Header Ads

  • Breaking News

    Phạm Đức Đồng Hùng - Vũ khí sinh-hoá học: Con người vẫn chưa biết sợ?


    Từ thời xa xưa con người ta đã biết sử dụng vũ khí sinh học rồi. Thời Trung cổ, quân đội Âu châu hay Mông cổ đã biết dùng máy bắn đá bắn xác chết của những người nhiễm bệnh dịch hạch vào thành luỹ đối phương, đây thực sự là một hình thức vũ khí sinh học.

    Vũ khí sinh-hoá học: Con người vẫn chưa biết sợ?

    Trước đó rất lâu, các bộ lạc đã biết sử dụng mủ các loại cây, các loại nấm độc vào hay nọc rắn tẩm vào đầu mũi tên: đây là một hình thức của vũ khí sinh học, hay cũng có thể xem là vũ khí hoá học hay sinh -hoá học.


    Năm 1932 “Đơn vị 731” của quân đội Nhật đã tiến hành việc thử nghiệm các loại vi khuẩn Anthrax, Cholera, Shigellosis, Salmonnella và Plague đối với các tù nhân tại Mãn Châu, và chương trình “thí nghiệm” này giết chết khoảng 10,000 tù nhân.
    Năm 1940-1941, quân đội Nhật đã rải ở 11 tỉnh Trung Quốc những trái bom chứa vi sinh vật gây bệnh dịch hạch. Họ còn thả những con rận nhiễm dịch hạch, những hạt gạo nhiễm trùng dịch hạch để thu hút những con chuột ăn vào sau đó truyền bệnh khắp nơi ở Trung Quốc.


    Kể từ Đệ nhị thế chiến, cả Mỹ, Anh lẫn Nga đều chạy đua để tìm cách phát triển thứ vũ khí vi trùng từ khuẩn đậu mùa và khuẩn Anthrax trên cừu. Kho vũ khí này còn mở rộng với mầm bệnh dịch hạch, dịch tả, những bệnh do virus gây ra như sốt vàng da, bệnh virus vẹt, cúm, những bệnh do trùng rận gây ra như sốt ban chấy rận, những bệnh do độc tố trong thức ăn, nước uống gây ra ngộ độc hàng loạt.
    Trong khi đó thì hiệu quả của thứ vũ khí này cũng như một canh bạc không chắc chắn, đầy may rủi. Nhẹ thì những mầm bệnh có thể biến mất rất nhanh, bị tiêu diệt khi lan ra ngoài môi trường ánh sáng, bị các thực khuẩn tiêu diệt v.v… Nặng thì chúng bùng phát thành những bệnh dịch không thể kiểm soát, gây ra tác động ngược chiều và trở thành là một thứ dao hai lưỡi. Mầm bệnh có thể lan truyền qua đủ phương tiện nước, bụi hay động vật, có khả năng gây bệnh cao mà không cần phân biệt “địch-ta”.

    Đến thập niên 60 công chúng Mỹ bắt đầu phản đối và tháng 11.1969, Tổng thống Richard Nixon tuyên bố đình chỉ chương trình nghiên cứu vũ khí sinh học. Sau đó các cường quốc đã ngồi lại để thảo luận về một hiệp ước quốc tế nhằm ngăn cấm việc phát triển và sản xuất các loại vũ khí sinh học.


    Năm 1972, Mỹ, Anh và Liên Xô cùng ký Hiệp ước về vũ khí sinh học, nghiêm cấm việc phát triển loại vũ khí tàn độc này. Tuy nhiên năm 1989, khi ông Vladimir Pasechnik – một chuyên gia hàng đầu vũ khí sinh học của Liên Xô – là đào thoát sang Anh, ông ta đã tiết lộ nhiều bí mật động trời: Công ty sản xuất dụng cụ y tế Biopreparat của Liên Xô, thành lập năm 1973, chính là một cơ sở nghiên cứu vũ khí sinh học.


