Header Ads

  • Breaking News

    Việt Nam: Bí quyết thành công của một chiến lược chống dịch “chi phí thấp”

    Hà Nội vắng bóng người vì lệnh phong tỏa chống Covid-19. Ảnh ngày 27/03/2020.
    Là nước có hơn một ngàn cây số đường biên giới với Trung Quốc, nơi xuất phát dịch Covid-19 với con virus corona độc hại tỏa ra khắp thế giới đã khiến gần 2 triệu người bị nhiễm và gần 120.000 người thiệt mạng tính đến sáng 14/04/2020 (theo thống kê của Đại Học Mỹ Johns Hopkins), Việt Nam đã tạo ngạc nhiên không ít vì là nơi mà dịch bệnh chỉ tác hại nhẹ, với 265 ca nhiễm và không một ca tử vong (theo thống kê của bộ Y Tế Việt Nam).

    Do đâu mà Việt Nam thành công chống dịch, trong khi mà hệ thống y tế không tốt bằng các nước như Pháp, Anh, Mỹ, phương tiện tài chánh lại hạn hẹp so với các nước đã phát triển ? Từ khi dịch bệnh bùng lên, câu hỏi này đã thường xuyên được giới quan sát ở phương Tây đặt ra, với nhiều cách trả lời khác nhau.

    Trong bài viết được báo mạng Pháp chuyên về châu Á Asialyst công bố hôm 11/04, chuyên gia Pháp Jean-Raphaël Chaponnière đã không ngần ngại xem Việt Nam là một ví dụ thành công của môt chiến lược chống dịch “chi phí thấp”, mượn lại thuật ngữ kinh tế “low cost”, và đã nêu lên một số yếu tố được ông cho là bí quyết giúp Việt Nam chống dịch có hiệu quả.

    Ghi nhận trước tiên của chuyên gia Pháp là các số liệu mà chính quyền Việt Nam công bố ít bị nghi ngờ hơn so với các con số về dịch bệnh mà nước láng giềng Trung Quốc đưa ra, cho dù quy mô dịch bệnh tại Việt Nam thấp một cách đáng ngạc nhiên khi ta biết rằng đất nước có 96 triệu dân này không đầu tư nhiều vào y tế.

    Một ví dụ là tại thành phố Hồ Chí Minh, chỉ có 900 giường bệnh được trang bị các phương tiện điều trị đặc biệt, với tỷ lệ chỉ là 1 giường bệnh cho mỗi 9.000 dân.

    Giải thích về quy mô hạn chế của dịch Covid-19 tại Việt Nam, chuyên gia Chaponnière nêu bật vai trò năng động của chính quyền, đã lập tức có phản ứng quyết liệt ngay khi có những ca đầu tiên ở Vũ Hán.

    Trên vấn đề này, chuyên gia Pháp nhắc lại rằng Việt Nam đã rút tỉa tốt bài học từ dịch Sars vào năm 2003, nhanh chóng cách ly tất cả những ai nhiễm bệnh, qua đó ngăn chặn được dịch bệnh. Thành công của Việt Nam khi ấy đã được một bài báo khoa học nêu thành điển hình.

    Lần này cũng thế. Ngay khi dịch bệnh bùng lên ở Vũ Hán vào tháng 12 năm 2019, và ca đầu tiên nhập vào Việt Nam hôm 23/01/2020, Việt Nam đã bất chấp Trung Quốc và đã quyết định đình chỉ tất cả các chuyến bay giữa Việt Nam và Trung Quốc từ ngày 01/02. Các trường học không mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ Tết và biên giới trên bộ với Trung Quốc cũng bị đóng.

    Theo ông Chaponnière, 30 năm chiến tranh (1945-1975) cũng rèn luyện khả năng huy động xã hội Việt Nam. Sinh viên y khoa, bác sĩ và y tá đã nghỉ hưu đã được Nhà nước kêu gọi tham gia chống dịch. coronavirus.

    Trong cuộc chiến chống Covid-19, Việt Nam đã ưu tiên cho một chiến lược “chi phí thấp”, bằng cách truy tìm một cách có hệ thống những ai đã tiếp xúc với bệnh nhân bị phát hiện cho đến lớp thứ 4. Tất cả những người này đều bị cách ly.

    Chính quyền Việt Nam đã có thể dễ dàng thực hiện chiến lược này nhờ vào cách tổ chức và giám sát xã hội, trên nền tảng các tổ dân phố, gồm khoảng 200 dân, đứng đầu là một tổ trưởng. Vai trò của những người này, thường đã cao niên, không chỉ là theo dõi cộng đồng nơi họ sống, cảnh báo về những nguy cơ, mà còn là khuyên nhủ và làm trung gian hòa giải.

    Theo ông Chaponnière, hệ thống nói trên không phải là sản phẩm của chế độ Cộng Sản, mà nằm trong khuôn khổ quan điểm Khổng Giáo về quan hệ giữa cá nhân và tập thể, với cách vận hành đã được đảng Cộng Sản Việt Nam “hấp thụ”.

    Vào ngày 12 tháng 2, khi đã có 10 ca nhiễm Covid-19 được xác nhận, tình trạng của những người đến từ Vũ Hán đã biện minh cho việc phong tỏa cả một thị trấn 10.000 dân ở tỉnh Vĩnh Phúc, phía bắc Hà Nội, trong ba tuần.

    Đến giữa tháng Ba, vào lúc Việt Nam chỉ mới ghi nhận chính thức 16 bênh nhân Covid-19, một phụ nữ Việt Nam trở về từ châu Âu đã thành nguồn lây nhiễm cho khoảng 20 người. Cô đã trở thành nạn nhân của cả một chiến dịch đả kích trên mạng xã hội vì coi nhẹ các biện pháp của chính quyền.

    Xuất hiện tại một bệnh viện ở trung tâm Hà Nội, làn sóng lây nhiễm thứ hai này đã dẫn đến việc áp đặt những biện pháp phong tỏa, ảnh hưởng đến các khu vực kinh tế phi chính thức. Tuy nhiên, các biện pháp phong tỏa ở Việt Nam không thấm vào đâu so với những gì được áp đặt ở Ấn Độ chẳng hạn, nơi dịch bệnh đã lan truyền đến tận các vùng nông thôn.

    Nhìn chung, trong khi Việt Nam nằm trong số quốc gia đầu tiên bị ảnh hưởng sau Trung Quốc, tỷ lệ lây nhiễm ở Việt Nam lại thấp hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Từ ngày 23/01 đến ngày 25/02, đà tăng về số lượng các ca nhiễm tương đương với Mỹ, Anh và Đức. Nhưng từ cuối tháng Hai đến ngày 05/03, tình hình vẫn được kiểm soát tốt, cũng như sau đợt xuất hiện thứ hai của virus kể từ ngày 12/03.

    (RFI)

    Không có nhận xét nào