Header Ads

  • Breaking News

    Người thiểu số Việt Nam tị nạn tại Thái Lan: Một cổ hai tròng!

    Người thiểu số tị nạn tại Thái Lan năm 2019
    Ngoại ô Bangkok là nơi tạm trú của rất nhiều dân tộc thiểu số Việt nam, họ gồm các sắc dân Thượng, H’Mong, Khme Krom.v.v…do bị cướp đất đai hay đàn áp tôn giáo, phải bỏ trốn và tạm trú ở Thái Lan để xin tị nạn. Đây là nơi có trụ sở của Cao ủy về người Tị nạn của Liên Hiệp Quốc. Ngoài việc phải trốn tránh cảnh sát Thái, họ còn bị công an Việt nam theo dõi tại ngay trên đất Thái và gia đình họ tại Việt nam vẫn tiếp tục bị công an Việt Nam sách nhiễu, hăm doạ. Ông Cư A Vành - người H ‘Mong - cho biết, chỉ vì trả lời phỏng vấn cho đài RFA vào tháng 7 năm ngoái mà công an Đắk Lắk đã đến gia đình ông để hăm hoạ. Vì sợ bị công an Việt Nam tại Thái truy đuổi, ông mong được đi định cư càng sớm càng tốt :

    Bên Thái Lan, em đã lên tiếng trên đài Á Châu Tự Do, chính quyền Việt Nam biết em và bố em đang sống bên Thái lan nên họ nói với bố vợ em (ở Việt Nam) là họ sẽ đến bắt em và bố em về lại Việt Nam. Cho nên em rất là sợ, mong cộng đồng nước ngoài giúp đỡ em ra khỏi khổ này để đến chổ khác, bảo vệ cho gia đình em”

    Thỉnh thoảng, cảnh sát Thái Lan cũng có những đợt càn quét di dân sống bất hợp pháp trên đất Thái. Ngày 28/8/2018, lúc 5 giờ sáng, một toán cảnh sát đã xông vào khu nhà ở của người Thượng ở Bang Yai - một thành phố nằm ở ngoại ô Bangkok - bắt 118 người. Sau khi sàng lọc, họ đã trả tự do cho trẻ em và phụ nữ ra làm nhiều đợt. Hiện tại trại tạm giam IDC ở Bangkok, còn lại 51 người đàn ông sắc tộc Thượng vẫn đang bị giam giữ tại đây.

    Một phái đoàn thiện nguyện từ Houston, Texas gồm Linh mục Bùi Phong, vợ chồng bác sĩ nha khoa Chu văn Cương và Phạm Thuỳ Linh, nhà địa ốc Ann Trần đã đến trại IDC (Immigration Detention Center) tại Bangkok để thăm hỏi và tặng quà cứu trợ do một số mạnh thường quân tại Houston đóng góp. Theo chân phái đoàn Houston, đài RFA cũng vào tận bên trong trại IDC để gặp gỡ những người tù này.

    Sau hơn nửa tiếng xếp hàng làm thủ tục thì mọi người được đưa vào một gian phòng khác, tại đây nhân viên khám xét rất kỹ, không được mang bất kỳ vật gì trong người, điện thoại cũng phải bỏ lại, mỗi người nhận một chiếc thẻ thăm nuôi.

    Sau đó tất cả những người thăm tù đi vào một gian khác, lớn hơn, nơi đây khoảng hơn 50 tù nhân đủ mọi sắc tộc đang đứng đợi để gặp thân nhân, bạn bè của mình phía sau một hàng rào sắt. Không có một không gian riêng tư gì cả. Bên này là hàng chục người đến thăm, bên kia là hàng trăm cặp mắt chăm chú tìm người thân của mình. Giữa người thăm và người tù được chia bằng hai hàng rào sắt, khoảng trống chính giữa dành cho nhân viên trại tù đi tới đi lui canh chừng. Không khí ồn ào, hỗn độn, mọi người phải hét lên mới nghe được tiếng của nhau, có những cặp vợ chồng chỉ nhìn nhau lặng lẽ khóc.

    Vì phái đoàn người Việt chỉ có 5 người nên trại giam chỉ cho gặp 5 tù nhân. Một trong những người vào bên trong, ông Chu văn Cương mô tả :

    Trong đó rất là đông những sắc dân khác đến, người thăm thì đứng bên tay phải hàng rào, tù thì đứng bên tay trái hàng rào. Tất cả những người tù đều mặc áo màu cam và cách nhau khoảng chừng 4 feet. Âm thanh thì rất ồn ào vì ai cũng muốn nói chuyện với người thân của mình, nên mọi người phải nói rất lớn và rất khó nghe.

