Header Ads

  • Breaking News

    Thực hư ExxonMobil ‘bỏ cuộc’ ở Việt Nam vì ‘áp lực’ từ Trung Quốc

    Xuất hiện các đồn đoán về việc tập đoàn ExxonMobil của Mỹ, hiện thăm dò mỏ “Cá Voi Xanh” với PetroVietnam (Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam), “bỏ cuộc”, trong lúc có tin nói rằng Trung Quốc “gây áp lực” với Hà Nội về các dự án dầu khí với nước ngoài trên Biển Đông.

    Thực hư ExxonMobil ‘bỏ cuộc’ ở Việt Nam vì ‘áp lực’ từ Trung Quốc
    Trong bối cảnh tàu hải cảnh hai nước “đối đầu” ở Bãi Tư Chính quanh một tàu thăm dò, gây căng thẳng ở vùng biển tranh chấp, ông Nguyễn Như Phong, cựu Tổng biên tập báo PetroTimes của Hội Dầu Khí Việt Nam, cuối tháng trước dẫn lại dòng trạng thái của một Facebooker có tên Nguyễn Văn Trung với nội dung: “Tin cực nóng: ExxonMobil đã rút khỏi lô Cá Voi Xanh”.

    Chúng tôi không bình luận về các tin đồn thị trường hoặc đồn đoán về việc kinh doanh của chúng tôi.
    Phát ngôn viên ExxonMobil nói.

    Thông tin này lại gây chú ý thêm nữa hôm 9/9, khi nhà báo tự do Trương Huy San (tức blogger Osin Huy Đức), viết trên Facebook rằng “ExxonMobil (US) bỏ cuộc!” “Trước sức ép của [Chủ tịch Trung Quốc] Tập, các siêu cường đều bỏ mặc: UK [Anh] (BP 2007), Nga 16, TBN [Tây Ban Nha] (2018)… Xoay trục về đâu?” Facebooker có hơn 300 nghìn người “follow” [theo dõi] bình luận, nhưng không nêu rõ ông trích nguồn từ đâu.

    Trả lời VOA tiếng Việt về các thông tin này, bà Julie King, đại diện truyền thông của ExxonMobil, nói: “Chúng tôi không bình luận về các tin đồn thị trường hoặc đồn đoán về việc kinh doanh của chúng tôi”. Nữ phát ngôn viên này không đáp lại câu hỏi về việc ExxonMobil đã ra quyết định đầu tư cuối cùng hay chưa.

    Trên Facebook của tập đoàn dầu khí của Mỹ ở Việt Nam, khi được hỏi về các đồn đoán trên, người quản trị của trang này hôm 10/9 viết rằng “hiện chúng tôi vẫn đang triển khai Dự án Cá Voi Xanh và sẽ không đưa ra ý kiến đối với những nguồn tin không chính thống”.

    Theo ExxonMobil, từ năm 2009, hãng này và PetroVietnam hợp tác thăm dò mỏ “Cá Voi Xanh” “nằm cách bờ biển miền Trung Việt Nam khoảng 80 km” mà tập đoàn Mỹ cho rằng có khả năng “thúc đẩy tăng trưởng kinh tế” của quốc gia nằm ở Đông Nam Á.

    VOA đã gửi câu hỏi tới ban lãnh đạo PetroVietnam để xác nhận thông tin ExxonMobil “bỏ cuộc” cũng như về giai đoạn đầu tư hiện nay của tập đoàn Mỹ ở mỏ “Cá Voi Xanh”, nhưng không nhận được hồi đáp.

    Năm ngoái, trong lần tuyên bố hiếm hoi, Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam nói rằng “tình hình biển Đông dự báo tiếp tục có những diễn biến phức tạp, sẽ ảnh hưởng đến hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí cũng như ảnh hưởng đến việc kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư tìm kiếm thăm dò dầu khí ở các lô còn mở của tập đoàn”.