    Ba năm sau Tiến sĩ Ken Alibek (còn gọi là Kanatjan Alibekov), khoa học gia trưởng tại Biopreparat, cũng chạy sang Mỹ xi tỵ nạn và tiết lộ nhiều tin tức khác liên quan đến chương trình sản xuất vi khuẩn bệnh đậu mùa của “công ty”.
    Cũng năm đó, một nhân viên KGB đào ngũ sang phương Tây đã tiết lộ về thông tin tương tự về chương trình phát triển vũ khí bằn vi khuẩn đậu mùa.
    Tại sao Liên Xô lại mặn mà với đậu mùa như vậy?

    Vũ khí đậu mùa


    Có lẽ đậu mùa là chứng bệnh làm phiền lịch sử lâu dài nhất, gây nhiều thay đổi nhất.


    Tại Việt Nam, năm 1801 – chỉ một năm trước ngày toàn thắng, trong lúc dẫn quân đẩy mạnh cuộc tấn công dọc theo duyên hải miền Trung còn quân Tây Sơn phải di tản từ Huế ra Bắc, Nguyễn Ánh nhận tin Hoàng tử Nguyễn Cảnh qua đời tại Gia Định vì bệnh đậu mùa.


    Việc này khiến Gia Long có mối quan tâm đặc biệt đến Tây y, hệ quả là trong số ngự y của chăm lo cho sức khoẻ của ông ta có một bác sĩ Pháp là Jean Marie Despiau. Viên bác sĩ Pháp này được tin cậy và có thể ngồi bên Gia Long đến giây phút cuối cùng, cùng với các thái y Việt khác.


    Trước đó, bệnh đậu mùa đã được danh y Tuệ Tĩnh, người được hậu thế suy tôn là tiên thánh của ngành thuốc Nam, nhắc đến trong tác phẩm Nam Dược thần hiệu viết khi sống lưu vong trên đất Tàu. Nổi tiếng có tài chữa bệnh, nhà Minh ép nhà Trần cống cho mình vào khoảng năm 1385, lúc ông đã 55 tuổi, sau đó đưa về Bắc Kinh phong là “Đại y thiền sư”. Gần bốn trăm năm sau, danh y Lê Hữu Trác (1720-1791) lại đề cập đến bệnh này trong Hải Thượng Lãn Ông y tâm tâm lĩnh: “Gặp khi có dịch đậu nghiêm trọng thì cứ mỗi tối trước khi đi ngủ, cha mẹ lấy ngón tay giữa nhúng dầu mè mà xoa xát vào đầu, trán, gáy, lưng, eo lưng, hai cổ tay chân của trẻ rồi cho trẻ đi ngủ.”

    Tại Mỹ Châu, chính virus đậu mùa đã khiến đế chế Inca hùng mạnh sụp đổ chỉ trong vòng hai năm trước đội quân Tây Ban Nha không quá 200 người.


    Năm 1532, chỉ trong một ngày, đội quân chưa đầy hai đại đội của viên chỉ huy Francisco Pizarro đã đánh bại một đội quân hùng mạnh hàng ngàn người và bắt sống Hoàng đế Atahualpa, nhà cai trị hiếu chiến của Đế chế Inca. Một năm sau. Pizarro hoàn toàn kiểm soát hoàn toàn Đế chế Inca.


    Sự sụp đổ của đế chế này bắt nguồn từ đà suy vong sau những năm tháng triền miên nội chiến, tuy nhiên còn có cơn cớ từ bệnh đậu mùa.


    Sau khi vua cha Huayna Capac chết vào năm 1527, hai anh em Atahualpa và Huasca chia nhau, em kiểm soát phía bắc, ông anh Huascar nắm giữ phía nam có nhiều mối lợi hơn.


