Header Ads

  • Breaking News

    Điểm tin thế giới ngày Thứ ba 28 tháng 4 năm 2020

     Điểm tin thế giới ngày Thứ ba 28 tháng 4 năm 2020
    Mỹ áp các quy tắc mới về xuất khẩu sang Trung Quốc

    Vào hôm 27/4, Hoa Kỳ tuyên bố sẽ áp các hạn chế mới đối với hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc để đảm bảo rằng, quân đội Bắc Kinh không thể tiếp cận được các mặt hàng liên quan đến chất bán dẫn và công nghệ khác.

    Theo đó, các công ty Hoa Kỳ sẽ phải có giấy phép để bán một số mặt hàng cho các cơ quan quân sự ở Trung Quốc ngay cả khi chúng được sử dụng cho mục đích dân sự. Mỹ cũng loại bỏ một ngoại lệ dân sự cho phép công nghệ nhất định của Mỹ được xuất khẩu mà không cần giấy phép. Các động thái này diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng trở nên xấu do dịch Covid-19.

    Các quy tắc, sẽ được đăng công khai và công bố trong Đăng ký liên bang vào hôm nay – 28/4, có thể gây tổn hại cho ngành công nghiệp bán dẫn và bán thiết bị hàng không dân dụng cho Trung Quốc. Những thay đổi, mở rộng toàn bộ các mặt hàng cần giấy phép cũng ảnh hưởng đến Nga và Venezuela, nhưng tác động lớn nhất sẽ là thương mại với Trung Quốc.

    “Rõ ràng điều này nhằm mục đích cung cấp cho chính phủ Hoa Kỳ một cái nhìn rõ hơn về các loại hàng hóa mà các nhà xuất khẩu Hoa Kỳ gửi đến các quốc gia này và khách hàng của họ”, Doug Jacobson, luật sư thương mại của Washington cho biết.

    Một thay đổi khác liên quan tới việc xóa bỏ các ngoại lệ về việc cấp phép cho các nhà nhập khẩu và người quốc tịch Trung Quốc, cũng như các nước khác bao gồm Ukraine và Nga. Những ngoại lệ này đã áp dụng cho một số mạch tích hợp, thiết bị viễn thông, radar, máy tính cao cấp và các mặt hàng khác.

    Chính quyền Mỹ cũng đưa ra đề xuất thay đổi có thể buộc các công ty nước ngoài chuyển một số mặt hàng nhất định của Mỹ sang Trung Quốc phải xin phép không chỉ chính quyền của họ mà còn cả chính quyền Mỹ.

    Những giới hạn thắt chặt trên được xem xét từ ít nhất vào năm ngoái và các quan chức cao cấp Mỹ đã nhất trí thúc đẩy nó vào tháng 3.

    John Neuffer, chủ tịch và giám đốc điều hành của Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Mỹ cho biết ngành công nghiệp lo ngại các quy tắc rộng rãi sẽ mở rộng kiểm soát xuất khẩu không cần thiết đối với chất bán dẫn và tạo ra sự không chắc chắn cho ngành công nghiệp trong thời kỳ bất ổn kinh tế toàn cầu này.

    Theo Reuters

    Ông Trump nói Mỹ có thể đòi Trung Quốc bồi thường vì Covid-19


    Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 27/4 nói rằng ông có thể yêu cầu Trung Quốc bồi thường thiệt hại vì dịch Covid-19.

    “Chúng tôi không hài lòng với Trung Quốc”, ông Trump phát biểu trong buổi họp báo hôm 27/4 tại Nhà Trắng. “Chúng tôi không hài lòng với tình hình chung bởi chúng tôi tin rằng nó (Covid-19) đáng lẽ đã có thể ngăn chặn ngay tại nơi khởi phát”.

    Tổng thống Trump phát biểu thêm: “Có rất nhiều cách để buộc họ phải chịu trách nhiệm. Chúng tôi đang điều tra rất nghiêm túc”.

    Trong cuộc họp báo, một phóng viên đã đề cập đến việc một tờ báo của Đức gần đây yêu cầu Trung Quốc bồi thường 149 tỷ Euro cho nước này vì những thiệt hại kinh tế mà Covid-19 gây ra và hỏi Mỹ có hành động tương tự hay không. Tổng thống Trump trả lời: “Chúng tôi có thể làm những thứ dễ dàng hơn nhiều. Đức đang xem xét, chúng tôi cũng đang xem xét. Chúng tôi bàn đến khoản tiền (bồi thường) lớn hơn nhiều khoản tiền mà Đức đang cân nhắc. Chúng tôi vẫn chưa quyết định bao nhiêu, nhưng sẽ là rất lớn”.

