Header Ads

  • Breaking News

    Những ‘kẻ giấu mặt’ gây ra khủng hoảng kinh tế 2020 đằng sau đại dịch viêm phổi Vũ Hán

    Dịch viêm phổi Vũ Hán dự kiến sẽ có thể “tạm” kết thúc vào đầu tháng 5/2020, nền kinh tế và hoạt động sản xuất kinh doanh của các nước có thể được tái thiết lập. Tuy nhiên, chính phủ và ngân hàng trung ương (NHTW) các nước đang tung ra những gói kích thích và hỗ trợ kinh tế lớn chưa từng có trong lịch sử, thậm chí lớn hơn cả lượng tiền được bơm vào Đại khủng hoảng kinh tế năm 2008. Liệu còn có “kẻ giấu mặt” nào gây ra suy thoái kinh tế năm 2020 này, đằng sau “kẻ ló mặt” là dịch viêm phổi Vũ Hán?

    Những ‘kẻ giấu mặt’ gây ra khủng hoảng kinh tế 2020 đằng sau đại dịch viêm phổi Vũ Hán
    Dịch viêm phổi Vũ Hán đã “đánh gục” nền kinh tế toàn cầu từ cả hai phía cung-cầu, làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu từ tổng cung, và gây suy giảm tiêu dùng từ tổng cầu trong hơn 3 tháng qua. Hiện tại, những phiên giao dịch chứng khoán đang tăng điểm tích cực đã khiến không ít nhà đầu tư cho rằng “thị trường đã tạo đáy” xong và đang đi lên. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư lo ngại rằng đây chỉ là hiện tượng nhất thời trên bề mặt, và nền kinh tế thế giới không dễ dàng thoát khỏi suy thoái và khủng hoảng kinh tế - tài chính sau đại dịch. Ngoài ra, còn có một thực tế ít ai ngờ rằng, trước cả khi đại dịch xuất hiện, nền kinh tế toàn cầu đã bị lũng đoạn ở mức đáng báo động bởi những “kẻ giấu mặt”.

    Vay nợ - Nguồn gốc của sự suy thoái và khủng hoảng kinh tế

    Những người mới tìm hiểu về nền kinh tế có thể sẽ đặt ra câu hỏi: Liệu có cách nào giúp kinh tế chỉ có tăng trưởng và không khi nào suy thoái? Câu trả lời có lẽ là chỉ khi nào loài người quay trở về thời kỳ mà không ai cần... vay nợ. Các nhà kinh tế học đều cho rằng bản chất nền kinh tế luôn có tính chu kỳ, bản thân các cuộc khủng hoảng kinh tế cũng có tính chu kỳ. Nguyên nhân sâu xa nhất bởi mọi thành phần trong nền kinh tế đều “VAY NỢ” và tăng trưởng dựa trên vay nợ.

    Tuy nhiên, điều đáng nói là một phần lớn nguồn tiền cho vay ra lại là tiền không có thực, được tạo ra bởi hệ thống ngân hàng, công cụ tài chính mang tính đầu cơ. Các thành phần kinh tế vay nợ càng nhiều, ngân hàng và các định chế tài chính càng quay vòng tiền nhanh, kiếm lợi lớn, thì lượng tiền ảo mà hệ thống này tạo ra càng lớn. Dù vậy, khả năng trả nợ lại phụ thuộc vào giá trị gia tăng thực từ sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Đến một lúc, việc vay nợ quá dễ dàng từ dòng tiền ảo sẽ khiến dòng tiền tràn ra khỏi “mảnh đất kinh tế thực”, tràn sang các thị trường tài sản có thể đầu cơ như bất động sản, thị trường chứng khoán... tạo bong bóng cho các thị trường tài sản này cho tới khi chúng phát nổ…

    Bản chất của việc vay nợ là “chi tiêu trước” những gì mà nền kinh tế sẽ tạo ra trong tương lai dựa vào sức lao động. Tuy nhiên, đến một thời điểm nào đó, khi áp lực “đòn bẩy” nợ quá cao, bong bóng nợ “quá căng”, nền kinh tế không còn khả năng chống chịu (người vay không trả nợ nổi), thì sẽ xảy ra việc vỡ nợ, phá sản, kéo theo hiện tượng domino khiến nền kinh tế đi vào chu kỳ suy thoái.

