Header Ads

  • Breaking News

    Tài phiệt Hong Kong và Việt Nam, cách mạng sẽ đi tới đâu?

    Khi cuộc biểu tình đòi dân chủ ở Hong Kong bước sang tháng thứ hai, ông Lương Chấn Anh, cựu đặc khu trưởng, được báo Bưu điện Hoa Nam trích lời, nói rằng Hong Kong không cần dân chủ, mà điều làm cho sinh viên học sinh lãnh thổ này biểu tình chính là sự nghèo khó ngày càng lớn, khoảng cách giàu nghèo tăng nhanh, nhiều người trẻ tuổi không có việc làm và nhà ở.

    Những người biểu tình đòi tự do cho Hong Kong. Nguồn: SCMP

    Ông cũng buộc tội giới tài phiệt Hong Kong là muốn duy trì cái thế ưu đãi của mình từ thời thuộc địa được người Anh trao cho, và từ đó, chính họ đã tiêm vào đầu giới trẻ Hong Kong sự bất bình với (nước mẹ) Trung Hoa.

    Dĩ nhiên phát biểu này của họ Lương bị chỉ trích mạnh mẽ.

    Nhưng ông ta không phải không có lý khi nêu ra nguyên nhân kinh tế làm bùng nổ cuộc cách mạng đang diễn ra hiện nay. Mà nói cho cùng cuộc cách mạng nào mà chẳng có nguyên nhân kinh tế?

    Mới đây có một bài viết của Andrew J Nathan, một người am tường về Trung Quốc, đăng trên tạp chí Foreign Affairs mang tựa đề: Bắc Kinh nhận định gì về cuộc khủng hoảng Hong Kong? (How China Sees the Hongkong Crisis?)

    Trong bài viết này, ông Nathan nhấn mạnh đến nguyên nhân kinh tế, nhưng ngược lại với ông Lương Chấn Anh, cho rằng giới tài phiệt Hong Kong tiêm vào đầu giới trẻ tư tưởng căm thù nước Tàu Cộng sản, Nathan cho rằng giới tài phiệt Hongkong hiện nay lại là nhóm nhận nhiều ơn mưa móc của nước Tàu Cộng sản.

    Thật ra điều này mọi người cũng có thể cảm nhận được khi lần ngược lại những năm trước thời điểm năm 1997, khi Hong Kông trở về với “đất mẹ”, giới đầu tư Hong Kong đã nô nức đổ xô vào Hoa Lục làm ăn. Họ là giới đầu tư mà nước Tàu Cộng sản nghĩ đến trước tiên khi Đặng Tiểu Bình thực hiện cải cách kinh tế vào những năm 1978-1979.

    Nhìn vào những người đứng đầu đặc khu Hong Kong từ 1997 đến nay, trừ bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga đang tại chức, xuất thân từ gia đình nghèo và chỉ làm việc cho ngành hành chính công cộng, các vị Đổng Kiến Hoa, Tăng Âm Quyền, Lương Chấn Anh, đều thuộc giới tài phiệt. Và tất cả các vị này đều có quan điểm chính trị thân Bắc Kinh.

    Theo Adrew Nathan, giới tài phiệt này, gọi theo tiếng Tàu Quảng Đông là Taycoon (Tài cỏn là cụm từ mà người miền Tây Nam Bộ ở Việt Nam và Chợ Lớn gọi đám chủ vựa, lái buôn người gốc Hoa) đã được Bắc Kinh tạo rất nhiều điều kiện thuận lợi làm ăn ở Hoa Lục từ rất lâu.

    Trong suốt thời gian từ khi các cuộc biểu tình của sinh viên học sinh Hong Kong nổ ra cho đến nay, chỉ duy nhất một người thuộc giới Tài cỏn là Jimi Lai, đã lên tiếng ủng hộ những người biểu tình.

    Vào năm 1997, trước khi Hong Kong được chính thức trao về cho người Tàu, đã có một làn sóng những người Hong Kong bỏ sang phương Tây sinh sống (phần đông họ đến Vancouver, Canada, nhiều đến nỗi lúc ấy báo chí nước này đã gọi Vancouver thành Hongcouver). Nhưng những người bỏ chạy này không phải thuộc giới Tài cỏn, mà họ thuộc tầng lớp trung lưu, họ là các chuyên viên thương mại, kỹ sư, bác sĩ,…

    Bây giờ cuộc sống của tầng lớp này còn kẹt lại Hong Kong, và con cái họ trở nên vất vả hơn ngày trước rất nhiều. Theo phân tích của Nathan, không phải vì sự cai trị khắc nghiệt của Bắc Kinh, mà là vì vai trò kinh tế của Hong Kong đã xuống thấp do sự cạnh tranh giữa các thành phố của Tàu lục địa như Thâm Quyến, Thượng Hải.

    Các con số của Nathan đưa ra cho thấy rằng, hồi năm 1997 có 47% người Hong Kong tự hào rằng họ là công dân Trung Quốc. Đến tháng 6/2019 chỉ có 27%.

