Header Ads

  • Breaking News

    Nguyễn Minh Quang - Dự án chuyển nước Nam-Bắc của Trung Hoa có ảnh hưởng đến Mekong hay không?


    Phần dẫn nhập
    Trong bài báo có tựa đề “Trung Quốc chuyển nước lên phía bắc: Mekong có lo hơn?” trên báo Đất Việt đề ngày 14 tháng 12 năm 2019, phó giáo sư tiến sĩ (PGS TS) Đào Trọng Tứ, phó chủ tịch Hội Tưới tiêu Việt Nam, nguyên phó tổng thư ký Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, cho biết việc chuyển nước từ phía nam lên phía bắc của Trung Hoa “… là một vấn đề lớn, cần phải đánh giá thận trọng.” Ông cũng nói thêm rằng: “Đối với tình trạng đổi màu của sông Mekong hiện nay,… cần phải nghiên cứu xem nguyên nhân chính là do đâu, có tác động của việc Trung Quốc chuyển nước hay không. Nếu Trung Quốc chuyển nước lên phía bắc, nước xuống hạ lưu sông Mekong ít hơn thì đó là vấn đề nghiêm trọng.” [1]




    Sơ đồ dự án chuyển nước nam-bắc của Trung Hoa. [Ảnh: Wikipedia]

    Dự án chuyển nước từ phía nam lên phía bắc của Trung Hoa như thế nào? Ảnh hưởng, nếu có, đối với sông Mekong ra sao? Có nghiêm trọng như nhận định của PGS TS Đào Trọng Tứ hay không? Bài viết nầy có mục đích trả lời những câu hỏi vừa nêu.

    Dự án Nam thủy Bắc điều

    Dự án Nam thủy Bắc điều hay dự án chuyển nước nam-bắc của Trung Hoa là một dự án hạ tầng cơ sở khổng lồ có một không hai trên thế giới. Mục đích tối hậu của dự án là chuyển mỗi năm khoảng 45 tỉ m3 nước sông Yangtze (Trường Giang hay Dương Tử) ở phía nam nhiều mưa lên phía bắc khô cằn và kỹ nghệ hóa bằng kinh đào. Dự án phát xuất từ ý tưởng của Mao Zedong (Mao Trạch Đông) vào năm 1952 để “mượn ít nước” từ miền nam thừa mứa cho miền bắc thiếu thốn [2]. Chi phí cho toàn thể dự án được ước tính khoảng 62 tỉ USD – hơn 2 lần chi phí của đập Three Gorges (Tam Hiệp). Đến năm 2014, chi phí đã lên đến 79 tỉ USD, khiến nó trở thành dự án kiến tạo tốn kém nhất lịch sử, mặc dù chưa hoàn tất. Dự án gồm có 3 nhánh kinh: nhánh phía đông, nhánh trung tâm và nhánh phía tây.

    Nhánh phía đông

    Nhánh phía đông lấy nước từ sông Yangtze qua các trạm bơm, đường hầm, kinh đào và máng nước (aqueduct) để cung cấp nước cho các tỉnh Shandong (Sơn Đông), Jiangsu (Giang Tô) và Hebei (Hà Bắc). Tianjin (Thiên Tân) cũng sẽ nhận nước từ nhánh phía đông trong tương lai. Khả năng chuyển nước của nhánh phía đông là 13 tỉ m3 mỗi năm. Chiều dài khi hoàn tất là 1.152 km với 23 trạm bơm. Qua khỏi sông Yellow (Hoàng Hà), nước trong kinh chảy bằng trọng lực.

