Header Ads

  • Breaking News

    Việt Nam sẽ bỏ hộ khẩu, thay bằng mã số định danh

    Bộ Công an đề xuất sửa đổi Luật cư trú theo hướng bỏ sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú để quản lý dân cư thông qua hình thức mã số định danh cá nhân qua Dự thảo lần 2 Luật Cư trú (sửa đổi). Dự thảo bắt đầu lấy ý kiến người dân từ ngày 19 tháng 2 đến ngày 19 tháng 4 năm 2020.

    Một bác tài xe ôm đang chờ khách ở Hà Nội. Ảnh chụp tháng 12/2019.
    Việc thay đổi này được Bộ Công an cho là sẽ giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân.

    Quản lý người dân bằng hộ khẩu được Chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa áp dụng ở miền Bắc từ thập niên 1950. Đến sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, cách quản lý này được áp dụng trên toàn cõi Việt Nam. Cuốn sổ hộ khẩu do cơ quan công an cấp và liên quan đến hầu như mọi lĩnh vực cuộc sống của người dân. Mấy chục năm qua, hộ khẩu vẫn là cái “vòng kim cô” trên đầu người dân như nữ Luật sư Lê Thị Công Nhân từ Hà Nội từng nhận xét:

    “Sổ hộ khẩu thì luôn như một cái vòng kim cô treo lên đầu mỗi người dân Việt Nam. Bản thân tôi là một người học về luật nhưng cũng không hiểu ý nghĩa tích cực của hộ khẩu nằm ở chỗ nào, ngoài việc ràng buộc con người trong việc di chuyển không gian hay lãnh thổ thì đều phải báo cáo. Người công an luôn tự cho mình cái quyền rất lớn trong việc xâm nhập vào tư gia của người dân cũng như các công ty, xí nghiệp để kiểm tra xem có ai ở đó.”

    Vị luật sư nói thêm rằng, về ý nghĩa nhân văn, khi con người bị ràng buộc vào những thủ tục vô giá trị như vậy thì sự tự do và nhân phẩm của con người bị hạ xuống rất nhiều.

    Cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Tiến Trung coi chính sách quản lý công dân bằng hộ khẩu là vi phạm quyền an cư, hạn chế quyền đi lại tự do, quyền không bị phân biệt đối xử và quyền được hưởng an sinh xã hội của người dân. Anh nói thêm:

    “Tôi thấy chế độ hộ khẩu tạo ra bất bình đẳng rất lớn về cơ hội đối với người dân. Hầu hết các quốc gia trên thế giới không ai quản lý bằng hộ khẩu cả, cần phải bãi bỏ!”

    Đây không phải lần đầu cơ quan chức năng Việt Nam đề cập đến việc bãi bỏ cuốn sổ hộ khẩu.

    Trong Nghị quyết 112/NĐ-CP về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an, được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành ngày 30 tháng 10 năm 2017 có điều khoản bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng “Sổ hộ khẩu”.

    Một tuần sau đó, Trung tướng Trần Văn Vệ, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phát biểu tại cuộc họp báo của Bộ Công An rằng không có chuyện bỏ sổ hộ khẩu. Theo ông Vệ, các cơ quan chức năng sẽ đề xuất bỏ sổ hộ khẩu giấy với Bộ Công An chỉ khi nào thu thập xong cơ sở dữ liệu dân cư. Ông khẳng định rằng chắc chắn đến năm 2020 sẽ làm xong cơ sở dữ liệu này. Lúc đó, Bộ Công an sẽ đề xuất bỏ sổ hộ khẩu. Cuối cùng việc đó cũng đến. Tiến sĩ Xã hội học Phạm Quỳnh Hương nói với RFA:

    “Việc quản lý dân cư để điều tra, thống kê dân số, giữ an ninh trật tự xã hội thì chúng tôi ủng hộ, nhưng dùng hộ khẩu để làm khó dân, để kiểm soát mọi sinh hoạt, đời sống người dân thì cần bãi bỏ vì nó không thể hiện nếp sống văn minh, vi phạm quyền của người dân.”

