Header Ads

  • Breaking News

    Đằng sau ‘trò chơi vương quyền’ của Malaysia

    Khi Mahathir Mohamad thức dậy vào ngày 24 tháng 2, ông vẫn là thủ tướng của Malaysia. Liên minh cầm quyền Pakatan Harapan (Liên minh Hi vọng) kiểm soát 129 trong số 222 ghế ở Nghị viện. Nhưng những âm mưu chính trị sẽ sớm đảo lộn mọi thứ. Đến chiều, ông Mahathir đã từ chức khỏi cả vị trí người đứng đầu chính phủ lẫn chủ tịch đảng của ông, Đảng Bersatu. Đến tối, ông trở lại văn phòng trong vai trò thủ tướng lâm thời.

    Đằng sau ‘trò chơi vương quyền’ của Malaysia
    Có vẻ như ông Mahathir đã từ chức vì 26 nghị sĩ của Bersatu, cùng với 11 nghị sĩ đào ngũ từ Parti Keadilan Rakyat (PKR), đảng lớn nhất trong Liên minh Hi vọng, đã có ý định rời khỏi liên minh. Trong sự hỗn loạn của ngày hôm đó, một số người nghi ngờ rằng ông Mahathir có thể đã đứng sau âm mưu này.

    Nhưng các đồng nghiệp của ông Mahathir, nay đã 94 tuổi, nhanh chóng biện minh cho ông. Anwar Ibrahim, người đứng đầu PKR, người vừa là đối tác, vừa là kẻ thù lâu năm của ông Mahathir, nói rằng “Ông ấy không đóng vai trò nào trong câu chuyện này”. Lim Guan Eng, bộ trưởng tài chính và lãnh đạo của Đảng Hành động Dân chủ (DAP), một đảng khác trong liên minh, cũng tuyên bố rằng việc từ chức của ông Mahathir là bằng chứng về sự liêm chính của ông, cụ thể là ông không muốn hợp tác với Tổ chức Quốc gia Mã Lai (UMNO), đảng đối lập chính, để thành lập một chính phủ thay thế.

    Không phải lúc nào ông Mahathir cũng không thích UMNO. Thật vậy, trong giai đoạn đầu tiên làm thủ tướng, từ năm 1981 đến 2003, ông là lãnh đạo của UMNO. Tuy nhiên, kinh hãi trước nạn tham nhũng của các chính quyền UMNO sau đó, ông đã thành lập Đảng Bersatu trước cuộc bầu cử vào tháng 5 năm 2018. Liên minh với PKR, DAP và Amanah, một đảng Hồi giáo, ông Mahathir đã tạo nên sự thay đổi đầu tiên từ trước tới nay về quyền kiểm soát quốc hội Malaysia. Liên minh Hi vọng đã đánh bại UMNO, đảng đã cầm quyền suốt 61 năm kể từ khi Malaysia giành được độc lập từ Anh. Đó là một bất ngờ gây chấn động.

    Duy trì liên minh thiếu kinh nghiệm này luôn khó khăn. Đấu đá nội bộ là không thể tránh khỏi. Phần lớn trong số này liên quan đến khía cạnh chính trị chủng tộc vốn tràn lan khắp đất nước. Khoảng 69% trong số 32 triệu người dân Malaysia là người Malay và các nhóm bản địa khác (bumiputra). Thêm vào đó 24% là người gốc Hoa và 7% là người Ấn. Người Malay trong lịch sử đã luôn ủng hộ UMNO vì đảng này đề cao và bảo vệ các chính sách để thúc đẩy địa vị của người Malay về mặt kinh tế. Bersatu cũng vậy. Nhưng phần lớn dân số còn lại phẫn nộ với các đặc quyền dành cho người Malay. DAP đại diện cho lợi ích của người Hoa; còn PKR chọn chính sách đa văn hóa.

    Nhóm các đảng trong Liên minh Hi vọng nghĩ rằng bất chấp sự khác biệt, họ có thể cầm quyền hiệu quả cùng nhau. Nhưng căng thẳng gia tăng khi cử tri Malay quay lưng lại với chính phủ. Ngay sau khi liên minh giành được quyền lực, 63% người Malaysia nghĩ rằng đất nước đang đi đúng hướng, theo khảo sát của Trung tâm Merdeka, một tổ chức thăm dò ý kiến. Sau hai năm, tỷ lệ đó đã giảm mạnh còn 24%. Liên minh đã thất bại trong năm cuộc bầu cử bổ sung, mất ghế vào tay các ứng cử viên đối lập vì UMNO và các đồng minh của họ tuyên bố rằng Liên minh Hi vọng bỏ qua các cử tri người Malay và mong muốn của họ. Những thất bại này đã gieo mầm hạt giống bất ổn trong liên minh cầm quyền.

