Header Ads

  • Breaking News

    COVID-19 làm tăng rủi ro xung đột tại Biển Đông

    Mỹ và Trung Quốc đang sử dụng quân đội của họ để phát đi tín hiệu rằng trong đại dịch COVID-19, sẽ không bên nào lơ là cảnh giác ở Đài Loan và Biển Đông.
    COVID-19 làm tăng rủi ro xung đột tại Biển Đông
    Ngay sau khi Phó tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức thăm Mỹ vào đầu tháng 2/2020, máy bay quân sự Trung Quốc đã bay qua đường phân giới ở eo biển Đài Loan xâm nhập không phận Đài Loan trong hai ngày liên tiếp. Những cuộc xâm nhập này có sự tham gia của máy bay ném bom H-6, máy bay chiến đấu J-11 và máy bay cảnh báo sớm KJ-500 của Trung Quốc. Đài Loan đã phản ứng bằng cách triển khai máy bay chiến đấu F-16 bám sát và đuổi máy bay của Trung Quốc ra khỏi không phận Đài Loan. Ngày 19/3, cả hai tàu khu trục USS Barry (DDG 52) và USS Shiloh (CG 67) cùng phóng tên lửa SM-2 trong cuộc tập trận bắn đạn thật ở biển Philippines. Một số nhà phân tích quân sự của Trung Quốc cho rằng cuộc tập trận này là một lời cảnh báo bất thường đối với Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA).

    Sau đó, ngày 25/3, tàu khu trục USS McCampbell (DDG 25) đã đi qua eo biển Đài Loan – đây là lần thứ ba một tàu chiến Mỹ đi qua eo biển này trong năm 2020. Phản ứng trước vụ việc này, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc gọi hành động của Mỹ là “vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế về quyền tự do hàng hải”.

    Theo Bộ Quốc phòng Đài Loan, sau khi tàu USS McCampbell đi qua eo biển Đài Loan, hòn đảo này đã tổ chức các cuộc tập trận quy mô lớn nhằm ngăn chặn một cuộc xâm nhập trên không toàn lực của Trung Quốc. Ngày 24/3, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn nói thêm rằng các lực lượng vũ trang của Đài Loan đang cảnh giác hơn bao giờ hết. Mặc dù từng hành động quân sự đơn lẻ của Trung Quốc, Mỹ và Đài Loan là không đáng chú ý, nhưng khi cùng diễn ra, chúng phát đi tín hiệu mà một nhà phân tích gọi là “trạng thái chứng tỏ dịch COVID-19 không ảnh hưởng đến tinh thần sẵn sàng chiến đấu”.

    Ngoài Đài Loan, các nhà phân tích an ninh cho rằng Trung Quốc có thể đang nắm bắt lợi thế từ COVID-19 ở Biển Đông. Có tin Trung Quốc đã đạt được những bước phát triển ở cả các cơ sở nghiên cứu mới lẫn hoạt động khai thác tài nguyên tại Biển Đông kể từ khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát. Ngày 20/3, truyền thông Trung Quốc đưa tin Trung Quốc đã khánh thành 2 trạm nghiên cứu mới trên các cấu trúc địa hình mà nước này chiếm đóng ở quần đảo Trường Sa. Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc sẽ điều hành 2 cơ sở này trên đá Chữ Thập và đá Subi để thực hiện các hoạt động nghiên cứu thực địa về “sinh thái vùng biển sâu, địa chất, môi trường, khoa học vật liệu và năng lượng biển”. Tờ International Business Times nhấn mạnh rằng những hoạt động được cho là vì mục đích khoa học dân sự của Trung Quốc diễn ra khi phần còn lại của thế giới đang bị phân tâm bởi COVID-19. Sau đó, ngày 26/3, Bộ Tài nguyên Trung Quốc tuyên bố rằng lượng khí đốt tự nhiên mà họ khai thác và sản xuất được trong một ngày ở Biển Đông đã đạt mức cao kỷ lục. Quá trình sản xuất diễn ra từ ngày 17/2 đến ngày 18/3, khi COVID-19 bắt đầu lan nhanh trên toàn thế giới.

    Xung quanh Biển Đông, hai nước Đông Nam Á đối địch cùng tuyên bố chủ quyền là Malaysia và Philippines đang dồn sức vào việc thực thi các biện pháp cách ly bắt buộc. Trước đó, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã phải tự cách ly để phòng dịch, và gần đây, Tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Philippines cũng mới bình phục sau khi bị xét nghiệm dương tính với COVID-19. Việt Nam và Indonesia cũng đang thực hiện các biện pháp nhằm hạn chế virus này lây lan.