    Tổng thống thứ 33 của Hoa Kỳ Harry S.Truman từng định nghĩa về suy thoái và khủng hoảng: “Một cuộc suy thoái xảy ra khi bạn thấy anh hàng xóm bên cạnh mất việc. Một cuộc khủng hoảng xảy ra khi ngay cả bạn cũng mất đi công việc của mình”.

    Trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu như hiện nay, mà nguyên nhân bề mặt là do đại dịch viêm phổi Vũ Hán gây ra, nhiều người cho rằng các doanh nghiệp sẽ quay trở lại sản xuất bình thường, nền kinh tế sẽ có thể vực dậy sau ít nhất là tháng 5/2020. Tuy nhiên, khác với thái độ “lạc quan” của các chính trị gia và phần đa dân chúng, các học giả kinh tế Giancarlo Corsetti và Emile Marin của ngân hàng Deutsche cho rằng, trong khi quy mô tăng giá đồng đô-la Mỹ cho đến nay không lớn như thời điểm năm 2007-2008, NHTW các nước lại bơm ra một lượng tiền thậm chí lớn hơn cả lượng tiền được bơm vào Đại khủng hoảng kinh tế năm 2008. Điều này cho thấy cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính lần này mới chỉ... bắt đầu, và kết quả của nó sẽ không hề “lạc quan” với mô hình “phục hồi kinh tế hình như V” như đã thấy trong quá khứ. Vào tháng 3/2020, gần 80 quốc gia đã yêu cầu Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) giúp đỡ và Quỹ xác nhận rằng họ đã chi ra 83 tỷ USD kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng.

    Trên thực tế, cú sốc mà virus Corona Vũ Hán đã gây ra đối với các nền kinh tế trên toàn thế giới có thể được xem như là “cú sốc kép”, bởi nó trùng khớp với “vòng xoáy nợ toàn cầu” đạt đỉnh rủi ro. Theo Viện Tài chính Quốc tế, tỷ lệ nợ toàn cầu/ tổng sản phẩm quốc nội đạt mức cao nhất mọi thời đại là 322% trong quý 3 năm 2019, với tổng số nợ lên tới gần 253 nghìn tỷ USD. Nghĩa là, nếu dịch bệnh tiếp tục lây lan, bất kỳ yếu tố nào trong hệ thống tài chính đều có khả năng gây ra một cuộc khủng hoảng nợ mới. Vậy, liệu còn có “kẻ giấu mặt” nào gây ra suy thoái và khủng hoảng kinh tế năm 2020 này, đằng sau dịch viêm phổi Vũ Hán?

    Nợ chính phủ, nợ quốc gia tăng vọt: ‘kẻ giấu mặt’ thứ nhất

    Nguyên nhân của khủng hoảng kinh tế năm 2008 là từ các khoản cho vay hộ gia đình, lúc đỉnh điểm, tỷ lệ các khoản vay mua nhà núp bóng dưới các loại chứng khoán hóa lên tới 97% GDP của Mỹ (khoảng 13.000 tỷ USD). Hàng ngàn tỷ USD được FED bơm vào thị trường thông qua 3 gói nới lỏng định lượng QE và lãi suất thấp kể từ 2008 đã được “chảy” vào đâu, liệu điều này có mang lại hiệu quả tích cực cho nền kinh tế?