    Nhánh trung tâm

    Nhánh trung tâm lấy nước từ hồ Danjiangkou (Đơn Giang Khẩu) trên sông Han (Hán Giang), một phụ lưu của sông Yangtze, vào kinh đào thẳng đến Beijing (Bắc Kinh) và Tianjin. Để nước chảy bằng trọng lực, mực nước trong hồ được nâng lên từ 157 m đến 170 m trên mực nước biển trung bình. Khả năng chuyển nước ban đầu của nhánh trung tâm là 9,5 tỉ m3 mỗi năm, và sẽ tăng lên 12-13 tỉ m3 mỗi năm vào năm 2030. Chiều dài của nhánh trung tâm là 1.264 km.

    Nhánh phía tây

    Nhánh phía tây vẫn còn trong giai đoạn quy hoạch, nhằm mục đích chuyển nước từ thượng nguồn sông Yangtze (từ các phụ lưu Tongtian, Yalong và Dadu) vào thượng nguồn sông Yellow. Nhánh phía thây cần. những đường hầm dài xuyên qua cao nguyên Tibet (Tây Tạng) và Tây Yunnan (Vân Nam). Khả năng chuyển nước của nhánh phía tây là 3,8 tỉ m3 mỗi năm. Chiều dài tổng cộng của nhánh phía tây là 450 km gồm có 289 km từ Tongtian, 131 km từ Yalong và 30 km từ Dadu.

    Ngoài ra, cũng có kế hoạch để chuyển 200 tỉ m3 nước mỗi năm từ thượng nguồn của 6 con sông ở tây nam Trung Hoa – kể cả Mekong (Lancang), Yarlung Zangbo (thượng nguồn của sông Brahmaputra), Salween (Nu) – vào sông Yangtze và Yellow và cuối cùng đến miền bắc khô cằn qua một hệ thống hồ chứa, đường hầm và sông. Kế hoạch nầy có ảnh hưởng xuyên biên giới đối với Ấn Độ, Bangladesh, Myanmar, Lào, Thái Lan, Cambodia và Việt Nam; nhưng quá bao la và vô cùng tốn kém để thực hiện trong lúc nầy [2].

    Ảnh hưởng đối với Mekong

    Như được mô tả ở trên, mục đích chính của dự án Nam thủy Bắc điều là chuyển nước của sông Yangtze để cung cấp nước cho vùng khô cằn nhưng kỹ nghệ hóa ở phía bắc Trung Hoa, trong đó có thủ đô Beijing. Do đó, dự án chuyển nước lên phía bắc của Trung Hoa hoàn toàn không có ảnh hưởng đến Mekong, trong hiện tại lẫn tương lai trước mắt.

    Tuy nhiên, tình hình có thể thay đổi trong tương lai lâu dài nếu kế hoạch chuyển 200 tỉ m3 nước mỗi năm từ thượng nguồn của 6 con sông ở tây nam Trung Hoa, trong đó có sông Mekong, vào thượng nguồn sông Yangtze và Yellow. Ảnh hưởng như thế nào tùy thuộc vào lưu lượng nước chuyển từ sông Mekong.

    Mức độ nghiêm trọng

    Như chúng ta đã biết, sông Mekong bắt nguồn từ Trung Hoa rồi chảy qua 5 quốc gia Myanmar, Lào, Thái Lan, Cambodia và Việt Nam trước khi đổ ra Biển Đông. Lưu lượng trung bình hàng năm của toàn lưu vực Mekong là 475 tỉ m3 [3]. Phần lưu vực trong lãnh thổ Trung Hoa đóng góp 16% [4] lưu lượng của toàn lưu vực hay 76 tỉ m3 mỗi năm.

    Vì nước được chuyển từ thượng nguồn, nên kế hoạch chuyển nước, nếu được thực hiện, chỉ có thể chuyển hàng năm một phần nhỏ của 76 tỉ m3 mà thôi. Hơn nữa, Trung Hoa không thể chuyển nước ra khỏi thượng nguồn sông Lancang quá nhiều vì phải duy trì lưu lượng cho việc vận hành chuỗi đập thủy điện trên sông Lancang. Do đó, ảnh hưởng của kế hoạch chuyển nước đối với sông Mekong sẽ rất hạn chế và không phải là một vấn đề nghiêm trọng.

