Header Ads

  • Breaking News

    Đại sứ Mỹ Danial Kritenbrink: ‘Quan hệ Việt – Mỹ chưa bao giờ tốt hơn lúc này’

    Tàu sân bay USS Roosevelt đi cùng với tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill, trở thành tàu sân bay thứ hai của Hoa Kỳ thực hiện ghé cảng tại Việt Nam kể từ năm 1975.

    Đại sứ Mỹ Danial Kritenbrink: ‘Quan hệ Việt – Mỹ chưa bao giờ tốt hơn lúc này’
    Hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt vừa cập cảng Tiên Sa, thành phố Đà Nẵng vào khoảng 9 giờ sáng ngày thứ Năm, 5-3, giờ Việt Nam. Đây là một trong nhiều sự kiện trong năm 2020, kỷ niệm 25 năm bình thường hóa mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.

    Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Daniel Kritenbrink, cùng với phái đoàn thành phố Đà Nẵng do ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Đà Nẵng dẫn đầu, đã lên tàu để chào đón thủy thủ đoàn. Nhấn mạnh chuyến thăm lần này của tàu sân bay Roosevelt là một sự kiện lịch sử đánh dấu mối quan hệ song phương Hoa Kỳ – Việt Nam, ông Kritenbrink nói:

    “Nếu các bạn hỏi chúng ta nên gọi quan hệ đối tác của Hoa Kỳ và Việt Nam như thế nào, với tư cách là Đại sứ Mỹ ở Việt Nam, câu trả lời của tôi đó là sự tập trung vào nội dung và bản chất thực sự của sự hợp tác giữa hai quốc gia chứ không phải trên bề mặt của ngoại giao. Và tôi tự hào khi một lần nữa tuyên bố quan hệ đối tác Hoa Kỳ-Việt Nam chưa bao giờ tốt hơn, chưa bao giờ mạnh mẽ hơn.”

    Reuters dẫn lời Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, đô đốc John Aquilino nói trong cuộc họp báo ngay tại thành phố Đà Nẵng sáng thứ Năm:

    “Liên quan đến các hoạt động của Hoa Kỳ, chúng tôi tiếp tục dùng chiến hạm, phi cơ tiếp tục đi vào bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép để bảo vệ an ninh và thịnh vượng. Chúng tôi luôn sẵn sàng trao đổi về bất kỳ trang thiết bị hoặc những khả năng mua sắm nào mà Việt Nam quan tâm.”

    Cả Đô đốc Aquilino và Đại sứ Kritenbrink đều ca ngợi Việt Nam và Hoa Kỳ đã nỗ lực trở thành đối tác sau khi chiến tranh kết thúc vào năm 1975.

    “Hôm nay, tôi rất vinh dự khi được tham gia cùng các bạn chào đón nhóm tàu tác chiến sân bay USS Theodore Roosevelt đến Đà Nẵng. Chuyến thăm này tiếp nối chuyến thăm lịch sử năm 2018 của tàu sân bay USS Carl Vinson (CVN 70), chuyến thăm đầu tiên của một tàu sân bay đến trong hơn 40 năm. Chuyến thăm cũng diễn ra vào một thời điểm quan trọng đối với quan hệ song phương của hai nước khi chúng ta kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao. Thật ấn tượng khi nhìn lại những bước tiến mà và đã đạt được trong 25 năm qua.”

    Chuẩn Đô đốc Stu Baker, Chỉ huy trưởng nhóm tàu sân bay tác chiến (CSG) 9 được Reuters dẫn lời: “Chuyến thăm này cũng là bằng chứng cho cam kết của Hoa Kỳ đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nơi các quốc gia cùng tôn trọng chủ quyền và thượng tôn pháp luật.”

    Vấn đề này cũng được Đại sứ Kritenbrink tiếp lời: “Nếu cùng lùi lại một bước và nhìn rộng hơn, tôi nghĩ chuyến thăm của tàu sân bay Roosevelt và Đô đốc Aquilino cho thấy cam kết chung của chúng tôi với đối tác trong khu vực về các nguyên tắc mà chúng tôi đã cam kết và chia sẻ, liên quan đến quy tắc giải quyết tranh chấp trong khu vực, dựa trên nền tảng hòa bình và tôn trọng luật pháp quốc tế.”

    Hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt là tàu sân bay thứ 4 thuộc lớp Nimitz của Hoa Kỳ với thủy thủ đoàn gồm 5.000 người tham gia hỗ trợ và thực hiện các hoạt động không quân trên biển. Tàu bao gồm một tàu tuần dương tên lửa và sáu tàu khu trục.

    Chuyến thăm của tàu USS Theodore Roosevelt và tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Bunker sẽ diễn ra từ ngày 5 đến ngày 9-3. Các thủy thủ tàu sẽ tham gia vào các hoạt động giao lưu thể thao, văn hóa, giao lưu tiếng Anh; cũng như thăm các trại trẻ mồ côi và nạn nhân của chất độc da cam. Bên cạnh đó còn có các hoạt động trao đổi nghiệp vụ và giao lưu cộng đồng, về hỗ trợ ứng phó thảm họa, đặc biệt là công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

    Việt Nam miễn cưỡng?

    Chuyến thăm của tàu USS Theodore Roosevelt đến Việt Nam lần này đã được phía Mỹ đề nghị với Việt Nam từ tháng 4-2019. Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc viết trên blog cá nhân:

    “Phía Hoa Kỳ đã vận động Việt Nam cho một chuyến thăm hàng năm của tàu sân bay từ tháng 4 năm 2019. Việt Nam đã miễn cưỡng chấp nhận chuyến thăm hàng năm của tàu hàng không mẫu hạm Mỹ vì sự nhạy cảm trong phản ứng tiêu cực có thể có từ phía Trung Quốc. Tuy nhiên Việt Nam cũng quan ngại về Đạo luật chống lại kẻ thù của Mỹ qua cấm vận (CAATSA) và Mỹ áp lực đòi Việt Nam giảm việc mua vũ khí quân sự từ phía Nga, nếu không sẽ phải chịu cấm vận”.

    Về việc này, Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung, làm việc ở Trung tâm nghiên cứu quốc tế ở Sài Gòn, một trong những khách mời của tàu sân bay USS Theodore Roosevelt trả lời phóng viên Nguyễn Hoà của Saigon Nhỏ:

    “Theo tôi thì những năm gần đây, hai phía Mỹ và Việt Nam đã dần dần hiểu nhau hơn. Họ cho rằng mối quan hệ hợp tác quốc phòng phải đi vào thực chất nhiều hơn, và không cần phải có hiệu ứng truyền thông.”

    (Sài Gòn Nhỏ)

    Không có nhận xét nào