Header Ads

  • Breaking News

    Nhà toán học Nguyễn Lê Anh dự báo tổng ca nhiễm COVID-19 và VN hết dịch giữa tháng 5/2020

    Nhà toán học Lê Anh (giữa) với đại diện Bộ Quốc phòng Việt Nam
    Ngày Dự tính Thực tế Bình phục Tổng số

    04/4 .....223.... 150 ........ 90 ...... 240
    03/4 .....220.... 154 ........ 85 ...... 239
    02/4 .....215.... 158 ........ 75 ...... 233
    01/4 .....209.... 159 ........ 63 ...... 222
    31/3 .....202.... 154 ........ 58 ...... 212
    30/3 .....193.... 149 ........ 55 ...... 204
    29/3 .....183.... 169 ........ 25 ...... 194
    28/3 .....172.... 158 ........ 21 ...... 179
    27/3 .....160.... 149 ........ 20 ...... 169
    26/3 .....147.... 136 ........ 17 ...... 153
    25/3 .....134.... 131 ........ 17 ...... 148
    24/3 .....121.... 117 ........ 17 ...... 134
    23/3 .....108.... 104 ........ 17 ...... 120
    22/3 .......95 ..... 96 ........ 17 ...... 113

    Nguồn lây nhiễm mất kiểm soát là những người đến bệnh viện Bạch Mai và Bar Buddha.

    Đó là dự báo của ông Nguyễn Lê Anh, một nhà toán học-vật lý học của Việt Nam về số bệnh nhân nhiễm bệnh và hồi phục của Việt Nam theo từng ngày, có so sánh với số thực tế. Ông Lê Anh post đều đặn các dự báo trên trang face book cá nhân có nhiều đồng nghiệp theo dõi của mình, bắt đầu từ hôm 21/3/2020. Số liêu được cập nhật vào 20:00 giờ mỗi ngày. Số lượng thực tế được bổ sung thêm vào 8:00 sáng ngày hôm sau.

    Theo dự báo trên, đỉnh dịch xuất hiện trong 7 ngày, bắt đầu từ 31/3/2020 đến 06/4/2020 với tổng số bệnh nhân mắc lên cao nhất 225 người, ngay sau đó bắt đầu giảm chậm, nhưng dần đều. Trong 3 tuần tiếp theo, mỗi ngày có khoảng 10 bệnh nhân hồi phục và xuất viện. Trong tuần cuối cùng tháng 4/2020, mỗi ngày có 3-5 bệnh nhân hồi phục. Dự báo dừng lại ở ngày 30/4/2020, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Việt Nam là 20 bệnh nhân. Ông Lê Anh dự báo: Nếu thế giới đều cô lập dịch như hiện tại và tình hình dịch ở Việt Nam vẫn như hiện tại (tức chiến lược chống dịch + ý thức tuân thủ của người dân), Việt Nam sẽ hết dịch trong khoảng 05/5 đến 15/5/2020.

    Ông Lê Anh cho biết ông dùng kiến thức toán, vật lý và nghiên cứu rất nhiều bài viết của các chuyên gia nghiên cứu trên thế giới, “nhất là về H5N1 và SARS, là những chủng loại gần với COVID-19”. Cùng với đó, ông sử dụng hiểu biết về chính trị, quản lý nhà nước và văn hóa con người trong nước để hình dung chiến lược dập dịch của Việt Nam là “bàn tay sắt”, “khống chế đến mức loại bỏ hoàn toàn nguồn lây nhiễm chéo trong cộng đồng”.

    Nói cách khác, ông “dùng toán để vẽ lại bức tranh chống dịch Việt Nam” như lời giải thích trên trang cá nhân.

    Ông Lê Anh viết: “Bức tranh đó cho những người đang dập dịch thấy được kết quả của sự nỗ lực của họ nếu họ làm theo đúng những nguyên tắc mà họ đang làm. Theo như bức tranh đó thì con số thực tế nhỏ hơn số dự báo là sự vui mừng vì nó ít hơn dự tính. Giá trị nhỏ hơn ấy rất có thể là các ca bệnh trong cộng đồng sẽ được phát hiện ra, hoặc tự khỏi.”

    Thực tế sau khoảng 15 ngày cho thấy những con số dự báo của ông Lê Anh lệch khá ít so với con số được thông báo thực tế.