    Các khoản nợ chính phủ của Mỹ tăng đột biến từ năm 2008 đến nay. Tỷ lệ Nợ chính phủ/GDP của Mỹ đã tăng từ 44% vào cuối năm 2008 lên khoảng 77% vào ngày 31/12/2018. Nghĩa vụ nợ chưa thực hiện của Chính phủ Mỹ tính đến cuối năm 2018 lên tới 54.000 tỷ USD. Trong lịch sử, chính phủ Mỹ thường có xu hướng giảm bớt đòn bẩy khi nền kinh tế phục hồi, nhưng điều đó lại không diễn ra ở trong chu kỳ này. Ở giai đoạn sau của quá trình kích thích kinh tế, các hoạt động tài khóa của chính phủ Mỹ có tác động làm tăng tỷ lệ Nợ chính phủ/GDP nhằm ưu tiên tăng trưởng ngắn hạn, theo The Sounding Line.

    Nợ chính phủ của Trung Quốc được trang Commodity ước tính lại theo chuẩn quốc tế lên tới 92,8% năm 2019, và được ví là “đã vượt qua mặt trăng”; cách ví von này không những ám chỉ khoản nợ công thực sự lớn hơn mức chính quyền Bắc Kinh tuyên bố rất nhiều, mà còn ám chỉ sự bất ổn tiềm ẩn trong các khoản nợ chính quyền trung ương và địa phương của nền kinh tế này. Cơ chế tạo ra nợ công và khả năng thu hồi nợ từ các dự án đầu tư công đằng sau khối nợ mới là nguy cơ thực sự mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phải đối mặt.

    Không chỉ 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới đang ngập trong nợ, được ví như “con voi trắng” trong bản đồ nợ thế giới, mà nợ chính phủ của các nền kinh tế đang phát triển cũng là vấn đề lớn, điều này đã được Quỹ tiền tệ quốc tế, Ngân hàng thế giới, Ngân hàng thanh toán quốc tế… liên tục cảnh báo kể từ năm 2017 đến nay.

    Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới công bố vào cuối năm 2019, nợ/GDP của các nước đang phát triển đã tăng từ 54% lên 168% kể từ khi việc tích lũy nợ bắt đầu vào năm 2010. Trong đó ba giai đoạn gia tăng nợ trước đây đều kết thúc bằng các cuộc khủng hoảng tài chính ở các nước đang phát triển. Khối nợ khổng lồ này bao gồm nợ công của các chính phủ, nợ doanh nghiệp và nợ của các cá nhân, hộ gia đình. Trong đó, một phần lớn trong số nợ này có nguồn gốc từ chương trình vay nợ của các nước nhằm vực dậy nền kinh tế sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008.

    Đồng thời, phần lớn khối nợ này (22.000 tỷ USD) đến từ Trung Quốc, khi tỷ lệ nợ trên GDP của quốc gia này đã tăng từ 72% từ năm 2010 lên mức 255% vào năm 2018. Như vậy, Trung Quốc vừa là nước vay nợ lớn nhất trong các nền kinh tế đang phát triển nhưng cũng là chủ nợ lớn của nhiều nước nghèo khác. Các nước đang phát triển có xu hướng thích vay từ Trung Quốc vì điều kiện vay dễ dàng hơn cùng chi phí vay nợ thấp. Tuy nhiên, khi cho vay, Trung Quốc thường áp các điều khoản yêu cầu không được tiết lộ thông tin và các yêu cầu thế chấp tài sản khác.

    Thành tích tăng trưởng, nhu cầu phục hồi sau khủng hoảng dường như đã lai dắt các nền kinh tế sa vào cái bẫy nợ to hơn, “kích hoạt” khoản nợ chính phủ tăng nhanh. Tỷ lệ nợ chính phủ cao sẽ khiến các chính phủ ít có khả năng sử dụng các chính sách tài khóa như: đẩy mạnh chi tiêu công, xây dựng cơ sở hạ tầng, giải ngân các khoản đầu tư để kích thích kinh tế, vực dậy nền kinh tế trong thời kỳ suy thoái tiếp theo.

