Header Ads

  • Breaking News

    Phạm Phú Khải - Fareed Zakaria và ‘Nỗi Sợ Hãi Trung Quốc Mới’

    Sự trổi dậy của Trung Quốc là một thách thức lớn, và có thể nói lớn nhất, đối với Hoa Kỳ nói riêng, và trật tự thế giới hiện nay nói chung, trong nửa đầu thế kỷ này. Nhưng Hoa Kỳ có nên quá lo lắng để rồi đề ra các chiến lược đối phó với Trung Quốc thiếu hiệu quả và viễn kiến, hoặc phản tác dụng, hoặc nguy hiểm cho an ninh và hòa bình của nhân loại, là nội dung bài viết mới nhất của học giả Fareed Zakaria trên tạp chí Foreign Affairs. Zakaria hiện nay cũng là người điều hợp chương trình Global Public Square (GPS) trên CNN.

    Fareed Zakaria và ‘Nỗi Sợ Hãi Trung Quốc Mới’
    Với tựa đề “Nỗi sợ hãi Trung Quốc mới” (The New China Scare) đăng vào hôm qua 6 tháng 12, các lập luận của Zakaria mang đặc tính của người cổ võ và tin tưởng vào chủ nghĩa quốc tế cấp tiến (liberal internationalism, mặc dầu Zakaria phủ nhận là ông đứng hẳn về một xu hướng chính trị nào): lạc quan, thực tế, và ôn hòa. Dù đồng ý hay không với Zakaria, những bài viết, phát biểu, tranh luận, điều hợp chương trình, và sách báo nghiên cứu của ông trong ba thập niên qua đáng để cho chúng ta tìm hiểu và suy ngẫm.

    Bài viết này khá dài, nhưng tôi xin trình bày ba luận điểm chính của Zakaria để tóm tắc vào các ý tưởng đáng chú ý nhất: Mối lo ngại; cách (nên) đánh giá; cách đối phó.

    Về mối lo ngại đối với Trung Quốc

    Trước hết Zakaria công nhận Trung Quốc là nước đáng quan ngại trước những bằng chứng quá rõ ràng, đặc biệt trong 5 năm qua, qua các chính sách phi cấp tiến (illiberal policies): từ việc cấm tự do ngôn luận đến quản thúc thiểu số sắc tộc tôn giáo; từ việc gia tăng kiểm soát chính trị đến thực hiện nhà nước kinh tế (economic statism); ngoài nước, Trung Quốc trở thành đối thủ cạnh tranh, và có những nơi, là địch thủ của Hoa Kỳ. Chính vì thế mà lưỡng đảng, giới thành trì quân sự, các cơ quan truyền thông chính yếu tại Hoa Kỳ, hầu như đồng thuận với nhau rằng Trung Quốc hiện nay là mối đe dọa sống còn (vital threat) đối với Hoa Kỳ về kinh tế và chiến lược, và Washington cần có một chiến lược cương trực hơn để ngăn chặn Trung Quốc. Ngay cả người dân Hoa Kỳ, chiếm tỷ lệ 60 phần trăm, cũng có quan điểm không thuận đối với Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc.

    Nhưng Zakaria đặt vấn đề là liệu các dữ kiện/sự thật nói trên có làm cho Trung Quốc trở nên mối đe dọa sống còn, và nếu là như thế thì mối đe dọa này nên được xử lý ra sao? Lý do là vì nếu không đánh giá đúng mối đe dọa thì hệ quả của nó rất là tai hại, như đã từng thấy trong thời Chiến tranh Lạnh với Liên Xô đưa đến sự lạm dụng tai hại bởi TNS McCarthy; đưa đến cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân v.v… Zakaria cho rằng chiến tranh lạnh với Trung Quốc có thể kéo dài hơn, tốn kém hơn, có khả năng tạo ra kết quả bất định. Hơn nữa, chiến tranh, từ chiến tranh Korea, đến Việt Nam, đến Afghanistan và Iraq, khi đã vào cuộc, thì sự ủng hộ của dân chúng Mỹ ngày càng suy giảm, để rồi sau đó hầu như mọi người đều đi tìm chiến lược rút lui (exit strategy), mà Henry Kissinger từng nhận xét.

