Header Ads

  • Breaking News

    Điểm tin thế giới ngày Thứ bảy 16 tháng 11 năm 2019

    Nhật Bản lên tiếng trước tin Mỹ yêu cầu Tokyo trả 8 tỷ USD ‘phí bảo vệ’

    Foreign Policy dẫn 3 nguồn tin quốc phòng Mỹ giấu tên cho biết, Tổng thống Trump muốn Tokyo tăng khoản chi phí thường niên cho 54.000 quân nhân Mỹ đồn trú ở Nhật Bản từ mốc 2 tỷ USD lên 8 tỷ USD.

    Các cựu quan chức Mỹ cho biết yêu cầu được đưa ra cho phía Nhật trong chuyến đi hồi tháng 7 của John Bolton, khi đó là cố vấn an ninh quốc gia của Trump, và Matt Pottinger, khi đó là giám đốc phụ trách châu Á của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ.

    Tuy nhiên, theo cập nhật từ Reuters, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Nhật Bản nói rằng thông tin của Foreign Policy không chính xác. Mỹ và Nhật Bản chưa đàm phán về thỏa thuận mới. Mỹ chưa đưa ra bình luận khi Reuters liên lạc.

    Bolivia trục xuất quan chức Cuba, Venezuela


    Theo Reuters, hôm thứ Sáu (15/11), chính phủ lâm thời của Bolivia cho biết họ đã yêu cầu các quan chức Venezuela rời khỏi đất nước và cáo buộc người Cuba, bao gồm cả bác sĩ, đã góp phần gia tăng tình trạng bất ổn ở Bolivia sau khi cựu Tổng thống Evo Morales từ chức.

    Tân Bộ trưởng Ngoại giao Bolivia, bà Karen Longaric cho biết 725 công dân Cuba sẽ bay về nước, chủ yếu là các bác sĩ y khoa, sau khi bà nêu lên quan ngại về sự liên quan của họ trong các cuộc biểu tình. Bà cũng đã yêu cầu tất cả các nhà ngoại giao Venezuela rời đi vì lý do tương tự.

    Venezuela và Cuba là đồng minh chủ chốt của cựu Tổng thống cánh tả Evo Morales, người nhậm chức Tổng thống Bolivia vào năm 2006 và đã từ chức vào ngày 10/11, sau nhiều tuần biểu tình bạo lực bắt nguồn từ các cáo buộc nghi ngờ ông giành chiến thắng do gian lận trong cuộc bầu cử Tổng thống vào ngày 20/10.

    Biểu tình nổ ra trên khắp Iran do giá xăng tăng

    Các cuộc biểu tình đã nổ ra trên khắp Iran sau khi chính phủ nước này bất ngờ tuyên bố họ sẽ tăng giá xăng dầu. Giá đã tăng ít nhất 50% vào thứ Sáu (15/11).

    Theo IRNA, hãng thông tấn của Iran, các cuộc biểu tình tại thành phố Sirjan, miền Trung Iran vào tối thứ Sáu (15/11) đã trở nên “nghiêm trọng” khi “mọi người tấn công một kho lưu trữ nhiên liệu trong thành phố và cố gắng đốt cháy nó”.

    Các cuộc biểu tình cũng nổ ra ở các thành phố khác bao gồm Mashhad, Birjand, Ahvaz, Gachsaran, Abadan, Khoramshahr, Mahshahr, Shiraz và Bandar Abbas.

    Đại sứ Trung Quốc tại Thụy Điển đe dọa Bộ trưởng Bộ văn hóa Thụy Điển

    Bắc Kinh đã chỉ trích sự ủng hộ của Stockholm với Gui Minhai, chủ nhà xuất bản sách bị giam giữ tại Trung Quốc sau khi Bộ trưởng văn hóa Thụy Điển tham dự một lễ trao giải văn học để vinh danh ông.

    Vào thứ Sáu (15/11), Đại sứ Trung Quốc tại Thụy Điển đã đe dọa Bộ trưởng Bộ văn hóa Thụy Điển là bà Amanda Lind về lệnh cấm vào Trung Quốc nếu bà tham dự lễ trao giải.

    Sau buổi lễ, Đại sứ quán Trung Quốc tại Stockholm cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Bảy (16/11) rằng sự tham dự buổi lễ của bà Lind là một “sai lầm nghiêm trọng” và cảnh báo rằng “những hành động sai trái sẽ chỉ gặp hậu quả xấu”.

    Gui Minhai, một công dân Thụy Điển gốc Hoa, đã bị bắt cóc ở Thái Lan vào năm 2015 và hiện bị giam giữ tại Trung Quốc. Ông đã xuất bản những cuốn sách chỉ trích các nhà lãnh đạo Trung Quốc tại Hồng Kông. Gui được phóng thích vào tháng 10/2017, nhưng 3 tháng sau, ông bị các đặc vụ Trung Quốc bắt giữ trên một chuyến tàu đi đến Bắc Kinh trong khi có sự hiện diện của các nhà ngoại giao Thụy Điển.

    Những người có vũ trang đã đột kích vào văn phòng của Phe đối lập Venezuela

    Theo AP, phe đối lập Venezuela cho biết một nhóm người che mặt có vũ trang đã đột kích vào trụ sở của nhóm này vào cuối ngày thứ Sáu (15/11), lấy điện thoại di động, máy tính và thẻ căn cước của các nhân viên vào đêm trước cuộc biểu tình trên toàn quốc chống lại Tổng thống Nicolás Maduro.

    Trước đó, phe đối lập đã kêu gọi người Venezuela xuống đường vào thứ Bảy (16/11). “Những gì họ đang làm là để đe dọa chúng tôi”, Juan Guaidó, lãnh đạo phe đối lập nói. “Họ đã không thành công. Trái lại, ở đây chúng tôi mạnh hơn bao giờ hết”.