    Tuy nhiên, hiện nay, các hoạt động của Hải quân Trung Quốc ở Biển Đông dường như không quá nhộn nhịp. Một số bài viết suy đoán rằng một nền kinh tế đang giảm tốc và quân đội bị ảnh hưởng bởi COVID-19 có thể buộc Trung Quốc phải giảm bớt những tham vọng trên biển của họ ở Biển Đông.

    Bất chấp những khó khăn này, Bắc Kinh vẫn đang tìm cách phô trương hình ảnh về sức mạnh của quân đội. Truyền thông Trung Quốc đưa tin các tàu nổi, tàu ngầm và máy bay chiến đấu của Hải quân PLA đã thực hiện các cuộc tập trận sẵn sàng chiến đấu ở Biển Đông hồi cuối tháng 3. Ngày 24/3, tờ Thời báo Hoàn Cầu, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tuyên bố rằng tàu sân bay CNS Liêu Ninh (CV 16) của Trung Quốc đang tiến hành tập trận với máy bay chiến đấu giữa dịch COVID-19. Tờ báo này cho biết thêm rằng hoạt động huấn luyện sẵn sàng chiến đấu sẽ không dừng lại ngay giữa đợt dịch COVID-19.

    Tuy nhiên, có lý do để nghi ngờ cách Bắc Kinh tuyên truyền về tinh thần sẵn sàng của họ. Bài viết của Thời báo Hoàn Cầu đăng kèm một bức ảnh từ tháng 4/2018 và nói rằng các cuộc tập trận này diễn ra hồi đầu mùa Xuân ở eo biển Bột Hải, mà một vài tờ báo đã hiểu nhầm và đưa tin sai rằng nó được tiến hành ở Biển Đông. Tàu sân bay neo đậu ở cảng Thanh Đảo, phía Đông Bắc Trung Quốc, thuộc biển Bột Hải, cách Biển Đông gần 1.500 hải lý. Bài viết hôm 24/3 của Thời báo Hoàn Cầu cũng đưa tin không có ca mắc COVID-19 nào trên tàu sân bay mới CNS Sơn Đông (CV 17) đóng ở Biển Đông trong ngày 17/2. PLA khẳng định không một ai trong lực lượng quân đội quy mô 2 triệu người của họ mắc COVID-19, một điều thật khó tin giống như số lượng người dân thường mắc COVID-19 được công bố thấp hơn thực tế. Do đó, vẫn chưa thể đánh giá tác động thực sự của COVID-19 đối với hai tàu sân bay của Trung Quốc và Hải quân PLA.

    Trái lại, COVID-19 đã có tác động đáng kể và công khai đến ít nhất một trong các tàu sân bay của Hải quân Mỹ ở Tây Thái Bình Dương. Ngày 31/3, tờ San Francisco Chronicle đã đăng bức thư của thuyền trưởng tàu sân bay USS Theodore Roosevelt (CVN 71) Brett Crozier gửi cho giới lãnh đạo quân đội đề nghị tăng thêm hỗ trợ để kiểm soát sự bùng phát của COVID-19 trong đoàn thủy thủ hơn 4.800 người của tàu này. Ông Crozier đã so sánh tình hình trên tàu của mình với tình trạng bùng phát COVID-19 trên du thuyền Diamond Princess và viết: “Chúng ta không tham chiến, các thủy thủ không cần phải hy sinh. Nếu chúng ta không hành động ngay bây giờ, chúng ta sẽ không thể bảo vệ tài sản đáng tin cậy nhất của mình đó là các thủy thủ”. Trước khi dịch bệnh bùng phát, nhóm tác chiến tàu sân bay Theodore Roosevelt đang thực hiện các hoạt động chung ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

