Header Ads

  • Breaking News

    Kỷ nguyên Phùng Hưng

    Long mạch của Châu thổ sông Hồng (Bắc Việt Nam)

    Phùng Hưng – Bố Cái Đại Vương

    Long mạch của đồng bằng Bắc Bộ nằm dọc theo trục [Gia Ninh] – [Long Biên – Cổ Loa-Luy Lâu] – [Chu Diên], tức là mạch của đất Âu Lạc cổ, sau này tao thành ba miếng ghép lớn Phong Châu -Lục Châu -Giao Châu (châu Phong, châu Lục, châu Giao). Tam giác vàng với đỉnh hướng Nam (▼) của Giao Châu là Ô Diên – Long Biên – Luy Lâu. Trọng tâm của tam giác này là Cổ Loa. (Các địa danh và địa giới ngày xưa không hoàn toàn khớp với bản đồ hành chính hiện nay).

    Nước Việt Nam tiền thân của Bắc Việt Nam hiện đại dần hình thành cả về cương vực và dân tộc khi các địa giới hành chính dần dần đi vào tâm thức của người Việt cổ (thấm nhuần văn hóa và hệ thống cai trị kiểu Hán).

    Ở cực Nam của đồng bằng sông Hồng và sông Mã, đi qua dãy Hoành Sơn, là thành Khu Túc (gần Huế) của Lâm Ấp.

    Năm 471, sau chiến thắng Lâm Ấp (447), nhà Tống thành lập một châu mới, Việt Châu, ở cực phía Bắc mạch đất Việt cổ. Việt Châu bao gồm quận Hợp Phố và các vùng lục địa cách xa duyên hải (vốn sẵn kết nối xuống Trường Hải) nằm giữa Quảng Châu và Giao Châu. Biên giới phía Bắc của Giao Châu vốn là vòng cung cực lớn đã bị hu hẹp lại và nằm dưới Hợp Phố. Đến năm 507, thêm Quế Châu được thành lập trên vùng đất vốn từng thần phục Sĩ Nhiếp ở Giao Chỉ. Châu Quế và châu Việt vô hình chung tách châu Giao (là Bắc Bộ) ra khỏi ảnh hưởng trực tiếp của chính trị và quân sự Trung Hoa, nhưng vẫn kết nối sâu về thương mại qua châu Lục (Lục Châu)

    Phía Nam của mạch đất Giao Châu là Trường Châu rồi tiếp đến Ái Châu. Ái Châu hình thành nhờ sáp nhập Cửu Chân và Cửu Đức, hai quận được tách khỏi Giao Châu năm 523. Rồi tiếp nối Ái Châu là Minh Châu, Lý Châu, Đức Châu.

    Đây là giai đoạn lịch sử giúp Giao Châu tự nhiên tách ra khỏi thiên triều về địa lý và hành chính. Đồng thời lại dễ dàng tiếp nhận các tư tưởng và sóng ly khai (khỏi chế độ “bắc thuộc”) từ phương nam thâm nhập lên. Kể từ đó các cuộc khởi nghĩa dành độc lập bắt đầu nổ ra.

    Lý Phật Tử là người đầu trấn tam giác chiến lược ở châu thổ sông Hồng bằng cách đóng quân ở Ô Diên – Cổ Loa – Long Biên. Bên này sông Hồng (khu vực quận Cầu Giấy hiện nay) là một thành lũy do Lý Bí dựng tạm năm 545 để chống cự Trần Bá Tiên (nhà Lương).

    Năm 618, thời An Nam Đô Hộ phủ, Thái thú Giao Chỉ của nhà Tùy tên là Khâu Hòa xây một tòa thành mới trên đất tòa thành tạm của Lý Bí và gọi là Tử thành.

    Đến đời Đường, quan đô hộ là Trương Bá Nghi bỏ Tử thành để xây thành mới bên cạnh, hào luỹ bao quanh. Từ đó có tên La thành. Từ đó dần dần có đê La Thành, rồi có Hà Nội ngày nay. (Xem thêm Hà Nội Duyên Khởi.)