    Vào năm 1997, tổng sản lượng Hong Kong chiếm 18% tổng sản lượng Hoa Lục, năm 2018 chỉ còn 2,7%.

    Tổng sản lượng của đặc khu Thẩm Quyến thuộc Hoa Lục đã vượt qua Hong Kong, và bây giờ giới làm ăn Hoa Lục không cần xuất khẩu qua cảng Hong Kong, cũng không cần thị trường chứng hoán Hong Kong để niêm yết công ty của họ, mà họ có thể làm ở bất kỳ đâu, Mỹ hay châu Âu.

    Trong sự suy sụp về kinh tế như vậy, cộng với sự áp bức chính trị càng ngày càng tăng, đã làm nổ ra cuộc cách mạng hiện nay.

    Việt Nam

    Việt Nam hiện đã xuất hiện một tầng lớp Tài cỏn gắn chặt với chế độ, tương tự như bên Hong Kong. Dĩ nhiên tầng lớp này không có truyền thống gia đình tài phiệt lâu đời như Hong Kong, họ mới hơn, trẻ hơn, và hung hãn hơn.

    Tin tức từ Hong Kong cho biết, một công ty bất động sản lớn của lãnh thổ này sẵn sàng hiến tặng đến 1/5 đất đai mà họ đang sở hữu, cho chính quyền đặc khu dùng vào việc xây nhà cho tầng lớp nghèo.

    Chúng ta khó tưởng tượng điều tương tự xảy ra với Phạm Nhật Vượng, tỉ phú Việt Nam đứng đầu Vincom, hay Lê Viết Lam của Sun Group. Các khu nhà “cao cấp” của họ ngày càng bành trướng tại các đô thị Việt Nam, chiếm đoạt luôn những khu rừng cuối cùng còn sót lại ở Việt Nam.

    Giới trung lưu Việt Nam thì mới hình thành, rất không giống nhau, và rất nhiều trong số họ có đời sống gắn chặt với đám Tài cỏn của chế độ, hoặc trực tiếp với chế độ, họ có thể là Tài cỏn tương lai của chế độ.

    Nếu tình trạng kinh tế của giới trung lưu Hong Kong đi xuống từ năm 1997, thì giới “trung lưu” Việt Nam lại đi lên từ năm 1986 đến nay. Họ không phải mất đất đai như nông dân, mà họ lại được sở hữu thêm đất đai, họ không hít phải khói bụi ô nhiễm ngoài phố vì họ đi xe hơi, mà trước kia họ không có.

    Một kinh nghiệm rút ra từ các cuộc cách mạng Mỹ, Pháp, Anh, Hà Lan, … và hiện nay là Hong Kong, cho thấy, khi tầng lớp trung lưu phát triển, đông đúc, và bị tổn thương thì sẽ dẫn đến cách mạng xã hội.

    Có vẻ như điều đó không diễn ra ở Việt Nam.

    Tôi không bi quan như vậy, mà tôi cho rằng, chẳng qua tầng lớp trung lưu Việt Nam chưa hình thành đủ, chưa độc lập đủ tới mức họ cảm thấy bị tổn thương.

    Dù nguyên nhân là gì đi nữa, là đòi dân chủ hay quyền lợi bị tổn thương, cái đang diễn ra ở Hong Kong vẫn là một cuộc cách mạng. Nhưng cuộc cách mạng đó có thành công hay không lại là chuyện khác, mặc dù họ đã đạt được thắng lợi ban đầu khi dự luật dẫn độ bị hủy bỏ.

    Châu Á, với mô hình Khổng giáo khắc nghiệt hàng ngàn năm, thường chứng kiến những thay đổi từ trên xuống, chứ không phải từ dưới lên, như ở phương Tây. Tất cả những cuộc cải cách tại Đài Loan (sau khủng bố trắng), Hàn Quốc (sau vụ đàn áp Quang Du), và ngay cả cải cách Minh Trị tại Nhật cũng từ trên xuống.

    Theo phân tích của Andrew Nathan, Bắc Kinh hiện nay không hề lo lắng về Hong Kong, vì họ nắm được giới Tài cỏn, và còn nắm được luôn cả thế giới ngầm (có ai còn nhớ vụ Năm Cam tại Việt Nam?) Họ nghĩ rằng họ đủ kiên nhẫn chờ người biểu tình mệt mỏi, dư luận sẽ không còn ủng hộ biểu tình nữa. Bắc Kinh sẽ tìm những phương cách nào đó cho Hong Kong khá hơn về kinh tế, là nguyên nhân chính theo họ gây nên cuộc khủng hoảng hiện nay.

    Tại Việt Nam, liệu có một tầng lớp Tài cỏn khéo léo như Hong Kong để ăn cánh cùng giới cầm quyền duy trì sự thống trị? Hay sự tham lam và hung hãn của họ sẽ già néo đứt dây, đưa Việt Nam đi theo con đường khác, không phải mô hình châu Á?

    Jackhammer Nguyễn, từ San Francisco

    (baotiengdan.com)

    Không có nhận xét nào