    Ngày 1/4, Quyền Bộ trưởng Hải quân Thomas Modly phát biểu: “Thực tế rằng việc thuyền trưởng Crozier gửi bức thư đó cho cấp trên để bày tỏ những quan ngại của ông chắc chắn sẽ không dẫn đến bất kỳ kiểu trả đũa nào”. Tuy nhiên, ngày 2/4, Quyền Bộ trưởng Modly đã sa thải Crozier vì thái độ hoảng loạn khi phải chịu sức ép và chặn trước không để Tổng thống Trump “can thiệp với lý do Hải quân không quyết đoán”. Sau đó, trong một bài phát biểu trước các thủy thủ của tàu sân bay này vào ngày 6/4, mà cũng nhanh chóng xuất hiện trên truyền thông, Quyền Bộ trưởng phát biểu rằng thuyền trưởng Crozier quá ngây thơ hoặc quá ngu ngốc đến mức không thể giữ vị trí chỉ huy nếu ông ấy tin rằng bức thư của mình sẽ không bị rò rỉ. Hiện vẫn chưa rõ ai tiết lộ bức thư của Thuyền trưởng Crozier, Tổng thống Donald Trump nói ông ủng hộ quyết định sa thải thuyền trưởng Crozier, tuyên bố rằng: “Tôi đoán thuyền trưởng đã cho tàu dừng ở Việt Nam và các thủy thủ đã xuống tàu ở Việt Nam. Có lẽ ông ấy không nên làm vậy khi đang có dịch bệnh hoặc điều gì trông có vẻ như vậy”. Sau đó, ngày 7/4, Modly đã từ chức vì những phát biểu của ông với đoàn thủy thủ tàu Theodore Roosevelt và cách xử lý kém cỏi khi ứng phó với dịch COVID-19.

    Ngày 5/3, tàu Theodore Roosevelt đã thăm cảng Đà Nẵng, Việt Nam trong 5 ngày. Đây là một chuyến thăm cảng có ý nghĩa quan trọng về ngoại giao, trong khuôn khổ kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ. Nó cũng phục vụ cho một mục đích chiến lược, nhấn mạnh sự hiện diện liên tục của Hải quân Mỹ ở Biển Đông vào thời điểm quan hệ của họ với quân đội Philippines có xung đột. Tham mưu trưởng Hải quân, Đô đốc Michael Gilday nói rằng ở Việt Nam chỉ có 16 ca dương tính COVID-19 khi tàu Theodore Roosevelt cập cảng, và Tư lệnh Bộ chỉ huy Mỹ tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Đô đốc Philip Davidson đã đưa ra một quyết định dù biết rõ là có rủi ro là cho phép chuyến thăm cảng này. Vào thời điểm đó, tất cả các ca mắc COVID-19 của Việt Nam đều ở Hà Nội, không có ca nào được báo cáo ở Đà Nẵng. Ngày 9/3, khi tàu Theodore Roosevelt hoàn thành chuyến thăm cảng Việt Nam, thì Tổng thống Trump vẫn đổ lỗi cho truyền thông tin giả và đảng Dân chủ về việc tìm cách kích động tình hình COVID-19.

    15 ngày sau khi rời khỏi Đà Nẵng, 3 thủy thủ trên tàu Theodore Roosevelt đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Trong các hoạt động thường xuyên, các thủy thủ được điều đến điều đi tàu sân bay, do vậy không rõ virus đã lan lên tàu từ Việt Nam, trong quá trình tiếp tế hay quá trình vận chuyển quân bằng máy bay - một khả năng mà cựu quyền Bộ trưởng Modly đã nêu ra.

    Tính đến ngày 7/4, đã có 230 thủy thủ tàu Theodore Roosevelt có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, trong số đó chưa có thủy thủ nào cần nhập viện. Thuyền trưởng Crozier cũng có kết quả dương tính, nhưng không phải từ trước khi hàng nghìn thủy thủ tàu Theodore Roosevelt reo hò tên ông khi ông rời tàu lần cuối cùng. Tàu sân bay USS Ronald Reagan (CVN 76) neo đậu ở cảng Yokosuka, Nhật Bản, cũng đã có ít nhất 2 thủy thủ dương tính với SARS-CoV-2.

    Việc cách chức Thuyền trưởng Crozier đã làm dấy lên một vài quan ngại đối với các hoạt động của Hải quân Mỹ. Một trong số đó là việc các sĩ quan chỉ huy sẽ dè dặt hơn khi nêu ra các vấn đề mang tính hệ thống trong tương lai do văn hóa “bắn người đưa tin” - điều đã góp phần vào những thiếu sót về đào tạo và chuẩn bị, vốn là nguyên nhân gây ra vụ va chạm đặc biệt nghiêm trọng giữa tàu USS Fitzgerald (DDG 62) và USS John S. McCain (DDG 56) ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vào năm 2017. Phó đô đốc Mỹ đã nghỉ hưu William Douglas Crowder, từng là Tư lệnh Hạm đội số 7 kiêm Phó Tham mưu trưởng hải quân, cho biết ông lo ngại về tín hiệu mà tàu sân bay gặp nạn đã gửi tới Trung Quốc, Triều Tiên và Nga. Chia sẻ với tờ New York Times, ông nói: “Họ đã tính toán sai về khả năng phản ứng của chúng ta”. Quan ngại này dường như hoàn toàn có cơ sở, khi vào ngày 3/4, truyền thông Trung Quốc đưa tin rằng “sự bùng phát của dịch COVID-19 đã làm suy giảm đáng kể khả năng triển khai tàu chiến của Hải quân Mỹ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương”.

    Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cũng đã bày tỏ phản đối việc cách chức Thuyền trưởng Crozier thông qua tờ Thời báo Hoàn cầu. Trong bài viết ngày 3/4, Tổng biên tập tờ báo này Hồ Tích Tiến đã viết: “Theo quan điểm của chúng tôi, Crozier còn sáng suốt hơn các quan chức Lầu Năm Góc”. ĐCSTQ rõ ràng muốn Hải quân Mỹ tuân thủ khuyến cáo “ở nhà chống dịch”. Ông Hồ Tích Tiến cũng so sánh Thuyền trưởng Crozier với “liệt sĩ” bác sĩ Lý Văn Lượng - người đã cảnh báo về sự lan truyền của virus corona chủng mới ở Vũ Hán trong giai đoạn đầu của dịch bệnh, sau đó đã qua đời vì COVID-19; ĐCSTQ đã trao tặng danh hiệu liệt sĩ cao quý nhất cho bác sĩ Lý Văn Lượng. ĐCSTQ cũng đã và đang tiến hành chiến dịch tuyên truyền phối hợp nhằm định hình lại câu chuyện về COVID-19 và nguồn gốc Vũ Hán của đại dịch này, cùng với đó là hành vi cố tình bỏ sót số lượng lớn các ca bệnh và tử vong vì COVID-19 ở Trung Quốc khi khai báo số liệu.

    Trong thời kỳ thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội và ở nhà chống dịch, các đội tàu hải quân trên toàn thế giới đang bị giới hạn trong không gian hẹp và phải xa nhà. Các nhà hoạch định chính sách và chỉ huy quân sự trên khắp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ phải quyết định xem liệu những lợi ích chiến lược của các hoạt động hải quân có xứng đáng với nguy cơ COVID-19 lây lan nhanh chóng giữa các thuyền viên hay không. Như người ta thường nói, “con tàu neo đậu ở cảng thì an toàn, nhưng đó không phải là nhiệm vụ của một con tàu”.

    Thông tin về các vụ va chạm trên biển khác

    Ngày 30/3, một tàu khu trục của Nhật Bản đã va chạm với một tàu cá Trung Quốc ở biển Hoa Đông. Vụ va chạm đã để lại một lỗ hổng dài hơn 90 cm, rộng 15 cm ở mạn trái tàu JS Shimakaze (DDG 172). Tàu này vẫn tiếp tục hoạt động và không có thương tích xảy ra trên tàu. Một trong số 13 thuyền viên trên tàu cá Trung Quốc cho biết đã bị đau lưng nhẹ sau vụ việc. Vụ va chạm xảy ra trong khu vực giữa Thượng Hải và đảo Yakushima của Nhật Bản - nằm rất xa về phía Bắc so với các đảo bị tranh chấp (mà Nhật Bản gọi là Senkaku còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) ở biển Hoa Đông.

    Ngày 2/4, có tin một tàu của Cảnh sát biển Trung Quốc đã đâm và đánh chìm một tàu cá của Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông. Trung Quốc đã bắt giữ và sau đó đã trả tự do cho 8 ngư dân Việt Nam trên con tàu bị chìm. Cả Việt Nam và Trung Quốc đều khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa. Trong vụ việc, Cảnh sát biển Trung Quốc bị cáo buộc đã bắt giữ và kéo ít nhất 2 tàu cá khác của Việt Nam tới đảo Phú Lâm hiện do Trung Quốc kiểm soát. Chính phủ Việt Nam đã chính thức trao công hàm phản đối với Chính phủ Trung Quốc sau vụ việc, nhưng Cảnh sát biển Trung Quốc trả lời rằng các tàu của Việt Nam đã đánh bắt cá bất hợp pháp trong vùng biển của Trung Quốc. Đây là lần thứ hai trong vòng chưa đầy một năm, một tàu Trung Quốc đánh chìm một tàu cá Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa. Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ quan ngại sâu sắc trước vụ việc, kêu gọi Trung Quốc ủng hộ “các nỗ lực quốc tế nhằm chống lại đại dịch toàn cầu, và ngừng lợi dụng sự mất tập trung hoặc dễ bị tổn thương của các nước khác để mở rộng các tuyên bố chủ quyền phi pháp của mình ở Biển Đông”. Tờ New York Times cho biết lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc cũng đang tăng cường bảo vệ các tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép trong Vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia.