    Tuy nhiên, tình hình hoàn toàn thay đổi nếu Trung Hoa có kế hoạch chuyển nước sông Lancang từ hạ nguồn đập Jinghong (Cảnh Hồng), đập thủy điện cuối cùng của chuỗi đập thủy điện trên sông Lancang. Vì không còn phải duy trì lưu lượng để vận hành nhà máy thủy điện, Trung Hoa có thể chuyển phần lớn, nếu không nói tất cả, lưu lượng xả ra từ đập Jinghong ra khỏi lưu vực Lancang-Mekong.

    Trong trường hợp nầy, ảnh hưởng đối với Mekong tùy thuộc vào số lượng nước được chuyển ra khỏi sông Lancang-Mekong và mức độ sẽ giảm dần về phía hạ lưu; do đó, ảnh hưởng đối với Đồng bằng sông Cửu Long có lẽ không đáng kể. Việc chuyển nước ra khỏi sông Lancang-Mekong sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến việc lưu thông của tàu bè trên sông Mekong ở Thái Lan và Lào và việc vận hành của các đập thủy điện dòng chảy (run-of-the-river) trên dòng chánh Mekong ở Lào, nhất là vào mùa khô, vì các đập nầy không có hồ chứa nước mà chỉ dựa vào lưu lượng của sông tại vị trí đập.

    Các giải pháp khả thi

    Như đã trình bày ở trên, dự án Nam thủy Bắc điều chỉ chuyển nước của sông Yangtze lên phía bắc; do đó, nó không đáng lo ngại vì hoàn toàn không có ảnh hưởng đến Mekong.

    Việc chuyển nước của Trung Hoa sẽ là một vấn đề lớn nếu phần lớn, hay tất cả, lưu lượng của sông Lancang-Mekong được chuyển ra khỏi lưu vực ngay phía dưới đập Jinghong. Đây là một vấn đề chung của các quốc gia thành viên trong Ủy hội Sông Mekong (Mekong River Commission (MRC) gồm có Lào, Thái Lan, Cambodia và Việt Nam mà Thái Lan và Lào là 2 quốc gia chịu ảnh hưởng trực tiếp nặng nề nhất. Mặc dù không phải là một thành viên, Trung Hoa cũng tham gia MRC với tư cách một “đối tác đối thoại”; vì thế, MRC có lẽ là một diễn đàn thích hợp nhất để các quốc gia thành viên MRC “đối thoại” với Trung Hoa về lưu lượng của sông Lancang-Mekong.

    Việc đối thoại có thể dựa trên Điều 6 của Thỏa ước Hợp tác Phát triển Khả chấp Lưu vực Mekong (Agreement on the Cooperation for the Sustainable Development of the Mekong River Basin) được ký kết ngày 25 tháng 4 năm 1995 để thành lập MRC. Điều khoản nầy đề cập đến sự hợp tác để duy trì lưu lượng trên dòng chánh - qua việc chuyển nước, xả nước từ hồ chứa, hay các hoạt động thường trực, ngoại trừ trường hợp hạn hán hay lũ lụt lịch sử - a) không thấp hơn lưu lượng tự nhiên tối thiểu hàng tháng trong các tháng mùa khô, b) ở mức chấp nhận được để sông Tonle Sap chảy ngược trong mùa mưa, và c) đỉnh lũ trung bình hàng ngày không vượt quá đỉnh lũ trung bình tự nhiên trong suốt mùa lũ. [4]

    Các chi tiết về lưu lượng trong Điều 6, tuy nhiên, vẫn chưa được Ủy ban Hỗn hợp ấn định theo Điều 26 của Thỏa ước. Do đó, công tác nầy cần được thực hiện càng sớm càng tốt để làm cơ sở cho việc đối thoại với Trung Hoa.

