Header Ads

  • Breaking News

    Biển Đông: Có hay không đấu đá nội bộ thân-chống TQ, khi VN gia tăng hành động?

    Việc Việt Nam hồi cuối tháng 3 gửi tới Liên Hiệp Quốc công hàm bác bỏ yêu sách của Trung Quốc về Biển Đông tạo sự phấn chấn trong công chúng Việt Nam những ngày gần đây, theo quan sát của VOA.

    Cảnh sát biển Việt Nam tuần tra, bảo vệ chủ quyền lãnh hải trên Biển Đông. (Ảnh Cảnh sát biển Việt Nam chụp từ màn hình Dân Việt)
    Đồng thời, trong các diễn đàn trên mạng, dư luận và một số nhà quan sát đưa ra phỏng đoán rằng động thái mới cho thấy trong nội bộ giới lãnh đạo Việt Nam, khuynh hướng kiện Trung Quốc về ranh giới trên biển đang thắng thế, còn phe phái bị xem là “thân Tàu” đang yếu thế.

    Tuy nhiên, hai chuyên gia am hiểu Việt Nam và Biển Đông nói trong các cuộc phỏng vấn riêng rẽ của VOA rằng họ không đồng ý về phỏng đoán kể trên.

    “Trong nội bộ chính quyền Việt Nam sẽ có những người có quan điểm muốn cứng rắn hơn với Trung Quốc, nhưng cũng có những người muốn mềm mỏng hơn, ứng xử khéo léo hơn với Trung Quốc. Tôi nghĩ điều đó không nhất thiết dẫn đến việc chúng ta phải gắn nhãn họ là thân Trung Quốc hay chống Trung Quốc”, tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, thuộc viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEA -Yusof Ishak đặt tại Singapore, nói với VOA.

    Theo nhà nghiên cứu này, liên quan đến tranh chấp trên Biển Đông, “hầu như tất cả” các chính trị gia, các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam đều có quan điểm thận trọng và muốn bảo vệ lợi ích của Việt Nam trước sự lấn tới của Trung Quốc, nhưng các quan chức Việt Nam “chưa thống nhất” được biện pháp ứng xử với Trung Quốc.

    Tiến sĩ Hiệp nói thêm: “Có người muốn khéo léo hơn với Trung Quốc để làm sao Việt Nam vừa bảo vệ được lợi ích của mình trên Biển Đông vừa không tổn hại các lợi ích chính trị và kinh tế trong quan hệ với Trung Quốc. Vì vậy, tôi nghĩ điều này gây ra cảm nhận không hoàn toàn chính xác từ bên ngoài là trong nội bộ Việt Nam có những nhóm thân Trung Quốc hay chống Trung Quốc. Điều này không hoàn toàn chính xác. Đa phần [trong chính quyền Việt Nam] đều đồng thuận là phải chống lại áp lực của Trung Quốc trên Biển Đông, nhưng điểm khác biệt [giữa họ] là làm thế nào để đạt được mục tiêu đó”.

    Thạc sĩ Hoàng Việt, một nhà nghiên cứu Biển Đông hiện làm việc ở thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ quan điểm trên. Ông Việt nói với VOA: “Cấu trúc chính trị của Việt Nam là mọi việc phải có sự đồng thuận của tập thể. Tuy cũng có những nhóm có vẻ thân Trung Quốc hơn hay có vẻ hướng về phía Mỹ hơn. Có vẻ thôi, chứ còn phân thành các nhóm rõ rệt ở Việt Nam thì chắc chắn là khó, không có. Việt Nam thống nhất từ trên xuống dưới, và không phải bây giờ mà đường hướng ngoại giao đã có từ trước”.

    Lãnh đạo VN chuyển hướng tư duy

    Mặc dù vậy, theo thạc sĩ luật Hoàng Việt, đang có chuyển động đáng chú ý trong tầng lớp có quyền ra quyết sách ở Việt Nam. Ông nói: “Qua một loạt những sự kiện, đang có những tín hiệu cho thấy ngay cả các lãnh đạo cao nhất của Việt Nam đang có sự chuyển hướng tư duy, tức là hướng từ Trung Quốc trước đây dần sang phía Mỹ và đồng minh”.

