Header Ads

  • Breaking News

    Việt Hương - Loài virus kinh hoàng, có tên “Virus Lý luận”!


    Hội thảo lý luận Việt- Trung lần thứ 14 giữa hai đảng, được tổ chức tháng 7/2018 ở thành Hồ. Ảnh trên mạng
    Loài virus kinh hoàng, có tên “Virus Lý luận”!

    Từ năm 1953 đến 1956, Cộng sản Bắc Việt đã tiến hành Cải cách Ruộng đất, theo cách làm của Mao Trạch Đông ở Trung Quốc. Các cố vấn được Mao gởi sang giúp gồm: Lã Quý Ba, Vi Quốc Hân, Triều Hiểu Quang… đã dìm làng quê miền Bắc trong biển máu.

    Khẩu hiệu “đào tận gốc, trốc tận rễ” và với ngón nghề lý luận tuyên truyền là: Phân chia lại ruộng đất nông thôn, xóa bỏ văn hóa phong kiến, tiêu diệt các thành phần phản quốc (theo Pháp, chống lại đất nước), phản động (chống lại chính quyền) như địa chủ phản cách mạng, Việt gian, cường hào cộng tác với Pháp…

    Họ ngạo nghễ gọi đây là “Cuộc cách mạng long trời lở đất”, nhưng thật ra đó là công cuộc ăn cướp, tạo ra vụ án kinh thiên, động địa, tàn bạo chưa từng có trong lịch sử Việt Nam. Từ làng mạc nông thôn, đến phố phường thành thị, cảnh đầu rơi máu chảy, oan khiên thấu tận trời xanh. Những cuộc đấu tố điên loạn, man trá, kèm theo những pha hành hình man rợ, tàn khốc, đối với những người mà chính quyền cho rằng, họ là cộng tác với giặc, địa chủ, tư sản, phú nông…

    Người dân miền Bắc đã kịp nhận ra chân dung bịp bợm của những kẻ nhân danh làm cách mạng, nhưng đã quay lại phản bội nhân dân, huỷ hoại những giá trị tốt đẹp và đạo lý xã hội đã tồn tại hàng ngàn năm, mà ông cha để lại.

    Và rồi, sau đó các “nhà lý luận” của đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) lại sáng tạo ra ý tưởng… “sửa sai”. Giới lãnh đạo chóp bu nước mắt ngắn, dài “xin lỗi”, mong nhân dân “tha thứ” cho họ.

    Những bài phát biểu đãi bôi, những văn kiện lọc lừa, những chính sách “sáng nắng chiều mưa” bắt nguồn từ những cái đầu đã ngấm cái gọi là “lý luận Mác-xít, Lê nin-nít”.

    Hội đồng Lý luận Trung ương “thai nghén” từ đó:

    – Năm 1965, lập Ban Nghiên cứu Lý luận.

    – Năm 1974, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 233-NQ/TW về tổ chức và chương trình hoạt động của Ban Nghiên cứu lý luận.

    – Năm 1980, đổi tên thành Viện Mác – Lê-nin.

    – Năm 1992, đổi thành Viện Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác – Lê-nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh; sau đó đã sáp nhập Viện vào Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

    – Năm 1996, tách ra, thành lập Hội đồng Lý luận Trung ương.

    Quyết định 28-QĐ/TƯ, do Nguyễn Phú Trọng ký ngày 25/7/2016 nêu rõ:

    1. Hội đồng Lý luận Trung ương là cơ quan tư vấn cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các vấn đề lý luận chính trị, cơ sở cho việc hoạch định, phát triển đường lối, chính sách…, phục vụ trực tiếp công tác lãnh đạo của Đảng.

    2. Hội đồng có nhiệm vụ trực tiếp nghiên cứu một số đề tài do Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao hoặc do Hội đồng đề xuất được Bộ Chính trị, Ban Bí thư chấp thuận.

    3. Thẩm định những vấn đề mà các ngành, các cấp trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, mà Hội đồng có chức năng.

    4. Nghiên cứu, đề xuất những luận cứ về lý luận đấu tranh và trực tiếp tham gia đấu tranh bác bỏ những quan điểm sai trái với đường lối, quan điểm của Đảng.