    Năm 1529 Atahualpa dấy quân chống lại người anh và chiến sự kết thúc năm 1532 khiến Inca mệt mỏi, cạn kiệt tài nguyên. NĂm 1532, khi đến đây, hai đại đội Tây Ban Nha có vũ khí tối tân hơn, lại cưỡi ngựa nên cơ động hơn, có sức tấn công vũ bão.


    NGựa ngựa không phải là sinh vật bản địa của châu Mỹ, khi thấy các chiến binh Tây Ban Nha cưỡi ngựa bắn súng, những chiến binh Inca đã phát hoảng.
    Nhưng quan trọng hơn là những con virus đậu mùa: chúng chưa từng hiện diện tại Nam Mỹ mà do người Tây Ban Nha mang tới, làm suy yếu chủng người này.
    Trong nhiều thế kỷ, Âu châu là nơi phát sinh của hàng loạt các căn bệnh nan y, một số bắt nguồn từ vật nuôi, một số bắt nguồn từ châu Á và châu Phi. Những mầm bệnh phát sinh từ vật nuôi đã bùng phát mạnh mẻ ở các thành phố đông đúc và chật chội. Nhiều người đã chết nhưng những người sống sót đã phát triển khả năng miễn dịch, nhờ vậy người châu Âu có thể chống chịu những bệnh như đậu mùa tốt hơn. Chưa từng đối phó với dịch này, cũng như không có thói quen nuôi thú trong nhà, người bản địa châu Mỹ không có khả năng miễn dịch như vậy.


    Chính vì vậy khi người Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha đến Tân lục địa, những mầm bệnh mang theo đã truyền nhiễm sang dân cư địa phương, làm bùng phát những trận dịch với tốc độ khủng khiếp. Dịch bệnh lan ra toàn lục địa và dân số suy giảm rõ rệt, đây mới l à yếu tố quan trọng nhất giúp đoàn quân của Pizarro chiến thắng.


    Người ta còn tin rằng có thể chính bệnh đậu mùa đã giết chết ông vua Huayna Capac.


    Tuy nhiên lúc này cả người Tây Ban Nha cũng chưa biết gì về con virus, và họ cũng không hề sử dụng nó như một thứ vũ khí.


    Cho đến khi người Anh đàn áp người da đỏ tại Canada.


    Có thể nói rằng Anh là nước đầu tiên sử dụng vũ khí sinh học, trong cuộc chiến chống lại người da đỏ tại Canada vào thế kỷ 18.


    Đó là năm 1763, khi người da đỏ ở Pontiac nổi dậy chống quân Anh, Tư lệnh lực lượng Anh tại Bắc Mỹ là tướng Jeffrey Amherst (1717-1797) hạ lệnh cho đại tá Henry Bouquet, chỉ huy trưởng đơn vị đồn trú tại đây, phải sử dụng vũ khí vi trùng.


    Viên tướng này nhấn mạnh: “Ông không thể gieo rắc bệnh đậu mùa cho bọn da đỏ bất trị này hay sao? Chúng ta phải dùng mọi cách có thể để giảm dân số bọn chúng càng nhiều càng tốt!”.


    Vâng lệnh thượng cấp, đại tá Bouquet dùng những tấm chăn hay khăn tay của người mắc bệnh đậu mùa rồi cố tình “đánh rơi” hay “bỏ quên” tại những địa điểm ở gần nơi cư trú của người da đỏ.


    Kết cục những tấm chăn ấm áp này đã làm giảm đi 10 phần trăm dân số người da đỏ tại Pontiac.

    Phân loại vũ khí sinh học


    Thành phần chính của vũ khí sinh học gồm các các loại virus và vi khuẩn có thể gây ra bệnh tật. Người ta phân loại chúng bằng nhiều cách khác nhau dựa trên mục tiêu gây mầm bệnh cho con người, vật nuôi hay cây trồng.


    Trong đó vũ khí sinh học nhắm vào con người được xem là nguy hiểm nhất, loại này gồm các mầm gây bệnh chính:

    Vi khuẩn: Là những sinh vật đơn bào có thể gây ra bệnh tật, ví dụ như khuẩn hình que anthrax (gây bệnh than), khuẩn gây bệnh dịch hạch.