    Chỗ Lý Bí đi thuyền từ sông Hồng vào Tử thành, chính là cửa sông Tô Lịch thần thánh, có lẽ gần chỗ phố Chợ Gạo bây giờ. Phù sa bồi cửa sông, sau này thành Place du Commerce. Dòng chảy sông Tô, khúc đi từ sông Hồng men theo vùng đất sau này là Thăng Long, nay là các phố Cầu Gỗ, Hàng Lược, Phan Đình Phùng.

    Khu Thủ Lệ có thể chính là đất Tử thành thời nhà Tùy. Đây cũng là khúc ngoặt của dòng chảy sông Tô, từ Đông sang Tây, trở thành Bắc Nam và là nơi Phạm Tu hy sinh năm 545 để bảo vệ Vạn Xuân trước quân binh của Trần Bá Tiên. Dấu vết địa lý nay vẫn còn trong dân gian:

    Nhị Hà quanh Bắc sang Đông

    Kim Ngưu, Tô Lịch là sông bên này



    II

    Giao Châu nhà Đường

    Thái thú Giao Chỉ trở thành Tổng quản Giao Châu (Giao châu tổng quản chủ). Rồi nâng cấp lên thành Đại tổng quản. Rồi lại đổi tên thành Đại Đô đốc phủ. Giao Châu tổng quản phủ đổi tên thành Giao Châu đô đốc phủ. Rồi từ đây mới có An Đông đô hộ phủ (Bình Nhưỡng), An bắc đô hộ phủ (nay là Nội Mông và Mông Cổ), An tây đô hộ phủ (nay là Tân Cương), và Giao Châu trở thành An nam đô hộ phủ.

    Cuộc khởi nghĩa đầu tiên trên đất Đường, do một người Giao Chỉ khởi lên:” Năm 687 một người Giao Chỉ tên là Lý Tự Tiên giết (An Nam đô hộ) Lưu Diên Hựu và chiếm lấy Giao Châu. Nhà Đường cử Tư mã Quế Châu (Tào Huyền Tĩnh) sang đánh dẹp.” Khoảng 30 năm sau nổ ra cuộc khởi nghĩa thứ hai: Mai Thúc Loan. Đây là quãng thời gian từ cuối thế kỷ 7 và đầu thế kỷ 8.

    Cuối thế kỷ 8 nhà Đường đại loạn (loạn An Lộc Sơn – Sử Tư Minh), nhà Đường áp dụng trở lại chế độ quản lý quân sự (Tiết độ sứ quản lý phiên trấn). An Nam cũng loạn, lại còn xa xôi. Nhà Đường đổi An Nam thành Trấn Nam, đặt dưới sự quản lý của Tiết độ sứ Lĩnh Nam đạo, tức là không còn chịu sự quản lý trực tiếp của triều đình trung ương (Trường An). Đây là giai đoạn quan trọng của nước ta, với sự xuất hiện của Trương Bá Nghi, Cao Chính Bình và cuộc khởi nghĩa Phùng Hưng (xem cuối bài này).

    Nhà Đường áp dụng chế độ quân điền, nhắm giới hạn điền sản của các đại gia người Việt. Các đại gia một mặt cho con cháu ăn học để chui vào cơ quan nhà nước (nhà Đường), một mặt lách luật bằng cách xây dựng chùa (chùa sở hữu đất) rồi cài sư là người nhà vào. Nhà Đường lập tức đưa các siêu nhà sư qua thao túng ngược, bởi không chỉ đất đai, mà cả ý thức hệ phật giáo bản địa (thiền Tì ni đa lưu chi). Bởi phật giáo bản địa (Luy Lâu – châu thổ sông Hồng) mới là cái nhà Đường sợ.

    Kết quả là nhà nước đô hộ hình thành bên hữu sông Hồng (La Thành), còn thế lực bản địa nằm rải rác ở bên kia sông. Xã hội Việt chia phe: theo Đường và chống Đường. Thế rồi quân Nam Chiếu tràn xuống, chiếm La thành. Tàn sát các nhóm thân Đường bên hữu sông, rồi và đuổi luôn phe chống Đường bên kia sông dạt lên trung du.

