Kể từ cuộc Cách mạng Hồi giáo tại
Iran năm 1979, quan hệ giữa Mỹ và Iran phần lớn là thù nghịch [1]. Trước
đó Iran dưới thời vua Mohammad Reza Pahlavi là một đối tác cần thiết,
và là đồng minh, mà Mỹ tin tưởng và phần nào đó dựa vào để một mặt ngăn
chặn ảnh hưởng từ Liên Xô, mặt khác vì quyền lợi về dầu hỏa cũng như về
an ninh chung của khu vực.
Cảnh sát đối mặt với người biểu tình vụ máy bay dân sự Ukraine bị Iran bắn rơi. Đại Học Amir Kabir, Tehran, 11 tháng Giêng, 2020. |
Mọi
chính quyền Mỹ, kể từ đó đến nay, tất nhiên là muốn chế độ thay đổi
(regime change). Tất cả vì quyền lợi của Mỹ và, rộng hơn, của khu vực.
Nhưng mỗi chính quyền đều có những chiến lược, chiến thuật hay nói chung
là các biện pháp khác nhau. Hơn nữa, muốn là một chuyện, làm được hay
không là chuyện khác.
Chính
quyền Obama thì tìm cách kiềm chế Iran, cũng như mong muốn kiểm soát
được vũ khí hạt nhân của Iran, bằng cách tiếp cận thay vì cô lập, bằng
thỏa ước có tính toán kỹ càng để Iran phải thực hiện thay vì hình
phạt/cấm vận, chẳng hạn. Vì suy luận như thế nên nó đã đưa đến sự hình
thành Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (Joint Comprehensive Plan of
Action/JCPOA) được năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên
Hiệp Quốc cộng với Đức ký kết với Iran năm 2015 [2].
Trong
khi đó, ngay từ đầu chính quyền Trump đã có quan điểm khác hoàn toàn,
và đã quyết định rút khỏi JCPOA ngày 8 tháng 5 năm 2018. Trong bài “Đối
đầu với Iran” (Confronting Iran) đăng trên tạp chí Foreign Affairs cuối
năm 2018, đương kiêm Ngoại trưởng Hoa Kỳ Michael R. Pompeo đã biện luận
rằng chính sách “tạo tối đa áp lực” của Tổng thống Trump sẽ tốt và hiệu
quả hơn [3]. Ông Pompeo trình bày nhiều lý do cho chính sách rút ra khỏi
thỏa thuận JCPOA, tái áp dụng cấm vận, đe dọa các biện pháp quân sự khả
thi, và nỗ lực vạch trần tham nhũng và vi phạm nhân quyền của chế độ
này, bởi vì Iran là một nhà nước bất hảo, là một chế độ ngoài vòng pháp
luật v.v…
Trong
bài viết này, Ngoại trưởng Pompeo cũng đề cập đến Lực lượng Vệ binh
Cách mạng Hồi giáo (Islamic Revolutionary Guard Corps/IRGC), mà ông biện
luận rằng IRGC đã hình thành lực lượng tinh nhuệ Quds được giao nhiệm
vụ xuất khẩu cách mạng ra ngoài nước Iran. Ngay từ ban đầu tất cả các
trách nhiệm đối nội và đối ngoại của các viên chức trong chế độ Iran, kể
cả trách nhiệm đối với người dân của mình, là để hoàn thành cuộc cách
mạng này. Và theo Pompeo, thì “Kết quả là, trong bốn thập kỷ qua, chế độ
đã gây ra rất nhiều sự hủy hoại và bất ổn, hành vi xấu không kết thúc
với JCPOA”.
Với
quan điểm đó, không có gì ngạc nhiên khi chính quyền Trump đã theo dõi
từng bước đi của Tướng Qassem Suleimani, người đứng đầu của IRGC Quds
Force, và là một trong những nhân vật quyền lực và ảnh hưởng nhất tại
Trung Đông [4]. Và khi cơ hội đến, ông Trump đã ra lệnh hạ sát ngay.
Iran đã trả đũa bằng các hỏa tiễn tấn công vào các căn cứ quân sự của Mỹ
tại Iraq. Cũng may, không có một công dân hay binh lính nào của Mỹ
chết. Và chuyến máy bay bị Iran bắn rơi không có một công dân Mỹ nào.
