Header Ads

  • Breaking News

    Thế lực nào sẽ đánh sập chế độ cộng sản?

    Ông Trần Quốc Vượng phát biểu tại Hội nghị toàn quốc hôm 25/12
    Nhân sự trong đảng!

    Mạng Infonet.vn trích dẫn nguyên văn lời ông Trần Quốc Vượng rằng “Kiên quyết sàng lọc, không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người bản lĩnh chính trị không vững vàng; phẩm chất, năng lực, uy tín giảm sút; thiếu gương mẫu, mất đoàn kết, cục bộ, bè phái, cơ hội, chạy chức, chạy quyền, tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm”; bản thân hoặc vợ, chồng, con vi phạm.”

    Đến ngày 30 tháng Mười Hai, bài viết tựa đề “ Ba Điều Sáng Tỏ Từ Bài Phát Biểu Của Ông Trần Quốc Vượng”  của tác giả Nguyễn Ngọc Chu được đưa lên trang baotiengdan.com, nêu bật 3 điều mà người viết cho rằng ông Trần Quốc Vượng đã xác định đúng. Thứ nhất là  “Cơ đồ xây dựng 75 năm có nguy cơ sụp đỗ”. Thứ hai, “ Không ai mang máy bay, đại bác đền để lật đổ ta, ta không làm tốt thì ta tự lật đổ ta, chẳng phải do kẻ thù đâu”.

    Vẫn theo tác giả Nguyễn Ngọc Chu trên baotiengdan.com, ông Trần Quốc Vượng đang chỉ ra rằng thế lực thù địch phản động, thường bị Nhà Nước xử phạt theo Điều 117 Bộ Luật Hình Sự, chừng như không đến từ bên ngoài chính quyền mà ngay trong nội bộ, và chừng như trước giờ nhiều người trong chính quyền đã định nghĩa sai thế nào là ‘thù địch” là ‘phản động’.

    Đây là ý kiến của một nhà phản biện trên một trang mạng độc lập, còn ý kiến của người dân, người quan sát thời cuộc, hoặc người hoạt động chính trị thì sao?

    Một nhà quan sát và hoạt động chính trị từ Paris, ông Nguyễn Gia Kiểng, cho biết sau khi tham khảo bài nói chuyện của ông Trần Quốc Vượng hôm 25 tháng Mười Hai thì cảm nghĩ của ông là đang có sự khó khăn trong công tác chuẩn bị tư tưởng cũng như chọn lựa nhân sự trước thềm Đại Hội Đảng lần thứ 13 tới đây:

    “Sau đại Hội Đảng 12 họ đã lấy quyết định nhất thể hóa, rập khuôn theo công thức tổ chức của Trung Quốc, là thống nhất Nhà Nước với Đảng, thâu gồm hai chức vụ tổng bí thư và chủ tịch nước trong Hiến Pháp đã được sửa đổi năm 2013, cho chủ tịch nước những quyền rất lớn, đặc biệt quyền đứng đầu quân đội. Họ đã tập trung quyền lực đó vào trong tay ông Nguyễn Phú Trọng. Nhưng ông Nguyễn Phú Trọng đột nhiên bị tai biến và chắc chắn không thể tiếp tục cầm quyền được nữa”.

    “Cho nên vấn đề đặt ra là phải chọn người thay thế ông Nguyễn Phú Trọng, và người có nhiều khả năng mà ông Nguyễn Phú Trọng và thân cận của ông Trọng muốn đặt vào chức vị thế ông Nguyễn Phú Trọng không ai khác hơn là ông Trần Quốc Vượng. Cho nên ông Trần Quốc Vượng là người lo lắng vấn đề cơ cấu nhân sự cho Đại Hội Đảng 13”.

    Vẫn theo lời ông Nguyễn Gia Kiểng, tổ chức gọi là bộ máy sàng lọc của đảng, trong đó kỷ luật là trên hết, đã loại trừ hầu  như gần hết những người có tư kiến, có nhân cách, chỉ để lại những con người mà khả năng lớn nhất là giữ im lặng trong suốt thời gian qua:

    “Họ cũng không có những con người để mà giải quyết cùng một lúc nhiều vấn đề phúc tạp, cho nên ông Trần Quốc Vượng có lý, lần này đảng cộng sản sẽ rất lúng túng trong việc chuẩn bị Đại Hội 13, sẽ rất chia rẽ, sẽ có tranh cãi gay gắt bởi không có người thay thế ông Nguyễn Phú Trọng. Năm 2020 sẽ là một năm khó khăn, đòi hỏi một nhân sự lãnh đạo vừa có thiện chí vừa có tài ba mà điều đó thì đảng cộng sản không có. Cho nên đảng cộng sản lúng túng về nhân sự, lúng túng vì bị đe dọa, lúng túng vì chia  rẽ trong chọn lựa và quản lý”.

    Đấu đá nội bộ!

