Header Ads

  • Breaking News

    Dương Quốc Chính - Tại sao Ấn Độ là nước Dân chủ mà vẫn nghèo?

    NỀN DÂN CHỦ ẤN ĐỘ

    Tại sao Ấn Độ là nước Dân chủ mà vẫn nghèo?
    Ấn Độ là 1 ví dụ điển hình để anh em dư luận viên dùng để đả kích nền DC, họ thường đưa ra câu hỏi: Tại sao Ấn Độ dân chủ mà vẫn nghèo? Qua đó, họ phủ định tầm quan trọng của thế chế đối với sự phát triển quốc gia. Đối trọng của Ấn Độ hay được họ đưa ra chính là TQ, 1 người hàng xóm có nhiều điểm tương đồng. Vậy nền DC ở Ấn Độ thực sự ra sao và tại sao DC lại vẫn nghèo?

    Ấn Độ là 1 nước đa dân tộc, đa ngôn ngữ, đa văn hóa, đa tôn giáo, đa đẳng cấp hàng đầu thế giới. Chính vì vậy, Ấn Độ không có ngôn ngữ dân tộc. Hiến pháp Ấn công nhận 15 ngôn ngữ, nhưng người Ấn có đến 22 ngàn phương ngữ khác nhau. Vì sự đa dạng nói trên mà không có 1 nhóm dân nào đủ thế lực để thu gom quyền lực thống lĩnh cả nước. Đó là sự khác biệt căn bản với TQ và VN khi người Hán, người Kinh chiếm đa số, tự cho mình cái quyền đồng hóa các dân tộc khác. Do đó, dân chủ là lựa chọn tất yếu của Ấn Độ (dân chủ vì không thể có nhóm nào độc tài!). Vì sự tất yếu đó nên người dân Ấn cũng không có cảm tình với độc tài, như 1 thói quen.

    Ấn Độ giành được độc lập từ thực dân Anh vào năm 1947 và thông qua chế độ dân chủ vào năm 1950 bởi lãnh tụ Jawaharlal Nehru. Ông này vốn được đào tạo ở Anh nên nhập khẩu được nền DC từ nước Anh. Nehru đặt ra con đường kinh tế cho Ấn Độ: phát triển công nghiệp nặng, với chính sách trợ cấp, thuế quan bảo hộ, kiểm soát ngoại tệ. Chính phủ nắm quyền sở hữu 1 phần nền kinh tế và dùng công cụ pháp lý để quản lý phần lớn còn lại. Ấn Độ không đi theo con đường hội nhập quốc tế mà đi theo nền kinh tế tả khuynh.

    Con gái Nehru là bà Indira Gandhi trở thành thủ tướng vào năm 1966, bà đã đưa nền kinh tế Ấn Độ vào mô hình gần giống XHCN (không cộng sản, gần như nước láng giềng Myanmar với chế độ độc tài quân sự). Bà quốc hữu hóa hệ thống ngân hàng, dầu mỏ, than đá và nhà nước quản lý các ngành kinh tế. Các công ty đa quốc gia như IBM, Coca Cola ngừng hoạt động ở Ấn Độ. Tóm lại là bà đã tả hóa nền kinh tế thêm 1 bước so với cha bà.

    Hậu quả là kinh tế đi xuống, giai đoạn 1965-1981 tốc độ tăng trưởng chỉ còn 3,2%, với tốc độ tăng dân số 2% khiến thu nhập đầu người chỉ tăng dưới 2%. Từ năm 1981-1995, gần nửa dân số Ấn Độ chỉ có mức sống dưới 1 $/ngày, chỉ có 4 nước nghèo hơn Ấn Độ. Điều đó cũng khiến cho gần nửa dân Ấn trên 15 tuổi và hơn 60% phụ nữ trên 6 tuổi không biết chữ.

    Ấn Độ thường xuyên có những vụ vi phạm quyền con người như bà Gandhi từng ra lệnh tấn công nhà thờ Hồi giáo năm 84. Năm 87, con trai bà là Rajiv Gandhi làm thủ tướng sau khi bà bị ám sát đàn áp phong trào đòi độc lập của người Tamil, năm 91 ông bị họ sát hại. Ấn Độ cũng là 1 trong 10 nước tham nhũng nhất thế giới. Bà Gandhi đã từng đảo chính, thành lập chế độ độc tài, nhưng không tồn tại được sau 2 năm, bà đã bị phế truất sau cuộc bầu cử công bằng. Có lẽ vì quan điểm thiên tả và có phần gần giống với CS này nên mẹ con bà Indira Gandhi rất gần gũi với VN, tên bà từng được đặt cho vườn hoa Lý Thái Tổ hiện nay.