Nếu không thì tình thế leo thang sẽ khó tránh khỏi.
Bắn hỏa tiễn xong thì Ngoại trưởng Iran Javad Zarif khẳng định không muốn leo thang và chiến tranh với Mỹ [5].
Liệu Hoa Kỳ có thể tin lời nói của ông Zarif không?
Thật
ra thì cả hai bênh đều hoàn toàn không tin tưởng nhau, và những gì được
nói công khai, nếu có đúng dữ kiện, thì cũng chỉ là một nửa hay một
phần của sự thật.
Tuy
vẫn có nhiều người Iran ủng hộ Mỹ và các văn hóa Tây phương, giới cầm
quyền hiện nay vận dụng tôn giáo (nhánh Shiite) và tinh thần dân tộc để
duy trì sự thống trị của họ. Chế độ thần quyền của Iran hiện nay nói
riêng, và người Iran hiểu biết về lịch sử nói chung, không quên rằng
chính Mỹ, và Anh, đặc biệt là CIA của Mỹ, đã nhúng tay vào cuộc đảo
chánh Thủ tướng Iran Muhammad Mossadegh năm 1953 [6]. Các tài liệu được
giải mật vào năm 2017, tức 64 năm sau, cho biết CIA tìm cách ngăn chặn
nó vì tin rằng cuộc đảo chánh sẽ thất bại, nhưng không thành vì nhân
viên CIA hàng đầu tại Iran, Kermit Roosevelt, đã không thi hành lệnh đưa
ra. Cuộc đảo chánh thành công, nhưng hậu quả của nó để lại là khủng
khiếp: tinh thần bài Tây phương đã gia tăng từ đó; cuộc Cách mạng Hồi
Giáo Iran năm 1979; và vụ khủng hoảng con tin người Mỹ ở Iran vào thời
điểm đó. Chế độ thần quyền Iran không những hoàn toàn bài Mỹ, mà còn trở
thành một chế độ hung bạo và vi phạm nhân quyền trầm trọng nhất hiện
nay. Cuối tháng 11 năm vừa qua, họ đã thẳng tay đàn áp mọi cuộc biểu
tình trên toàn Iran và đã giết chết hơn 180 người dân, mà con số thật có
thể cao hơn [7].
Hoa
Kỳ, nhất là chính quyền Trump hiện nay, tất nhiên không tin rằng Iran
sẽ ngừng ở đó, như ông Zarif tuyên bố. Theo chuyên gia Kelly Magsamen,
sự khủng hoảng sẽ không chấm dứt ở đây [8]. Các hành động trả đũa của
Iran sẽ đến qua thời gian, bằng những cách bình thường không tiên liệu
được, và nó sẽ không giới hạn ở Iraq hay tại Trung Đông. Magsamen cho
rằng chính quyền Trump cần chuẩn bị cho các tình huống bất ngờ: sẽ có
các cuộc tấn công mạng; khủng bố nước ngoài và trên đất Mỹ; các nỗ lực
ám sát các quan chức Hoa Kỳ và nhiều cuộc tấn công vào các mỏ dầu của
Saudi Arabia; và sẽ có những bước tiến khiêu khích hơn để thi hành
chương trình vũ khí hạt nhân. Magsamen, và nhiều chuyên gia về Trung
Đông khác, đều biết không có một chính sách hay một sự chọn lựa tối hảo
nào đối với Iran (no good options). Leo thang xung đột, hay xuống thang,
đều có thể bị cả hai bên hiểu lầm hay tính lầm, vì hiện nay không có
kênh ngoại giao nào giữa hai chính quyền. Trong khi đó Thủ tướng Iraq
Adel Abdul Mahdi đã yêu cầu Mỹ bắt đầu chuẩn bị để rút quân khỏi Iraq
[9]. Và Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua nghị quyết đòi hỏi TT Trump phải
được Quốc hội phê chuẩn trước khi xúc tiến bất cứ hành động quân sự nào
chống lại Iran [10].
Chuyên
gia Daniel Byman thuộc viện nghiên cứu Brookings cũng có những nhận
định tương tự như Magsamen trong bài “Nước đi kế tiếp của Iran” (Iran’s
next move) [11].