    Cho nên để tránh con đường mòn này, Hoa Kỳ cần dành thời gian để phân tích kỹ càng những giả định đằng sau sự đồng thuận mới về Trung Quốc. Zakaria liệt kê ba giả định rộng: một, chính sách tiếp cận/kết nối (engagement) đã thất bại vì nó không “chuyển hóa sự phát triển bên trong và cách hành xử bên ngoài của Trung Quốc”; hai, chính sách ngoại giao của Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất đối với quyền lợi của Hoa Kỳ nói riêng và trật tự quốc tế cấp tiến nói chung mà Hoa Kỳ đã góp phần xây dựng sau năm 1945; ba, một chính sách tích cực đối đầu với Trung Quốc sẽ phản công lại mối đe dọa này tốt hơn là phương cách đã áp dụng trước đây. Zakaria phê bình cả ba giả định này.

    Về cách đánh giá mối lo ngại này

    Sự đồng thuận lưỡng đảng tại Hoa Kỳ được hình thành đối với những thay đổi đáng kể và những quan ngại về Trung Quốc. Tuy Zakaria đồng ý rằng Trung Quốc ngày càng tham vọng và quả quyết hơn, và biết kết hợp sự đàn áp chính trị với chính sách tuyên truyền mang đặc tính dân tộc chủ nghĩa thời Mao, nhưng để có một phản hồi hiệu quả đòi hỏi sự nhận thức rõ ràng về các chiến lược của Hoa Kỳ từ đó đến nay.

    Zakaria cho rằng gần 5 thập niên qua, chiến lược của Hoa Kỳ từ thời của Richard Nixon đến nay không chỉ thuần tiếp cận (engagement) mà còn mang tính ngăn cản (deterrence). Các nhà làm chính sách Hoa Kỳ vào cuối thập niên 1970 kết luận rằng kết nạp Trung Quốc vào hệ thống chính trị và kinh tế quốc tế có lợi hơn thay vì để nó nằm ngoài, như thế làm cho nó bực bội và quậy phá. Cho nên Washington vừa ủng hộ Trung Quốc gia nhập vào cộng đồng quốc tế, đồng thời tiếp tục ủng hộ các quyền lực khác tại Á châu, kể cả việc bán vũ khí cho Đài Loan. Chủ trương/phương thức này còn được gọi là chiến lược phòng ngừa rủi ro (hedging strategy, để bảo vệ ngược lại các thiệt thòi bằng các biện pháp cân bằng).

    Zakaria biện luận Washington làm như thế vì muốn quyền lực của Trung Quốc được kiểm soát và các quốc gia láng giềng cảm thấy an toàn. Zakaria cho rằng chiến lược/chủ trương này tiếp tục được các tổng thống kế nhiệm của cả hai bên duy trì. Zakaria biện luận nếu nói chiến lược này thất bại thì là thiếu cái nhìn lịch sử. Zakaria đưa ra bao nhiêu bằng chứng khác nhau từ trước khi Hoa Kỳ tiếp cận với Trung Quốc, mà Trung Quốc dưới thời Mao Trạch Đông là một chế độ thối nát nhất, cho đến nay thì nó đã là một quốc gia có trách nhiệm hơn nhiều. Chẳng hạn, từ năm 2000 đến 2018, Trung Quốc đã ủng hộ 182 trên 190 nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quốc gia được coi là đã vi phạm các quy tắc hoặc chuẩn mực quốc tế.

    Về lĩnh vực kinh tế thôi, thì cách hành xử của Trung Quốc như chuyển giao công nghệ mang tính bắt buộc, thực hành thương mại không công bằng, tiếp cận hạn chế cho các công ty nước ngoài, thiên vị quy định cho người dân địa phương, thì theo Zakaria, cũng bằng Nhật Bản vào thập niên 1980 và 1990. Nhưng khi sự tăng trưởng tại Nhật giảm dần, những nỗi sợ hãi quá thái này cũng giảm xuống.

