Header Ads

  • Breaking News

    Sebastian Schutte - So sánh Trump với Hitler là quá đáng. Hitler củng cố quyền lực cách nào?

    Lời người dịch: Hơn ba năm kể từ khi Donald Trump tuyên thệ nhậm chức tổng thống, nhiều người Việt ở Mỹ hoặc đang quan sát nước Mỹ từ Việt Nam vẫn còn so sánh ông với Adolf Hitler. Mới đây tìm thấy bài xã luận này của một học giả hậu tiến sĩ người Đức đăng trên tờ Washington Post chưa đầy một tháng sau khi Trump đắc cử, tôi nhận ra ngay hai điểm lôi cuốn của nó. Một, đây là những quan sát sớm, và đến nay ta đã có một khoảng thời gian tương đối dài để có cơ hội nhìn lại với ít nhiều kết luận. Và hai, đây là quan sát của một người hẳn phải có tầm hiểu biết sâu sắc về Hitler hơn hầu hết phần còn lại của nhân loại. Cách nhìn của học giả Sebastian Schutte về Hitler có lẽ làm cho ta liên tưởng tới cách mà một nhà nghiên cứu Việt Nam có thể và nên có đối với một nhân vật lịch sử nước mình là Hồ Chí Minh. Theo mô thức chiêm nghiệm này, thậm chí những hậu quả xã hội và chính trị do Đảng Cộng sản đã gây ra ở Việt Nam không chừng sẽ tìm được những sự tương đồng nơi những gì Đảng Quốc xã đã gây ra ở Đức. 
     
    Nhưng, xin lỗi, có lẽ tôi đã lạc đề! Mời bạn đọc quay về hiện thực khi đọc bài này, trong đó nhân vật được quan sát kỹ là Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.
     

    Trong cuộc tranh cử tổng thống Hoa Kỳ gần đây, một số bài xã luận đã so sánh Donald Trump với Adolf Hitler. Khi Trump thành lập đội ngũ chuyển tiếp của mình, lại có thêm một loạt bài báo khác ví chiến lược gia trưởng mới của ông, Stephen Bannon, với bộ trưởng tuyên truyền của Hitler, Josef Goebbels.

    Là một người Đức, tôi nghĩ gì về những so sánh này? Trong khi Quy tắc Godwin nói với ta rằng bất cứ cuộc thảo luận đủ dài nào cũng sẽ tạo ra một cuộc so sánh với Hitler, cuộc so sánh này cũng không thể bị bỏ qua. Dùng đến nó một cách phớt qua rõ ràng là không thích đáng, nhưng bỏ qua những dấu hiệu cảnh cáo có thật có thể dẫn đến sự lặp lại của lịch sử. Do đó, chúng ta cần xem xét kỹ hơn.

    Sự so sánh chắc chắn là miễn cưỡng nếu chúng ta xem xét cách hai người lên nắm quyền. Khác với Hitler, Trump không bao giờ cố gắng giành chính quyền bằng vũ lực; ông đã không bỏ ra một thập niên để kêu gọi bạo lực chống lại nguyên cả những dân tộc và quốc gia; và ông không nói đến việc xây dựng một đế chế bên ngoài bờ cõi Hoa Kỳ.

    Do đó, cuộc so sánh Trump-Hitler không nên là một luận cứ chính trị về ngày hôm nay. Không ai còn nhớ Hitler vì ông được bổ nhiệm làm thủ tướng năm 1933, nhưng chúng ta còn nhớ và lên án những gì ông đã làm sau đó. Vì vậy, tôi đề nghị hãy dùng lịch sử để tập trung sự chú ý của chúng ta vào những điều cụ thể mà Trump không được làm trong những năm tới.

    Dùng lịch sử làm người hướng dẫn

    Để có thể tiếp tục so sánh Trump với Hitler, chính quyền Trump sẽ phải củng cố quyền lực của mình như Đức Quốc xã đã làm kể từ năm 1933. Các chính sách của Đức Quốc xã tập trung vào việc xây dựng một đa số toàn quốc gắn bó, nhằm thống nhất người “sắc tộc” Đức chống lại người Do Thái, người nước ngoài, người đồng tính, người chỉ trích chính trị và các nhóm thiểu số khác. Sự tương đồng đương thời sẽ là Trump chủ động đặt nước Mỹ Ky-tô giáo da trắng ở thế đối đầu với các nhóm thiểu số trong những năm tới.