    Cao Biền được cử đến An Nam đô hộ phủ, dẹp được nạn Nam Chiếu. Còn dân Việt bỗng hiểu ra rằng, họ chỉ có một con đường: Thoát Đường (nay gọi là thoát Trung).

    Cao Biền đánh Đại La, chém giết quân Nam Chiếu, tàn sát luôn cả và quân dân Việt chống Đường mà theo Nam Chiếu. Các thủ lĩnh chống Đường và quân của họ rút chạy lên rừng núi, từ đó hình thành người Mường (người Việt cổ từ chối Hán hoá) tách hẳn người Kinh.

    Còn Lục Châu (bao gồm Hồng Công hiện nay), có thủ phủ là Phiên Ngung (nay là Quảng Đông). Lục Châu thời Đường (năm 622) là một châu nằm dọc biển Hoa Nam và biển Trường Hải (nay là Vịnh Bắc Bộ), nó bao quát vùng duyên hải đồng bằng (cổ) của sông Hồng đổ lên vùng biển nay là Hồng Công – Ma Cao – Chu Hải. Điều này lý giải phần nào dòng máu chống Bắc Kinh vẫn còn rất mạnh trong người Hồng Công giống người Việt. (Xem thêm Tượng thủy nhất dạng.)



    III

    Con gà chọi

    Trong những năm 1960 thuộc thế kỷ trước, một nhà nghiên cứu ở Đại học British Columbia đề xuất một lý thuyết mà theo đó Việt Nam một mặt nằm ở miền biên viễn Trung Hoa và chịu ảnh hưởng từ đất nước khổng lồ này, mặt khác lại có kết nối không thể chia rẽ được với tiểu lục địa Đông Nam Á.

    Chịu sự giằng co giữa hai nền văn hóa lớn Trung Hoa và Ấn Độ trong nhiều thế kỷ đã làm nên hình hài Việt Nam hiện đại. Trong đó một thể chế tập quyền sao chép từ Trung Hoa đã và sẽ giúp thiểu số cai trị cai quản tương đối hiệu quả đất nước Việt rất phức tạp về địa lý và con người; còn nghệ thuật, nhất là nghệ thuật quân sự, vay mượn từ Đông Nam Á đã và sẽ giúp đa số nhân dân Việt Nam chống lại sự thôn tính, nhất là thôn tính bằng quân sự của Trung Hoa. Tượng binh và hỏa hổ của Quang Trung là một ví dụ về nghệ thuật quân sự phương nam (xem thêm ở đây).

    Binh biến loạn lạc thời trẻ của Nguyễn Ánh cũng là một nguyên nhân, vẫn theo học giả trên, đưa Việt Nam lần đầu tiên hội nhập sâu vào Đông Nam Á. Hậu quả là đến thời Gia Long, Việt Nam trở thành một thế lực chính trị và quân sự có sức ảnh hưởng lớn trong khu vực, đủ sức tranh chấp với hai thế lực đương thời là Xiêm và Miến.

    Kể từ đó Cam Bốt phải đi dây giữa Xiêm và Việt, còn Lào được nhà Nguyễn sử dụng như hậu cứ nuôi dưỡng và cung cấp voi cho quân đội và triều đình nhà Nguyễn.

    Trong cuộc nội chiến đẫm máu giữa Nguyễn Ánh và ba anh em Tây Sơn, ta thấy nổi lên… con gà chọi.

    Bên phe ba anh em họ Nguyễn có Nguyễn Lữ mê chọi gà, từ đó sáng tạo ra Hùng Kê Quyền, thứ võ chiến đấu thực dụng của người nhỏ con, nhanh nhẹn và tàn nhẫn dùng để giết kẻ địch to lớn trong chớp mắt bằng những đòn đánh tàn bạo nhất.