    Muốn hội nhập thì phải thay đổi


    Chuyện cái hộ khẩu không còn là ‘chuyện nội bộ’ khi Việt Nam muốn hội nhập.

    Giữa năm 2016, trong buổi hội thảo công bố Báo cáo nghiên cứu hệ thống đăng ký hộ khẩu ở Việt Nam do Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và Ngân hàng Thế giới tổ chức tại Hà Nội, ông Achim Fock, Quyền Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam khẳng định hệ thống hộ khẩu tạo ra bất bình đẳng cho người dân.

    Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương cũng có cùng nhận định.

    “Việc bỏ hộ khẩu đã được các nhà nghiên cứu khoa học xã hội kiến nghị nhiều lần và rất là lâu rồi. Hai mươi năm trở lại đây có nhiều nghiên cứu kiến nghị là bỏ hộ khẩu, thế nhưng vẫn chưa được.

    Việc quản lý dân cư là cần thiết, nhưng với chính sách tất cả mọi thứ đều dựa vào hộ khẩu như thời bao cấp là một điều bất cập. Có một sự bất bình đẳng giữa người có hộ khẩu và người không có hộ khẩu. Người không có hộ khẩu rất khó khăn và thiệt thòi khi tiếp cận những dịch vụ công cũng như các hoạt động sản xuất kinh doanh trong đời sống.

    Cựu Đại tá Công an Nguyễn Đăng Quang, người từng có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành công an và am hiểu về các thủ tục hành chính ngành này cho rằng việc bãi bỏ hộ khẩu là việc đáng lẽ phải làm từ lâu chứ không phải đến bây giờ mới chỉ đề xuất, bởi còn duy trì sổ hộ khẩu thì các cán bộ công quyền còn lợi dụng việc này để hành dân. Điều đó chỉ có hại cho xã hội và đất nước:

    Việt Nam từ hơn nửa thế kỷ nay luôn quản lý xã hội theo mô hình quản lý hộ khẩu. Đây là cách thức quản lý mà có lẽ chỉ một vài nước lạc hậu trên thế giới đeo đuổi thôi. Nhiều nước không lạc hậu nhưng người ta theo thể chế toàn trị, quản lý từng con người đến tận thôn xóm. Họ muốn duy trì điều đó bất kể sự phiền hà hay khổ sở của người dân.

    Cho đến bây giờ, chỉ còn ba nước trên thế giới duy trì chế độ hộ khẩu là Việt Nam, Bắc Hàn và Trung Quốc. Trong đó Trung Quốc cũng có nhiều lần cải cách với mục đích quản lý người dân thành phố chặt chẽ khi mật độ người dân từ thôn quê đổ về thành thị quá đông kể từ khi mở cửa kinh tế vào năm 1978, lộ rõ những bất cập.

    Từ giữa năm 2001, Trung Quốc bắt đầu thực hiện vài cuộc cải cách hộ khẩu nhỏ. Đến năm 2005 cải cách được nhân rộng tại một số thành phố lớn, trong đó có Bắc Kinh, Trùng Khánh và Thượng Hải.

    Cho đến năm 2014, chính phủ Trung Quốc lên kế hoạch đến năm 2020 sẽ cấp mới 100 triệu “hộ khẩu thành thị” cho người dân.

    Việt Nam là một nước có cùng thể chế chính trị, nên nhiều người cho rằng, việc cải cách hộ khẩu ở Việt Nam cũng là học theo Trung Quốc. Nhà báo Võ Văn Tạo lập luận:

    “Theo tôi biết thì Trung Quốc đã làm trước rồi, mà Việt Nam hay học Trung Quốc vì cùng một thể chế chính trị. Các thể chế nhà nước cộng sản độc tài lúc nào cũng muốn kiểm soát người dân thật lỹ lưỡng, quá mức cần thiết. Bây giờ muốn hòa hợp với quốc tế thì phải thay đổi sao cho văn minh hơn.”

    Theo những gì mà Bộ Công An nêu ra trong dự thảo đang lấy ý kiến người dân, thì sau khi chuyển sang quản lý hộ khẩu điện tử, công dân có quyền được bảo đảm bí mật thông tin.
    (RFA) 

    Không có nhận xét nào