    Thông tin về việc ExxonMobil “bỏ cuộc” thu hút sự quan tâm của dư luận Việt Nam trên mạng xã hội giữa bối cảnh một tàu thăm dò của Trung Quốc bị cáo buộc "xâm phạm" Vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam, cũng như chuyện tàu hải cảnh của Trung Quốc “quấy nhiễu” các tàu của Việt Nam phục vụ cho giàn khoan của Nhật được công ty Nga Rosneft thuê để thăm dò Lô 06.1 thuộc bể Nam Côn Sơn ở ngoài khơi thềm lục địa của Việt Nam.

    Ông Greg Poling, Giám đốc Chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở ở Washington, nhận định với VOA rằng Việt Nam sẽ phải đứng vững trước áp lực của Trung Quốc vì cũng giống như dự án Nam Côn Sơn với Rosneft, mỏ Cá Voi Xanh “quá quan trọng đối với ngành năng lượng ở ngoài khơi của Việt Nam cũng như tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông”.

    “Nhưng nó thực sự không phụ thuộc vào Hà Nội. Nếu Exxon quyết định rằng đầu tư của mình quá rủi ro, mà nhiều khả năng là đúng, xét về áp lực mà cả Rosneft và Repsol [tập đoàn Tây Ban Nha] phải đối mặt, thì hãng này sẽ thoái vốn và Việt Nam ít có thể làm gì để ngăn chặn điều đó. Mục tiêu của Trung Quốc là thiết lập kiểm soát đối với hầu như toàn bộ Biển Đông. Điều đó đồng nghĩa với việc bất kỳ hoạt động dầu khí ở bất kỳ nơi nào trong vùng cần phải được thực hiện với sự cho phép của Trung Quốc hoặc hợp tác với các công ty Trung Quốc”, ông Poling nói.

    Chuyên gia theo dõi về tình hình Biển Đông này nói thêm rằng “hoạt động của các công ty nước ngoài ở các vùng biển của Việt Nam, Malaysia và Philippines là một sự thách thức trực tiếp đối với tuyên bố ‘chủ quyền lịch sử’ của Trung Quốc”.

    “Vì thế, Bắc Kinh quyết tâm liên tục gây áp lực và quấy nhiễu tất cả các hoạt động thăm dò dầu khí mới nhằm đánh tiếng cho các công ty nước ngoài rằng quá rủi ro để thực hiện các đầu tư mới, cũng như để thuyết phục các chính phủ Đông Nam Á rằng họ không có lựa chọn nào khác là phải chấp nhận các yêu sách của Trung Quốc và tham gia phát triển chung với các công ty Trung Quốc”, ông Poling nói thêm.

    Nếu Exxon quyết định rằng đầu tư của mình quá rủi ro, mà nhiều khả năng là đúng, xét về áp lực mà cả Rosneft và Repsol [tập đoàn Tây Ban Nha] phải đối mặt, thì hãng này sẽ thoái vốn và Việt Nam ít có thể làm gì để ngăn chặn điều đó.
    Ông Greg Poling nói.

    Trước đây, ExxonMobil từng khẳng định với VOA tiếng Việt rằng dự án “Cá Voi Xanh” “không nằm ở vùng có tranh chấp”, và rằng “chủ quyền là vấn đề chỉ các chính phủ mới có thể quyết định”.

    Tháng trước, Bộ Ngoại giao Mỹ đã bay tỏ “quan ngại sâu sắc” về việc Trung Quốc “can thiệp vào các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí" ở nơi Việt Nam tuyên bố là Vùng Đặc quyền Kinh tế.

    Ông Poling nhận định rằng Mỹ có lẽ muốn phát một thông điệp tới Việt Nam và ExxonMobil rằng Hoa Kỳ sẽ không để Bắc Kinh “hăm dọa” tại mỏ “Cá Voi Xanh”.

    (VOA)

    Không có nhận xét nào