    Trùng rận (Riketsi): Là những nhóm vi khuẩn sống ký sinh như Coxiella burnetii, Rickettsia prowazekii và Rickettsia rickettsii.

    Virus: Là loại siêu vi khuẩn có trong tất cả các cơ thể sống từ vi khuẩn, nấm cho đến các loài động vật và cây cối. Một số loại virus nguy hiểm cho con người tiêu biểu như virus Ebola, virus Marburg, virus bệnh đậu mùa và virus bệnh đau màng não Venezuelan equine.

    Độc tố: Là những chất độc do sinh vật sống tạo ra (như động vật, vi khuẩn, nấm, cây cối &). Ví dụ có độc tố Aflatoxin, độc tố saxitoxin và trichothecene mycotoxin (do nấm tạo ra), độc tố Botulinus (Clostridium botulinum), độc tố ricin (do loài hải ly tạo ra).

    Những loại khuẩn này đều được liệt vào danh sách cấm của Công ước quốc tế về vũ khi sinh hóa, do đó nguời ta lo sợ đến kẻ hở của công ước này: những chất cải biến “yếu tố di truyền” (gene): thí dụ gieorắc các hạt lúa mạch, luá mì đã biến đổi gene để gây tác hại mùa màng hay gây bệnh hật ở người tiêu thụ: hệ thống miễn dịch của con nguời, thực vật hay động vật không thể chống lại được bệnh đó.

    Vũ khí sinh học trong tay khủng bố


    Cái gì sẽ diễn ra nếu các nhóm khủng bố hay tội phạm thủ đắc được các loại vũ khí sinh học?


    Theo các chuyện gia thì sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, nhiều nhà khoa học chuyên về vũ khí của Nga lâm cảnh thất nghiệp, và do đó rất dễ bị đồng tiền cám dỗ và có thể đã bán những kỹ thuật, bí mật và thậm chí cả những chủng khuẩn để sản xuất vi khuẩn cần thiết cho các quả bom sinh học cho các nhóm khủng bố hay các chính phủ độc tài.


    Nhân loại hằng lo lắng nghĩ đến một cuộc chiến khủng bố bằng vũ khí sinh học mà thế giới hầu như chưa sẵn sàng để đối phó.


    Riêng tại Úc, các chuyên viên của chính phủ liên bang cho rằng nếu cuộc tấn công bằng các loại virus cúm mới thì nước Úc sẽ hoàn toàn lúng túng vì không có đủ thuốc chủng ngừa và vũ khí này có thể gây bệnh đến 25% dân số. Họ nhẩm tính; chỉ trong vòng từ 6 đến 8 tuần sẽ có:

    từ 13,000 đến 44,000 người mất mạng

    từ 57,900 đến 148,000 phải nhập viện

    từ 2.6 đến 7.5 triệu người phải điều trị ngoại trú.

    Lúc này bệnh viện sẽ bị quá tải, các công sở và xưởng thợ cũng không có người đến làm việc v.v.. và kinh tế sẽ bị đình đốn.


    Năm 2008 Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã ước tính rằng một đại dịch cúm có thể gây tốn kém 3,000 tỷ Mỹ kim và giảm 5% tổng sản phẩm thế giới. WB cũng ước tính rằng hơn 70 triệu người trên thế giới có thể chết vì một đại dịch.


    Hiện tại, các cơ quan tình báo phương Tây cho rằng có ít nhất ba nước vẫn đang tiếp tục công việc nghiên cứu vũ khí sinh học là Bắc Hàn, Iraq và Nga. Một số nước khác cũng bị họ nghi ngờ là Trung Quốc, Cuba, Ấn Độ, Pakistan và Iran.
    Nói về vũ khí sinh học, chúng ta bàn luôn đến vũ khí hoá học.