    Cùng ý tưởng như ông Trump, bệnh viện Israel dùng tia cực tím diệt virus Vũ Hán

    Tổng thống Donald Trump đã gặp phải những lời phản đối khi ông nói rằng ánh sáng cực tím có thể được sử dụng để chống lại virus Vũ Hán (COVID-19). Tuy nhiên, một số bệnh viện Israel đã triển khai ý tưởng này như một lời xác nhận đối với tuyên bố của tổng thống Mỹ.

    Yêu cầu của Tổng thống Trump

    Thứ Năm tuần trước (23/4), Tổng thống Trump đã có một cuộc họp báo, trong đó ông suy đoán về việc sử dụng ánh sáng cực tím để điều trị virus Vũ Hán:

    “Vì vậy, giả sử chúng ta dùng tia cực tím hay ánh sáng cực mạnh tác động vào cơ thể – và tôi nghĩ các vị đã nói rằng việc này chưa được kiểm chứng nhưng các vị sẽ kiểm chứng nó – và sau đó tôi đã nói rằng có thể xem xét đưa ánh sáng vào trong cơ thể, qua da hoặc bằng một cách nào khác. Tôi nghĩ các vị đã nói rằng cũng sẽ kiểm chứng điều đó. Nghe rất thú vị”.

    “Sau đó, tôi thấy chất khử trùng đánh bật nó (virus) trong một phút, một phút. Có cách nào chúng ta có thể làm một cái gì đó giống như thế bằng cách tiêm vào bên trong? Hoặc gần như là làm sạch, vì các vị thấy nó (virus) xâm nhập vào phổi và trong phổi (bệnh nhân) có một số lượng lớn virus. Vì vậy, thật thú vị nếu kiểm tra điều đó. Các vị sẽ phải sử dụng các bác sĩ y khoa, chúng ta sẽ xem xét khả năng dùng ánh sáng, điều đó rất thú vị đối với tôi. Cách nó giết chết virus trong một phút, thực sự rất hiệu quả”.

    Ông Trump đã tỏ ra rất ấn tượng với khả năng diệt virus của tia cực tím, và cách chất khử trùng làm việc hiệu quả ra sao. Ông muốn các chuyên gia thử nghiệm và nghiên cứu dựa trên cách thức tương tự của chất khử trùng và tia cực tím để tạo ra một sản phẩm nào đó có thể đưa vào trong cơ thể giúp tiêu diệt virus từ bên trong phổi.

    Nhiều người đã nhanh chóng bình luận tia cực tím không có hiệu quả hoặc thậm chí có thể gây chết người. Nhưng thật tình cờ, một số tổ chức của Israel đã tuyên bố lắp đặt các thiết bị dùng tia cực tím để chống lại virus Vũ Hán. Việc này phần nào hỗ trợ luận điểm của ông Trump.

    Ứng dụng mới ở Israel
    Theo J-Post đưa tin ngày 24/4, Trung tâm y tế Mayanei Hayeshua ở Bnei Brak, Israel đã lắp đặt hệ thống đèn cực tím trong khu vực của mình để điều trị cho bệnh nhân bị nhiễm virus Vũ Hán, bao gồm phòng chăm sóc đặc biệt và phòng khám ngoại trú. Bước sóng đặc biệt đã được phát hiện là gây tử vong cho virus trong khi hoàn toàn an toàn để sử dụng gần với bệnh nhân và không gây ung thư. Hệ thống này có thể khử trùng một căn phòng có chứa virus trong tối đa nửa giờ đồng hồ mỗi lần.

    “Đèn tia cực tím đã được sử dụng trong nhiều năm để thanh lọc và khử trùng các phòng phẫu thuật ở Israel và trên thế giới, tuy nhiên vào năm 2009, Cơ quan Y tế Hoa Kỳ đã đưa ra cảnh báo rằng một số đèn được sử dụng tạo ra các phân tử ozone có thể cực kỳ nguy hiểm, đặc biệt là đối với bệnh nhân phổi”, bác sĩ Boris Orkin, người đã giúp phát triển hệ thống cho biết trong một cuộc phỏng vấn với J-Post . Vì điều này, chúng không được sử dụng trong cuộc chiến chống lại virus Vũ Hán, vì sợ làm hại bệnh nhân.

