông. Theo ông, trong cuộc “Triển Lãm và Hội Thảo Trương Vĩnh Ký” tổ chức tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt ngày 8 Tháng Mười Hai, 2018, có một số đề tài chưa được đề cập hoặc khai triển.

    Ông đặc biệt đề cập đến bài viết rất quý của học giả Nguyễn Văn Tố viết về Trương Vĩnh Ký năm 1937. Theo đó, cụ Nguyễn Văn Tố đã gọi Trương Vĩnh Ký là “nhà bác học Nam Kỳ” và đó là danh xưng xứng đáng, thêm nữa “có hai điều về cụ Trương Vĩnh Ký mà trước nay ít có ai nói đến, thứ nhất Trương Vĩnh Ký là một người yêu nước nồng nàn, điều thứ hai ông là một người không thiên vị chính kiến hoặc tôn giáo.”


    Bằng những dẫn chứng rành mạch, nhà báo Đỗ Quý Toàn chứng minh rằng cụ Trương Vĩnh Ký đau lòng ra sao khi thấy người dân xứ Bắc quá khổ sở đến nỗi phải viết về nỗi thống khổ của dân Bắc Kỳ cho viên thống sứ Nam Kỳ nhân chuyến viếng thăm Bắc Kỳ (năm 1876). Lòng yêu nước của cụ Trương Vĩnh Ký còn bộc lộ bằng cách cụ cương quyết không chịu trở thành công dân Pháp để có thể hưởng những đặc quyền của thực dân Pháp.


    Là người Việt Nam đầu tiên sáng lập một tờ tạp chí tiếng Việt, cụ Petrus Ký không dùng tạp chí ấy như phương tiện cổ súy cho đạo Công Giáo hay chính kiến của mình mà đề cao luân lý Nho Giáo truyền thống. Trong thư gửi Toàn Quyền Paul Bert, cụ Trương Vĩnh Ký bày tỏ bảo vệ bản sắc Việt Nam đến cùng. Tóm lại, theo nhà báo Đỗ Quý Toàn, người Việt Nam hoàn toàn có thể tự hào vì nước Việt đã có một chính nhân là cụ Trương Vĩnh Ký.


    Phần kế tiếp là trao kỷ yếu lưu niệm cho những diễn giả và người có đóng góp công sức tích cực cho hội thảo và kỷ yếu gồm Giáo Sư Nguyễn Văn Sâm (bà Nguyễn Thị Kim Ngân thay mặt), Giáo Sư Trần Văn Chi, Luật Sư Phan Đào Nguyên, nhà văn Phạm Phú Minh, nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát (người trong ba ngày đã viết nhạc bằng tiếng Pháp về cụ Trương Vĩnh Ký), nhà văn Bùi Vĩnh Phúc, bà Phạm Lệ Hương (chuyên viên thư viện, người đã tìm được tài liệu quan trọng 18 trang về cụ Trương Vĩnh Ký), đại diện bà Cao Thanh Phương Nghi và họa sĩ Trịnh Cung (người vẽ bức tranh chân dung Trương Vĩnh Ký). Ban tổ chức cũng trao kỷ yếu lưu niệm cho các ân nhân và mạnh thường quân là các vị: Dược Sĩ Quách Nhứt Danh, bà Hoàng Vĩnh, nhà thơ Thành Tôn, ông Nguyễn Vũ, Giáo Sư Nguyễn Châu.

    Nhà giáo Nguyễn Trung Quân, một thành viên trong ban biên soạn kỷ yếu, thuyết trình về đề tài “Tác hại của việc xuyên tạc sự thật lịch sử.” Ông cho biết đề tài này được gợi ý từ bài viết rất giá trị của nhà văn Trần Hữu Thục trên Đài VOA về cụ Petrus Ký. Ông cho biết đây là chuyện hệ trọng tác động lâu dài về lịch sử dân tộc và hai điều then chốt gây ra tác hại đó, một là do nhà cầm quyền Việt Nam đã cố tình bôi nhọ cụ Trương Vĩnh Ký, hai là một số cá nhân và tập thể vì lý do riêng đã đả kích cụ Trương Vĩnh Ký.

    Ông Quân chứng minh, vì lý do chính trị nên nhà cầm quyền Việt Nam đã đả kích cụ Petrus Ký bằng những chủ trương của họ và tiếc thay các nhà sử học Việt Nam đã hùa theo để kết tội và vùi dập hai danh nhân miền Nam là cụ Phan Thanh Giản và cụ Trương Vĩnh Ký như một cách “dằn mặt trí thức miền Nam.”

    Còn về những cá nhân ác ý muốn triệt hạ cụ Petrus Ký, ông Quân nói thẳng tên của nhà văn Vũ Ngự Chiêu, người đã dùng năm cuốn sách và 20 năm trường để tung ra một tài liệu ngụy tạo (yêu cầu thực dân Pháp đánh Việt Nam) và cho rằng tác giả chính là cụ Trương Vĩnh Ký. Nhà giáo Nguyễn Trung Quân mạnh mẽ lên án hành động không minh bạch đó và cho thấy sự cần thiết phải phục hồi danh dự cho cụ Trương Vĩnh Ký. Bài thuyết trình của Luật Sư Phan Đào Nguyên với những lập luận vững chắc, với sở học uyên thâm đã làm sáng tỏ hai điều: Một là lý do cụ Petrus Ký với lá thư 18 trang gửi ông Blancsubé, một đại biểu Nam Kỳ, giải thích về việc người Việt từ chối gia nhập quốc tịch Pháp; và hai là vạch rõ mưu mô của nhóm Sách Hiếm khi họ cố tình đả kích cụ Petrus Ký “có quốc tịch Vatican” hay “muốn làm quan triều đình An Nam để làm nội gián cho Pháp.”