    Vũ khí hoá học


    Đọc sử Tàu chúng ta đã biết đến các loại tên tẩm thuốc độc, chế tạo từ các loại nhựa cây động, và đây chính là một hình thức thô sơ của vũ khí hoá học. Rồi đọc kiếm hiệp Tàu, chúng ta còn biết rằng các hiệp khách thuộc “danh môn chính phái” thường tỏ vẻ khinh bí trước các chiêu thức sử dụng độc dược của các môn phái “tà ma ngoại đạo” v.v… Tên độc, chất độc phun trong gió hay bỏ trong thức ăn, nước uống cũng là một hình thức của vũ khí hoá học.


    Từ thế kỷ thứ 6 trước công nguyên (CN) người Ba Tư đã biết sử dụng các lại cây cỏ độc để thả xuống các giếng nước hay đầu nguồn các con sông của kẻ thù. Trong cuộc vây hãm thành Ambracia năm 187 trước CN, binh sĩ La Mã đã đốt cây xông khói và phun tro để đối phương bên trong ngạt thở.


    Năm 673, người Hy Lạp phát minh ra một thứ khói độc gọi là “Lửa Hy Lạp” và họ đã giữ kín bí mật pha chế của vũ khí này trong suốt 5 thế kỷ sau đó.


    Giữa thế kỷ 13, người Anh đã phóng vôi bột vào tàu chiến Pháp, khiến những binh sĩ bị dính vôi bột vào mắt không thể nào chiến đấu. Ngay lúc đó họ phải lo đi tìm nước để rửa nếu không thì mắt sẽ sưng và sau đó có nguy cơ bị mù.


    Cũng trong thời trung đại, thổ dân da đỏ ở vùng Amazon đã lấy các da cóc để ngâm thuốc độc tẩm vào đầu mũi tên, cách thức tẩm độc này được họ sử dụng cho tới thế kỷ 20.

    Theo thời gian, vũ khí hoá học càng ngày càng phát triển tuy nhiên phải đợi đến Đệ nhất thế chiến (1914-1918), vũ khí hóa học mới được sản xuất trên quy mô kỹ nghệ và đưa đên những hậu quả thảm khốc trên quy mô lớn.


    Người có “công” mở đường cho kiểu cách giết người này là Fritz Bazer, một nhà hoá học Đức gốc Do Thái.

    Fritz Haber


    Fritz Haber sinh năm 1868 trong một gia đình khá giả, cha là một doanh nhân, có một xưởng hoá học nhỏ. Sau khi tốt nghiệp đại học Heidelbert và sau đó Berlin (1886-1891) Haber trở về làm việc tại xưởng hoá chất của cha mình.


    Sau một thời gian, ông đến Viện kỹ thuật Zurich làm phụ tá cho giáo sư Georg Lunge và từ đây trở nên say mê với việc nghiên cứu nhiều hơn. Sau khi cho công bố nhiều tìm tòi chung với các đồng nghiệp, năm 1896 Haber bảo vệ luận án tiến sĩ hoá học với đề tài «Tổng hợp và phân hủy các hợp chất hydro-carbon». Ngay sau đó, ông được bổ nhiệm làm giáo sư Lý-Hoá và Điện-Hoá tại một viện nghiên cứu tại Karlsruhe.


    Năm 1898, Haber cho xuất bản cuốn sách giáo khoa Điện hoá học, vốn là tập hợp các bài giảng tại Karlsruhe. Trong lời nói đầu của cuốn sách này, ông bày tỏ ước muốn “nối kết việc nghiên cứu hoá học với các hoạt động kỹ nghệ”.