    Nợ doanh nghiệp phi tài chính - ‘kẻ giấu mặt’ thứ hai

    Theo The Financial Times, phần lớn nợ tích lũy trong nền kinh tế (kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007-2008 cho tới trước đại dịch viêm phổi Vũ Hán) là ở khu vực doanh nghiệp phi tài chính. Trước đại dịch, “kẻ giấu mặt” này là mối đe dọa lớn nhất đối với hệ thống tài chính toàn cầu. Hiện tại, sự gián đoạn đối với chuỗi cung ứng và việc giảm tăng trưởng toàn cầu đã “bồi thêm nhát dao” nữa vào khối bong bóng nợ của doanh nghiệp. Doanh nghiệp phi tài chính sụt giảm thu nhập và gặp nhiều khó khăn hơn trong việc chi trả nợ.

    Các nhà hoạch định chính sách ở các nước tiên tiến trong tuần qua đã nói rõ rằng họ sẵn sàng theo đuổi một chính sách tài chính và tiền tệ tích cực đối với sự gián đoạn nền kinh tế gây ra bởi dịch virus. Tuy nhiên, điều này có thể mang đến rủi ro dài hạn, khi chính sách tiền tệ rối loạn sẽ góp phần vào cuộc khủng hoảng tài chính ban đầu, cũng như làm trầm trọng thêm khoản nợ nguy hiểm mà nền kinh tế toàn cầu hiện đang phải đối mặt.

    Tỷ lệ Nợ doanh nghiệp phi tài chính/GDP của Mỹ hiện đã cao hơn mức đỉnh vào cuối năm 2008. Tỷ lệ này giảm đáng kể sau cuộc Đại suy thoái năm 2008 về mốc 40%, nhưng sau đó tăng trở lại đạt mức 46% GDP vào quý 3 năm 2018 .

    Tỷ lệ gia tăng đáng kể về số nợ doanh nghiệp phi tài chính là điều rất đáng cân nhắc vì nó ảnh hưởng đến sự ổn định tài chính của quốc gia. Đặc biệt, tỷ lệ nợ doanh nghiệp phi tài chính/GDP cao sẽ làm khuếch đại mức độ nghiêm trọng của suy thoái. Trái phiếu doanh nghiệp phi tài chính ở Hoa Kỳ đã tăng từ 2,2 nghìn tỷ USD trong năm 2008 lên khoảng 5,7 nghìn tỷ USD vào cuối năm 2018.

    Việc vay tiền khá dễ khiến các doanh nghiệp nảy sinh tâm lý “đầu cơ”, họ lại dùng số tiền này để mua lại cổ phiếu quỹ của mình nhằm giữ giá cổ phiếu; đặc biệt trong năm 2019 khi mà tỷ lệ mua cổ phiếu quỹ của các doanh nghiệp niêm yết ở Hoa Kỳ tăng cao kỷ lục lên xấp xỉ 1.100 tỷ USD. Hoặc là họ sẽ dùng tiền đó để trả cổ tức hoặc thực hiện các thương vụ M&A thay vì tập trung vào hoạt động chính sản xuất kinh doanh.

    Warren Buffett đã từng nói: “Tôi không thích nợ và cũng không thích đầu tư vào những công ty có quá nhiều nợ, đặc biệt là nợ dài hạn. Với một khoản vay dài hạn đáng kể, chỉ cần lãi suất tăng lên một chút sẽ khiến lợi nhuận và dòng tiền của doanh nghiệp rất khó dự đoán”.

    Một báo cáo gần đây của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết, vào cuối tháng 12/2019, lượng trái phiếu doanh nghiệp phi tài chính đã ở mức nổi bật toàn cầu khi đạt mức cao nhất mọi thời đại là 13,5 triệu USD, gấp đôi mức thực tế so với thời kỳ khủng hoảng kinh tế tháng 12/2008.

    Trong trường hợp nền kinh tế suy thoái, các công ty mắc nợ cao sẽ dễ bị “tổn thương” hơn khi chất lượng tín dụng của họ xấu đi. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến kế hoạch chi tiêu và vay vốn của họ.