    Đức Quốc xã đã sử dụng ít nhất bốn công cụ để đạt được các mục tiêu của mình:

    1) Mượn dê tế thần là một thủ đoạn của Đức Quốc xã nhằm đổ lỗi cho các nhóm thiểu số vì những thất bại trong chính sách và nền kinh tế yếu kém. Trump đã đổ lỗi cho người nước ngoài và các nhóm thiểu số lấy đi việc làm và sát hại người Mỹ, nhưng chúng ta cần xem luận điệu tranh cử này có tiếp tục sau khi ông nhậm chức hay không.

    Ngoài ra, người quốc xã cuồng tín còn vẽ ra những mối liên hệ giữa những đối thủ của họ: đối với họ, người Mác-xít chủ yếu là người Do Thái, và người Do Thái thì gắn liền với giới tài phiệt, vì vậy họ cáo buộc là có một âm mưu toàn cầu chống lại người Đức “chính gốc” – sự câu kết toàn cầu Do Thái - Bolshevik (“Jüdisch-Bolschewistische Weltverschwörung”). Điều tương tự ngày hôm nay – một âm mưu ngụy tạo được gán cho những người chỉ trích, những nhóm thiểu số và các đối thủ quốc tế của Trump – sẽ là một sự tương đồng và dấu hiệu cảnh cáo rõ ràng.

    2) Đồng bộ hóa truyền thông (“Gleichschaltung”) được tiến hành trong hai bước ở nước Đức Quốc xã: mở rộng chi phối ý thức hệ trên giới truyền thông khi có thể và đóng cửa những phương tiện truyền thông nào Hitler không kiểm soát được.

    Ở Hoa Kỳ ngày nay, kiểu kiểm soát chuyên chế này hầu như là bất khả, mặc dù những nỗ lực kiểm duyệt là có thể tưởng tượng được. Trump công khai có mối quan hệ thù địch với các báo lớn như New York Times và Washington Post, và từng đe dọa có hành động pháp lý trong cuộc tranh cử.

    Vai trò của truyền thông xã hội trong cuộc bầu cử cho thấy những điểm tranh chấp có thể xảy ra trong tương lai. Một yếu tố góp phần vào chiến thắng của Trump là những lời tuyên truyền chứa một số câu không đúng sự thật nhưng nghe như thật đã làm mất uy tín của Hillary Clinton trên truyền thông xã hội.

    Facebook đã thông báo rằng họ sẽ thực hiện việc kiểm tra sự kiện (fact-checking) nhiều hơn đối với những câu chuyện thu hút đám đông. Công nghệ truyền thông đại chúng đã thay đổi đáng kể từ những năm 1930 – và Trump không có cơ sở pháp lý để đóng cửa các cơ quan truyền thông quan yếu. Nhưng những cuộc tranh tụng pháp đình giữa chính quyền của ông với giới truyền thông và các mạng xã hội sẽ là một dấu hiệu đáng ngại, và là một mối đe dọa đối với Tu chính án thứ Nhất.

    3) Những tổ chức bán quân sự cũng là một phần trong nỗ lực của Đức Quốc xã nhằm tăng cường sự gắn bó của đa số toàn quốc. Nhóm Áo Nâu (“Sturmabteilung,” gọi tắt “SA”) đã tấn công bằng bạo lực và dọa nạt các đối thủ, đáng chú ý nhất là sự kiện “Kristallnacht” vào năm 1938, khi họ tiến hành những cuộc tấn công quy mô lớn nhằm vào người Do Thái và các đối thủ chính trị.

    Cho đến nay, phản ứng của tổng thống tân cử đối với nạn bạo lực và sách nhiễu chủng tộc hậu bầu cử là lời kêu gọi “hãy dừng lại!” Trump từng từ chối sự ủng hộ của một tờ báo có liên hệ với KKK trước cuộc bầu cử, nhưng việc cựu lãnh đạo KKK David Duke cứ tiếp tục khen ngợi ông khiến nhiều người Mỹ lo ngại về tiềm năng gia tăng các hoạt động kiểu SA. Đáng báo động hơn nữa sẽ là bất cứ dấu hiệu nào cho thấy chính phủ Hoa Kỳ sẽ dung thứ bạo lực hoặc sách nhiễu chủng tộc từ các nhóm thượng tôn da trắng.