    Tin tức về Hải quân Mỹ

    Bốn năm kể từ khi chính thức đi vào hoạt động, tàu USS Zumwalt (DDG 1000) đang được tiếp nhận hệ thống tác chiến nhằm đưa tàu này tiến một bước gần hơn tới mục tiêu trở thành tàu khu trục tàng hình có đủ khả năng hoạt động đầu tiên của Hải quân Mỹ. Các khoản chi vượt mức và việc cải biến tàu đã gây khó khăn cho chương trình DDG-1000 của Hải quân Mỹ trong vài năm trở lại đây. Vốn dự kiến được trang bị súng điện từ tối tân để tăng cường hỏa lực của hải quân, Zumwalt giờ đây được thiết kế là tàu chống hạm, với hệ thống tác chiến được tích hợp tên lửa Tomahawk tấn công trên biển và SM-6. Việc mua sắm và triển khai tên lửa chống hạm là ưu tiên hàng đầu của ban lãnh đạo Hải quân Mỹ nhằm đối phó và ngăn chặn hạm đội tàu chiến của Hải quân PLA Trung Quốc đang ngày càng phát triển.

    Phân tích

    Trong bài viết trên trang mạng War on the Rocks, Giáo sư James Kraska thuộc Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ cho rằng về mặt pháp lý, Chính phủ Trung Quốc có thể phải bồi thường hàng nghìn tỷ USD thiệt hại trong dịch COVID-19. Kraska viện dẫn việc truyền thông nhà nước Trung Quốc che giấu thông tin về virus SARS-CoV-2, việc chính quyền Vũ Hán bác bỏ khả năng virus lây từ người sang người và việc Trung Quốc từ chối cung cấp dữ liệu và khả năng tiếp cận Tổ chức Y tế thế giới là những bằng chứng tạo thành “sự vi phạm nghĩa vụ pháp lý của Trung Quốc đối với các nước khác theo luật pháp quốc tế, và vì lẽ đó các nước chịu thiệt hại - hiện vào khoảng 150 quốc gia - có thể tìm kiếm biện pháp pháp lý”. Các biện pháp đối phó của các quốc gia khác có thể bao gồm việc phổ biến thông tin bên trong Trung Quốc về các chủ đề như ý kiến của truyền thông Đài Loan hoặc các tin tức về sự hiếu chiến của Trung Quốc đối với các quốc gia khu vực ở biển Hoa Đông và Biển Đông - những hành động thường cấu thành sự vi phạm chủ quyền quốc gia theo luật pháp quốc tế.

    Đại tá Thủy quân lục chiến Mỹ đã nghỉ hưu Mark Cancian và Brandon Schwartz biện luận trên tạp chí Proceedings rằng Mỹ cần cấp giấy phép chặn bắt cho các tàu tư nhân nhằm tạo ra “lợi thế lớn trong thời chiến và tăng cường sự răn đe trong thời bình” chống lại Trung Quốc. Họ chỉ ra rằng các giấy phép chặn bắt này là hợp pháp theo Điều I, Mục 8 của Hiến pháp Mỹ cũng như theo luật pháp quốc tế thông thường. Do giới hạn về ngân sách quốc phòng của Mỹ và đội tàu buôn rất lớn của Trung Quốc, giấy phép chặn bắt có thể cho phép Hải quân Mỹ tập trung vào Hải quân PLA trong khi các tàu tư nhân tập trung vào đội tàu gồm hơn 4.600 tàu buôn và tàu đánh bắt xa bờ của Trung Quốc. Các tác giả đề xuất rằng các tàu tư nhân sẽ phục vụ trong phạm vi tương tự như các tàu tư nhân Mỹ nhằm vào quân Anh trong chiến tranh năm 1812 và 20.000 nhà thầu quân sự tư nhân được trang bị vũ khí từng hoạt động trong giai đoạn đỉnh điểm của Chiến tranh Iraq.

    Minh Anh (gt)

    Không có nhận xét nào