    Sinh viên Hàn Quốc ủng hộ biểu tình Hồng Kông
    Kim Ji-mun, 23 tuổi, một sinh viên trường đại học Hàn Quốc, cùng những người bạn của anh đã dán các biểu ngữ trong khuôn viên trường để ủng hộ các cuộc biểu tình dân chủ ở Hồng Kông, trong khi nhóm sinh viên Trung Quốc lại tìm cách gỡ chúng xuống.

    Cuộc đối đầu tại Đại học Hanyang ở Seoul hôm thứ Tư (13/11) đã kéo dài 7 giờ, với những sinh viên Hàn Quốc đang cố gắng bảo vệ những thông điệp viết tay của họ. “Chúng tôi tham gia phong trào ủng hộ dân chủ Hồng Kông, trong khi những người Trung Quốc chế nhạo, ném đồ và hô vang ‘Một Trung Quốc'”, Kim nói với hãng tin Reuters.

    Nam sinh viên chia sẻ thêm, họ đến theo nhóm, chửi bới, đe dọa và chụp ảnh những sinh viên Hàn Quốc ủng hộ Hồng Kông và chia sẻ lên phương tiện truyền thông xã hội.

    Sinh viên Kang Min-seo, 24 tuổi cho biết: “Hàn Quốc đã nhận được sự hỗ trợ từ bạn bè quốc tế khi chúng tôi đấu tranh cho dân chủ. Tôi không thể im lặng vì tôi cũng đang chia sẻ niềm tin vào giá trị của nền dân chủ”.

    Reuters chưa liên lạc được với các sinh viên Trung Quốc trong cuộc đối đầu tại Seoul hôm 13/11.

    Quân đội Trung Quốc ở Hồng Kông lần đầu xuống đường dọn gạch do người biểu tình xếp

    Vào hôm thứ Bảy (16/11), quân đội Trung Quốc lần đầu tiên được điều ra ngoài, hỗ trợ dọn gạch đá do người biểu tình bày xếp để ngăn cảnh sát tấn công trường Đại học Baptist, Kowloon Tong.

    Tờ Hong Kong Free Pres (HKFP) cho biết, hàng chục người lính trong trang phục áo phông màu xanh lá, quần sooc đen, mang theo xô đỏ, đã rời doanh trại tại Kowloon vào khoảng 16 giờ (giờ địa phương), hướng đến đường Renfew, gần Đại học Baptist Hồng Kông (HKBU). Có một người quay phim lại hoạt động dọn dẹp của các binh lính.

    Theo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), một quân nhân cho biết hành động của họ không liên quan gì đến chính quyền Hồng Kông. Lính cứu hỏa và cảnh sát sau đó cũng tới tham gia.

    Có khoảng 20 người tới dọn dẹp trước khi những người lính xuất hiện. Họ mang theo xe đẩy để di chuyển gạch và các vật thể khác lên vỉa hè.

    Có 3 người phụ nữ tham gia cho biết, họ không được ai yêu cầu mà tự nguyện làm vậy. Khi được HKFP hỏi, họ có thấy bất kỳ lời kêu gọi hành động nào trên các ứng dụng nhắn tin như Whatsapp trước đó không, những người phụ nữ này đã không trả lời.

    Đây là lần đầu tiên trong hơn một năm qua doanh trại của Quân đội Giải phóng Nhân dân tham gia vào hoạt động công ích. Tháng 10/2018, hơn 400 quân nhân được điều động đến các công viên của Hồng Kông để hỗ trợ dọn dẹp cây cối gãy, đổ sau siêu bão Mangkhut.


    Hồng Kông điều 70 đặc nhiệm ‘Phi Hổ’ đối phó với người biểu tình

    Một đơn vị tinh nhuệ có biệt danh ‘Phi Hổ’ lần đầu tiên được điều động triển khai hỗ trợ cảnh sát đặc khu đối phó với làn sóng biểu tình ở Hồng Kông vào hôm thứ Bảy (16/11).

    Hơn 70 thành viên đội đặc nhiệm thuộc lực lượng bảo vệ nhà giam của Cục Cải huấn Hồng Kông (CSD) chính thức được triển khai để đảm bảo an ninh các tòa nhà công quyền quan trọng của chính phủ Hồng Kông, theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng.

    Các đặc nhiệm này đã tới Học viện Huấn luyện Nhân viên của CSD vào khoảng 9 giờ sáng (giờ địa phương) để nhận trang thiết bị gồm mũ bảo hiểm, bình xịt hơi cay, dùi cui, đạn cao su, súng trường và lựu đạn cay và mặc đồng phục màu xanh lá cây.

    Trong ngày 16/11, đơn vị của nhà tù đã được bố trí xung quanh các tòa nhà công quyền quan trọng của chính phủ Hồng Kông. Thành viên Phi Hổ đeo băng tay với dấu hiệu họ là lực lượng đặc nhiệm trong khi thi hành nhiệm vụ.

    CSD hoạt động độc lập với cảnh sát Hồng Kông từ năm 1921 dù cùng đặt dưới sự lãnh đạo của Cục trưởng Bảo an Đặc khu. Lực lượng phản ứng nhanh của CSD được thành lập khoảng 3 năm trước.

    Trước khi nhận nhiệm vụ, thành viên lực lượng trải qua 11 tuần huấn luyện chiến thuật và sử dụng vũ khí để hộ tống tù nhân có mức độ nguy hiểm cao, chống bạo động cùng những tình huống khẩn cấp khác trong cơ sở giam giữ.

    Võ Thái Hà tóm lược

    Không có nhận xét nào