    Bên phe Nguyễn Ánh có Lê Văn Duyệt, mê đá gà quên cả đi họp bộ chính trị, viết bài “Kê Kinh” nổi tiếng về các ngón luyện gà nòi. Đọc Kê Kinh, có thể cảm nhận được thời Lê Văn Duyệt vẫn chưa cho gà đá đeo cựa sắt.

    *

    Trong bài dụ nổi tiếng Dụ chư tỳ tướng hịch văn (Hịch tướng sĩ), món gà chọi được Trần Hưng Đạo ưu ái dành hẳn cho nửa câu: hùng kê chi cự, bất túc dĩ xuyên lỗ giáp. Hẳn lúc đó chư tướng nhà Trần rất mê món gà chọi, mà theo dân gian được tướng sĩ của Lý Thường Kiệt du nhập từ Chiêm Thành về sau chiến thắng 1061.

    Cùng với “chọi người” tức đấu võ đấu vật ở hội làng, “chọi cá”, “chọi dế” là thú vui của trẻ em, thì “chọi gà” có thể là thú chơi phổ biến trong quân đội ngày xưa. Giống “chọi trâu” là thú chơi của quan lại và đội nhà giàu địa phương, “chọi voi chọi hổ” là thú vui vua chúa triều đình, tức là những thú chơi không mang tính tuổi tác, địa phương mà là thú chơi theo giới, thì “chọi gà” là thú chơi của giới nhà binh. Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Lữ, Lê Văn Duyệt là các danh tướng mê đá gà. Nguyễn Cao Kỳ cũng là ông tướng đắm đuối với gà chọi. Không rõ tướng tá của quân đội Việt Nam có chơi gà không. Nhưng chơi đất chơi đai thì chắc là có, kể cả tướng hải quân.

    *

    Thú chơi chọi gà nhất quán khắp cả nước với các thuật ngữ như “om”, “xổ”, “chạy lồng”; hay chữ “gà nòi” mà ngày nay còn được dùng để chỉ cả các em học trường chuyên. Thế nhưng thì nó lại có những điểm khác hẳn nhau ở hai miền Nam Bắc. Ngoài Bắc gọi là “gà chọi”, trong Nam là “gà đá”. Con gà chọi ngoài Bắc cơ bắp, trụi lông, mặt mũi đỏ gay đỏ gắt. Con gà đá trong Nam nhỏ con, lông mướt, thậm chí còn hơi diêm dúa. Sân thi đấu ngoài Bắc gọi “sới gà”, trong Nam kêu “trường gà”. Ngoài Bắc gà chọi chân trơn (gà đòn), thi đấu rất lâu. Trong Nam gà đá chân đeo cựa sắt, đá chớp nhoáng là đối thủ lăn ra giãy chết rất thảm.

    Ở miền nam Việt Nam, nơi các trường gà không chỉ chọi và mà còn cá độ nên bị vây bắt liên tục, thì đá cựa sắt chớp nhoáng rồi giải tán là một lựa chọn phù hợp nhất trong các hẻm nhỏ Sài Gòn.

    Lối đá đeo cựa sắt ngày nay vẫn rất phổ biến ở các trường gà bên Philippines nơi môn đá gà ăn tiền được coi là hợp pháp. Người Philippines có thành ngữ ningas cogon, nghĩa đen là cỏ cháy rực (ningas là cháy, cogon là một loại cỏ cháy rất bén và nhanh), thường để chỉ những người làm gì cũng tốt lúc bắt đầu, nhưng sau đó thì hỏng việc. Ningas cogon rất hợp với đá gà dùng cựa sắt, trận đấu kết thúc đẫm máu gần như sau khi mới bắt đầu. Thông lệ thì gà chỉ đeo cựa chân trái, nhưng tùy theo thỏa thuận của chủ gà, có thể đeo chân phải, hoặc đeo cả hai chân. Cựa bằng kim loại, có một hoặc hai lưỡi, độ dài khác nhau. Cách đeo cựa cho gà đá, có lẽ du nhập từ Châu Âu vào Philippines.


    Điều này cho thấy giả thuyết lính hải quân tagal là những người truyền cách chơi gà cựa sắt cho dân miền Nam là có cơ sở.