    Nền kinh tế Ấn Độ được cải cách bởi bộ trưởng tài chính Manmohan Singh, nhà kinh tế học từng học ở Cambrigde và Oxford, người sau này trở thành thủ tướng Ấn Độ. Ông đã xóa bỏ bớt các rào cản thương mại, xóa bỏ hạn chế đầu tư trực tiếp nước ngoài để hội nhập quốc tế, bãi bỏ nhiều điều kiện kinh doanh, bán bớt tài sản nhà nước cho tư nhân. Tóm lại, ông đã tự do hóa nền kinh tế Ấn Độ. Điều này khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế của Ấn tăng lên 6,3% vào giai đoạn 1988-2007, 2007-2011 tăng 7,7%. 20 năm tính từ năm 91, tổng sản lượng nền kinh tế tăng gấp 4. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của Ấn vẫn thua xa TQ (với tốc độ 10% trong suốt 30 năm kể từ năm 1980). Lý do tại sao?

    Mọi nền kinh tế hiện đại đều có 3 ngành chính là nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Khi 1 QG giàu có lên thì lao động sẽ chuyển dịch từ nông nghiệp đến công nghiệp và cuối cùng là dịch vụ. Từ nông thôn vào nhà máy rồi sang văn phòng. Nhưng ở Ấn Độ thì lại bỏ qua giai đoạn công nghiệp, mà đó mới là ngành thu hút nhiều nhân công ít học, thường chiếm đa số trong dân số. Đó là điều khác biệt khiến Ấn Độ nghèo hơn TQ. Vì dân Ấn Độ có tỷ lệ thất học cao, dân số đông gần bằng TQ, nhưng lại không có việc làm.

    Ngành dịch vụ của Ấn chủ yếu là outsource từ các nước phát triển nói tiếng Anh như gia công phần mềm. Nhưng ngành dịch vụ chỉ thu hút được 1 triệu/500 triệu người lao động. Trong khi đó, TQ lại tận dụng tối đa nhân công giá rẻ đông đảo cho ngành công nghiệp lắp ráp. Vì thế mà giải quyết được nạn thất nghiệp và phát triển kinh tế.

    Công nghiệp Ấn Độ phát triển kém 1 phần lớn vì hạ tầng giao thông và điện lực của Ấn Độ rất kém phát triển, thua xa TQ. Giáo dục yếu kém cũng đẩy lùi tốc độ phát triển kinh tế. Giữa thập niên 2000-2010, tỷ lệ biết chữ của Ấn chỉ 72% so với 92% của TQ.

    Người Anh để lại cho Ấn lực lượng công chức chất lượng cao nhưng sau 60 năm trì trệ thì chất lượng rất tồi tệ, pháp luật kém, Quốc hội bị phân tán về chính trị nên khó quyết đoán. Thái độ bài xích thị trường tự do tiêm nhiễm sâu vào đầu người dân Ấn Độ do quá khứ thiên tả đã tạo nên sức cản cho đổi mới kinh tế. Chính nền dân chủ lại càng khiến cho lực cản đó lớn hơn.

    Tuy nhiên, giới trung lưu Ấn Độ ngày càng đông khiến sức ép đổi mới kinh tế, chính trị ngày càng mạnh. Chính phủ cũng đang đẩy mạnh cải cách kinh tế, tư nhân hóa nền kinh tế phát triển hạ tầng giao thông.

    Tóm lại, Ấn Độ đang là nền kinh tế rất có tiềm năng phát triển sau nhiều chục năm trì trệ. Ấn Độ tuy có thể chế dân chủ từ lâu nhưng chỉ mới có tự do kinh tế, điều đó kéo theo hậu quả đói nghèo, tham nhũng, thất học khiến quốc gia chậm tiến.

    Chính vì thế mình mới cho rằng tự do kinh tế mới là chìa khóa thoát khỏi đói nghèo, chứ không phải chỉ có dân chủ. Tuy nhiên, các nước dân chủ đầy đủ đều kèm theo tự do kinh tế nên đều giàu. Còn các nước dân chủ chưa đầy đủ thì vẫn đói nghèo nếu thiếu tự do kinh tế.

    Dương Quốc Chính

    (FB Dương Quốc Chính)

    Không có nhận xét nào