Header Ads

  • Breaking News

    Aung San Suu Kyi: Gambia không nêu đầy đủ về tình trạng người Rohingya


    Ngày 11/12/2019, giải Nobel Hòa Bình 1991 Aung San Suu Kyi điều trần trước Tòa Án Công Lý Quốc Tế (CIJ) ở La Haye chỉ một ngày sau khi Gambia, nước đệ đơn kiện, trong phiên điều trần đầu tiên, đã yêu cầu Miến Điện « ngừng hành động diệt chủng » nhắm vào người Rohingya theo Hồi Giáo.
    Bà Aung San Suu Kyi tại Tòa Án Công Lý Quốc Tế (CIJ) ở La Haye ngày 10/12/2019.REUTERS/Yves Herman

    Theo AFP, phát biểu trước Tòa Án Công Lý Quốc Tế, bà Aung San Suu Ky cho rằng Gambia đã dựng « một bức tranh gây hiểu lầm và không đầy đủ về tình hình ở bang Rakhine », nơi có rất nhiều người Rohingya theo Hồi Giáo đã phải chạy sang Bangladesh lánh nạn.

    Chính quyền Naypyidaw đã tuyển cả một đội ngũ luật gia quốc tế để bảo vệ lập trường của Miến Điện trước tòa. Phiên điều trần được truyền hình trực tiếp trên màn hình lớn ở Rangoon và có rất đông người dân đến theo dõi. Bà Aung San Suu Kyi hiểu rõ gánh nặng trên vai, theo đặc phái viên RFI Vincent Souriau :

    « Aung San Suu Kyi biết rằng bài phát biểu của bà sẽ được phân tích từng ly từng tí. Trước tiên là từ phía cộng đồng quốc tế đang chờ những câu trả lời sau cuộc điều tra kỹ lưỡng của Liên Hiệp Quốc, nhưng cũng từ phía người dân Miến Điện, bởi vì phần lớn công luận Miến Điện cho rằng cáo buộc « diệt chủng » là do phương Tây dàn dựng và là chiến dịch tuyên truyền của phương Tây. Bà Aung San Suu Kyi sẽ phải tìm ra được sự cân bằng trong thế trên đe dưới búa ».

    Người Miến Điện phản đối cáo buộc « diệt chủng »

    Trong ngày điều trần đầu tiên (10/12), khoảng 50 người Rohingya ở hải ngoại đã tập trung trước Tòa Án Công Lý Quốc Tế để lên án chính quyền Naypyidaw « diệt chủng » người Rohingya. Tuy nhiên, ở trong nước, đông đảo người dân đã tuần hành ủng hộ lãnh đạo Aung San Suu Kyi, người bảo vệ Miến Điện trước tòa án quốc tế.

    Phóng sự của thông tín viên RFI Sarah Bakaloglou ở Răngun :

    « Thể hiện sự thống nhất của một đất nước bị cáo buộc diệt chủng, đó là mục tiêu của cuộc tập hợp mà trong đó có rất nhiều đại diện cho các tôn giáo khác nhau lần lượt cầu nguyện cho Aung San Suu Kyi. Trong đám đông, một người đàn ông cầm chân dung nhà lãnh đạo trong tay, cho biết : Ở Miến Điện, không có bất kỳ thù hận nào giữa các tôn giáo và Aung San Suu Kyi rất chú ý giữ công bằng đối với các tộc người thiểu số. Về cuộc khủng hoảng 2017, tôi thực sự không biết chuyện gì xảy ra, nhưng tôi biết rằng Aung San Suu Kyi sẽ cố hết sức ở Tòa Án Công Lý Quốc Tế và tất cả chúng tôi đều yêu mến bà.

    Một niềm tin gần như mù quáng, nhưng là tâm lý chung của đám đông. Họ cho rằng những cáo buộc nhắm vào Miến Điện là bất công, như phát biểu của một phụ nữ Rangun : Miến Điện là một đất nước có chủ quyền, chúng tôi có những luật lệ tốt và chưa bao giờ có « diệt chủng » ở đây. Aung San Suu Kyi không đến Hà Lan để bảo vệ giới quân đội mà là để bảo vệ công dân đất nước chúng tôi.

    Chính phủ Miến Điện luôn bác bỏ những cáo buộc diệt chủng. Bà Aung San Suu Kyi sẽ phát biểu trước Tòa Án Công Lý Quốc Tế thứ Tư 11/12 ».

    Diệt chủng Rohingya : Mỹ gia tăng trừng phạt tư lệnh liên quân Miến Điện

    Ngày 10/12, chỉ vài giờ trước phiên điều trần đầu tiên tại Tòa Án Công Lý Quốc Tế, Hoa Kỳ đã gia tăng trừng phạt đối với tư lệnh liên quân Min Aung Hlaing vì những vụ thảm sát người Rohingya trên quy mô lớn.

    Tướng Min Aung Hlaing, cùng với ba tướng lĩnh khác, Soe Win, Than Oo và Aung Aung, từng nằm trong danh sách cấm nhập cảnh vào Mỹ do bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ ban hành tháng 07/2019. Trong những biện pháp trừng phạt mới, được công bố nhân Ngày Nhân quyền Thế giới, bộ Ngân Khố sẽ phong tỏa mọi tài sản của họ nếu có ở Mỹ và ngăn cản mọi giao dịch với công dân Hoa Kỳ.


    Thu Hằng

    RFI

    Không có nhận xét nào