    *

    Với quân đội viễn chinh, chọi gà là thú chơi đi cùng họ khắp thế giới. Lính La Mã mang chọi gà lan tỏa khắp châu Âu. Lính Tây Ban Nha du nhập món chọi gà này qua thuộc địa của họ ở Nam Mỹ.
     
    \Nhà tiểu sử học Plutarch tả chọi gà ở La Mã cổ đại trong cuốn Cuộc đời Antony: “Họ thường đấu gà, và cũng thường chọi chim và gà của Ceasar thường thắng gà [của Antony]”

    Từ năm 1858 đến 1861, liên quân Pháp – Tây Ban Nha đánh chiếm Sài Gòn. Hải quân Tây Ban Nha có rất nhiều lính tagal (lính có gốc gác từ một thuộc địa của Tây Ban Nha là Phillipines mà người Việt nhầm thành lính da đen). Sau chiến thắng, người Tây Ban Nha (thực ra là người Phillipines) được cắt cho khu đất nay nằm giữa các con đường Pasteur, Lý Tự Trọng, Nam Kỳ, Nguyễn Du (hoặc có thể kéo đến tận Hàn Thuyên). Tên “Tây Ban Nha” cũng được đặt cho một con đường, đường “d’Espagne”, nay là Lê Thánh Tôn.

    Những người lính Phillipines trong quân đội Tây Ban Nha được cho là đã truyền món đá gà cựa sắt cho các hậu duệ chơi đá gà của Nguyễn Lữ và Lê Văn Duyệt ở Gia Định. Món cựa sắt ấy tồn tại đến ngày nay, như một kết nối nghệ thuật quân sự dân gian giữa Việt Nam và Đông Nam Á.

    IV

    Ấn vs Hoa và biển Trường Hải

    Cuối thập kỷ 1970 ở thế kỷ trước và đầu thập kỷ 2010 ở thế kỷ này, một nhà nghiên cứu khác ở Đại học Cornell túc tắc đưa ra những lý giải quan trọng về tư duy của Trung Hoa muốn kiểm soát tuyến hàng hải đi qua Biển Trường Hải (nay là Vịnh Bắc Bộ) và tiếp đó là kiểm soát Biển Đông. Ông cũng giải thích các thời điểm nổ ra các chạm văn hóa Ấn- Hoa, trên vùng đất miền biên viễn của nước Việt cổ (nay là miền trung Việt Nam). Trong đó xung đột quân sự là biểu hiện rõ rệt nhất.

    *

    Ở đô thị thương mại quốc tế Óc Eo của vương quốc cổ Phù Nam (nay thuộc An Giang) người ta khai quật được những đồng tiền khắc hình hoàng đế La Mã Antoninus Pius. Người ta cho rằng hoàng đế Marcus Aurelius sau khi chinh phục vùng Thượng Lưỡng Hà (Upper Mesopotamia: vùng đất nay thuộc Iraq, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ) vào quãng thời gian 162- 165 đã phát triển tuyến đường biển thương mại nối Đông La Mã – Tây Á – Ấn Độ và Trung Hoa. Đoạn cuối tuyến đường ấy đi dọc qua bờ biển Việt Nam ngày nay rồi ngược lên Hợp Phố lúc đó thuộc Giao Châu.

    Năm 166 một đoàn thương gia xưng đại sứ của hoàng đế La Mã Marcus Aurelius đã ghé Giao Chỉ (đồng bằng sông Hồng sông Mã) trước khi đi tiếp đến triều đình nhà Hán.

    Tuyến đường biển kết nối Tây Á và Trung Hoa này hẳn rất nhộn nhịp, mang lại sự giàu có cho các thương cảng cổ nằm dọc bờ biển Việt Nam, mà di sản cuối cùng của nó là Phố Hiến và Hội An. Một di sản nữa là hải tặc và nghệ thuật quân sự trên biển của họ.