    Tất nhiên, cách mà Tập Cận Bình quyết tâm sử dụng vai trò của nhà nước để chiếm vị thế áp đảo về kinh tế trong các địa hạt quan yếu sẽ đưa đến những thách thức mới. Nhưng theo Zakaria thì ưu thế lớn nhất của Trung Quốc không đến từ sự sẵn sàng vi phạm các quy tắc mà từ chính tầm vóc của nó. Thật ra thì những quốc gia có ảnh hưởng nào mà không làm thế. Ngay cả Hoa Kỳ là quốc gia đứng đầu danh sách sử dụng các rào cản không dựa vào thuế quan (nontariff barriers) trong thương mại với các nước khác, rồi đến Ấn Độ, Nga, và Trung Quốc đứng thứ 5. Đặng Tiểu Bình chủ trương “dấu sức mạnh, chờ thời gian”, nhưng lúc đó Trung Quốc chỉ chiếm 1 phần trăm tổng sản lượng toàn cầu. Bây giờ chiếm 15 phần trăm. Trong vòng 10 đến 15 năm, nó sẽ có thể trở thành nền kinh tế lớn nhất về mọi mặt. Khi càng lớn mạnh nó càng muốn thêm quyền lực, kiểm soát và ảnh hưởng, muốn đóng vai trò lớn hơn trong vòng và toàn cầu. Cho nên Zakaria cho rằng việc Trung Quốc trước sau gì cũng tìm kiếm một biện pháp ảnh hưởng độc lập lớn hơn là kết quả tự nhiên. Cho nên Hoa Kỳ, châu Âu và các nước khác cần ghi nhận như thế.

    Zakaria biện luận nếu Washington định nghĩa mọi nỗ lực của Trung Quốc là nguy hiểm, nó sẽ thiết kế để Hoa Kỳ chống lại sự năng động tự nhiên trong quan hệ quốc tế, điều mà học giả Graham Allison gọi là bẫy Thucydides (the Thucydides trap). Đối phó với một quyền lực đang trổi dậy có khả năng đe dọa tư thế của mình kể từ năm 1945 là một thách thức mới và độc nhất kể từ năm 1945 cho đến nay.

    Tóm lại, Zakaria kết luận rằng Trung Quốc đã hành động theo những cách được xem là can thiệp, theo chủ nghĩa trọng thương và đơn phương (interventionist, mercantilist, and unilateral), nhưng thường ít hơn rất nhiều so với các cường quốc khác. Tuy sự xâm phạm nhân quyền của Trung Quốc là một thách thức lớn đối với nhân loại, và có thể đe dọa các khía cạnh của trật tự quốc tế cấp tiến, nhưng theo Zakaria, chỉ nội điều này thôi thì không nên xem là mối đe dọa sống còn đối với hệ thống quốc tế rộng mở dựa trên quy tắc.

    Về chiến lược đối phó với mối lo ngại này

    Zakaria phê bình các chiến lược đối phó với Trung Quốc, nhất là chiến lược ngăn chặn (containment), tách rời (decoupling), xu hướng chống lại toàn cầu hóa, và cho rằng nó sẽ đưa đến nhiều thiệt hại và phí tổn đáng kể, kể cả các chính sách của chính quyền Trump trong thời gian qua (tuy Zakaria có đánh giá rằng chủ trương tách rời để tạo thế tương thuộc/interdependence là thông minh vì nó giúp Hoa Kỳ có ưu thế so với Trung Quốc).

    Zakaria biện luận rằng “Một trật tự quốc tế bị bể gẫy, chia đôi, được đánh dấu bởi các hạn chế của chính phủ và thuế đối với thương mại, công nghệ và du lịch, sẽ dẫn đến sự thịnh vượng giảm sút, sự bất ổn dai dẳng và triển vọng xung đột quân sự thực sự đối với tất cả những người liên quan.”