    5. Giữ mối quan hệ với các cơ quan nghiên cứu lý luận của các đảng cộng sản và đảng cầm quyền trên thế giới.



    Nói dài dòng như vậy, thật ra nhiệm vụ chính của Hội đồng Lý luận, là nghiên cứu làm sao để ra được những quyết sách nhằm:

    – Bảo vệ sự tồn vong của đảng CSVN, duy trì cái gọi là Kinh tế Thị trường định hướng XHCN.

    – Chống chệch hướng XHCN, chống “diễn biến hoà bình”, “cách mạng màu”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”…

    – Hợp tác chặt chẽ với đảng Cộng sản Trung Quốc trong công tác tư tưởng, lý luận của Đảng; nghiên cứu, tiếp thu, học tập kinh nghiệm của Cộng sản TQ trong phân tầng chính trị; tổ chức bộ máy cai trị, hoàn thiện sức mạnh thể chế, để sẵn sàng đàn áp các thế lực chống đối, răn đe và “xỏ mũi” nhân dân.

    “Sửa sai” không phải để hết sai, mà để biểu diễn những sai trái tinh vi. Họ tiếp tục tiến hành “cải tạo công nghiệp” ở miền Bắc những năm 1958-1960, để “cào bằng” tất cả.

    Sau năm 1975, ĐCSVN lại tiến hành “Cải tạo công thương nghiệp miền Nam”, chiến dịch “đánh tư sản” và “Hợp tác xã nông nghiệp”.

    Tất cả quốc hữu hoá, địa chủ, trung nông miền Nam bỗng chốc trắng tay, đi chăn trâu, mót lúa. Tư sản, nhà giàu bị cướp hết của cải, tán gia bại sản, đi “kinh tế mới” nơi rừng sâu, núi thẳm.

    Lần này khác với hai mươi năm trước, ĐCSVN không cần “xin lỗi” nữa. Bởi vì họ đã là người chiến thắng.

    ĐCSVN sử dụng cái gọi là “thanh bảo kiếm” Mác và Lê Nin để thanh trừng tất cả những ai có ý tường phản XHCN, muốn đa nguyên, đa đảng, tam quyền phân lập.

    ĐCSVN cho rằng họ đã “dời non lấp bể”, lập nên những kỳ tích chưa từng thấy trong lịch sử dân tộc. Trong tất cả những thành quả họ có được, đều cho là chiến công hiển hách của Đảng. Hàng triệu máu xương của nhân dân và binh sĩ, họ xem như là những giá trị vô hình.

    Một học thuyết với những lý luận “hầm bà lằng”, mà Mác và Ăngghen đã cóp nhặt, từ tinh hoa trí tuệ từ cổ chí kim của nhân loại nói chung và châu Âu nói riêng. Trong đó, hàng đầu là các nhà triết học cổ điển Đức vĩ đại: Hegel, Kant và Feuerbach. Sau nữa là tư tưởng của các nhà kinh tế chính trị tư sản cổ điển Anh quốc: Adam Smith, David Ricardo.

    Mác và Ăngghen cũng “đạo văn” của các nhà XHCN không tưởng Pháp, thiên về năng lực tư duy trừu tượng. Cái gọi là “phép biện chứng duy vật” trong học thuyết Mác – Lê Nin được cấy ghép từ biện chứng của Hegel, với quan điểm duy vật của Feurbach. Từ đó ĐCSVN lập luận rằng: Ai phỉ nhổ vào học thuyết Mác – Lênin, xem như người đó đã chà đạp lên cả văn minh phương Tây ngàn năm, chà đạp lên các danh nhân nêu trên!

    Thực tế thì thế nào? Chủ nghĩa Mác soi rọi đến đâu thì lụi tàn đến đấy. Nó trở thành loại “virus” kinh hoàng của nhân loại.

    Sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản trên thế giới là một minh chứng sống động, báo hiệu ngày cáo chung, lụi tàn của một học thuyết ma mị.

    Thế nhưng, các “Lý luận gia” như Nguyễn Đức Bình, Nguyễn Phú Trọng, Tô Huy Rứa, Nhị Lê, Hoàng Chí Bảo, Phùng Hữu Phú, Tạ Ngọc Tấn, Nguyễn Viết Thông, Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Văn Thuấn… thì đời nào chấp nhận. Họ dửng dưng, cố tình không nhìn thấy.