    *

    Tuyến hàng hải thương mại mang văn hóa Ấn từ các vương quốc Đông Nam Á đi dọc duyên hải Việt Nam đi dần lên phía bắc. Điểm cuối của nó là huyện Tượng Lâm (nay là Hà Tĩnh – Quảng Bình), đây cũng là huyện biên giới cực nam thuộc quận Nhật Nam. Ở vùng đất này mầm mống của các cuộc phán kháng (để ly khai) triều đình Trung Hoa xuất hiện.

    Năm 100, dân huyện Tượng Lâm cướp phá các cơ sở hành chính của nhà Hán trong huyện. Từ đó nhà Hán thiết lập một độ quân đồn trú (biên phòng và cai trị) ở ngay Tượng Lâm để kiểm soát vùng đất có nguy cơ nổi loạn này.

    Năm 136 quân Khu Liên (區連) (hoặc chính là Âu Liên) từ vùng đất phía nam, bên ngoài biên giới cực nam của nhà Hán (ngoài Tượng Lâm) tấn công xâm lược các đô thị Hán, bắt đầu từ Tượng Lâm đổ ngược lên phía bắc, chiếm luôn cả Nhật Nam, và chỉ dừng bước trước đạo quân của Giao Chỉ và Cửu Chân do thứ sử Giao Chỉ là Phàn Diễn chỉ huy.

    Năm 157, Chu Đạt ở Cự Phong nổi loạn giết quan huyện lệnh rồi đánh phá lên phía bắc giết thái thú Cửu Chân là Nghê Thức .

    Năm 192, Âu Liên (có thể là Âu Khuê, Âu Đại, hoặc chính là Khâu Liên), con trai một quan chức nhà Hán ở Tượng Lâm đã nổi dậy giết huyện lệnh và xưng vương. Ông ta lập một vương quốc, đặt tên là Lâm Ấp. Mặc dù các cuộc tấn công cướp bóc từ Lâm Ấp vào các đô thị đồng bằng sông Mã và sông Hồng lúc này đang chịu sự cai trị của nhà Hán đều bị dập tắt, nhưng từ đây bắt đầu hình thành sự kết hợp văn hóa lai Hoa -Ấn.

    *

    Khoảng thập niên 180 Sĩ Nhiếp được bổ nhiệm làm thái thú Giao Chỉ. Năm 195, người ta cho rằng Sĩ Nhiếp đã dùng sát thủ giết chết thứ sử Giao Chỉ là Chu Phù. Sau khi đối thủ chính trị của mình bị loại bỏ, Sĩ Nhiệp nắm toàn quyền cai trị Giao Chỉ.

    Sĩ Nhiếp cai quản Giao Chỉ thông các anh em ruột của mình (Sĩ Nhất, Sĩ Vĩ, Sĩ Vũ) là thái thú Hợp Phố, Cửu Chân, Nam Hải. Đây cũng là quãng thời gian nhà Hán đang trên đà suy tàn và triều đình trung ương không mấy để ý đến Giao Chỉ. Là người mưu lược và thức thời, Sĩ Nhiếp đợi cho chia rẽ quyền lực ở Trung Hoa ngã ngũ, ông mới nhẹ nhàng trao thân mình cho Tôn Quyền nhà Ngô, kẻ giành thắng lợi ở miền Nam nơi Giao Chỉ phụ thuộc. Sĩ Nhiếp được phong tước Long Biên hầu. Ông rời đô từ Long Biên về Luy Lâu.

    Lúc này giao thương qua tuyến hàng hải ven biển đang bùng nổ. Hàng hóa, văn hóa và tăng lữ từ Trung Á và Bắc Ấn tập trung ở Kushana (Ấn Độ) rồi theo thương thuyền mà đổ vào Giao Chỉ. Trong các tăng lữ có Khương Tăng Hội và Khâu Đà La.

    Năm 226 Sĩ Nhiếp chết, con trai là Sĩ Huy lên thay. Lúc này Trung Hoa chia thành “tam quốc”. Nền ngoại thương của nhà Ngô thiệt hại nặng nề do bị ngắt khỏi con đường tơ lụa nối với Trung Á. Nhà Ngô quyết định chiếm đoạt chặng cuối của tuyến thương mại đường biển vốn đang nằm trong tay gia đình họ Sĩ.