    Đưa ra dẫn chứng về quan điểm này, ông Việt đề cập đến sự kiện tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm một tàu cá của Việt Nam hôm 2/4 ở gần quần đảo Hoàng Sa trong vòng tranh chấp và ngay ngày hôm sau, 3/4, báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản cầm quyền ở Việt Nam, đăng toàn văn tuyên bố phản đối của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam.

    Để so sánh, nhà nghiên cứu Biển Đông Hoàng Việt nhắc lại rằng hồi hè-thu năm 2019, khi Trung Quốc đưa tàu khảo sát hải dương vào hoạt động trong hơn 3 tháng ở Bãi Tư Chính gây ra căng thẳng vô cùng lớn giữa Việt Nam với Trung Quốc, báo Nhân Dân “không đăng một dòng nào” về vấn đề đó.

    Vẫn nhà nghiên cứu này nói với VOA rằng vụ đâm chìm tàu hôm 2/4 không hề “ngẫu nhiên”, mà có liên quan đến việc Việt Nam gửi công hàm tới LHQ hôm 30/3, trong đó bác bỏ các “yếu tố lịch sử” để xác lập yêu sách về chủ quyền biển của Trung Quốc: “Ngày 30/3, phía Việt Nam nộp công hàm, có thể là Trung Quốc phản ứng lại về hai điều. Một là thái độ của Việt Nam đối với Hoa Kỳ gần đây, và thứ hai là đối với công hàm ngày 30/3 thì Trung Quốc phản ứng bằng cách cho đâm chìm tàu cá”.

    Như tin đã đưa, trong công hàm gửi LHQ vào cuối tháng 3, Việt Nam phản đối các yêu sách về biển nêu trong một số công hàm của Trung Quốc cũng gửi đến LHQ trước đó.

    “Những yêu sách này vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại biển Đông”, công hàm của Việt Nam có đoạn viết.

    Công hàm xác lập thêm cơ sở pháp lý

    Qua công hàm, Việt Nam khẳng định Công ước của LHQ về luật Biển 1982 (UNCLOS) là cơ sở pháp lý duy nhất, quy định toàn diện và triệt để về phạm vi quyền được hưởng vùng biển giữa Việt Nam và Trung Quốc.

    Đồng thời, Việt Nam đưa ra quan điểm về các thực thể ở cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa rằng “vùng biển của các cấu trúc luôn nổi tại quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phải được xác định phù hợp với Điều 121 (3) của Công ước; các nhóm đảo tại Biển Đông, bao gồm quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, không có đường cơ sở được vẽ bằng cách nối liền các điểm ngoài cùng của các cấu trúc xa nhất; các bãi ngầm, hoặc cấu trúc lúc chìm lúc nổi không phải là đối tượng thụ đắc lãnh thổ và không có vùng biển riêng”.

    Theo thạc sĩ luật Hoàng Việt, cũng là chuyên gia về Biển Đông, quan điểm mới nhất của Việt Nam phù hợp với phán quyết của một tòa trọng tài quốc tế hồi năm 2016 về tranh chấp biển giữa Philippines và Trung Quốc, mặc dù trong công hàm mới đây Việt Nam không trực tiếp nhắc đến phán quyết.

    Chuyên gia Hoàng Việt cho rằng những lập trường rõ ràng hơn, cụ thể hơn của Việt Nam về các vấn đề tranh chấp biển giúp xác lập cơ sở vững chắc hơn để Việt Nam có thể sử dụng các công cụ pháp lý trong tương lai. Còn hiện nay “chưa xuất hiện tình thế căng thẳng đến mức Việt Nam phải khởi kiện Trung Quốc”, vẫn theo lời ông Việt.

    Khi nào Việt Nam sẽ sử dụng các công cụ pháp lý là “một câu hỏi mở” và là “quyết định chính trị”, nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp thuộc Viện ISEA-Yusof Ishak đưa ra nhận định.

    Có nhiều yếu tố có thể tác động đến việc Việt Nam sẽ chọn thời điểm nào để kiện, trong đó quan hệ chính trị giữa Việt Nam và Trung Quốc là “yếu tố quyết định”, tiến sĩ Hiệp nói.

    (VOA)

    Không có nhận xét nào