    Luật sư cho biết lá thư viết tay dài 18 trang thượng dẫn có in trong kỷ yếu này, thời điểm viết lá thư xảy ra trước khi thành lập quốc gia Vatican rất lâu và chức vụ của cụ Trương Vĩnh Ký bên cạnh Toàn Quyền Paul Bert cũng là một chức quan lớn của triều đình. Bằng những lập luận mạch lạc đó, ông Phan Đào Nguyên đã phản bác hoàn toàn luận điểm của nhóm Sách Hiếm.


    Giáo Sư Lê Xuân Khoa, là diễn giả kế tiếp, ông vốn là cựu giáo sư Trung Học Petrus Ký từ năm 1953 đến 1958. Dù đã rất cao tuổi, nhưng ông đến buổi ra mắt sách vì “những gì liên quan đến cụ Petrus Ký tôi đều lưu tâm vì tôi ngưỡng mộ đặc biệt cụ Trương Vĩnh Ký.” Theo ông, cụ Petrus Ký thực sự là một danh nhân bằng tài năng, sở học và nhân cách, ông còn cho biết trường Petrus Ký ngày xưa là trường đặc biệt đề cao truyền thống “tôn sư trọng đạo.”


    Nhà văn Phạm Phú Minh, chủ biên tập kỷ yếu, từng là cựu học sinh, cựu giáo sư Petrus Ký là diễn giả cuối, cho biết hội thảo này là việc cần thiết với văn hóa nước nhà vì nhà cầm quyền tại Việt Nam đã hạ thấp và hủy diệt một số giá trị văn hóa miền Nam Việt Nam. Do đó nhóm hội thảo cùng với báo Người Việt cố gắng bỏ công sức để phục hồi lại những giá trị đã bị tận diệt hay lên án đó. Theo ông có lẽ vì vậy mà tài liệu quan trọng như lá thư 18 trang thượng dẫn đã từ lâu ít ai đề cập đến. Ông cũng ngạc nhiên là một nhân vật đáng tự hào như cụ Petrus Ký mà hiện giờ vẫn có những người cố tình miệt thị, đó chính là hậu quả những sách lược của người Cộng Sản.

    Buổi ra mắt sách diễn ra đầy hào hứng, bổ ích đến nỗi phải gác lại một vài tiết mục cũng như không còn thời gian cho một số người muốn góp ý kiến. Tuy vậy, ban nhạc của Đoàn Văn Nghệ Lạc Hồng với các nghệ sĩ Kim Sơn, Ngọc Quỳnh và Tiến Hùng do Giáo Sư Nguyễn Châu làm trưởng ban cũng có dịp cống hiến ba nhạc phẩm tuyệt vời là “Làng Tôi,” “Lý Con Sáo” và “Sương Chiều” bằng ba nhạc cụ đàn tranh, đàn bầu và đàn nguyệt khiến buổi ra mắt thêm đậm đà hồn dân tộc.

    Giáo Sư Trần Văn Chi, một người có bài viết trong kỷ yếu, cho biết ông đã tham dự hội thảo triển lãm về cụ Petrus Ký năm 2018, đã thấy sự quan tâm và kính mến đông đảo của đồng hương dành cho cụ Trương Vĩnh Ký. Sở dĩ như vậy là vì tại Việt Nam người ta đã cố tình hạ thấp vai trò, thậm chí vu oan cho cụ Petrus Ký. Hôm nay ông đến đây “không phải để minh oan” mà để làm sáng tỏ hơn nữa tài năng và đức độ của cụ Trương Vĩnh Ký.

    Ông Lâm Mỹ Hoàng Anh, 73 tuổi, cựu học sinh trường Petrus Ký, thành viên Ban Chấp Hành Hội Ái Hữu Petrus Ký, đến tham dự buổi ra mắt sách mặc áo trắng, túi áo có in huy hiệu trường cũ. Ông cho biết rất đông cựu học sinh Trung Học Petrus Ký có mặt hôm nay, do trường Petrus Ký là trường uy tín và nổi tiếng nhất miền Nam và ông không thể vắng mặt vì lòng kính trọng của ông đối với cụ Trương Vĩnh Ký cũng như thầy mình là nhà giáo Nguyễn Trung Quân.


    Nói với phóng viên Người Việt, nhà văn Phạm Phú Minh cho biết, buổi ra mắt sách hôm nay chứng tỏ người Việt Nam hết sức yêu mến cụ Trương Vĩnh Ký cũng như đồng hương tại Mỹ còn rất quan tâm đến các sinh hoạt văn hóa, đặc biệt là văn hóa miền Nam trước 1975. Rời khỏi hội trường gần như sau cùng, có hai ông bà khệ nệ ôm một chồng sách. Ông Nguyễn Hải Hà năm nay 81 tuổi cho biết, trước năm 1975 ông vốn là một nhà giáo dạy văn chương, triết học nay gia đình ông cư ngụ tại Los Angeles. Vì muốn biết thêm về cụ Petrus Ký, hai ông bà cùng với một ông bạn đến tham dự để tìm hiểu thêm nhiều điều lý thú về một nhân vật lỗi lạc của miền Nam. Người bạn ông Hà còn mua nhiều tập kỷ yếu về tặng bạn bè.


    Uyên Vũ/Người Việt


    (diendantheky.net)

    2 nhận xét:

    1. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

      Trả lờiXóa
    2. Biết bao giờ Việt Nam mới có được một người như học giả Petrus Trương Vĩnh Ký (1837- 1898) đạt danh hiệu "Thế giới Thập bát Văn hào" như ông nữa?

      Trả lờiXóa