Header Ads

  • Breaking News

    GS. Phạm Quý Thọ - COVID.19 làm sâu sắc thêm cơ hội thoát Trung

    Trung Quốc là nơi bùng phát dịch từ cuối năm 2019 và đến nay, về cơ bản được khống chế. Tuy nhiên, trên thế giới, đại dịch COVID-19 vẫn lan rộng và chưa biết khi nào kết thúc khiến cho người dân lo sợ. Đã có hiện tượng chỉ trích chế độ toàn trị và bài Trung với lý do phát tán thành đại dịch toàn cầu trong khi chính quyền Trung Quốc khuếch tương chiến thắng.

    Hình minh hoạ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (trái) đi cùng Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (phải) trước cuộc gặp hai bên ở Bắc Kinh hôm 26/4/2019
    Chế độ chính trị có liên quan đến phương thức và kết quả phòng chống dịch COVID-19 đang là một trong những chủ đề tranh luận gay gắt trong bối cảnh kết quả có vẻ ‘u ám’ hơn cho các chính phủ dân chủ và chế độ chuyên chế được cho là có hiệu suất cao.

    Việt Nam có chế độ tương đồng Trung Quốc với đảng cộng sản toàn trị. Chính quyền cũng đang ‘căng mình’ chống dịch bằng nhiều chính sách cấp bách, trong đó tránh không lặp lại những sai lầm từ cách làm của chính quyền Trung Quốc là một lựa chọn. Những tác động nặng nề đến kinh tế từ Trung Quốc và sự lựa chọn cách phòng chống COVID-19 của Việt Nam làm sâu sắc thêm cơ hội thoát Trung.

    Hai hệ thống chính trị

    Thế giới đang ‘hoảng loạn’, Mỹ và châu Âu hiện vẫn đang là tâm điểm của đại dịch với số người lây nhiễm và số ca tử vong tăng cao từng ngày. Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới đến ngày 6/4/2020 tổng số ca nhiễm COVID-19 là 1,273,794 người, 69,419 ca tử vong và 260,193 người được bình phục, trong đó Mỹ ba chỉ số tương ứng là 333,958; 9,626 và 17,407 và Trung Quốc còn 81,708; 3,331 và 77,078…

    Trung Quốc biểu tượng cho chế độ toàn trị và phương Tây là chế độ dân chủ luôn tranh luận trong nhiều vấn đề toàn cầu, trong đó có kinh tế và dân chủ, và nay là đại dịch COVID-19.

    Trong khi chính phủ các nước phương Tây ‘lúng túng’ với ràng buộc thể chế, chẳng hạn ở Mỹ với Tu chính án số 10 Hiến pháp về quyền của tiểu bang và liên bang, và ý thức hệ về quyền tự do cá nhân, để đưa ra các chính sách, thì ngày 04/04/2020, chính quyền Trung Quốc tổ chức lễ tưởng niệm các nạn nhân của COVID-19, phát tín hiệu rằng tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát sau hơn hai tháng chiến đấu với virus corona kể từ ngày bùng phát tại thành phố Vũ Hán. Ngoài ra, nhà nước Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh tuyên truyền nhằm ‘viết lại lịch sử’ xuất phát của virus corona chủng mới.

    Nhiều ý kiến cho rằng Trung Quốc đang nỗ lực biến ‘thảm hoạ quốc gia’ thành một chiến thắng toàn cầu trong khi các nhà lãnh đạo phương Tây chỉ trích chính quyền Trung Quốc che giấu sự thật về loại virus chủng mới trong nhiều tuần khiến cho lây lan thành đại dịch toàn cầu. Ngoài ra, việc phong toả Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc với khoảng 60 triệu dân với các biện pháp bị coi là ‘nghiệt ngã’, ‘tàn nhẫn’ và vi phạm các quyền con người.

    ‘Thời chiến’ chống đại dịch

    Chính phủ Việt Nam có cách tiếp cận nghiêm túc trong phòng chống đại dịch COVID-19. Từ cuối tháng 1/2020, khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên đến nay chính quyền đã nâng dần cấp độ nguy hiểm của dịch bệnh đến việc chuyển trạng thái xã hội sang ‘thời chiến’.

    Ban đầu ‘Cách ly tập trung’ những đối tượng có nguy cơ lây nhiễm đồng thời với phong toả có ‘chọn lọc’ các ổ dịch trên địa bàn hành chính xã là hai biện pháp được áp dụng. Đến cuối tháng 3 phòng chống dịch COVID-19 được chuyển sang ‘thời chiến’, ‘chống dịch’ như chống giặc’, ‘ở nhà là yêu nước’ khi hai ổ dịch, bệnh viện Bạch Mai ở Hà Nội và Quán Buddha ở thành phố Hồ Chí Minh, được xác định có nguy cơ cao lây nhiễm cộng đồng. Ngày 31/3 Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, trong đó tập trung vào ‘cách ly xã hội’.