    Trong khi SA kiểm soát đường phố, Đoàn Thanh niên Hitler đi nhồi sọ thế hệ trẻ, và chính phủ buộc tất cả thanh niên Đức tham gia những hoạt động lao động (như xây đường cho hệ thống xa lộ quốc gia) từ năm 1935 trở đi.

    Người Mỹ nói chung không thích những tổ chức do chính phủ điều hành, nhưng trên lý thuyết một kịch bản có thể thành hiện thực sau năm 2016. Nếu Trump nhất quyết tái thiết hệ thống cầu đường của nước Mỹ trong khi không cho lực lượng lao động chi phí thấp của nước ngoài tham gia, thì một dịch vụ lao động được chính phủ bao cấp có thể là một cách nhằm gia tăng sự gắn kết các cử tri của ông. Một kết hợp gồm những hành vi bạo lực của các phần tử cực đoan cánh hữu được chính phủ khoan thứ và dịch vụ lao động do chính phủ kiểm soát sẽ tăng thêm sức nặng cho sự so sánh.

    4) Nhiều đạo luật khẩn cấp đã ra đời ở Đức sau sự kiện Reichstag (tòa nhà quốc hội Đức) bị đốt năm 1933. Hitler sử dụng mối đe dọa khủng bố và xâm lược từ nước ngoài để biện minh cho những chính sách chuyên chế toàn diện, bao gồm Đạo luật Kích hoạt năm 1933 (cho phép chính phủ ban hành luật mà không qua quốc hội). Tương tự, Nghị định Hỏa hoạn Reichstag năm 1933 trao cho Hitler quyền đình chỉ hầu hết các quyền chính trị và cá nhân của người Đức, trên thực tế đặt các đảng đối lập ra ngoài vòng pháp luật.

    Thay đổi Hiến pháp Hoa Kỳ để bãi bỏ các cuộc bầu cử và xóa bỏ tự do ngôn luận là điều khó có thể tưởng tượng. Hoa Kỳ có một lịch sử dân chủ không gián đoạn, trong khi Hitler đã chạm được vào nỗi luyến tiếc về thời hoàng đế Đức cuối cùng.

    Nhưng Hoa Kỳ từng áp đặt những biện pháp tương tự kể từ ngày 11 tháng 9 năm 2001. Chúng gia tăng sự giám sát của chính phủ đồng thời giới hạn cơ chế kiểm soát và cân bằng trong các việc trị an quốc nội và sử dụng lực lượng quân sự. Các tiết lộ của Snowden, chẳng hạn, cho thấy các cơ quan trong chính phủ Hoa Kỳ thường xuyên xử lý thông tin về hàng triệu người Mỹ.

    Những chiến dịch bí mật và những cuộc không kích bằng máy bay không người lái ở nhiều nước dựa trên một đạo luật của Hoa Kỳ năm 2001, Ủy quyền Sử dụng Lực lượng Quân sự Chống Khủng bố. Sẽ có lý do để lo ngại nếu Trump mở rộng chính sách trị an bí mật trong nước và leo thang chiến tranh ở nước ngoài mà không qua sự chấp thuận của quốc hội.

    Vậy sự so sánh này có hữu ích không? Tôi tin là có thể, miễn là mọi người sẵn sàng giữ cho tâm trí mình rộng mở, và cả mắt cũng như tai. Chỉ ra những điểm tương đồng trong quá khứ của Trump không phải là một luận cứ thuyết phục, vì các ưu tiên chính sách của tân tổng thống có thể hoàn toàn khác trong năm tới. Nhưng sử dụng việc so sánh giữa Hitler với Trump để xác lập những gì không nên xảy ra tiếp theo có thể là hữu ích.

    Cho dù không thực hiện bước đi rõ ràng nào từ một trong bốn kịch bản này, Trump vẫn có thể đưa ra những chính sách đáng tiếc, nhưng việc đặt nền tảng cho chế độ phát xít sẽ không nằm trong số đó.
     
    Sebastian Schutte
     
    Carl Trần chuyển ngữ
    Dịch giả gửi tới Dân Luận
     
    * Sebastian Schutte là một học giả Marie Curie trong chương trình Zukunftskolleg và Khoa Chính trị và Hành chính Công tại trường Đại học Konstanz ở Đức.

    Nguồn:Bài của Sebastian Schutte, Washington Post, ngày 22 tháng 11, 2016
     
    (Dân Luận) 

    Không có nhận xét nào