    Cách mà chúng tôi liên lạc với những anh em đó là viết những tờ giấy đưa lên rồi anh em tù đọc

    Dù họ chưa từng quen biết nhau, nhưng tình đồng hương đã giúp họ thông cảm, gắn kết từ cái nhìn đầu tiên, linh mục Bùi Phong chia sẻ :

    Khi mà vào thăm được những anh em của mình thì mình cũng chảy nước mắt vì mình nói không được do tiếng ồn ào. Đó không phải là cách đúng mà họ cho mình thăm viếng tù nhân, nhưng mà tôi thấy các anh em đó rất là ngạc nhiên và xúc động vì lần đầu tiên họ được một phái đoàn đến thăm như vậy.  Chúng tôi không cần phải nói gì cả mà có sự thân thiện ngay lập tức.”

    Tuy không khí thăm tù rất ồn ào, khá khó khăn để trao đổi thông tin, nhưng bà Phạm Thuỳ Linh cũng biết được một số chi tiết về tình trạng của người tù trong trại IDC :

    Rất là vất vả ! Trong một cái phòng rất nhỏ, chứa từ 200-280 người và lương thực ăn hàng ngày chỉ làm cơm trắng, đậu hũ, dưa leo, một ngày ăn 3 lần. Ngày nào cũng ăn như thế. Tôi không giữ được niềm xúc động của mình. Khi thấy có đồng hương hải ngoại quan tâm đến các anh, thì có anh đã khóc !”

    Sau 1 tiếng thăm tù, bà Ann Trần cũng mang được lá thư của một người tù để trao lại cho vợ ông ấy, bà Ann Trần chia sẻ :

    Khi mà nghe chúng tôi tới thăm, thì một anh đã gửi một lá thơ với chữ viết rất đẹp để gửi cho vợ. Nhưng lá thư được viết bằng tiếng Ê-đê nên chúng tôi không đọc được, nhưng chúng tôi rất cảm động.”

    Chồng bà Nay Juen là ông Nie Ybhut, 1 trong 51 người vẫn còn đang bị giam trong trại IDC, thế nhưng công an Đắc Lak đã đến nhà báo cho gia đình ông tại Việt Nam là ông đã chết. Chúng tôi gặp vợ ông là bà Nay Juen tại buổi phát quà cứu trợ cho đồng bào thiểu số tại  ngoại ô Bangkok, bà Nay Juen cho biết sở dĩ gia đình bà bị sách nhiễu là vì bà trả lời phỏng vấn cho truyền thông hải ngoại, bà Nay Juen nói :

    “Cộng an Việt Nam thấy tôi lên mạng xã hội nên họ sách nhiễu gia đình chúng tôi, vào nhà mẹ tôi, nói với mẹ tôi và tất cả họ hàng tôi tại Việt Nam là chồng của tôi đã chết rồi, nếu mà gia đình muốn biết thì chúng tôi (công an) sẽ đem (tro) thiêu của con rể bà về (Việt Nam)”.

    Người tị nạn tại Thái Lan phần lớn đều không có giấy tờ hợp pháp nên họ không thăm được thân nhân đang bị giam tại trại IDC. Do đó mọi liên lạc đều bị cắt đứt. Chúng tôi đã tìm gặp ông Nie Ibhut trong trại IDC. Ông Chu văn Cương đã mang được bút tích của ông Nie Ibhut ra khỏi trại :

    Công an cộng sản Việt Nam nói rằng anh Nie Ibhut đã chết và đã thiêu xác rồi. Nhưng phái đoàn Houston đã đến trại IDC và đã nói chuyện được với anh Nie Ibhut trong trại và anh Nie Ibhut đã nhờ chúng tôi đưa một lá thư của anh nhờ chúng tôi đưa lại cho vợ anh.

    Khi chúng tôi nói cho anh ấy nghe tình cảnh gia đình anh ấy ở Việt nam và công an nói là anh ấy đã chết rồi và thiêu xác rồi, thì anh ấy xúc động và khóc và anh đã viết một tờ giấy với nội dung thế này : “Tôi vẫn còn sống trong trại IDC, tôi tên là Nie Ibhut”. Tờ giấy này là một bằng chứng hùng hồn cho thấy sự ác độc của công an cộng sản Việt nam khi nói với gia đình là ông ta đã chết rồi.”

    Sau đó, phái đoàn đã trao tận tay bút tích của ông Nie Ibhut lại cho vợ ông ấy để chứng minh là ông Nie Ibhut vẫn còn sống.

    Rời khỏi Việt Nam, tưởng đã thoát khỏi sự đàn áp, sách nhiễu của công an Việt Nam, thế nhưng, Thái lan vẫn chưa là vùng đất mang lại vị ngọt cho những mảnh đời tị nạn này. Mong ước lớn nhất của họ là tìm được một chỗ dung thân an toàn trên một quốc gia thứ ba.
     
    Tường An
     
    (RFA) 

    Không có nhận xét nào