    Trong những năm đầu của thế kỷ 20 ngành nông nghiệp tiêu thụ rất nhiều phân đạm mà nguồn cung cấp chủ yếu là phân chim của Chile. Các loại chim biển thường thải phân tại dọc theo một vùng bờ biển dài 220 dặm của Chile. Tuy nhiên, Đức đang bị Anh chơi ép và Hải quân Anh đang phong toả đường biển của Đức đến Chile khiến ngành nông nghiệp Đức lâm cảnh điêu đứng vì thiếu phân đạm. Haber tự đặt cho mình nhiệm vụ: tự chế ra phân đạm.


    Năm 1905 ông công bố công trình nghiên cứu về hiện tượng “nitrat hoá” trong tự nhiên: chính sấm sét đã kết hợp hai nguyên tố nitrogen và hydro thành amonia. Sau đó, mô phỏng thiên nhiên, Haber cho khí nitrogen kết hợp với khí hydrogen trong điều kiện nhiệt độ 500 độ C và dưới áp suất từ 150 đến 200 atmosphere với sự xúc tác của sắt để tạo nên amonia, thành phần chính để tạo nên phân đạm.


    Phát minh của Haber là bước ngoặt lớn của kỹ nghệ hoá học và nền nông nghiệp thời đó và giúp cho Đức nắm được độc quyền sản xuất và xuất cảnh phân đạm nhân tạo. Năm 1911, Haber được bổ nhiệm làm Giám đốc Viện Lý-Hoá Kaiser Wilhelm ở Berlin


    Đệ nhất thế chiến khai diễn vào tháng 8 năm 1914. Thoạt đầu, Đức tỏ ra rất tự tiên với những chiến thắng dồn dập, nhưng rồi quân đội Đức bị sa lầy và chiến tranh rẽ sang một hướng mới khi hai bên giằng co trong những hệ thống giao thông hào lầy lội, ẩm thấp. Binh sĩ hai bên càng ngày càng mệt mỏi trong khi thương vong và bệnh tật ngày càng chồng chất.


    Haber nghĩ đến một thứ khí độc có thể len lỏi vào những hầm hố để thay đổi cục diện chiến trường. Khí ở đây là chlorine, có thể đốt cháy buồng phổi của người hít phải: với tỷ lệ 30 trên một triệu trong không khí, chlorine khiến người hít ho rất nặng; với tỷ lệ 1,000 trên một triệu, nó s” gây tử vong.


    Tuy nhiên, khi Haber tiếp xúc với giới quân sự Đức để rao bán ý tưởng này, ông đã bị khước từ. Không nản chí, ông mời họ chứng kiến một cuộc thí nghiệm và khi thấy được tác dụng của khí độc này, giới lãnh đạo Đức bèn gắn quân hàm cho Haber để giúp đỡ họ thành lập một binh đoàn hoá học. Ngày 22.4.1915, Đức đã đặt 5,730 bình chứa chlorine ở gần phòng tuyến quân Pháp và Algeria tại lãnh thổ Bỉ và mở khoá: cả thảy 180 tấn chlorine thoát ra, tạo nên một đám khói dày đặc và cuốn về đối phương.


    Kết quả thật là kinh khủng: lính Pháp và Algeria bị ngạt, bị cháy phổi và chết từ từ. Tối 23.4 và rạng sáng 24.4 Đức lại sử dụng vũ khí này vào phòng tuyến của quân đội Canada với kết quả tương tự. Chỉ sau hai đợt tấn công, vũ khí mới của Đức đã sát hại 5,000 binh sĩ và khiến 10,000 binh sĩ khác trở thành thương binh.


    Báo chí Đức tỏ ra khích động với thứ vũ khí mới này, cho rằng nó còn “nhân đạo hơn cả đạn và pháo”. Haber được thăng lon đại úy và mở tiệc ăn mừng. Tuy nhiên Clarra, vợ của Haber, cũng là một nhà hoá học, tỏ ghét cay ghét đắng “phát minh” của chồng, cho rằng khoa học phải phục vụ việc xây dựng chứ không thể phục vụ chiến tranh. Sau ngày đãi tiệc, hai người đã cãi nhau rầm trời, Clara gọi Haber là làm một nhà khoa học suy đồi, Haber gọi Clara là “phản bội Đức quốc”. Đến tối, bà đã lấy súng lục của chồng để tự sát bằng cách dùng súng bắn vào ngay trái tim mình.


