Header Ads

  • Breaking News

    Virus Covid-19: VN nên mở cửa khẩu với TQ và cho học sinh đi học trở lại?

    Việt Nam đang đứng trước nhiều bài toán lớn và hóc búa trong lúc đương đầu và xử lý dịch viêm phổi do virus Covid-19 hay virus corona chủng mới gây ra, trong đó có việc nên chấp nhận việc nối lại tự do đi lại với người Trung Quốc qua các cửa khẩu, biên giới Việt - Trung và có nên cho học sinh, sinh viên trở lại trường hoc hay không.

    Việt Nam đang đối phó hàng ngày, hàng giờ với dịch bệnh do Virus corona chủng mới hay Covid-19 gây ra
    Về bài toán thứ nhất liên quan quan hệ Việt - Trung, hôm 20/2, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, tại một diễn đàn khu vực về hợp tác ứng phó dịch bệnh tại Vientiane, Lào, đã hối thúc các nước ở Asean, trong đó có Việt Nam, dỡ bỏ các hạn chế nhập cảnh đối với người Trung Quốc qua các cửa khẩu hay biên giới với Trung Quốc, quốc gia là nơi đã bùng phát Covid-19, Tiến sỹ, Bác sỹ Trần Tuấn, chuyên gia phản biện độc lập về chính sách xã hội và y tế, sức khỏe, bình luận với Bàn tròn Thứ Năm cùng ngày:

    "Đứng về phía đề nghị của Trung Quốc, chúng ta thấy xuất phát trên cơ sở để Trung Quốc cố gắng bình thường hóa nỗi lo về tình hình dịch ở Trung Quốc đối với các nước xung quanh, bởi vì nếu như tiếp tục các biện pháp có tính chất ngăn ngừa sự giao thương, thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế của Trung Quốc và có thể gây nên những hệ lụy rất là nặng nề thêm khác. Cho nên vấn đề Trung Quốc đề nghị, tôi nghĩ rằng cũng có lý do phù hợp.

    "Thế còn về phía Việt Nam chấp nhận hay không, tôi nghĩ trong trường hợp này đúng là một bài toán đòi hỏi phải có sự cân nhắc rất là mềm dẻo giữa vấn đề gọi là tính dịch tễ học và khả năng chống dịch của Việt Nam với tình hình thực tế.

    "Chúng ta hiện nay còn thiếu thông tin, chưa rõ được số lượng người dân Trung Quốc sang đây là như thế nào. Thứ hai là hệ thống hoạt động hữu hiệu của bộ phận tại các cửa dịch, chúng ta (Việt Nam) làm tốt đến đâu.

    "Điểm thứ ba nữa, chúng ta cũng đều biết rằng là dịch bệnh ở Trung Quốc hiện nay chưa kiểm soát xong và tính lây của dịch bệnh này là lây cả trong giai đoạn mà chưa có biểu hiện lâm sàng, tức là trong thời gian ủ bệnh.

    "Cho nên việc Việt Nam tổ chức thế nào để giám sát tại các cửa khẩu, đồng thời tiến trình sau đó giám sát được các đối tượng vào ở các vị trí, nếu như cho vào.

    "Nếu như không có triệu chứng lâm sàng mà cho vào, thì sau đó tiến trình giám sát mang tính báo cáo với bên y tế về vấn đề tự giám sát các triệu chứng lâm sàng để phát hiện tiếp những trường hợp có nguy có đã nhiễm mà vào Việt Nam, thì tôi cho rằng việc này hoàn toàn trong nội bộ Chính phủ Việt Nam phải cân nhắc.

    "Nếu như hệ thống của anh thực sự tốt và kiểm soát được chặt chẽ tất cả các đối tượng vào, thì lúc đó có thể đặt bài toán ra trong vấn đề gọi là xét mối quan hệ với bên Trung Quốc, một nước láng giềng mà tôi cho rằng vẫn còn ảnh hưởng đến rất nhiều vấn đề khác.

    "Còn nếu như hệ thống phòng chống dịch của chúng ta (Việt Nam) mà không đảm bảo được các yếu tố đó, thì tôi cho rằng lại trở thành các mối nguy. Tại sao? Bởi vì lúc đó nỗi lo của người dân lại từ trong chính Việt Nam, tức là nỗi lo của xã hội và lại có thể dẫn đến một tình trạng bất lợi khác.