    Chính xác ai thắng ai thua khi bụi chưa lắng xuống vẫn còn khó nói. Nhưng Muhyiddin Yassin, chủ tịch của Bersatu đồng thời là bộ trưởng nội vụ, dường như đã tính toán sai. Ông và các lãnh đạo đảng khác đã không thể thuyết phục ông Mahathir đưa Bersatu tham gia vào một liên minh cầm quyền mới với UMNO. Các nghị sĩ nổi loạn của PKR cũng dường như sai lầm. Một chính trị gia của Liên minh Hi vọng thậm chí còn mong đợi rằng hầu hết các thành viên của nhóm này sẽ cố gắng tái hợp với những người bạn cũ ở UMNO. Azmin Ali, thủ lĩnh của họ và là bộ trưởng các vấn đề kinh tế, từng có vẻ là người kế vị được ưa thích của ông Mahathir. Nhưng tương lai của ông này giờ đây có vẻ mịt mù.

    Đối với ông Anwar cũng vậy, kết quả có thể không phải là màu hồng. Ông đã bắt tay với ông Mahathir dựa trên sự ngầm định rằng ông sẽ tiếp quản vị trí thủ tướng trong vòng hai năm. Ông Mahathir sau đó nói đó chỉ là “một gợi ý”, rồi tuyên bố rằng ông sẽ không nghỉ cho đến sau Hội nghị thượng đỉnh về Hợp tác Kinh tế châu Á Thái Bình Dương (APEC) vào tháng 11/2020. Hai người đã có một mối quan hệ đầy trúc trắc trong nhiều thập niên. Năm 1998, ông Mahathir đã sa thải ông Anwar, lúc đó là phó thủ tướng, và ông Anwar cuối cùng đã bị bỏ tù vì tội kê gian (sodomy, tức quan hệ đồng tính với đàn ông), vốn là một tội hình sự ở Malaysia. Tuy nhiên, mối quan hệ có vẻ ấm áp trong những ngày gần đây khi các nhà lãnh đạo cấp cao của Liên minh Hi vọng, bao gồm cả ông Anwar, đã đồng ý để ông Mahathir tự chọn một ngày mà ông muốn từ bỏ ghế thủ tướng. Việc thành lập một liên minh cầm quyền mới có thể trì hoãn, hoặc thậm chí ngăn cản, ông Anwar tiếp quản chiếc ghế này.

    Ông Mahathir có thể nổi lên thành người chiến thắng sau mớ hỗn độn này. Việc bổ nhiệm ông làm thủ tướng lâm thời trong thời gian chờ thành lập một chính phủ mới có thể giúp các nhà đầu tư bình tâm hơn một chút. Thị trường chứng khoán Malaysia giảm xuống mức sâu chưa từng thấy kể từ năm 2011 trong bối cảnh hỗn loạn trên và ngân hàng trung ương nước này cho biết họ đang “theo dõi chặt chẽ” các điều kiện của thị trường tài chính.

    Nếu ông Mahathir muốn giữ ghế thủ tướng của mình, ông có thể sẽ thu hút được sự ủng hộ cần thiết của quốc hội. Ông dường như là ứng cử viên duy nhất có khả năng làm được việc đó – khi các chính trị gia cả hai bên đều công khai ủng hộ ông ở lại – và theo các chuyên gia thì các nghị sĩ đều không muốn tiến hành một cuộc bầu cử sớm. Các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục trong những ngày tới. Các đảng từ các bang Sabah và Sarawak có thể làm cán cân nghiêng về bên này hay bên kia. Tuy nhiên, dù liên minh nào xuất hiện đi nữa thì họ cũng phải sớm học cách cầm quyền mà không phải phụ thuộc vào một cụ ông hơn 90 tuổi.

    Nguồn: “Malaysia’s prime minister, Mahathir Mohamad, resigns yet remains”, The Economist, 24/02/2020.

    Biên dịch: Phan Nguyên

    (Nghiên cứu Quốc tế)

    Không có nhận xét nào