    Cô Nguyễn Hoàng Vi, thành viên của Mạng Lưới Blogger Việt Nam, bày tỏ:

    “ Khi nghe ông Trần Quốc Vượng thì điều đầu tiên trong đầu tôi là một dấu hỏi. Nếu như trong thời điểm bình thường mà không phải là trước Đại Hội Đảng thì tôi cho rằng đó là những lời thật lòng của ông ấy. Nhưng mà trước Đại Hội Đảng mà ông phát biểu như vậy thì tôi nghĩ nó mang tính chất đấu đá, phe phái với nhau hơn là sự trung thực của ông”

    “Ông Trần Quốc Vượng muốn dùng lá bài “chính ta lật đổ ta” có thể là đề thanh trừng nội bô, ghế này ghế nọ trong đảng với nhau. Tôi không chắc rằng sau này ông ấy có quay lại đỗ thừa cho dân, đỗ thừa cho thế lực thù địch thế này thế kia”

    Dù muốn dù không, cô Nguyễn Hoàng Vi vẫn cho rằng lời nói của ông Trần Quốc Vượng có sức tác động nhất định đến tư duy phải thay đổi, phải cải thiện mà đảng cộng sản biết rõ nhưng không chịu thực hiện:

    “ Gốc rễ của vấn đề, đúng như lời phát biểu của ông, sự sụp đổ, sự phát triển của đất nước và của đảng cộng sản nói chung không phải từ chính thế lực thù địch như Ban Tuyên Giáo của đảng cộng sản tuyên truyền bấy lâu nay. Người dân biết điều đó hơn ai hết và bây giờ ông Vượng chỉ muốn mượn cái điều mà ai cũng biết nhưng không dám nói để làm tăng uy tín của ông lên mà thôi”.

    Đồng tình với ông Trần Quốc Vượng, rằng kẻ thù làm hại ta chính là ta chứ không ai khác, là ý kiến của phó  giáo sư tiến sĩ, chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm, cựu giám đốc Học Viện Hải Quân Nhân Dân Việt Nam:

    Từ xa xưa chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã nói cán bộ phải thật sự vì nước, vì dân, vì đảng. Thế thì cán bộ chọn ra mà trước thì tốt sau đó biến chất thì trở lại là phản dân, phản nước. Câu nói “chọn cán bộ hết sức quan trọng” của vị lãnh đạo đó tôi hoàn toàn đồng ý, vì nếu chúng ta làm sai thì nó dẫn đến hậu quả hết sức nặng nề, đi đến chuyện dân mất tin. Trong quá trình xây dựng đất nước Việt Nam từ xưa đến nay, khi cán bộ làm cho dân mất tin rồi thì rõ ràng rất nguy hiểm cho việc duy trì quyền lực của Nhà Nước và quyền lực của nhân dân. Tôi thấy câu nói rất đúng thôi”.

    “Kinh nghiệm và bài học đau đớn vừa qua ví dụ như vụ xét xử AVG, rồi gần đây vụ xử ông Nguyễn Trung Tín, nguyên phó chủ tịch thành phố Hồ Chí Minh, rồi một loạt các vụ xử khác nữa, là những bài học phải nói là thấm thía và đau đớn cho quá trình chọn cán bộ ở nước Việt Nam chúng tôi”.

    Người dân giám sát!

    Nhằm minh chứng cho câu nói “ Ta không làm tốt thì tự ta lật đổ ta” mà ông Trần Quốc Vượng tuyên bố mới rồi, chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm nhấn mạnh không chỉ cán bộ tốt là quan trọng mà  vai trò của nhân dân cũng quan trọng không kém: 

    “Tới đây, Đại Hội Đảng thứ 13, có chọn cán bộ tất nhiên phải cán bộ tốt. Nhưng tôi cũng có đề nghị là chọn xong rồi, bố trí xong rồi, Đại Hội Đảng xong rồi phải tăng cường công tác kiểm tra giám sát quyền lực. Phải kiểm soát quyền lực khi cán bộ được đưa vào vị trí quyền lực rồi, và tôi nói cái giám sát quyền lực tốt nhất là nhân dân. Nhân dân là người giám sát quyền lực một cách chặt chẽ nhất và trung thực nhất”

    Thường trực Ban Bí Thư Trần Quốc Vượng đã dám đưa ra tín hiệu quan trọng về nhân lực và nhân sự trong đảng cộng sản  những ngày tới đây,  nguyên Vụ truởng Vụ Nghiên cứu, Ban Dân Vận Trung ương, ông Nguyễn Khắc Mai, nhận định như vậy:

    “ Trần Quốc Vượng đáng khen vì dám nói là nếu đảng cộng sản không thay đổi thì nguy cơ bị lật đổ là hiện thực. Ít ra Trần Quốc Vượng đã dám nói lên điều này”

    Rõ là đảng cộng sản bắt đầu nhận thức ra vấn đề, ông Nguyễn Khắc Mai phân tích, đó là đội ngũ đảng viên cán bộ thiếu năng lực và thối nát. Có điều nhận thức này chừng như thiếu một yếu tố cần thiết là lấy dân làm gốc:

    “Chỉ coi trọng cái yếu tố cán bộ không thì không đủ. Bây giờ cho là họ có sàng lọc, chọn lựa tử tế đi nhưng mà đường lối vẫn như cũ, vẫn tiến lên chủ nghĩa xã hội và kinh tế nhà nước, vẫn là đảng độc quyền toàn trị cả đường lối phát triển đất nước, thể chế chính trị không phù  hợp, không dân chủ, không tam quyền phân lập thì tất cả những yếu tố ấy mới thật sự là nguyên nhân tổng hợp làm cho sụp đổ đảng cộng sản”.

    Tóm lại, theo nhà lý luận Nguyễn Khắc Mai, kẻ thù là ta, ta tự lật đổ ta,  là nhận thức quan trọng mà mỗi cán bộ đảng viên đang giữ trọng trách trong bộ máy Nhà Nước phải ghi tâm khắc cốt để không biến mình thành những con sâu đục khoét một chế độ đã quá nhiều tai tiếng:

    “ Lời ông Trần Quốc Vượng có thể coi như một nhận thức mới, không còn đổ riệt cho “thế lực thù địch nữa”. Cái  nhân tố nội bộ làm cho chế độ này sụp đổ, làm cho đảng cộng sản này sụp đổ nằm ngay trong lòng của họ”. 
     
    Thanh Trúc
     
    (RFA) 

    Không có nhận xét nào