    Ngoài diễn đàn MRC, Hợp tác Lancang-Mekong (Lancang-Mekong Cooperation (LMC)) cũng là một diễn đàn thích hợp để các quốc gia hạ lưu Mekong đối thoại với Trung Hoa, vì tất cả các quốc gia Mekong đều là thành viên của LMC. Với nguyên tắc “chia sẻ dòng sông, chia sẻ tương lai” [5], sự hợp tác giữa các quốc gia LMC sẽ được đẩy mạnh để sử dụng và quản lý nguồn tài nguyên nước qua việc thành lập trung tâm hợp tác nguồn nước Lancang-Mekong ở Trung Hoa để dùng như một diễn đàn hoạt động cho các quốc gia LMC [6].

    Một giải pháp khác là các quốc gia hạ lưu Mekong gồm có Lào, Thái Lan, Cambodia và Việt Nam cùng thương thảo với Trung Hoa để đi đến một hiệp ước quốc tế, tương tự như Hiệp ước 1944 về việc Sử dụng Nước sông Rio Grande, Colorado và Tijuana giữa Hoa Kỳ và Mexico [7]. Theo hiệp ước nầy, Mexico được bảo đảm một lưu lượng tối thiểu hàng năm 1,85 tỉ m3 nước của sông Colorado [8], nhưng không ấn định phẩm chất của nước. Tình trạng trở nên tồi tệ trong thập niên 1950s nên Mexico phản đối. Một thỏa ước được ký kết vào năm 1974 bắt buộc nước sông Colorado xả xuống Mexico phải có phẩm chất tương tự như nước uống ở Hoa Kỳ, và Hoa Kỳ đã xây và điều hành một nhà máy lọc nước ở Yuma, Arizona để tuân thủ tiêu chuẩn nầy [9].

    Phần kết luận

    Dự án chuyển nước từ phía nam lên phía bắc, mà người Trung Hoa gọi là Nam thủy Bắc điều, phát xuất từ ý tưởng của chủ tịch Mao Zedong vào năm 1952. Mục đích tối hậu của dự án là đưa 45 tỉ m3 nước của sông Yangtze lên miền bắc khô cằn được kỹ nghệ hóa mỗi năm, trong đó có thủ đô Beijing. Vì vậy, dự án chuyển nước lên phía bắc của Trung Hoa hoàn toàn không có ảnh hưởng đến Mekong, trong hiện tại lẫn tương lai trước mắt.


    Trong tương lai lâu dài, nếu kế hoạch chuyển 200 tỉ m3 nước mỗi năm từ thượng nguồn của 6 con sông ở tây nam Trung Hoa, trong đó có sông Mekong, được thực hiện sẽ có ảnh hưởng đến Mekong, tùy theo lưu lượng nước được chuyển ra khỏi Mekong. Tuy nhiên, ảnh hưởng sẽ rất hạn chế vì Trung Hoa phải duy trì lưu lượng cho việc vận hành chuỗi đập thủy điện trên sông Lancang.


    Tình hình hoàn toàn thay đổi nếu Trung Hoa có kế hoạch chuyển nước sông Lancang từ hạ nguồn đập Jinghong. Vì không còn phải duy trì lưu lượng để vận hành nhà máy thủy điện, Trung Hoa có thể chuyển phần lớn, nếu không nói tất cả, lưu lượng xả ra từ đập Jinghong ra khỏi lưu vực Lancang-Mekong. Nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc lưu thông của tàu bè trên sông Mekong ở Thái Lan và Lào và việc vận hành của các đập thủy điện dòng chảy trên dòng chánh Mekong ở Lào. Ảnh hưởng đối với Đồng bằng sông Cửu Long có lẽ không đáng kể vì ở quá xa về phía hạ lưu. Tuy nhiên, Trung Hoa sẽ phải cân nhắc giữa lợi ích của việc chuyển nước với lợi ích của việc duy trì lưu lượng trong sông cho mậu dịch và vận chuyển.