    Ngay sau đó Haber lại băng ra mặt trận miền Tây, để đám tang của vợ mình cho người khác lo liệu. Nhiều người cho rằng chính gốc gác Do Thái của Haber đã khiến ông cố tỏ ra “Đức hơn cả người Đức”.


    Dù sao thì Đức đã không chuẩn bị đầy đủ: quân đội chưa trang bị đủ các dụng cụ bảo vệ để “thừa thắng xông lên” và do đó họ đã đánh mất một cơ hội chiến thuật mà Haber đưa lại. Tháng 5.1915, Đức lại tiến hành một trận tấn công tương tự và dù quân đội đồng minh đã được trang bị mặt nạ với bộ phận lọc dùng nước soda, những dụng cụ này đã tỏ ra vô dụng và kết quả vẫn tỏ ra kinh hoàng.


    Tháng 9.1915, Anh lại sử dụng khí độc tương tự này, với 5,500 bình gas để chống quân Đức, tuy nhiên gió lại xoay chiều giữa chừng nên cả hai đều bị thiệt hại nặng nề.

    Tháng 12.1915, Haber lại đưa ra một loại khí độc mới là “phosgene”, một loại khí khó nhận, không gây triệu chứng gì trong hai ngày đầu trừ triệu chứng ngứa ngáy, phải đợi đến hai ngày sau mới phá nát buồng phổi.


    Tuy nhiên Anh lại khám phá thứ vũ khí mới này. Đầu tiên họ phát minh một loại mặt nạ khá an toàn, sau đó lại dùng cả phosgene và chlorine để tấn công Đức. Tháng sáu 1916, Anh đã phun hai loại khí này thành một đám mây dày đặc trên một bề rộng 27 cây số, và đám mây này đã len sâu vào bên trong phòng tuyến tới 19 cây số, sát hại bất cứ sinh vật nào không có phương tiện bảo vệ.


    Cứ như vậy đến năm 1918, chiến tranh hoá học giữa hai bên leo thang và Haber nghĩ đến cách đưa các bình nén khí độc trong đầu đạn đại bác. Khi chiến tranh kết thúc, người ta ước lượng vũ khí hoá học đã giết chết 100,000 người và làm bị thương 1,000,000 người.

    Tuy gây ra một thảm hoạ khủng khiếp như vậy, năm đó Hàn lâm viện Thụy Điển lại trao giải Nobel Hoá Học cho Haber dựa trên đóng góp của ông đối với nhân loại qua việc chế tạo phân đạm.


    Khi Hitler lên cầm quyền thì cuộc đời Haber rẽ sang hướng khác. Dù có chứng tỏ mình “Đức hơn người Đức”, gốc gác Do Thái đã khiến ông trở nên cảm thấy bất an và năm 1933 Haber sang Anh làm việc. Sau đó ông chuyển qua định cư tại Thụy Sĩ và qua đời tại đây vào năm 1935. Trước khi qua đời, ông yêu cầu được mai táng cạnh người vợ cũ Clara.

    Sự lo lâu mới


    Về mặt vũ khí hoá học thì hiện thế giới đang lo ngại bom bẩn, tức thứ bom dùng để tung rác thải hạt nhân để tạo nên tình trạng nhiễm phóng xạ trên quy mô lớn.

    Những quả bom như thế không giết người tức khắc mà, với ảnh hưởng của phóng xạ, sẽ khiến con số các bệnh nhân ung hư, hoại tử tăng vọng, khiến các trung tâm thương mại, các vùng dân cư, các cao ốc trở thành những nơi không thể cư ngụ được, và do đó sẽ làm nền kinh tế kiệt quệ.


    http://vietluan.com.au/

    Không có nhận xét nào