    Hệ thống đang sử dụng ở trung tâm y tế tại Bnei Brak, Israel này là kết quả của nghiên cứu và phát triển được thực hiện bởi doanh nhân người Israel Eldad Peri cùng với một đội ngũ y tế do bác sĩ Boris Orkin đứng đầu. Một nhóm các nhà vật lý cũng tham gia và viết ra thuật toán phù hợp với không gian dự định thanh lọc bằng cách tính toán bước sóng và đầu ra cần thiết để làm sạch khu vực một cách an toàn và toàn diện.

    Theo Breaking Israel News, Bnei Brak là một thành phố quan trọng, ở trung tâm của Israel. Đây là một trong những điểm nóng dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán ở Israel. Ba tuần trước, thành phố đã bị cách ly với phần còn lại của đất nước. Các chuyên gia y tế ước tính rằng có tới 38% trong số 200.000 cư dân của Bnei Brak bị nhiễm virus và thị trấn có thể sớm chiếm tới 30% trường hợp nhiễm bệnh trong 8,7 triệu dân của Israel.

    Ngoài hệ thống đang được sử dụng tại Bnei Brak, một hệ thống tia cực tím khác đã được đưa vào hoạt động để khử trùng virus Vũ Hán tại Trung tâm Y tế Yitzhak Shamir và Trung tâm Y tế Sourasky ở Tel Aviv. Hệ thống này được phát triển bởi Israel Aerospace Industries (IAI), sử dụng công nghệ UV-C (tia cực tím có độ dài sóng ngắn).

    Có ba loại tia cực tím: UV-A, UV-B và UV-C. UV-C được phát hiện là có hiệu quả nhất đối với virus, làm hỏng axit nucleic và ngăn chặn nó nhân lên. Các tia này được sử dụng như một biện pháp khử trùng phổ biến trong các bệnh viện và phòng thí nghiệm.

    Covid-19: Chính phủ Pháp công bố chiến lược sống chung với dịch

    Ngày 28/04/2020 nước Pháp bước vào tuần lễ thứ 7 của biện pháp hạn chế tự do đi lại để ngăn dịch Covid-19. Làm cách nào để tái lập sinh hoạt bình thường trong xã hội cho 67 triệu dân Pháp ? Vào lúc 15 giờ trưa nay, tại Quốc Hội thủ tướng Edouard Philippe trình bày toàn bộ kế hoạch trước 75 dân biểu, trên tổng số 577 vị, đại diện cho 8 nhóm chính trị khác nhau.

    Theo chương trình, và đúng theo điều kiện an ninh dịch tễ, chỉ có 75 dân biểu trong hàng ghế cử tọa, vào lúc 15 giờ, thủ tướng Pháp tuyên bố kế hoạch đưa nước Pháp ra khỏi tình trạng sinh hoạt hạn chế kể từ ngày 11 tháng 05.

    Lập pháp chỉ được thông báo nội dung kể từ lúc đó và chỉ có ba giờ tranh luận trước khi biểu quyết.


    Sau phần trình bày của thủ tướng, mỗi nhóm, tùy theo trọng lượng chính trị, có ít hay nhiều thời gian để chất vấn. Tiếp theo, Edouard Philippe trả lời các câu hỏi. Mỗi nhóm dân biểu chỉ được quyền chỉ định một người để nói biểu quyết như thế nào, ủng hộ hay không. Nói khác đi là không có phần trao đổi đúng nghĩa. Đây cũng là một vấn đề mà đối lập cực kỳ phản đối.

    Không phải chỉ có đại diện dân cử không hài lòng mà đa số dân Pháp cũng tỏ ra hoài nghi khả năng quản lý của hành pháp : 6 trên 10 theo một thăm dò ý kiến.

    Ít nhất có ba vấn đề làm người dân lo ngại sau ngày 11/05/2020 : giao thông công cộng, học sinh trở lại trường và khẩu trang. Liệu chính phủ có dự tính được các rủi ro an toàn dịch tễ hay không?

    Giới y tế, căng thẳng tột độ và mệt mỏi sau hai tháng vật lộn với siêu vi khuyến cáo coi chừng đợt hai tái phát trong khi đợt một chỉ mới giảm vận tốc. Mỗi ngày còn có bốn trăm người chết.

    Theo báo cáo của Tổng Cục Y Tế tính đến chiều ngày 27/04, Pháp ghi nhận 23. 293 bệnh nhân tử vong, thêm 437 người trong 24 giờ.

