Header Ads

  • Breaking News

    Điểm tin thế giới ngày Chủ nhật 29 tháng 12 năm 2019

    Nữ học giả người Úc bị bỏ tù ở Iran

    Tờ The National hôm nay thông tin, Bộ ngoại giao Tehran tuyên bố hôm thứ Bảy “Học giả người Úc bị bỏ tù ở Iran vì tội làm gián điệp phải chấp hành bản án của cô ta”.

    Kylie Moore-Gilbert, đã bắt đầu tuyệt thực trong nhà tù Evin ở Tehran vào hôm thứ Ba, sau khi kháng cáo chống lại bản án 10 năm tù không thành công. Úc đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về vấn đề này và Ngoại trưởng Marise Payne kêu gọi cho nữ học giả được đối xử “công bằng, nhân văn và phù hợp với các chuẩn mực quốc tế”.

    Việc Moore-Gilbert bị bắt được xác nhận vào hồi tháng 9, với buộc tội “làm gián điệp cho một quốc gia khác”, nhưng gia đình cô nói cô đã bị giam giữ nhiều tháng trước đó. Moore-Gilbert và một học giả khác là Fariba Adelkhah người Pháp gốc Iran đã bắt đầu tuyệt thực vào đêm Giáng sinh, Đại học Sciences Po của Pháp cho biết hôm thứ Năm.

    Việc Adelkhah bị bắt vì tội “gián điệp” được xác nhận vào hồi tháng 7. Adelkhah là chuyên gia về Hồi giáo Shiite kiêm giám đốc nghiên cứu tại Sciences Po.

    Venezuela đòi Brazil trả lính đào ngũ


    Venezuela hôm thứ Bảy đã yêu cầu Brazil bàn giao lại 5 lính “đào ngũ”, những người bị nghi ngờ có liên quan đến một cuộc đột kích vào một tiền đồn quân sự xa xôi ở miền nam Venezuela cuối tuần trước, các quan chức nói.

    Reuters thông tin, chính phủ ly khai Brazil nói trong một tuyên bố họ đang xử lý các yêu cầu tị nạn từ 5 binh sỹ Venezuela đào tẩu mà họ đã đón hồi đầu tuần. Chính phủ này không đề cập đến cuộc đột kích ngày 22/12, nhưng một nguồn tin quân sự Brazil cho biết các binh sĩ này bị nghi ngờ có liên quan đến vụ tấn công

    Một lính Venezuela đã chết trong vụ tấn công tiền đồn ở bang Boliver, gần biên giới Brazil. Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro nói ba nghi phạm đã bị bắt giữ hôm thứ Bảy, sau nhiều vụ bắt giữ vào tuần trước và chính phủ đã thu hồi 111 trong số 120 khẩu súng trường và 8 trong số 9 súng phóng lựu bị đánh cắp. Maduro ban đầu cáo buộc Colombia, Peru và Brazil – cả 3 nước đều chỉ trích chính phủ của ông – là đã đồng lõa với vụ tấn công, điều mà 3 nước phủ nhận.

    Biểu tình ở Ấn Độ khiến du khách tránh xa đền Taj Mahal


    Hãng Reuters cho biết hôm 29/12, ngành công nghiệp du lịch Ấn Độ đã bị ảnh hưởng bởi làn sóng phản đối dữ dội chống lại luật công dân mới đã gây chấn động một số thành phố trong tháng này, với ít nhất 7 quốc gia ban hành cảnh báo du lịch. Có ít nhất 25 người đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình, và các cuộc biểu tình kháng luật vẫn tiếp tục.

    Các quan chức ước tính khoảng 200.000 khách du lịch trong nước và quốc tế đã hủy hoặc hoãn chuyến đi tới đền Taj Mahal trong hai tuần qua, một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất thế giới.

    Đền thờ bằng đá cẩm thạch từ thế kỷ 17 nằm ở bang Uttar Pradesh miền bắc Ấn Độ đã chứng kiến số thương vong cao nhất và các vụ bạo lực dữ dội trong hai tuần bất ổn.