    Nhiều thế hệ người dân Việt Nam trải qua các cuộc chiến tranh, bởi vậy việc chuyển trạng thái từ ‘thời bình’ sang ‘thời chiến’, mặc dù chỉ là kêu gọi của các nhà lãnh đạo, làm trỗi dậy bản năng sinh tồn gắt kết sẵn sàng vượt qua khó khăn, thử thách. Khi đó cả hệ thống chính trị ‘vào cuộc’, hành động quyết đoán của các lãnh đạo được khuyến khích, các nguồn lực xã hôi và của người dân về vật chất và tinh thần được huy động cho các hoạt động chống đại dịch. Trạng thái ‘thời chiến’ có thể mở rộng khả năng cho các chính sách công hướng tới người dân, hộ trợ cho người lao động nghèo, đối tượng yếu thế chịu ảnh hưởng sâu từ đại dịch, tăng cơ hội ‘thể hiện cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp mọi thành phần, tầng lớp trong xã hội, nhưng đồng thời cũng thu hẹp cửa cho trục lợi bất chính.

    Vai trò của chính quyền, cá nhân người lãnh đạo thực sự quan trọng trong tình huống khẩn cấp. Trong chống COVID-19 các ‘tư lệnh’ mặt trận, như các lãnh đạo Chính phủ được người dân ghi nhận, nhưng ‘sự chậm trễ’ xuất hiện của các lãnh đạo đảng, nhà nước khiến người dân ‘băn khoăn’ về tầm mức của ‘cuộc chiến’.

    Nói chung ‘thời chiến’ hay những tình huống khẩn cấp quốc gia có thể biểu thị ưu thế của chế độ toàn trị, nhưng thời bình’ mới phản ánh được bản chất của nó.

    Cơ hội thoát Trung

    Việt Nam là quốc gia có ý thức hệ cộng sản, nhưng có chính sách tích cực đa phương hoá trong quan hệ quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế. Về đại dịch COVID-19, Chính phủ Việt Nam đã ‘trung lập’ trong nhìn nhận về thái độ ứng xử của các quốc gia khác biệt chế độ chính trị. Trong phát ngôn, truyền thông chính thức hay các bài chính luận hầu như không xuất hiện bình luận hay nhận định về việc chọn an toàn hay quyền riêng tư của người dân.

    Chính quyền đã ban hành và thực hiện các chính sách phòng chống dịch khá ‘mềm mỏng’, đôi khi có bình luận là ‘nửa vời’, nhưng có lẽ là phù hợp. Theo quan sát cá nhân, cách phong toả ‘cực đoan’ cả một thành phố hay một tỉnh với nhiều triệu dân, kiểu Vũ Hán, Hồ Bắc Trung Quốc, đã không là một lựa chọn. Mặt khác, các nhà lãnh đạo cũng ‘linh hoạt’ trong hành động, mà không cảm thấy áp lực phải ‘che giấu’ nguy cơ của dịch bệnh, cho dù để tránh làm tổn thương nền kinh tế hoặc để bảo vệ lợi ích cá nhân của họ.

    Những nghiên cứu đánh giá tác động của đại dịch COVID-19 đến kinh tế và xã hội đối với thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang cảnh báo về hậu quả nặng nề và lâu dài. Sự gián đoạn chuỗi cung ứng từ Trung Quốc và suy giảm thị trường ngày càng rõ hơn đối với kinh tế Việt Nam. Liệu có cơ hội như thế nào trong tình hình khó khăn này.

    Từ những nỗ lực phòng chống đại dịch việc rút ra bài học về chính sách có ý nghĩa quan trọng cho sự độc lập và bền vững phát triển đất nước. ‘Vòng kim cô’ ý thức hệ và cơ sở thực tế trải nghiệm của Trung Quốc, do không thừa nhận công khai, đã tạo ra tính chất ‘nước đôi’ vừa ‘muốn’ lại vừa ‘sợ’ thị trường trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế, khiến việc vận dụng một số chính sách trở nên ‘dò đá qua sông’, bỏ lỡ cơ hội hoặc thậm chí bị phản đối từ dân chúng. Ví dụ điển hình, dự luật đặc khu hành chính kinh tế, là sự thất bại chính sách khi đã không thể được thông qua bởi làn sóng biểu tình của người dân trước lo ngại bị xâm phạm chủ quyền biển đảo. Ngoài ra, thuyết âm mưu về chính sách như việc tiếp nối cho ‘sáng kiến: Một vành đai, một con đường’ cũng được lan truyền đang được coi là ‘bẫy nợ’ đối với các nước đang phát triển!

    Bài này được viết trong bối cảnh ‘thời chiến’ chống đại dịch COVID-19, khi cả nước có tổng số ca nhiễm là 241 người, chưa có tử vong và 91 người đã bình phục… Mặc dù dân chúng tiếp tục được cảnh báo về sự hiện diện nguy cơ và thúc đẩy thực hiện các biện pháp cấp bách, nhưng lần này niềm tin chính sách đã tăng lên và hy vọng đại dịch sớm được kiểm soát

    Thoát Trung là một quá trình nhận thức, thoát ‘vòng kim cô’ ý thức hệ giáo điều, quan hệ bình đẳng, tránh hậu quả nặng nề do lệ thuộc kinh tế… và nên cần được làm sâu sắc thêm trong mỗi chính sách phát triển bền vững đất nước.

    Ngày 06 tháng 4 năm 2020

    Phạm Quý Thọ gửi từ Hà Nội

    * Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

    (RFA)

    Không có nhận xét nào