Header Ads

  • Breaking News

    Tòa quốc tế và Biển Đông: Việt Nam ‘tiến gần hơn lựa chọn pháp lý’

    Chính phủ Việt Nam hiện nay, về mặt phát ngôn chính thức, hầu như không nói về việc sử dụng biện pháp pháp lý để giải quyết các tranh chấp liên quan với Trung Quốc.

    Việt Nam cho rằng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam
    Tuy nhiên, ở góc độ học thuật, không ít hội thảo tổ chức ở Việt Nam đã từng đề cập trước mắt Việt Nam cần nghiên cứu các thủ tục pháp lý về khởi kiện ra Tòa trọng tài quốc tế về Luật Biển, được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước 1982.

    Với các diễn biến tiếp tục phức tạp ở Biển Đông năm 2020, liệu Tòa trọng tài quốc tế về luật biển có phải là lựa chọn gần hơn của Việt Nam?

    BBC đặt câu hỏi cho một số chuyên gia đang sống ở Việt Nam.

    Tiến sỹ Trần Công Trục: Theo cảm nhận của tôi, vấn đề đưa ra các cơ quan tài phán quốc tế là một câu chuyện, một khả năng có thật, chứ không phải là một điều mà chỉ nói để mà nói về mặt ngoại giao. Bởi vì rõ ràng Việt Nam đã tuyên bố là giải quyết các bất đồng, tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trong đó có cái này, không loại trừ khả năng đưa ra cơ quan tài phán quốc tế.

    Và việc Việt Nam gửi công hàm cho LHQ thì chỉ là một bước mới trong quá trình đấu tranh đó và chắc chắn nếu như Trung Quốc cứ tiếp tục vi phạm, bất chấp luật pháp quốc tế và không chú ý các thỏa thuận của các nước có liên quan trong khu vực và Trung Quốc, thì chắc chắn Việt Nam phải tính đến con đường là đưa ra tài phán quốc tế.

    Và điều đó cũng rất bình thường trong quan hệ quốc tế hiện nay, bởi vì luật pháp quốc tế và các cơ quan tài phán quốc tế, để giải quyết một cách ổn thỏa, phải đưa ra để phân biệt rõ trắng đen.

    Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng: Điều này thì nói thật, Việt Nam đã chuẩn bị từ lâu rồi, không phải chờ cho đến động thái này.

    Vấn đề là Việt Nam luôn luôn phải tính tới các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hoà. Lãnh đạo Trung Quốc biết khá rõ dân Việt Nam nghĩ gì về Trung Quốc và lãnh đạo Trung Quốc.

    Tuy nhiên kiện Trung Quốc là cả một việc rất hệ trọng.

    Có lẽ phải có một tư duy mới, tư duy đột phá trong lãnh đạo, đồng thời phải chuẩn bị công phu về chuyên môn, về nghiệp vụ, và phải có tiền.

    Bất cứ vụ kiện quốc tế nào cũng kéo theo những rắc rối và tốn kém.

    Kinh tế Việt Nam sau mùa Covid-19 có lẽ phải gượng dậy đã, rồi mới tính đến những chuyện lớn này được.

    Chính thế, dùng binh không được thì pháp lý quốc tế là lối ra không phải là duy nhất nhưng là khả dĩ nhất trong môi trường quốc tế và quốc nội hiện nay.

    Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp: Việt Nam tuyên bố năm 2019, rằng sẽ sử dụng biện pháp pháp lý, nếu việc áp dụng các biện pháp khác không có tiến bộ.

    Công hàm lần này cho thấy Việt Nam đang tiến dần tới biện pháp pháp lý. Dùng biện pháp pháp lý có nhiều cách: dùng một cơ quan tài phán quốc tế, một tòa án quốc tế...

    Phó Giáo sư Hoàng Ngọc Giao: Tôi tin rằng điều này đã được thể hiện trong một Hội thảo Quốc tế tại Hà Nội hồi cuối năm 2019, Hội thảo Quốc tế về Biển Đông, trong đó, Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng nêu rất rõ các cơ chế giải quyết tranh chấp bằng hòa bình thì luật pháp quốc tế cho phép nhiều công cụ.

    Công cụ là thông qua LHQ, công cụ là thông qua các cơ quan tài phán quốc tế và Việt Nam sẽ lựa chọn những công cụ cần thiết trong thời điểm cần thiết.

    Tôi đánh giá đây là một giai đoạn mới trong bước tiếp theo của công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam.

    Những bước tiếp theo, còn tùy vào diễn biến bối cảnh chính trị quốc tế, ở trong khu vực và đặc biệt là thái độ của Trung Quốc nữa, thì đây là một nền tảng ban đầu để Việt Nam tự tin hơn trong việc khởi kiện Trung Quốc ra cơ quan tài phán quốc tế.

