Từ khi làm việc trong lĩnh vực giáo
dục, các câu hỏi hay nguyện vọng tôi được đề nghị phần lớn đều liên quan
đến chuyện “Kỹ thuật dạy học của người Nhật”, “Phương pháp dạy học của
người Nhật”, “Phải làm thế nào để con em đọc sách”. Nghĩa là các câu hỏi
mang tính chất rất cụ thể.
Ở Việt Nam, khắp nơi người ta cũng chửi chuyện “lý thuyết suông”, chém gió nhưng thực tế không làm được…
Tâm lý và tâm tư ấy rất dễ hiểu và rất dễ cắt nghĩa khi nhìn vào hiện trạng tinh thần xã hội cũng như di sản lịch sử.
Thực
ra bình tĩnh mà suy xét thì người Việt nói chung không chỉ yếu về “làm”
với kỹ thuật thực tế mà còn vô cùng yếu kém về lý thuyết chứ không như
nhiều người mắng là “chỉ giỏi lý luận suông”. Bởi vì nhận thức là nền
tảng, là khởi đầu của hành động. Nếu lý luận giỏi, chuyện có làm được
hay không chỉ còn là vấn đề thời gian.
Sự bế tắc đầu tiên của giáo dục Việt Nam hiện tại là sự bế tắc của lý luận giáo dục chính thống trong suốt gần 1 một thế kỉ qua.
Bởi
vì bế tắc về lý luận người ta mới phải tìm sự biện minh trong phương
pháp và kỹ thuật. Đổi mới phương pháp dạy học bỗng chốc trở thành chiếc
phao cứu sinh.
Rất
nhiều lần tôi có nói rất thật rằng xét về kỹ thuật dạy học tôi là một
ông thầy không tốt lắm vì chữ tôi viết xấu, viết lên bảng rất tùy tiện,
hay quên, quản trị sổ sách không tốt… Nhưng tôi có thu được cảm tình của
học sinh và phụ huynh ở mức độ nào đó (ít nhất trong chừng ấy năm đi
dạy chưa bị học sinh nào hay phụ huynh nào chửi mắng, ra đường thi
thoảng vẫn có người trưởng thành lạ mặt chào bảo “em trước là học sinh
của thầy”) chẳng qua là vì tôi nhận thức được một vài vấn đề về lý luận.
Nhận thức đó trong “vô thức” sẽ dẫn dắt toàn bộ tư duy và các hoạt động
giáo dục của tôi lại gần với mục tiêu muôn thủa của giáo dục là tạo ra
con người mơ ước.
Đơn
giản thế thôi. Khi các bạn giác ngộ về mục tiêu, triết lý về lý luận,
các bạn sẽ tự khai phá ra phương pháp và kỹ thuật cho riêng mình.
Và
nếu bình tĩnh bạn sẽ nhận ra những người mà các bạn bảo là lý thuyết
suông chứ thực tế không làm được, thực ra là những người cũng không giỏi
lý luận, vì nếu thấm lý luận đến độ nào đó, họ sẽ là nhà thực tiễn ở
mức độ nhất định, cho dù không hoàn hảo vì nhiều lý do khác (ví dụ sức
khỏe, tuổi tác…).
Đấy
là lý do tôi rất đồng cảm tới Alfie Kohn, tác giả của “Cha mẹ vô điều
kiện” khi đọc đến chương VII – “Nguyên lý cha mẹ vô điều kiện” – thấy
ông viết:
“Như
tôi đã cảnh báo trước, những gì ta bàn tiếp theo không phải công thức
để nuôi dạy nên những đứa trẻ tốt. Vì để làm điều này, tôi phải là một
người cha hoàn hảo rồi mới có thể cung cấp cho bất kì ai công thức nuôi
dạy con đúng tuyệt đối (rõ ràng điều này không thể). Vả lại, tôi nghi
ngờ khả năng tồn tại một công thức chung cho mọi trường hợp. Việc đưa ra
những gợi ý quá cụ thể (kiểu như khi con bạn nói điều x, bạn nên đứng ở
vị trí y, nói câu sau bằng giọng điệu z…) là thiếu tôn trọng cả phụ
huynh và con trẻ. Nuôi dạy con không giống như lắp ráp hệ thống âm ly
trong nhà hay nấu món thịt hầm mà bạn chỉ cần làm đúng theo từng hướng
dẫn chi tiết của chuyên gia. Không có một công thức chung phù hợp cho
mọi gia đình hay có thể tiên đoán trước vô số tình huống. Thật vậy,
những cuốn sách cung cấp công thức kiểu như vậy thường gây ra hậu quả
lợi bất cập hại cho các ông bố bà mẹ, những người đang ráo riết tìm kiếm
phương thuốc thần diệu để cứu nguy cho mình.” (tr. 182)
Tuyệt đối hóa và chăm chăm vào kỹ thuật, bản thân cá nhân sẽ tự thu hẹp tầm nhìn và bỏ qua các cơ hội tiếp cận được chân lý.
Nguyễn Quốc Vương
(Trí thức VN)
Không có nhận xét nào