    Dự báo của ông Lê Anh đang thu hút chú ý lớn. Trên những nhóm chat của người Việt, cả những nhóm có nhiều bác sĩ hàng đầu Việt Nam về chống dịch, nhiều người chia sẻ về và tỏ ý khen phục ông Lê Anh. Có nhiều người nói theo dõi các con số này khiến họ phấn chấn về khả năng chống dịch của Việt Nam và yên tâm chờ đợi đến ngày hoàn toàn hết dịch.

    Doanh nhân Đỗ Cao Bảo, Ủy viên Hội đồng quản trị công ty FPT, cựu Phó Tổng giám đốc FPT, gọi ông Nguyễn Lê Anh là Giáo sư: “GS Lê Anh là người cực thông minh, cực giỏi Toán, là người thông minh nhất trong số những người Việt Nam tài giỏi mà tôi biết”.

    Ông Bảo cũng nói GS Lê Anh dự báo tổng số ca nhiễm của Việt Nam toàn mùa dịch trong khoảng 500 ca (cộng, trừ) và “Chức danh Giáo sư là tôi tự phong chứ Nhà nước không phong cho anh Lê Anh và anh ấy cũng không bao giờ làm hồ sơ xét duyệt cả”.

    Sau đây là dự báo của ông Lê Anh cho 40 ngày tiếp theo. Dự báo được tính vào 20 giờ hàng ngày. Ngày bắt đầu là 22/03/2020.

    95 108 121 134 147 160 172 183 193 202 209 215 220 223 225 225 224 221 217 212 206 200 192 184 175 166 157 147 138 129 120 111 102 94 86 78 71 64 58 52 47 42 38 33 30 26 23 20

    Tiến sĩ Nguyễn Lê Anh là cựu nghiên cứu sinh ngành toán tại Đại học Lomonosov, Liên Xô cũ. Năm nay 65 tuổi, ông Lê Anh từng là giảng viên của Học viện Kỹ thuật quân sự.

    Bằng các mô hình tính toán của mình, đầu năm 2018, ông Lê Anh đã vẽ lại đường bay và tìm ra một chiếc máy bay quân sự của Liên Xô mất tích trên đỉnh vùng núi Tam Đảo.

    Vào năm 1971, chiếc Mig-21 của Liên Xô rơi ở vùng này khi đang bay tập, cùng với một phi công người Nga và một phi công Việt Nam. Điểm rơi được xác định chỉ trong vùng cách Hà Nội 70 km, nhưng suốt gần 50 năm vẫn chưa tìm thấy dấu vết.

    Đến tháng 9/2018, từ các manh mối và chứng cứ do nhóm tìm kiếm của ông Lê Anh cung cấp, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã vào cuộc tìm kiếm lần nữa và tìm được đầy đủ xác máy bay cũng như di cốt của hai phi công tử nạn.

    Ông Lê Anh cũng dùng kiến thức toán-lý để lý giải, xác minh sự thật và tìm nguyên nhân trong những sự kiện lớn của xã hội Việt Nam như vụ đất Đồng Tâm, vụ một thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Việt Nam tự tử và ô nhiễm bụi mịn ở Hà Nội. Một lĩnh vực khác là lịch sử Việt Nam qua các thay đổi địa lý. Một trong những việc ông Lê Anh đang tìm hiểu là “xem Hai Bà Trưng đã nhìn thấy hồ Tây như thế nào”. Nói cách khác là nguyên nhân tạo ra hồ Tây.

    Theo mô tả của các giáo viên và bạn bè cùng học và làm việc trong ngành toán, ông Nguyễn Lê Anh được xem là một trong hai thần đồng toán học của Việt Nam một thời. Về tính cách, ông được tả là người có cá tính mạnh, tự tin vào kiến thức của mình và thẳng thừng trong những hành xử liên quan đến con người đến nỗi mất lòng rất nhiều người.

    Ở một góc độ khác, ông Lê Anh được những người đọc không quen biết ngoài đời yêu quý và đặc biệt đánh giá cao việc ông sử dụng kiến thức của mình để giải thích và dự báo những sự kiện rất thực tế và có giá trị với cộng đồng.

    Ông Lê Anh chia sẻ toàn bộ bài viết của mình trên trang cá nhân, để ở chế độ ai cũng có thể xem được.


    Lê Tấn

    * Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

    (RFA)

    Không có nhận xét nào