    Philippine: Cập nhật thương vong do bão Phanfone tấn công hôm Giáng sinh

    Số người thiệt mạng do một cơn bão lớn tấn công Philippines hôm Giáng sinh đã tăng lên 41 người, nhà chức trách cho biết hôm Chủ nhật (29/12), hàng chục ngàn người vẫn còn ở các trung tâm sơ tán, AFP thông tin hôm nay.

    Phanfone đã rời Philippines hôm thứ Bảy, sau khi tàn phá hòn đảo ở trung tâm Visayas, bao gồm các điểm du lịch nổi tiếng, mức độ thiệt hại tiếp tục gia tăng. 41 vụ thương vong tăng từ 28 vụ vào thứ Sáu, bao gồm 3 thuyền viên đã chết sau khi tàu bị lật do những cơn gió lớn, một cảnh sát bị điện giật bởi cột điện bật gốc và một người đàn ông bị cây đổ đè vào người.

    Khủng hoảng Lybia bước vào giai đoạn mới khi Thổ Nhĩ Kỳ điều động chiến binh Syria

    Cuộc chiến ở Libya chuyển hướng kịch tính vào thứ Bảy, với các báo cáo Thổ Nhĩ Kỳ triển khai phiến quân Syria để hỗ trợ các đồng minh của họ ở Tripoli. Các video đăng tải trên truyền thông xã hội cho thấy các chiến binh Syria tuyên bố họ đã đến Libya.

    Tin tức đến vào thời điểm Thổ Nhĩ Kỳ đang chuẩn bị triển khai quân đội vào Libya để hỗ trợ đồng minh là lãnh đạo chính phủ lâm thời Libya (GNA) Fayez Al Sarraj. Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bỏ phiếu về vấn đề này vào ngày 8 hoặc 9. Nếu được thông qua, Thổ Nhĩ Kỳ có thể điều lực lượng hải quân và quân đội tới quốc gia châu Phi, nơi đã hỗn loạn kể từ cuộc nổi dậy trong năm 2011 lật đổ nhà độc tài Muammar Qaddafi.

    Trung Quốc sửa luật để ‘tạo thiện chí’ trước bầu cử Đài Loan


    Quốc hội Trung Quốc vừa sửa luật để đơn giản hóa thủ tục đầu tư cho doanh nghiệp Đài Loan, một động thái nhằm tạo thiện chí trước cuộc bầu cử tháng 1 trên hòn đảo tự trị, theo Reuters.

    Đài Loan cho rằng Trung Quốc đang tăng cường gây ảnh hưởng tới cử tri trước cuộc bầu cử ngày 11/1/2020. Chính quyền hòn đảo đã soạn thảo dự luật chống xâm nhập nhằm chống lại các nỗ lực của Trung Quốc và có khả năng sẽ thông qua vào tuần tới.

    Đài Loan đã cố thoát khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc bằng cách khuyến khích các doanh nghiệp hồi hương hoặc chuyển đầu tư sang các nơi khác trên thế giới, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á. Nền kinh tế Đài Loan đã được hưởng lợi từ khi các doanh nghiệp của họ di dời sản xuất về hòn đảo để tránh các đòn thuế quan từ cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ, dù tranh chấp cũng tạo ra một số bất lợi đối với kinh tế của hòn đảo.

    Đặc nhiệm Thái giải cứu đội bóng Lợn Hoang qua đời


    Một năm sau khi giải cứu thành công đội bóng nhí bị kẹt trong hang Tham Luang (Thái Lan), thành viên đặc nhiệm SEAL Thái Lan đã qua đời do nhiễm trùng máu.

    Theo Hải quân Hoàng gia Thái lan, sĩ quan Beiret Bureerak đã bị nhiễm trùng máu trong quá trình giải cứu đội bóng nhí gồm 12 người ra khỏi hang Tham Luan. Suốt 1 năm qua dù được tích cực chữa trị nhưng anh vẫn không qua khỏi.

    12 thành viên của đội bóng nhí Lợn Hoang cùng huấn luyện viên Ekapol Chanthawong đã đi tham quan hang động ở tỉnh Chiang Rai, phía Bắc Thái Lan vào ngày 23/6/2018. Một trận mưa như trút nước vào hang đã khiến cả đội bóng bị mắc kẹt.