    Được, mất sẽ thế nào?

    BBC: Câu hỏi cuối cùng, nếu khởi kiện, chẳng hạn hiện nay hay ngay tới đây, thì Việt Nam có thể được, mất gì và Trung Quốc thì sao?

    Tiến sỹ Trần Công Trục: Tôi nghĩ rằng nếu khởi kiện đúng thủ tục pháp lý, đúng nội dung cần thiết, để tòa có thể ra phán quyết, thì chắc chắn là với lập trường và với quan điểm của Việt Nam từ trước đến nay đưa ra, thì chắc chắn sẽ thu được thắng lợi và có lợi cho Việt Nam về mặt pháp lý.

    Theo tôi đánh giá chủ quan thì đó là điều rất rõ.

    Tất nhiên là việc đưa ra đó có tính đến rất nhiều các yếu tố, nhất là phán quyết của tòa đã tuyên, bởi vì hiện nay cơ chế thi hành án chưa có, cho nên có thể chỉ là nằm trên giấy thôi, chứ trong thực tế không thi hành được.

    Việt Nam và các nước khác phải tính đến để khi đưa vấn đề kiện ra thì nó có hiệu quả nhất, có hiệu lực thi hành nhất và có ý nghĩa nhất không những về mặt pháp lý mà về cả chính trị, ngoại giao và kinh tế.

    Với Trung Quốc, tất nhiên khi vụ kiện đưa ra, phán quyết bất lợi cho Trung Quốc, thì phía Trung Quốc sẽ bị lên án.

    Bởi vì với luật pháp quốc tế, người ta thấy rõ bản chất thực sự của phía Trung Quốc, yêu sách thực sự của Trung Quốc là gì, tham vọng ra sao, và cái đó rất bất lợi cho họ về mặt pháp lý, chính trị và ngoại giao.

    Quốc tế sẽ thấy rõ sự vô lý của Trung Quốc, đặc biệt việc bất chấp luật pháp quốc tế, điều đó về mặt chính trị, ngoại giao và pháp lý, Trung Quốc rất bất lợi.

    Nhưng có một điều là có thể không thi hành được, vì bản án có đưa ra, cơ chế thi hành án lại không có mà Trung Quốc còn có thể lợi dụng vị thế họ là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an của LHQ nữa.

    Hình chụp ngày 19/1/2017, khi diễn ra một cuộc tuần hành kỷ niệm sự kiện 1974 của người dân ở Hà Nội
    Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng: Việt Nam được gì nếu khởi kiện Trung Quốc?

    Điều trước tiên là được lòng dân. Lòng dân rất bức xúc vì họ không phải là chính khách, họ không hiểu hết thế tiến thoái lưỡng nan của nhà lãnh đạo.

    Thậm chí nếu cứ để dân oán thán mãi thì lãnh đạo sẽ mất tính chính danh.

    Động thái này có thể phần nào làm an dân.

    Một hiệu ứng khác của vụ kiện là nhân dân sẽ tin tưởng hơn ở chính quyền.

    Hiểu rằng, chính quyền sẽ dám có những hành động tương thích, một khi Trung Quốc vượt quá giới hạn.

    Không chỉ dân mình mà còn đc lòng bè bạn, Bè bạn đây theo nghĩa rộng, nghĩa chiến lược, chứ không phải bạn như thời “hai phe bốn mâu thuẫn”. Thế giới sẽ thấy đường lối của Vn là rõ ràng và minh bạch, khác với những chính khách “Judas phản Chúa” trong cộng đồng ASEAN.

    Khởi kiện Việt Nam sẽ có cơ hội làm sáng tỏ chính nghĩa. Có chính nghĩa thì mới cơ hội để vận động dư luận quốc tế tiếp tục ủng hộ. Đưa vụ việc ra trước một cơ quan tài phán quốc tế, đấu tranh để đạt được một giải pháp hoà bình, phù hợp với xu thế thời đại.

    Dù có gặp rắc rối trong quan hệ với Trung Quốc thì vẫn tốt hơn nhiều là phải chấp nhận một cuộc xung đột vũ trang.

    Kiện Trung Quốc, Việt Nam sẽ đạt được một ứng xử mới với Trung Quốc. Việc kiện diễn ra trong thời gian dài sẽ đặt lại mối quan hệ giữa hai nước, các khẩu hiệu “viển vông” sẽ không có cơ hội tồn tại, và tất cả đều diễn ra trong hòa bình.