    "Đặc biệt chúng ta biết rằng dịch bệnh không chỉ có Covid-19, mà trong điều kiện của đất nước hiện nay, mà lại ở gần Trung Quốc, còn có rất nhiều nguy cơ dịch bệnh khác mà có thể xảy ra. Thế mà để cho nỗi lo trong xã hội cứ dấy lên như thế ảnh hưởng những vấn đề khác, thì chúng ta lại càng khó kiểm soát," từ nơi đang thăm viếng tại Texas, Hoa Kỳ, ông Trần Tuấn nói với BBC.

    'Sức ép rất lớn'

    Từ Sài Gòn, Luật sư Đinh Hồng Hạnh, một thành viên nhóm quan sát độc lập về quyền con người và chính sách, xã hội, nói với Bàn tròn của BBC:

    "Việc chúng ta hay nghe là 'cấm người Trung Quốc qua' thực ra là không chính xác, chúng ta không cấm mà chúng ta quản lí dịch bệnh. Ngoài ra, việc cấm các chuyến bay là một biện pháp thương mại khác.

    "Tôi nghĩ giữa việc Trung Quốc tuyên bố đã giảm phần trăm số lượng rất là nhiều lượng người mắc bệnh mới, đồng thời số lượng người khỏi bệnh cũng đã tăng lên, các quy trình khắc phục mà Việt Nam đưa ra khá là khả quan, thì đây là một đề nghị tạm gọi là một đề nghị có lí của Trung Quốc.

    "Còn việc Việt Nam có chấp nhận hay không thì tôi nghĩ là phù hợp với chính sách linh hoạt của Việt Nam. Như đã nói thì Việt Nam vẫn áp dụng việc cách ly những người về từ Trung Quốc từ những vùng có dịch, hoặc là Việt Nam cấm cấp giấy phép lao động cho những lao động đến từ Trung Quốc, thì tôi nghĩ Việt Nam vẫn có một sự dè chừng nhất định đối với đề nghị này.

    Người dân xếp hàng chờ đến lượt mua khẩu trang
    "Ngoài ra, việc thông thương giữa cửa khẩu của hai nước cũng đang dần tốt lên, ví dụ một tuần trước chúng ta (Việt Nam) vẫn còn giải cứu Thanh Long với giá từ 5-10 ngàn đồng (một kg), thì trong vòng ngày hôm qua (19/2) trở lại đây thì giá Thanh Long đã tăng trở lại ở một vài cửa khẩu mà Trung Quốc đã thông thương.

    "Thì tôi nghĩ nó sẽ nhỏ giọt ở đâu đó những biện pháp mở cửa trở lại ở Việt Nam, tuy nhiên Chính phủ vẫn khá là e dè đối với đề nghị này."

    Hôm thứ Bảy, 22/02, từ Đại học Quốc gia Hà Nội, Tiến sỹ Nghiêm Thúy Hằng, nhà nghiên cứu Trung Quốc học và quan sát bang giao Việt - Trung nếu bình luận với BBC:

    "Trong bối cảnh 80 quốc gia đang đóng cửa với công dân Trung Quốc, Nga và Triều Tiên đều phải đóng cửa biên giới, Trung Quốc đang lâm vào thế bị cô lập , thập diện mai phục, khó khăn nhiều bề, không lạ khi ngoại trưởng Vương Nghị gây sức ép, đề nghị Bộ trưởng Phạm Bình Minh khôi phục hoặc nới rộng tự do đi lại với công dân Trung Quốc, mở đột phá khẩu cho công dân trong nước để giải toả bớt áp lực trong nước và quốc tế.

    "Tuy nhiên, nguy cơ xét nghiệm âm tính giả, nguy cơ virus có trong nước tiểu hay các chất thải, ô nhiễm qua đường nước thải hay các con đường mà y tế hiện vẫn chưa khám phá hết.

    "Việc các bác sĩ Trung Quốc cũng bị lây nhiễm và tỷ lệ tử vong không nhỏ đặt ra những vấn đề toàn cầu nghiêm trọng hơn rất nhiều so với dịch SARS hay thậm chí cả dịch Ebola, mọi động thái thận trọng trong chính sách đều không thừa, sẽ nhận được sự quan tâm rất lớn từ cả cộng đồng trong nước lẫn quốc tế, các quốc gia liên quan phụ thuộc vào nhau rất nhiều.

    "Trung Quốc cũng không thể trách cứ Việt Nam nếu Việt Nam có lựa chọn giống 80 nước còn lại, an toàn của người dân và của nền kinh tế là trên hết sau đó mới tính đến chuyện "đột phá khẩu" hay nghĩa vụ quốc tế.