    Thay vì chọn các giải pháp trên, Zakaria cho rằng một chính sách thông thái hơn là biến Trung Quốc thành đối tác có trách nhiệm (responsible stakeholder), vì vẫn còn có thể thực hiện được. Zakaria liệt kê một loạt hành động mà Washington nên làm để Bắc Kinh hành xử có trách nhiệm hơn, như khuyến khích tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh mạnh mẽ hơn trong vùng và xa hơn nếu nó được sử dụng để củng cố hệ thống quốc tế. Nỗ lực tham gia của Trung Quốc để giải quyết nạn hâm nóng toàn cầu, lan rộng vũ khí hạt nhân, rửa tiền và khủng bố thì nên được khuyến khích và trân trọng. Điều quan trọng nhất là Washington cần cho Bắc Kinh biết lập trường rõ ràng của mình về những lằn ranh mà Bắc Kinh không thể vượt qua. Chẳng hạn, Washington nên cho biết rõ ràng rằng các chiến thắng của Bắc Kinh bằng quân sự lên Đài Loan và Hồng Kông sẽ gặp sự lên án của quốc tế. Nếu Bắc Kinh hành động nguy hiểm không cân nhắc tại Hồng Kông hoặc Đài Loan, thì chính sách hợp tác của Hoa Kỳ sẽ không thể thực hiện được trong nhiều năm. Zakaria biện luận Bắc Kinh đã hưởng lợi nhiều, đã phát thịnh trong thế giới mở và ổn định. Họ không muốn tàn phá thế giới này.

    Zakaria kết luận bài viết bằng cách phê bình tác phẩm của “100 năm chạy đua” của Michael Pillsbury mà chính quyền Trump đã khen ngợi. Zakaria phản biện nếu cho rằng đây là cuộc chạy đua đường trường, từ đồng minh của Liên Xô đến sự rạn nứt sau đó, từ Bước Nhảy vọt Vĩ đại đến Cách mạng Văn hóa đến câu chuyện thành công trên con đường tư bản, từ sự thù nghịch sâu đậm với Tây phương cho đến quan hệ thân thiết với Hoa Kỳ, rồi trở lại thái độ thù nghịch v.v… thì nhiều trong số đó có thể kết thúc hoàn toàn (tức không thể gọi là đua đường trường). Theo Zakaria thì Hoa Kỳ nên tiếp tục chính sách tiếp cận cộng với ngăn cản, bắt Trung Quốc phải điều chỉnh trong khi Hoa Kỳ cũng tự điều chỉnh mình để tạo không gian cho nó, thì chiến lược chạy đua này sẽ đạt kết quả.

    Vài suy nghĩ ngắn

    Bài viết trên của Zakaria có nhiều luận điểm khá thuyết phục, và chắc chắn sẽ làm cho chúng ta suy nghĩ, và sẽ gây lắm tranh cãi. Tạo được sự quan tâm và tranh luận đã là một phần thành công của tác giả.

    Nhưng để đánh giá Trung Quốc cho chính xác hơn thì cần phải phân tích vai trò của Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Tuy nhiên, Zakaria không phân tích nó trong bài này, và khi nhắc đến trong bài về phát biểu của Ngoại trưởng Mike Pompeo tại viện Hudson (mà Michael Pillsbury làm giám đốc) thì chủ yếu để bác bỏ cái nhìn này. Những nhà phân tích khác như John Garnaut, Michael Pillsbury, Richard McGregor, chẳng hạn, đều hiểu Tập Cận Bình là sự sống và tâm hồn của ĐCSTQ hiện nay, và Đảng là tất cả trong mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa v.v… tại Trung Quốc. Các tác giả này đều nghiền ngẫm sâu sắc những tài liệu mật của Đảng. 12 chiến lược bao vây Trung Quốc của tiến sĩ Pillsbury trên bình diện rộng cũng không đi ngược lại cách nhìn vấn đề của Zakaria (Nên nhớ nội dung của tác phẩm quan trọng hơn là tựa đề của tác phẩm).

    Cho nên để đánh giá cho gần sự thật hơn, nhất là với các chế độ cộng sản, thì cần phải có thông tin tình báo, cần tiếp cận những bí mật mà những nghiên cứu học thuật với cặp mắt bình thường không thể nhìn thấy tường tận vấn đề và không thấy bức tranh tổng thể. Đây cũng là một thiếu sót lớn của bài này.

    Phạm Phú Khải

    (VOA)

    Không có nhận xét nào