Header Ads

  • Breaking News

    Tâm Chánh - Người Việt di cư và đạo lý sợi dây diều

    Điều đáng ngạc nhiên là ở một xứ sở hàng 500 năm nay đối diện thường xuyên với nạn di cư nhưng mớ tri thức mà chúng ta mang ra để trao đổi, tranh luận xung quanh thảm kịch 39 nhân mạng, nghèo nàn, lỗ mỗ không thể tưởng tượng.


    Chúng ta từng có những cộng đồng di cư tạo ra vùng đất mới phía Nam. Rồi tiếp nối là cộng đồng di cư góp mặt một cách tích cực vào hình thành một thể chế có bản sắc văn hoá, cập nhật với thời đại ở một vùng đất rộng lớn, có ảnh hưởng, mang tên VNCH.

    Chúng ta từng có những người chân đăng tạo ra dấu vết người Việt bên ngoài lãnh thổ. Rồi những người lao động xuất khẩu đã từng hình thành trên quê hương mình những làng Li bi mái bằng, những toà nhà của hành, những xóm làng mang dấu vết văn hoá Nga, Đông Âu… ở nhiều nơi trên miền Bắc.

    Chúng ta từng có một cộng đồng thuyền nhân liều mình ra đi để làm thành một cộng đồng người Việt, trong chừng mực nào đó khá thành công, một bộ phận không thể tách rời của dân tộc ở hải ngoại.

    Chúng ta có một cộng đồng người mẹ, người chị, đứa em ở Đài Loan, ở Hàn Quốc, cả ở Trung Quốc… đem hôn nhân hạnh phúc của mình đánh đổi sinh kế không chỉ cho mình, mà còn cho gia đình, thân nhân của mình…

    Tất cả họ, không chỉ trong một đời, chắt chiu từng đồng tiền mồ hôi, nước mắt, có cả máu, trần ai, ô nhục, để gom góp gửi về quê nhà hàng năm lượng kiều hối chiếm cỡ 10% GDP.

    Những người cha, người mẹ, người anh, người chị của họ, như hàng trăm năm trước, im lặng chắp nhận cuộc hi sinh ấy, để làm cuộc đổi đời cho mình ở quê nhà.

    Chúng ta vẫn mặc nhiên chấp nhận những tình nguyện viên của gia đình đánh đổi số phận của họ để trả thay mình một món nợ nào đó.

    Từ những tên tuổi cỡ Lê Bá Đãng khai tăng tuổi đi lính thợ thay người thân, hay một em gái nhất quyết kiếm tiền trả nợ thay anh, chúng ta yên lòng với những giá trị mà chúng ta thậm chí còn ca tụng như một thứ đạo nghĩa ngời sáng.

    Dân tộc chúng ta, người Việt Nam chúng ta chưa một lần tự vấn vì sao cô gái phải hi sinh để trả nợ thay ông anh mình? Ông bà chúng ta trên đường rời khỏi cái cuộc sống chật hẹp của quê hương bản quán đã chấp nhận:

    Ra đi là sự đánh liều
    Đành như con trẻ chơi diều đứt dây

    Có lần nào chúng ta cật vấn, chiếc diều ấy phải chi đừng chỉ lệ thuộc sợi dây, để nó tự do bay lượn? Biết đâu rằng trong tự do đáng có của cá nhân, cánh diều ấy chỉ chấp chới trên sân diều thân thuộc của tuổi thơ, mà không phải xé mình trong giông lốc cuộc đời.

    Phải chăng, chúng ta, dân tộc chúng ta, nợ những mảnh đời ấy một đạo lí?

    Tâm Chánh

    (FB Tâm Chánh) 

    Không có nhận xét nào