    Để bảo vệ quyền lợi của mình trong trường hợp Trung Hoa chuyển nước ra khỏi sông Lancang-Mekong ở phía dưới đập Jinghong, các quốc gia hạ lưu Mekong có thể hợp lực để đối thoại với Trung Hoa qua các diễn đàn quốc tế như MRC và LMC. Một giải pháp khác là thương thảo với Trung Hoa để đi đến một hiệp ước quốc tế, tương tự như hiệp ước về việc sử dụng nước sông Colorado giữa Hoa Kỳ và Mexico.


    Sơ lược về tác giả


    Tác giả nguyên là Kỹ sư Công chánh Chuyên nghiệp (Professional Civil Engineer) của tiểu bang Florida và California. Tốt nghiệp Kỹ sư Công chánh tại Trường Cao đẳng Công chánh, Trung tâm Quốc gia Kỹ Thuật Phú Thọ, Sài Gòn năm 1972. Trưởng ty Kế hoạch, Ủy ban Quốc gia Thủy lợi, Bộ Công chánh và Giao thông, Sài Gòn đến tháng 4 năm 1975. Tốt nghiệp Kỹ sư Công chánh (1983) và Cao học Thủy lợi (1985) tại Đại học Nebraska, Hoa Kỳ. Chuyên viên Thủy học (Hydrologist) của Sở Quản trị Thủy lợi, Broward County, Florida đến năm 1989. Từ năm 1990 đến 2015, Kỹ sư Giám sát Trưởng (Senior Supervising Engineer) của Stetson Engineers Inc., một công ty cố vấn về thủy lợi và ô nhiễm nguồn nước, thành lập năm 1957 ở Los Angeles. Về hưu từ năm 2016.


    Tài liệu tham khảo


    [1] Thành Luân. 14 tháng 12 năm 2019. “Trung Quốc chuyển nước lên phía bắc: Mekong có lo hơn?” Đất Việt. https://baomoi.com/trung-quoc-chuyen-nuoc-len-phia-bac-mekong-co-lo-hon/c/33310308.epi

    [2] Wikipedia. 28 September 2019. “South-North Water Transfer Project.” Wikipedia. https://en.wikipedia.org/wiki/South–North_Water_Transfer_Project

    [3] Wikipedia. 25 January 2020. “Mekong”. Wikipedia. https://en.wikipedia.org/wiki/Mekong

    [4] Mekong River Commission. 25 April 1995. Agreement on the Cooperation for the Sustainable Development of the Mekong River Basin. Mekong River Commission. http://www.mrcmekong.org/assets/Publications/agreements/95-agreement.pdf

    [5] Lancang-Mekong Cooperation. March 25, 2016. “Li Keqiang’s address at the 1st Lancang-Mekong Cooperation Leaders’ Meeting.” LMC. http://www.lmcchina.org/eng/zywj_5/t1514128.htm

    [6] Lancang-Mekong Cooperation. March 23, 2016. “Sanya Declaration of the First Lancang-Mekong Cooperation (LMC) Leaders’ Meeting.” LMC. http://www.lmcchina.org/eng/zywj_5/t1513793.htm

    [7] Wikipedia. 22 October 2019. “Colorado river dispute”. Wikipedia. https://en.wikipedia.org/wiki/Colorado_river_dispute

    [8] Stratfor. May 14, 2003. “The U.S., Mexico and the Decline of the Colorado River”. Forbes. https://www.forbes.com/sites/stratfor/2013/05/14/u-s-mexico-the-decline-of-the-colorado-river/#26b5d5767df1

    [9] Lohman, Edward. May/June 2003. “Yuma Desalting Plant: 2003”. Southwest Hydrology. 20:21. http://swhydro.arizona.edu/archive/V2_N3/feature5.pdf

    Không có nhận xét nào