    Nhìn chung, sự tích lũy khổng lồ của nợ doanh nghiệp với chất lượng nợ ngày càng kém có khả năng làm cuộc suy thoái tiếp theo trầm trọng thêm. Chính sách tiền tệ cực kỳ lỏng lẻo của các ngân hàng trung ương cũng đã thúc đẩy những gì mà các nhà kinh tế gọi là “cận thị thảm họa” - sự tự mãn, nói một cách dễ hiểu là một điều kiện tiên quyết của các cuộc khủng hoảng tài chính. “Sự tự mãn” lớn nhất hiện nay là lạm phát, và khả năng các ngân hàng trung ương sẽ gây ra một cú sốc tài chính bằng cách tăng lãi suất sớm hơn mong đợi, theo The Financial Times.

    Nợ doanh nghiệp tăng cao, cùng với đòn bẩy khủng khiếp của chính phủ sẽ làm cho nền kinh tế Hoa Kỳ nhạy cảm với lãi suất hơn nhiều so với lịch sử. Và chỉ cần một cú “bóp cò” (Trigger), thì hiện tượng vỡ nợ hàng loạt sẽ xảy ra với tỷ lệ đòn bẩy siêu cao của nền kinh tế lúc này. Cú Trigger đó chính là dịch viêm phổi Vũ Hán, và điều này làm sụt giảm cả tổng cung và tổng cầu của nền kinh tế theo chiều thẳng đứng.

    ‘Kẻ giấu mặt’ thứ ba: Quả bom nợ khổng lồ của nền kinh tế Trung Quốc và nó sẽ kích hoạt hàng loạt bom nợ khác trên khắp thế giới cùng nổ

    Như đã đề cập bên trên, Trung Quốc không chỉ là chủ nợ lớn của thế giới, mà đồng thời còn là con nợ lớn thứ hai toàn cầu. Rủi ro ở chỗ, các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Trung Quốc cũng bắt nguồn từ việc vay nợ từ “quả bom nợ Trung Quốc” đang sắp nổ này. Thời báo Phố Wall gần đây đã trích dẫn số liệu các quỹ hưu trí Trung Quốc đầu tư vào các doanh nghiệp Trung Quốc, và cho biết số liệu của doanh nghiệp Trung Quốc không hề minh bạch. Thậm chí, có doanh nghiệp Trung Quốc tại Mỹ đã làm giả báo cáo doanh thu. Thời báo Phố Wall đã cay đắng thốt lên “Mỹ đã trở thành con tin tài chính của Trung Quốc”. Hiển nhiên, nguyên nhân là vì lòng tham và rất nhiều “khuất tất” đằng sau các quyết định đầu tư như vậy.

    Trung Quốc đã thực hiện những “chính sách quyết liệt” nhằm phát triển kinh tế bằng mọi giá. Từ chính sách 1 con năm 1979, đến việc thành lập các đặc khu kinh tế làm đầu tàu kinh tế như Thẩm Quyến vào năm 1980, mở sàn chứng khoán đầu tiên tại Thượng Hải năm 1990, nhận lại Hồng Kông từ Anh vào năm 1997, gia nhập WTO vào năm 2001…

    Ngày nay, các doanh nghiệp tư nhân cũng đã chiếm hơn một nửa GDP, các “tỷ phú đô la” của Trung Quốc có thể kể đến như Jack Ma của Alibaba, hay Pony Ma của Tencent. Sự “quyết liệt” này được thể hiện rõ trong câu nói của Đặng Tiểu Bình: “Nghèo đói không phải là chủ nghĩa xã hội, cùng nhau giàu có mới là vinh quang”. Tuy nhiên, để có được “vinh quang” này, nền kinh tế Trung Quốc phải gánh chịu những rủi ro rất lớn.