    Hội Đồng Khoa Học Gia Pháp, ngày hôm qua dự báo bi quan : trung bình mỗi này sẽ có từ 2.000 đến 3.000 người tử vong, sau ngày 11/05, khi sinh hoạt tái lập.

    Điều này có nghĩa là dịch tiếp tục lây nhiễm và nước Pháp bắt buộc phải sống chung với siêu vi đến từ Vũ Hán.

    Hàn Quốc nói Kim Jong Un có thể đi tránh Covid-19


    Reuters đưa tin, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Kim Yeon-chul hôm nay cho rằng Kim Jong Un không xuất hiện trong lễ kỷ niệm ngày sinh ông nội Kim Nhật Thành (Ngày Mặt trời) hôm 15/4 vì lo ngại Covid-19.

    Theo ông Kim Yeon-chul, từ giữa tháng 1, có ít nhất hai lần Kim Jong-un vắng mặt gần 20 ngày. “Tôi nghĩ điều này không có gì bất thường trong tình hình dịch bệnh hiện tại”, ông nói.

    Những đồn đoán về sức khỏe của Kim Jong Un dấy lên từ khi ông vắng mặt trong Ngày Mặt trời, ngày lễ được coi là quan trọng nhất ở Triều Tiên. Tuy nhiên, giới chức Hàn Quốc nhiều lần nhấn mạnh họ không phát hiện động thái bất thường nào ở Triều Tiên và phản bác những thông tin cho rằng Kim Jong Un bị bệnh.

    Thủ tướng Nhật Bản theo dõi sát sao tin tức về Kim Jong Un

    Reuters đưa tin, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm nay phát biểu trong một phiên họp của Quốc hội rằng, ông đã biết về việc truyền thông đưa tin về sức khỏe của Kim Jong Un và hiện đang theo dõi tình hình.

    Đài Loan cảm ơn Mỹ vì ủng hộ hòn đảo gia nhập WHO

    Theo Reuters, trong cuộc họp trực tuyến vào cuối ngày 27/4, Bộ trưởng Y tế Đài Loan Trần Thời Trung (Chen Shih-chung) đã cảm ơn Bộ trưởng Y tế và dịch vụ nhân sinh Mỹ Alex Azar vì đã ủng hộ mạnh mẽ hòn đảo gia nhập Tổ chức Y tế thế giới (WHO) bất chấp sự phản đối của Bắc Kinh.

    Bộ Y tế Đài Loan cho biết thêm rằng ông Azar “tái khẳng định việc Mỹ sẽ hỗ trợ liên tục và cụ thể trong việc mở rộng sự tham gia của Đài Loan tại WHO và các tổ chức y tế toàn cầu”.

    Bộ trưởng Alex Azar viết trên Twitter rằng, ông đã cảm ơn ông Trần vì “những nỗ lực chia sẻ các nguồn lực tốt nhất của Đài Loan với Mỹ”.

    Ấn Độ trả lại kit xét nghiệm, Trung Quốc lên tiếng chỉ trích


    Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ (ICMR) hôm 27/4 nói rằng, họ sẽ trả lại khoảng 500.000 bộ kit xét nghiệm nhanh Covid-19 nhập từ Công ty Công nghệ sinh học Wondfo Quảng Châu và Công ty Công nghệ chẩn đoán Livzon Chu Hải do chất lượng kém. Quan chức Trung Quốc lập tức lên tiếng chỉ trích quyết định của Ấn Độ là “không công bằng và vô trách nhiệm”.

    “Mặc dù nhà sản xuất hứa hẹn bộ kit xét nghiệm sẽ có hiệu suất tốt cho mục tiêu sàng lọc bệnh dịch, nhưng kết quả xét nghiệm cho thấy độ nhạy của sản phẩm khác xa cam kết”, hãng tin IANS trích thông báo của ICMR. ICMR cũng khuyến cáo các bang ngừng sử dụng các kit xét nghiệm và gửi lại cho ICMR để trả về các nhà cung cấp.

    Ông Tedros nói thế giới coi nhẹ cảnh báo của WHO

    Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hôm thứ Hai, than thở rằng tổ chức của ông từ sớm đã phát đi cảnh báo nguy hiểm cấp độ cao nhất đối với đại dịch viêm phổi Vũ Hán, nhưng các quốc gia đều bỏ ngoài tai, theo SBS News.