Tóm
lại, những chính sách của ông Trump đối với Iran đang có nhiều cản trở
và hạn chế hơn những gì ông Trump mong muốn thực hiện. Lý do là vì mặc
dầu ông Trump và ông Pompeo khẳng định Hoa Kỳ không muốn chiến tranh hay
thay đổi chế độ tại Iran, mà chỉ muốn Iran hành xử như một quốc gia
bình thường, những hành động và chính sách Trump tạo “áp lực tối đa”
được Iran xem là như thế và Iran đã “phản kháng tối đa” trong những năm
qua [12]. Khi bị dồn tới chân tường thì chế độ nào cũng tìm cách phản
ứng để tồn tại, ngoại trừ không còn sự chọn lựa nào khác. Trong khi đó
thì Iran còn nhiều lựa chọn và chưa bị dồn đến thế chân tường.
Nếu
chính quyền Trump thật sự không muốn thay đổi chế độ thì phải có một
kênh ngoại giao để đối thoại, thay vì chỉ dựa hoàn toàn vào đe dọa và
cưỡng bách. Còn nếu muốn thay đổi chế độ thì ông Trump phải sẵn sàng leo
thang, kể cả chiến tranh, nếu các áp lực tối đa không hiệu quả. Mà như
thế thì Hoa Kỳ sẽ sa lầy thêm một cuộc chiến khác tại Trung Đông, điều
mà không ai muốn, kể cả ông Trump.
Đó
là lý do mà hầu hết các chuyên gia về Trung Đông cho rằng các chiến
lược đối phó với Iran cần liền lạc, nhất quán và cần có kênh ngoại giao
để có thể đạt được các mục tiêu bền vững đối với Iran và Trung Đông hiện
nay.
Phạm Phú Khải
-----------------------
Tài liệu tham khảo:
1. Monique Ross and Annabelle Quince, “Why America and Iran hate each other”, ABC News, ABC Radio National, 4 January 2020.
2. Colin H. Kahl, “Pompeo’s Dangerous Delusions”, Foreign Affairs, 24 October 2018.
3. Michael R. Pompeo, “Confronting Iran”, Foreign Affairs, November/December 2018, Volume 97, Number 6.
4.
Maysam Behravesh, “Soleimani Was More Valuable in Politics Than in
War”, Foreign Affairs, 8 January 2020; “Mật báo viên từ Iraq, Syria giúp
Mỹ hạ sát Tướng Iran”, Reuters, VOA Tiếng Việt, 10 tháng 1 năm 2020.
6.
“Iran launches missile attacks against US forces inside Iraq”, ABC
News, 9 January 2020; “Iran ‘Concludes’ Attacks, Foreign Minister Says”,
The New York Times, 8 January 2020.
7. Bethany Allen-Ebrahimian, “64 Years Later, CIA Finally Releases Details of Iranian Coup”, Foreign Policy, 20 June 2017.
8. Kelly Magsamen, “How to Avoid Another War in the Middle East”, Foreign Affairs, 4 January 2020.
9. “Thủ Tướng Iraq yêu cầu Mỹ bắt đầu chuẩn bị để rút quân khỏi Iraq”, VOA Tiếng Việt, 11 Tháng 1 năm 2020.
10.
Maanvi Singh and Joanna Walters, “Congress to vote on curbing
president's war powers – as it happened”, The Guardian, 9 January 2020;
Amanda Macias and Jacob Pramuk, “House passes resolution to limit
Trump’s war powers against Iran”, CNBC, 9 January 2020.
11. Daniel L. Byman, “Iran’s next move”, Brokkings, 10 January 2020.
12.
Michael Makovsky and Jonathan Ruhe, “The right strategy for Iran isn’t
regime change. It’s regime collapse”, The Washington Post, 9 January
2020; Amanda Macias and Kevin Breuninger, “Trump says US does not seek
war or regime change in Iran, but is still ready to act if ‘necessary’”,
CNBC, 3 January 2020; Barbara Slavin, “US policy hinders positive
‘regime change’ in Iran”, Atlantic Council, 9 December 2019.
(Blog VOA)
Không có nhận xét nào