    Nhà Ngô sai Lữ Đại khởi binh từ Hợp Phố tiến đánh Giao Chỉ, chiếm Luy Lâu và chém hết các anh em Sĩ Huy.

    Sau khi chiếm Luy Lâu, cũng năm 226 này khi một đoàn thương gia kiêm sứ giả từ La Mã đến Luy Lâu, Lữ Đại đã bắt họ đi thẳng đến triều đình nhà Ngô. Đây là phát nắn dòng đầu tiên, đưa dòng chảy lợi nhuận ngoại thương đang đổ vào Giao Chỉ chảy sang Trung Hoa.

    Năm 229, nhà Ngô cử nhiều các đoàn phái đoàn ngoại giao và thương mại đến Phù Nam gặp các thương nhân Ấn Độ ở đây để định hình tuyến thương mại Phù Nam – Quảng Đông và bỏ qua các cửa biển đồng bằng Bắc Bộ.

    Cũng kể từ đó, tham vọng khống chế Miền Bắc Việt Nam và Biển Đông hình thành trong não trạng giới cầm quyền Trung Hoa.

    *

    Lâm Ấp có lẽ là một vương quốc nhỏ (nay là Thừa Thiên – Huế) nhưng sở hữu thương cảng sầm uất nên rất giàu. Tùy Văn Đế (Dương Kiên – nhà Tùy) sai Lưu Phương từ Giao Châu đi đánh Lâm Ấp. Năm 605, Phương mang quân đánh Lâm Ấp và thu về một lượng khổng lồ chiến lợi phẩm đắt tiền, trong đó có 1300 bộ kinh sách.



    V

    Kỷ nguyên Phùng Hưng

    Nhưng kể từ cuộc tấn công của người Khu Liên vào Tượng Lâm, giết hết quan chức Hán ở đó, thì phải đến cuối thế kỷ 8 thì triều đình trung ương Trung Hoa mới để ý đến Lâm Ấp và một thế kỷ sau họ nhớ đến Chiêm Thành (Champapura). Xung đột Ấn – Hoa chính thức hiện hình qua xung đột quân sự Chàm và nhà Đường trên đất châu Hoan.

    Thế kỷ thứ 8 cũng là thời gian các vương quốc đảo Java và Sumatra nổi lên như một thế lực hải quân lớn trong khu vực, họ tước đoạt quyền kiểm soát tuyến hàng hàng hải vốn thuộc Lâm Ấp và Chân Lạp, rồi bắt đầu tấn công lên vùng đất cực nam nhà Đường là Trấn Nam Đô hộ phủ.

    Năm 722, Mai Thúc Loan người quận Cửu Chân huy động một đội quân nông dân rất lớn từ Lâm Ấp, Chân Lạp và Kim Lân rồi xưng đế. Mai Hắc Đế kéo quân đánh lên phía bắc và chiếm Đô hộ phủ. Tuy Mai Mắc Đế bị Dương Tư Húc giết chết, nhưng cuộc khởi nghĩa nông dân từ miền nam mà ngược ra tận bắc, chiếm được đô hộ phủ của nhà Đường, đã gợi ý tưởng người phương nam (Cửu Chân) ra bắc đánh đuổi giặc Tàu tới Phùng Hưng và Ngô Quyền, hai vị vua gốc Cửu Chân (không phải Sơn Tây như chính sử XHCN).

    Năm 758, đô thị thương mại lớn nhất Trung Hoa là Quảng Đông bị các nhà buôn Iran và Arap tẩy chay do quan lại tham lam bóc lột thuyền buôn. Vì một lý do nào đó một nhân vật ở rất xa về địa lý với Quảng Đông là Phùng Hưng ở Cửu Chân biết được điều này.