    Nếu nhìn vào cơ cấu nợ 2019, chúng ra sẽ dễ dàng thấy được nợ của những doanh nghiệp phi tài chính đã chiếm đến hơn ½ tổng nợ, và hơn 150% GDP Trung Quốc. Nợ hộ gia đình của Trung Quốc mặc dù chỉ chiếm khoảng 18% nhưng tỷ lệ này “tăng phi mã” kể từ năm 2008 đến nay. Thế là, trong cơ cấu nợ của Trung Quốc hiện nay đã thấp thoáng bóng dáng của cả 2 “kẻ giấu mặt”. Theo The Financial Times, sự tích lũy không bền vững của nợ khu vực công và nợ trong khu vực doanh nghiệp phi tài chính năm 2019 làm nổi bật các lỗ hổng nghiêm trọng, đáng chú ý là ở Trung Quốc và các thị trường mới nổi khác.

    Ngoài ra, “quả bom nợ” của nền kinh tế Trung Quốc được hình thành dựa trên việc bơm tiền “vô tội vạ” vào thị trường của chính quyền nước này. Trong cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, 20 triệu công nhân làm việc trong các ngành xuất khẩu của Trung Quốc đã mất việc. Chính phủ Trung Quốc không có cách nào khác là bơm 586 tỷ USD giải cứu nền kinh tế.

    Tháng 8 năm 2015, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã phá giá đồng nhân dân tệ khiến thị trường toàn cầu “chao đảo”. Trước đó 2 tháng, sàn chứng khoán Thượng Hải cũng “bốc hơi” 5.000 tỷ USD vốn hóa. PBOC lại tiếp tục bơm 580 tỷ USD vào thị trường. Theo các chuyên gia kinh tế, nền kinh tế Trung Quốc không “vỡ trận” vào năm 2015 có thể do chính phủ Trung Quốc đã “nắm” những ngân hàng lớn và các công ty lớn ở trong nước, nên việc điều hành chính sách theo kiểu” đóng cửa bảo nhau” có thể giải quyết được việc giãn nợ, hoãn nợ xấu tại Trung Quốc vào thời điểm đó. Theo một thống kê cho thấy các khoản nợ xấu tại Trung Quốc 2015 đã chạm mốc 5,5%; khoảng 40% số nợ mới là phần nợ lãi vay của các khoản vay hiện tại.

    Việc bơm tiền này dường như là một “chìa khóa thần kỳ” để chấm dứt khủng hoảng và duy trì tăng trưởng. Trung Quốc lại tiếp tục duy trì tăng trưởng dựa trên bàn đạp là “bơm tiền tăng nợ”. Kết quả là, tỷ lệ NỢ/ GDP của Trung Quốc đã tăng từ 170% vào năm 2007 lên đến 300% vào năm 2019, theo số liệu từ Cục Thống kê Trung Quốc.

    Theo The Financial Times, chính sách bơm tiền “lỏng lẻo” liên tục đã mang đến những khoản nợ vay dưới chuẩn, trong đó chính sách lãi suất thấp hoặc âm bất thường dường như ngày càng ít hiệu quả hơn trong việc kích thích nhu cầu. Những rủi ro như thế đã được xây dựng trong hệ thống tài chính từ nhiều thập kỷ. Từ cuối những năm 1980, các ngân hàng trung ương - đặc biệt là Fed - đã tiến hành cái được gọi là “chính sách tiền tệ bất đối xứng”, mà theo đó, họ đã bơm tiền để hỗ trợ thị trường khi nền kinh tế lao dốc, nhưng khó có thể làm giảm “quả bom nợ” và cùng lúc lại khiến chúng trở thành bong bóng nợ phình to.

    William White, người đứng đầu bộ phận kinh tế và tiền tệ tại Ngân hàng Thanh toán Quốc tế tại Basel, là một trong số ít các nhà kinh tế dự đoán về cuộc khủng hoảng tài chính 2020. Ông cho biết chính sách tiền tệ “lỏng lẻo” là cực kỳ nguy hiểm về mặt đạo đức, bởi vì các chính sách “cải tiến” của các ngân hàng trung ương chỉ đơn giản là tạo tiền đề cho chu kỳ bùng nổ và phá sản tiếp theo, được thúc đẩy bởi các tiêu chuẩn tín dụng ngày càng giảm và bong bóng nợ ngày càng phình to.