    Mở rộng vấn đề thêm, nhà nghiên cứu này nói: "Đi kèm theo đề nghị này là đề xuất xả nước thuỷ điện để cứu sông Mê Công đang khô hạn nặng ở hạ nguồn, thể hiện hình ảnh " nước lớn có trách nhiệm".

    "Tuy nhiên việc xả nước thuỷ điện này theo đánh giá của chuyên gia không hề có tác dụng trong việc cứu đồng bằng sông Cửu Long đang bị khô hạn, trong khi nguy cơ của việc nới lỏng tự do đi lại cho công dân Trung Quốc không bối cảnh hiện nay mang lại mối nguy hại quá lớn.

    "Sức ép của Trung Quốc đối với chính phủ Việt Nam sẽ là rất lớn, tuy nhiên theo tôi chỉ nên nới lỏng về giao thương hàng hoá và vẫn cần áp dụng nghiêm ngặt biện pháp cách ly và hạn chế đối với công dân Trung Quốc vì cơ sở hạ tầng về y tế của Việt Nam vẫn còn rất hạn chế so với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, thời gian vừa rồi khống chế tốt được dịch chủ yếu do chính sách của chính phủ và nỗ lực của toàn dân, hàng triệu gia đình đã phải cho con nghỉ học ở nhà."

    Chọn một trong hai?

    Về bài toán thứ hai là liệu Việt Nam có nên cho học sinh, sinh viên trở lại trường học hay không, cũng hôm thứ Bảy, Tiến sỹ Nghiêm Thúy Hằng, người cũng có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo ở Việt Nam, đưa ra bình luận với BBC từ góc nhìn bên trong ngành giáo dục:

    "Theo tôi tháng 3/2020, các trường Đại học và trường phổ thông chỉ có thể mở lại khi vẫn áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt và cách ly 14 ngày đến 24 ngày với công dân Trung Quốc và công dân Hàn Quốc, Nhật Bản và các quốc gia khác đến từ các tâm dịch.

    "Nếu nhà nước có muốn có các động thái nới lỏng để phục hồi sản xuất, kích cầu các ngành hàng không, du lịch hay có các động thái " hữu nghị" với Trung Quốc thì nên cho các cháu học sinh cấp I (Tiểu học), cấp II (Phổ thông Cơ sở) nghỉ nốt tháng Ba theo đề xuất ở TP. Hồ Chí Minh để giữ an toàn sức khoẻ tính mạng cho các cháu và đảm bảo sự an tâm cho các gia đình.

    "Các cháu học sinh lớp 9, học sinh cấp III (Trung học Phổ thông) và đại học có thể cân nhắc nhập học trong tháng Ba để kịp chương trình."

    Tiến sỹ Nghiêm Thúy Hằng đề cập đến việc có nên chỉ lựa chọn giữa một trong hai vấn đề hay bài toán trên để xử lý vào thời điểm hiện nay ở Việt Nam, bà nói:

    "Tôi nghĩ các chính sách ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng và chính sách mở cửa trường học trở lại liên quan mật thiết đến nhau.

    "Kinh nghiệm tại Hàn Quốc, Nhật Bản cho thấy chỉ cần một, hai cháu lây nhiễm là sẽ có nguy cơ rất lớn cho việc dịch bệnh bùng phát trở lại, không nên mạo hiểm trong lúc này, chỉ có thể chọn một trong hai, mở cửa trường học hoặc nới lỏng tự do đi lại cho công dân Trung Quốc.

    "Theo tôi, không nên cho tất cả trứng vào cùng một giỏ.

    "Nhiều cuộc thăm dò ý kiến dư luận vẫn cho thấy khoảng 65% phụ huynh vẫn do dự chưa muốn cho con đến trường vào đầu tháng Ba.

    "Để thể hiện tình hữu nghị của Việt Nam, có thể tiếp tục cung cấp khẩu trang, thuốc men, vật tư y tế , kinh nghiệm và phác đồ chữa bệnh, nhưng sức khoẻ tính mạng của các cháu bé và lòng tin, sự ủng hộ đồng lòng của người dân cần đặt cao hơn lợi ích kinh tế và tình hữu nghị quốc tế," Tiến sỹ Nghiêm Thúy Hằng nói với BBC trên góc nhìn từ quan điểm riêng.

    (BBC)

    Không có nhận xét nào