    Đội bóng đã trải qua 9 đêm kẹt trong hang trước khi được phát hiện bởi các thợ lặn Anh vào ngày 2/7/2018.

    Ấn Độ lạnh sâu kỷ lục, ít nhất 38 người chết vì rét

    Đợt lạnh bất thường đang quét qua một khu vực rộng lớn ở Ấn Độ, từ vùng Kashmir xa xôi đến thủ đô New Delhi nhộn nhịp. Tháng 12 này, nền nhiệt trung bình vào buổi sáng ở New Delhi chỉ ở mức 10 độ C, mức lạnh sâu thứ hai trong suốt 118 năm qua, sau kỷ lục hồi tháng 12/1997. Hôm 27/12, nhiệt độ giảm xuống còn gần 4 độ C, trong khi Cục Khí tượng Ấn Độ (IMD) đã cảnh báo đợt lạnh sẽ tiếp tục quét qua các khu vực Tây Bắc và miền Trung nước này trong 2 ngày cuối tuần, theo Times of India.

    Nhưng lạnh hơn cả phải kể đến nhiệt độ thấp đến mức “thấu xương” được ghi nhận ở vùng núi Kashmir (-12 độ C), thậm chí vùng Ladakh ở mức -30 độ C kèm tuyết rơi dày trong mùa đông khắc nghiệt.

    Thuyền chở nhiều thi thể dạt vào bờ biển Nhật Bản

    Quan chức tuần duyên Nhật Bản Kei Chinen cho biết lực lượng này vừa phát hiện một chiếc thuyền gỗ chở thi thể của ít nhất 5 người dạt vào bờ biển đảo Sado, tỉnh Niigata, nghi xuất xứ từ Triều Tiên vào sáng hôm qua (28/12). Nhà chức trách đang điều tra nguyên nhân của những cái chết, Reuters cho hay.

    Chiếc thuyền đã bị vỡ nát và chỉ còn lại phần mũi. Ngoài phần thân thuyền có chữ và số tiếng Triều Tiên. Do quan hệ ngoại giao với Triều Tiên đang căng thẳng nên giới chức Nhật Bản thường khó có thể điều tra những sự việc như thế này.

    Theo các chuyên gia, ngư dân Triều Tiên đang ngày càng phải hoạt động xa bờ. Dù vậy, họ thường phải sử dụng những con tàu cũ với trang bị kém nên dễ gặp sự cố. Ngư dân nước này cũng có rất ít biện pháp gọi cứu hộ khi gặp nạn.

    Phát hiện cung điện 1.000 năm tuổi thuộc nền văn minh Maya

    Viện nhân chủng học và lịch sử quốc gia Mexico cho biết, các nhà khảo cổ đã phát hiện một cung điện lớn thuộc về giới thượng lưu người Maya hơn 1.000 năm trước tại thành cổ Kuluba, gần điểm du lịch nổi tiếng Cancun ở miền Đông Mexico, theo đài DW (Đức).

    Ngoài cung điện hoành tráng, nhóm khảo cổ tiếp tục khám phá 4 công trình khác trong khu vực gọi là “nhóm C” tại quảng trường trung tâm, gồm một bàn thờ – tàn dư của hai tòa nhà dân cư và một cấu trúc tròn có thể là lò nướng cổ.

    Maya là nền văn minh cổ, từng đạt đến đỉnh cao rực rỡ trong giai đoạn 250-900 về các lĩnh vực tổ chức xã hội, kiến trúc, toán học, thiên văn và lịch pháp.. Nền văn minh này từng định cư trên một vùng đất rộng lớn, trải dài từ đông nam Mexico, Guatemala, Belize cho đến Honduras ngày nay. Tuy nhiên, văn minh Maya bất ngờ thoái trào và biến mất dần từ đầu thế kỷ 10, để lại ẩn số lớn đến ngày nay cho nhân loại.


    Võ Thái Hà tóm lược

    Không có nhận xét nào