    Năm 767, hải quân của Java (quân Đồ Bà) cùng hải tặc Malay (quân Côn Lôn) từ phía Nam tiến đánh đồng bằng Bắc bộ, tấn công Đô hộ phủ, chiếm Tử thành (nay là Thủ Lệ) để làm bàn đạp cướp bóc đồng bằng bắc bộ. Sau khi đánh đuổi được quân Đồ Bà và Côn Lôn, Trương Bá Nghi – người lúc này đang cai trị Đô hộ phủ – phải bỏ Tử thành để xây thành mới, sau là thành Đại La. Trấn Nam đô hộ phủ cũng được đổi thành An Nam Đô hộ phủ.

    Người cầm quân đánh Đồ Bà và Côn Lôn giúp Trương Bá Nghi là Cao Chính Bình. Cao Chính Bình được phong Đô hộ sứ. Năm 791 tướng của Phùng Hưng là Đỗ Anh Hàn đánh thắng Cao Chính Bình rồi vây thành Đại La. Cao Chính Bình uất quá ốm chết. Phùng Hưng vào thành Đại La rồi xưng vương.

    Biết quân sự An Nam không địch nổi Trung Hoa, Phùng Hưng tìm cách phục hưng ngoại thương và ý thức hệ (Phật giáo)*, mở ra “Kỷ nguyên Phùng Hưng”. Trong kỷ nguyên Phùng Hưng, thương mại hàng hải bùng nổ trở lại ở An Nam, làm lu mờ Quảng Đông, và trở thành “chợ đầu mối quốc tế” trung gian giữa Đông Nam Á và Trung Hoa. Phùng Hưng mở ra thời kỳ ngắn ngủi nhưng thịnh vượng ở An Nam cho tất cả các bên có liên quan.

    Sau khi Phùng Hưng qua đời năm 791, nhà Đường ra lệnh đóng cửa các chợ quốc tế ở An Nam, nhờ đó Quảng Đông mới phục hồi được vị thế đô thị thương mại quốc tế của mình. Đô thị này tồn tại đến tận ngày nay. Sau khi Đặng Tiểu Bình tự do hóa kinh tế vùng duyên hải và “đón” Hồng Công “trở về”, đô thị này trở nên giàu có bậc nhất thế giới.

    *

    Kỷ nguyên Phùng Hưng cho thấy phục hưng kinh tế thông qua ngoại thương và hàng hải chỉ có thể thực hiện được khi Việt Nam thoát khỏi sự kiểm soát chính trị của thiên triều và cố gắng xác lập mình như một quốc gia độc lập nằm cao nhất trên tiểu lục địa Đông Nam Á, thay vì một quốc gia phụ thuộc nằm ở tận cùng vùng đất dưới bóng Trung Hoa; đồng thời xác lập mình như một quốc gia hướng xuống vùng nước ấm và tự do của biển miền nam, thay vì chấp nhận mình như vùng đất trũng có đường ra biển bị bó lại trong vùng biển lạnh lẽo và tù túng phương bắc.

    * Trong chiến tranh Đông Dương (đánh Pháp/Mỹ), chế độ thân Tàu sử dụng chiêu bài chống ngoại xâm để xúi Phật giáo miền Nam chống phương Tây (đồng thời làm chia rẽ lòng người Việt). Đây là sai lầm rất lớn của một số lãnh đạo Phật giáo miền Nam Việt Nam trước 1975. Phật giáo nằm rất sâu trong essence của dân tộc Việt Nam là để chống sự chủ nghĩa Đai Hán kéo dàng hàng ngàn năm, luôn muốn thôn tính, đô hộ và thao túng Việt Nam, chứ không phải là chống các tôn giáo khác (Đạo giáo, Kitô giáo …), lại càng không chống phương Tây. Sai lầm từ gốc rễ của các vị, cộng với sự ngạo mạn quyền lực của các vị, đã biến các vị thành gà chọi, góp phần làm hỏng vị thế tốt đẹp của Việt Nam trên tiểu lục địa Đông Nam Á, dần dần rước “quốc tặc” vào nhà, thế mà đến lúc chết các vị cũng không nhận ra.

    by Blog của 5xu


    (5xublog.wordpress.com)

    Không có nhận xét nào