    Bộ máy khổng lồ của các Học viên chính trị quốc gia, Học viện báo chí tuyên truyền, các Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận của đảng, cứ ra rả suốt ngày đêm để “đầu độc” nhân dân. Đem “virus” lý luận ấy, nhân ra, lan truyền đến thôn cùng, ngõ hẻm.

    Chủ nghĩa Mác – Lê Nin đã chết ở ngay quê hương của những người sáng lập ra nó. Những tượng đài bị giật sập, kéo đổ và bị phỉ báng trong cơn phẫn nộ, giận dữ của dân chúng. Những lý luận “hổ lốn”, điên rồ, đã bị nhân loại tiến bộ xem là rác rưởi.

    Tại Việt Nam, một đất nước nghèo đói xa xôi, người ta cố thổi hồn vào nó, hà hơi tiếp sức, mong nó sống lại. Đó là một điều không tưởng. Những nhà lý luận “thiên tài”, của Hội đồng Lý luận Trung ương vẫn cho rằng, chủ nghĩa Mác – Lênin bất diệt, vinh quang và trường tồn. Thậm chí, Mác – Lênin sẽ “tái sinh”, thúc đẩy được phong trào cách mạng thế giới, là chìa khóa vạn năng để giải cứu thế giới tăm tối.

    ĐCSVN lấy chủ nghĩa Mác Lê, tư tưởng Hồ Chí Minh, làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động. Họ ghi điều đó vào hiến pháp.

    ĐCSVN đã không thuận theo trào lưu của lịch sử như Liên Xô và các quốc gia Đông Âu. Họ không chịu rút lui khỏi vũ đài chính trị. Thay vào đó, ĐSCVN lại sử dụng những thủ đoạn lưu manh, đã được đúc kết, hình thành và phát triển trong nhiều thập niên, dùng những “ngón nghề” đó, để hồi phục và đấu tranh điên cuồng, hòng duy trì sự tồn tại hợp pháp, cố gắng hồi sinh cái quyền lực đang từng ngày tiến gần hơn đến cái chết.

    Tại sao lại như thế? Rất dễ hiểu, những cái đầu bị nhiễm virus của Hội đồng Lý luận Trung ương thừa hiểu, bản thân họ, từ cán bộ cấp cao nhất, cho đến cấp thấp nhất, không còn ai tin vào một học thuyết lý luận đã lỗi thời. Nhưng do gần 90 năm đi cùng nó, tuyên truyền, cổ vũ cho nó, chẳng lẽ bây giờ lại đột nhiên từ bỏ?

    Hơn nữa, bám vào nó, có “cao cấp lý luận” là có địa vị xã hội, có quyền lực và có tiền.

    ĐCSVN giữ lấy nó để làm bình phong lừa bịp, mị dân, để kéo dài sự độc quyền thống trị. Họ không chấp nhận chia sẻ quyền lãnh đạo đất nước cho người khác. Cứ bưng bít, lọc lừa, “ngồi mát ăn bát vàng”, hưởng thụ điều mà họ cho là “thành quả cách mạng” của đảng, mặc cho đất nước vô định, chẳng biết sẽ đi về đâu, miễn sao họ vẫn được nắm quyền cai trị, càng lâu càng tốt.

    Những đau thương, tang tóc của dân tộc này, của đất nước này, bắt nguồn từ ngày học thuyết đáng sợ này du nhập vào Việt Nam. Chưa đầy một năm nữa, nhân loại sắp bước sang thập niên thứ ba của thế kỷ 21, nhưng nhân dân trên dải đất hình chữ S này, vẫn còn phải chịu sự tấn công của loài “virus lý luận” ấy.

    Từ đồng ruộng, công trường, nhà máy, bệnh viện, trường học… đến các cơ quan công quyền, từ giảng đường, viện nghiên cứu khoa học…, nếu người nào không có thứ chứng chỉ “virus lý luận” đó, thì đừng mơ làm lãnh đạo, đừng nghĩ tới chuyện tiến thân. Yếu thì sơ cấp, có chút tiền thì chạy vạy thì có trung cấp, còn bơm tiền nhiều vô, thì sẽ có… “cao cấp chính trị”!

    Chứng nhận “virus” ấy, là giấy thông hành, là nấc thang quyền năng, để một kẻ du côn, cũng có thể cưỡi lên đầu người khác mà hò hét.