    Theo Bloomberg, nợ chính phủ và tư nhân của Trung Quốc hiện lên đến 34.000 tỷ USD, “QUẢ BOM NỢ” này có thể đe dọa cả nền kinh tế thế giới. Phần lớn số tiền này chảy vào các tập đoàn tài chính, đặc biệt là các công ty nhà nước và chính quyền địa phương. Mục đích là để thúc đẩy tăng trưởng bằng biện pháp xây dựng hạ tầng. Hậu quả là nguồn cung hạ tầng trở nên “thừa mứa”, vượt xa nhu cầu.

    Liệu có phải rằng khi nền kinh tế có dấu hiệu suy thoái là chính phủ có thể bơm tiền ra để “hạ cánh mềm” và tiếp tục duy trì tăng trưởng kinh tế? Trong khi “bản chất của vay nợ là đang chi tiêu trước những đồng tiền kiếm ra ở tương lai”. Do đó, đến một ngày, người đi vay cảm thấy không thể nào trả nổi số tiền đó, quả bom nợ sẽ được “kích nổ”, domino phá sản xảy ra và dù có bơm thêm tiền vào nền kinh tế thì cũng không thể giải quyết được hậu quả.

    Mọi thứ vẫn phải quay về điểm cân bằng, đó là dựa vào năng suất lao động, chứ không phải “tăng trưởng nóng” dựa trên vay nợ, vì càng bơm tiền thì nợ xấu càng nhiều và quả bóng nợ càng phình to. Những khoản nợ xấu đó vẫn nằm trong bảng cân đối của hệ thống ngân hàng, chẳng qua bơm tiền là liều thuốc “morphin” giúp nền kinh tế “giảm đau” mà thôi.

    Theo số liệu từ Cục Thống kê Trung Quốc, tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc từ 2015 (6,9%) đến nay đã yếu dần và cuối 2019 chỉ đạt 6,1% (thấp nhất trong gần 30 năm qua). Thời điểm cuối năm 2019, Trung Quốc đang phải đối mắt với yếu tố bên ngoài là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Với quốc gia có 40% GDP phụ thuộc xuất khẩu như Trung Quốc thì đây thực sự là vấn đề lớn. Thứ hai là hiện tượng “thiên nga đen” của nền kinh tế - dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán, khiến tổng cung tổng cầu của nền kinh tế rớt xuống trầm trọng.

    Theo Bloomberg, Trung Quốc sẽ cung cấp cho các nhà đầu tư Hoa Kỳ quyền “truy cập trực tiếp” vào thị trường nợ quốc gia như một phần của thỏa thuận thương mại. Amit Khattar, đồng giám đốc ngân hàng đầu tư của Châu Á Thái Bình Dương, cho biết rằng nền kinh tế Trung Quốc có những dấu hiệu khởi đầu của một “chu kỳ nợ đau khổ”.

    Năm 2019 làn sóng vỡ nợ trái phiếu nổ ra kỷ lục ở Trung Quốc, việc bơm tiền vào nền kinh tế liệu còn có thể “linh nghiệm” hay không? “Quả bom nợ” của Trung Quốc chính là kẻ giấu mặt gây ra suy thoái kinh tế 2020 đằng sau dịch viêm phổi Vũ Hán. Nếu nền kinh tế lớn thứ hai thế giới với “quy mô hệ thống ngân hàng giữ vị trí số 1 thế giới, tổng tài sản tương đương 40% GDP toàn cầu” này sụp đổ, nền kinh tế thế giới chắc hẳn cũng sẽ theo đó mà chịu những hệ lụy và ảnh hưởng nghiêm trọng.

    Tâm An

    Nguồn : https://www.ntdvn.com/

    Không có nhận xét nào