    Theo ông Tedros, từ rất sớm, vào ngay từ 30/1, WHO đã khuyến cáo thế giới rằng Covid-19 đã hình thành ổ dịch và có nguy cơ tạo ra “Tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng”.

    WHO đang phải đối mặt với làn sóng chỉ trích quốc tế vì đồng lõa với Bắc Kinh trong việc che giấu quy mô và mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh. Hơn 1 triệu người đã ký đơn trực tuyến yêu cầu Tổng giám đốc Tedros từ chức.

    Pháp chặn lô khẩu trang lớn đang tuồn ra chợ đen

    Fox News hôm Chủ nhật đưa tin, cảnh sát Pháp đã ngăn chặn một lô hàng gồm 140 nghìn khẩu trang, loại mặt hàng đang khan hiếm do dịch Covid-19, bị tuồn ra chợ đen nhằm thu lợi nhuận lớn hơn.

    Cảnh sát đã bắt giữ hai người đàn ông đang dỡ các thùng hàng khẩu trang từ một chiếc xe ở một khu phố thuộc vùng ngoại ô Paris, nhật báo Le Parisian của Pháp cho hay. Một nguồn tin nói với AFP rằng hai người đàn ông này có ý định bán lô khẩu trang cho người lao động với giá cao.

    Vào tháng trước, chính phủ Pháp đã trưng dụng tất cả các khẩu trang trên thị trường để có đủ nguồn bảo hộ cho các nhân viên y tế. Giá khẩu trang ở Pháp đã tăng gấp 3 lần trước khi giới chức Pháp đưa ra quyết định này.

    Covid-19: Cố vấn Nhà Trắng lên án Trung Quốc


    Ông Peter Navarro, cố vấn thương mại của Nhà Trắng, hôm thứ Hai, đã chỉ trích chính quyền Trung Quốc “trục lợi” từ việc xuất khẩu sang Mỹ các bộ dụng cụ xét nghiệm virus Vũ Hán chất lượng thấp và thậm chí là hàng giả, theo Reuters.

    Cố vấn của Nhà Trắng cũng lên án Bắc Kinh khiến dịch viêm phổi Vũ Hán lây lan ra toàn cầu bằng quyết định “giấu dịch trong 6 tuần”.

    “Họ đã có thể kiểm soát nCoV ở Vũ Hán”, ông nói. Nhưng “họ đã không làm thế. Họ đã gieo rắc mầm bệnh ra thế giới khi cho hàng trăm ngàn người Trung Quốc lên máy bay tới Milan, tới New York và những nơi khác”.

    Venezuela: Maduro bổ nhiệm tội phạm ma túy làm bộ trưởng


    Reuters đưa tin, chính phủ Nicolas Maduro, hôm thứ Hai, đã bổ nhiệm ông Tareck El Aissami làm bộ trưởng dầu mỏ, bất chấp thực tế là ông này bị Hoa Kỳ truy tố vì tội buôn bán ma túy.

    Vào tháng Ba, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã cáo buộc Aissami cùng 14 quan chức đương nhiệm và về hưu của chính phủ Maduro tội danh tham nhũng, buôn bán ma túy và khủng bố. Cáo trạng của Mỹ nói rằng El Aissam đã vi phạm các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ và nhúng tay vào hoạt động buôn bán ma túy.

    Ngoài việc cất nhắc El Aissami, Maduro cũng bổ nhiệm ông Asdrubal Chavez, một người anh em họ của cố Tổng thống Hugo Chavez, làm lãnh đạo lâm thời của công ty dầu mỏ nhà nước PDVSA.

    Iran: Hàng trăm người chết vì uống rượu để chữa Covid-19

    Hơn 700 người ở Iran đã chết sau khi uống rượu để chữa bệnh viêm phổi Vũ Hán, theo bản tin hôm Chủ nhật của Aljazeera.

    Các quan chức Iran cho hay, ngộ độc rượu đã cướp đi sinh mạng của 728 người trong khoảng thời gian từ 20/2 tới 7/4, khoảng thời gian dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở nước này. Trong khi đó tổng số ca tử vong vì rượu ở Iran trong năm 2019 là 66 ca.

    Người phát ngôn của Bộ Y tế Iran, Kianoush Jahanpour, cho biết 5.011 người đã bị ngộ độc rượu, trong đó có khoảng 90 người mất thị lực hoặc bị tổn thương mắt.
    Võ Thái Hà tóm lược

    Không có nhận xét nào