    Để cũng cố thế và lực, hàng năm, các “lý luận gia” chóp bu tổ chức các hội thảo “trao đổi lý luận” với đảng Cộng sản Trung Quốc. Phải chăng để họ học hỏi, trao dồi kỹ năng cao siêu trong cai trị, đàn áp, hút máu nhân dân?

    ***

    Mấy hôm nay, báo chí nói nhiều đến bệnh nhân số 21 bị nhiễm Covid-19, phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương Nguyễn Quang Thuấn. Dư luận xã hội râm ran bàn tán chuyện ông Thuấn có bồ nhí và có một con chung. Virus corona vô tình “làm lộ” ra “Virus lý luận” này đã mua căn hộ cho tình nhân, có tiền đóng thẻ hội viên chơi golf trên 3 tỷ/năm, ăn uống ở khách sạn 5 sao và đi du hí với vé máy bay hạng thương gia. Tất cả đều từ những đồng tiền mà người dân còng lưng đóng thuế.

    GSTS Nguyễn Quang Thuấn có 4 năm làm Viện trưởng Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội VN. Trong thời gian ấy, “lò ấp tiến sĩ” này đã cho “nở” ra 1.200 tiến sĩ và 4.850 thạc sĩ. Tất nhiên, phần đông trong số có bằng “tiến sĩ, phó bảng” đó, là các quan chức nhà nước.

    Không học, nhưng muốn có bằng cấp, chỉ có cách chung tiền! Không “hậu duệ”, “đồ đệ”… nhưng muốn leo cao, chui sâu vào cơ quan quyền lực, chỉ cần chi tiền!

    Năm 2015, cựu ĐBQH, bà Châu Thị Thu Nga khai với cơ quan điều tra rằng bà đã chi 1,5 triệu đô la Mỹ để trở thành đại biểu QH khoá XIII, đơn vị Hà Nội. Vậy thử hỏi, để được ngồi vào ghế Ủy viên Trung ương, ngồi ghế Bộ trưởng, bí thư các tỉnh thành, hoặc tương đương, cái giá phải trả sẽ là bao nhiêu?

    Năm 2002, GSTS của Học viện Chính trị Quốc gia, phân viện miền Nam, tên là N.H.V, 60 tuổi, quê Vĩnh Phúc, ngụ phường 15, quận 10, cặp bồ với cô gái “chân dài” xinh đẹp, tên Hoa (sinh 1981), cũng ở cùng quận. Dù có gia đình đề huề, giáo sư “lý luận Mác xít” vẫn đưa cho Hoa số tiền 17,2 tỷ (tương đương 1,1 triệu đô la thời điểm đó) để mua 160.000 m2 ở xã Xuân Thới Thượng, Hóc Môn. (Tỉ giá đô la trong năm 2002 dao động từ 15.100 – 15.400 VNĐ/ USD)

    Đến năm 2012, Hoa đi lấy chồng, ông N.H.V kiện cô ra toà để đòi tiền lại. Qua 4 phiên xét xử, vẫn chưa có hồi kết. Cô Hoa bị tạm giam 4 năm, được tại ngoại ngày 27/1/2018. Hoa phủ nhận hoàn toàn cáo buộc. Cô khai có 10 năm làm “phòng nhì” với giáo sư, có với nhau một con chung. Số tiền GSTS N.H.V cho cô chỉ khoảng 1 tỷ đồng, không phải 17,2 tỷ.

    Quan chức cướp của dân để “vinh thân phì gia”, mua bằng cấp để tiến thân. Các nhà “lý luận Mác xít” dùng ảnh hưởng của mình để… làm tiền bọn quan chức. Tiền nhiều, các “giáo sư” cung phụng cho các chân dài, bồ nhí, hưởng thụ lạc thú, sống như quý tộc. Chủng “Virus lý luận” này, còn ghê gớm, độc hại hơn gấp trăm lần virus corona, bởi Covid-19, sẽ được dập tắt nay mai, còn loại virus kia thì không biết đến bao giờ… Nhưng dù có phải chờ đợi, nhân dân Việt Nam luôn mong sớm có ngày quét sạch loài “Virus lý luận” này ra khỏi quê hương mình.

    Tiếng Dân

    Không có nhận xét nào