    Khi chọn một vị thế rõ ràng hơn với Trung Quốc, Việt Nam sẽ có được sự hậu thuẫn lớn hơn của thế giới văn minh. Việt Nam có cơ hội thoát khỏi ảnh hưởng về kinh tế, chính trị của Trung Quốc, điều mà việc đeo bám đàm phán hay sự đứt gãy của chiến tranh không thể mang lại được.

    Còn Trung Quốc mất gì?

    Trung Quốc chắc chắn sẽ mất nhiều hơn Việt Nam. Một trong những mất trước mắt là Trung Quốc vốn không có bạn bè trên thế giới, nay với một vụ kiện về Biển Đông thì các nước ASEAN, trừ những chính khách đã “ngâm miệng ăn tiền” của Trung Quốc, sẽ thấy, sau Việt Nam, đến lượt mình Trung Quốc cũng sẽ không tha.

    Nhưng mất mát lớn nhất của Trung Quốc là sẽ để ảnh hưởng trực tiếp đến sáng kiến Vành đai Con đường. Nước nào sẽ tin Trung Quốc, sau khi châu Phi, Italy đã sập tiệm vì tham gia BRI?

    Trung Quốc phải biết rằng, khuất phục một người bằng sức mạnh đã khó, khuất phục một dân tộc bằng sức mạnh là điều không thể. Vì vậy, chính vì “đại cục” của Trung Quốc, Trung Quốc trước sau cũng phải chấp nhận đi vào giải pháp.

    Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp: Chính phủ Việt Nam hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng rằng việc sử dụng biện pháp pháp lý (ví dụ khởi kiện), Việt Nam sẽ nhận được sự ủng hộ của các nước và các tổ chức tư pháp quốc tế, và nhận được phân xử hay phán quyết cho phép Việt Nam khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông.

    Việt Nam, một thành viên của LHQ, đương nhiên tuân thủ mọi phân xử và phán quyết của các cơ quan tài phán, tòa án liên quan của LHQ.

    Việt Nam cũng mong muốn Trung Quốc tuân thủ các phán quyết, phân xử đã có, và sẽ có tới đây. Như thế mọi bên đều cùng được, mà không bên nào mất.

    Phó Giáo sư Hoàng Ngọc Giao: Có lẽ tôi tin rằng rất nhiều chuyên gia sẽ đồng tình với ý kiến của tôi rằng khởi kiện, Việt Nam sẽ được nhiều.

    Cái được thứ nhất là chứng minh với quốc tế về mặt pháp lý là chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cũng như là đối với Biển Đông về quyền chủ quyền được khẳng định và nó làm rõ đúng, sai trước công luận quốc tế.

    Cái thứ hai, có thể nó có khó khăn trong câu chuyện chuẩn bị hồ sơ và tiến hành các thủ tục tố tụng để mà khởi kiện ra cơ quan tài phán quốc tế, tuy nhiên theo tôi đây là những vấn đề kỹ thuật, với căn cứ lịch sử, pháp lý với sự chính nghĩa của Việt Nam, thì những vấn đề, khó khăn này chắc sẽ vượt qua được.

    Và việc cái được lợi nữa đó là chứng minh cho tính chính nghĩa của Việt Nam và nó góp phần củng cố thêm lập trường và khả năng của Việt Nam.

    Có thể trong tương lai, tùy theo tương quan lực lượng và ở những mức độ nhất định, để bảo vệ trên thực tế, tại thực địa, những quyền chủ quyền của mình, ví dụ như Cảnh sát Biển của Việt Nam thực thi quyền hạn của mình ở các vùng biển thuộc quyền chủ quyền của mình như đặc quyền kinh tế, quyền khai thác dầu khí và tài nguyên v.v… và v.v…, thì Việt Nam sẽ tự tin hơn để thực hiện những quyền đó.

    Còn về phía Trung Quốc nếu như bị kiện, thì chúng ta thấy qua tiền lệ của Philippines kiện Trung Quốc, sau khi phán quyết ra, thì Trung Quốc rất lo ngại.

    Khi mà Việt Nam khởi kiện Trung Quốc, chắc chắn Trung Quốc đối lại với Việt Nam sẽ rất mạnh mẽ cả về mặt kinh tế, cũng như là về mặt chính trị, nhưng tôi tin rằng lãnh đạo Việt Nam có đủ bản lĩnh và với sự ủng hộ của nhân dân Việt Nam, chắc chắn sẽ vượt qua sức ép cũng như phản ứng về mặt kinh tế, quân sự cũng như là chính trị của Trung Quốc đối với lãnh đạo Việt Nam.

    (BBC)

    Không có nhận xét nào