Header Ads

  • Breaking News

    Bản tin Biển Đông cập nhật ngày 12 tháng 6 năm 2020

    Bản tin Biển Đông cập nhật ngày 12 tháng 6 năm 2020

    Bản tin Biển Đông cập nhật ngày 12 tháng 6 năm 2020

    Tình hình nổi bật

    Nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Philippines - Trung Quốc, ngày 9/6, Tổng thống Rodrigo Duterte đã gửi một bức thư cho Chủ tịch Tập Cận Bình với các nội dung chính: (i) Philippines cam kết “giữ gìn và xây dựng mối quan hệ đối tác chặt chẽ, vì hòa bình, tiến bộ và thịnh vượng” với Trung Quốc; (ii) kêu gọi hai nước “tăng cường hơn nữa mối quan hệ đối tác”; (iii) cảm ơn Bắc Kinh vì đã hỗ trợ cho Philippines trong cuộc chiến chống Covid-19. Ngày 10/6, Người phát ngôn Tổng thống Philippines Hary Roque nhấn mạnh mối quan hệ bền chặt giữa Philippines và Trung Quốc đang bước vào thời kì phục hưng dưới chính quyền của Tổng thống Duterte.

    Bộ trưởng Quốc Phòng Philippines Delfin Lorenzana ngày 9/6 đã lên đảo Thị Tứ, chủ trì lễ khánh thành một bến tàu trị giá 5 triệu đô la; đồng thời loan báo sẽ chi 26 triệu đô la xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự trên đảo này, trong đó có việc hoàn thiện một đường băng. Ông Lorenzana nói rằng việc này nhằm giúp hòn đảo trở nên “đáng sống”, không phải hành vi quân sự hóa, và bày tỏ hy vọng việc xây dựng mới sẽ không dẫn đến xung đột. Theo South China Morning Post, sư việc này có thể làm cho Bắc Kinh bực tức.

    Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana, ngày 9/6 trong lễ khánh thành bến tàu trên đảo Thị Tứ, thừa nhận rằng Chính phủ không thể đuổi được dân quân Trung Quốc ở Biển Tây Philippines. Ông thậm chí còn bày tỏ chấp nhận sự hiện diện của dân quân Trung Quốc miễn là họ không quấy rối ngư dân Philippines đang đánh bắt cá tại biển Tây Philippines.

    Mạng Nhân Dân Trung Quốc ngày 11/6 trích nguồn tin từ Cục Quản lý Không gian Quốc gia Trung Quốc cho biết, tên lửa Trường Chinh-2C mang theo vệ tinh Hải Dương-1D (HY-1D) đã được phóng thành công, phối hợp cùng vệ tinh HY-1C (được phóng từ tháng 9/2018) là nhóm vệ tinh đầu tiên của Trung Quốc chuyên sử dụng cho việc giám sát đại dương và dịch vụ dữ liệu hàng hải dân sự. Nhóm vệ tinh này dự kiến sẽ cải thiện năng lực của Trung Quốc trong việc quan sát màu nước biển, tài nguyên ven biển, môi trường sinh thái biển, đồng thời có khả năng theo dõi, giám sát các hoạt động hàng hải trên biển, hỗ trợ cho khí tượng, nông nghiệp và giúp Trung Quốc đối phó với vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu.

    Toà án quốc tế về luật biển (ITLOS) và Bộ luật pháp của Singapore, ngày 11/6 đã ký kết Thoả thuận mẫu về việc cho phép ITLOS hoặc một trong những phòng làm việc của Toà thực hiện chức năng xét xử tại Singapore. Chủ tịch ITLOS Jin-Hyun Paik bình luận rằng đây là một sự phát triển đặc biệt đáng hoan nghênh khi sáng kiến này được dẫn đầu bởi một quốc gia châu Á, khu vực được coi là khá miễn cưỡng với các phán quyết quốc tế, hy vọng thoả thuận này sẽ mở đường cho nhiều quốc gia châu Á tìm đến ITLOS để giải quyết các tranh chấp trên biển. Ông cũng kêu gọi các quốc gia từ các khu vực khác trên thế giới, như Mỹ Latinh và Châu Phi, xem xét thực hiện các thỏa thuận tương tự. Về phần mình, Bộ trưởng Luật pháp Singapore Shanmugam nói rằng Singapore rất vinh dự khi có cơ hội tổ chức các phiên điều trần của ITLOS và đóng góp cho công việc của Toà. Điều này phản ánh lập trường trung lập của Singapore, mạnh mẽ ủng hộ luật pháp quốc tế và cam kết giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình.

    Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 11/6 hoan nghênh Exxon Mobil đầu tư vào Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, trong đó có khai thác khí thiên nhiên (LNG), lọc hóa dầu và sản xuất điện từ LNG. Thủ tướng khẳng định hợp tác của Exxon Mobil là rất quan trọng, đóng góp vào hợp tác chung giữa Việt Nam và Mỹ, nhất là dịp kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

    Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ ngày 11/6 đã phê duyệt gần 6 tỷ USD cho dự luật Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương (PDI) – một quỹ quân sự mới có mục đích tăng cường răn đe Trung Quốc ở Thái Bình Dương. Trong đó, 1,4 tỷ USD được duyệt cho năm tài khóa 2021 (nhiều hơn 188,6 triệu USD so với yêu cầu ngân sách từ chính quyền) và 5,5 tỷ USD được duyệt cho năm tài khóa 2022.

    Góc nhìn Quốc tế

    + Châu Âu - Mỹ:

    Chuyên gia Harry J. Kazianis, Tổng Biên tập National Interest, ngày 10/6 đánh giá Hải chiến Hoàng Sa năm 1974 hàm ý nhiều về chiến thuật hiện nay của Trung Quốc ở Biển Đông, đặc biệt là mô hình “chiến tranh lai” giữa hải quân và lực lượng bán quân sự. Đánh giá nghiên cứu “The 1974 Paracels Sea Battle: A Campaign Appraisal” của GS. Toshi Yoshihara năm 2016, ông Harry J. Kazianis nêu 5 điểm đáng chú ý: (i) Trung Quốc cải tiến về mặt chiến thuật. Với phương châm “cận chiến, tấn công nhanh và mạnh”, các tàu Trung Quốc nhỏ tìm cách áp sát các tàu VNCH, vô hiệu hóa hỏa lực vượt trội của đối phương; (ii) Mỹ không hỗ trợ với kế hoạch phản công của VNCH; (iii) Lực lượng bán quân sự đóng vai trò quan trọng cả trong quá khứ và các xung đột tương lai ở Biển Đông; (iv) Chiến thuật năm 1974 được áp dụng trong vụ việc Bãi cạn Scarborough; (v) Cần học hỏi từ quá khứ để đối phó hiệu quả với tình hình hiện tại. Mỹ và các nước khu vực cần chú ý tới “chiến tranh lai” Trung Quốc đang triển khai ở Biển Đông.

    + Đông Nam Á:

    Cựu Thẩm phán Philippines Antonio Carpio, ngày 8/6 trong một diễn đàn trực tuyến, cho rằng cần đưa vấn đề bảo vệ chủ quyền và quyền chủ quyền tại biển Tây Philippines là một yếu tố quan trọng trong việc lựa chọn các quan chức chính phủ trong cuộc bầu cử 2022. Carpio chỉ ra rằng Philippines vẫn chưa nộp đơn đệ trình thềm lục địa mở rộng ở một phần Luzon đối diện với Biển Đông nhưng điều đó chưa thực hiện được do mối quan hệ hiện tại với Trung Quốc.

    Cựu Thẩm phán Philippines Antonio Carpio, ngày 9/6 cảnh báo Trung Quốc có thể sẽ sớm thiết lập các căn cứ không quân và hải quân trên bãi cạn Scarborough. Đây là bước tiếp theo trong kế hoạch thiết lập ADIZ ở Biển Đông gây tranh cãi của Trung Quốc, bởi nếu không có căn cứ không quân và hải quân, ADIZ không thể được triển khai trên Biển Đông do “lỗ hổng về radar, tên lửa và máy bay chiến đấu phản lực” ở vùng lân cận bãi cạn Scarborough.

    Aziz Syamsuddin, Phó Chủ tịch Hạ viện Indonesia, ngày 11/6 trên Antara News, ngợi ca lập trường cứng rắn của Chính phủ đối với yêu sách đơn phương và đi ngược lại luật pháp quốc tế (theo Phán quyết Vụ kiện Biển Đông) đối với vùng biển Natuna của Indonesia. Ông cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục tăng cường an ninh tại Biển Bắc Natuna, cả về cơ sở hạ tầng an ninh và quân đội. Ông nhấn mạnh thêm Indonesia đứng về quyền tự do hàng hải, một chuẩn mực của luật pháp quốc tế và hy vọng vấn đề Biển Đông sẽ sớm được giải quyết bằng những công cụ hợp tác quốc tế, tránh gây nên bất ổn định trong khu vực.

    Ankush Wagle, ĐH Quốc gia Singapore, ngày 11/6 cho rằng Tầm nhìn chung về Ấn Độ-Thái Bình Dương thể hiện Úc và Ấn Độ đang bắt đầu tăng cường hợp tác an ninh biển ở Ấn Độ-Thái Bình Dương, với hai điểm quan trọng: (i) Sáng kiến các Đại dương Ấn Độ – Thái Bình Dương” (IPOI), một sáng kiến do thủ tướng Modi đưa ra lần đầu tiên tại EAS 2019. IPOI có thể sẽ là cơ chế mới cho hợp tác an ninh biển Ấn-Úc; (ii) Mở rộng hợp tác biển trên mọi lĩnh vực song phương, khu vực, đa phương, tiểu đa phương. Điều đáng chú ý là khi tăng cường hợp tác ở cơ chế tiểu đa phương, có thể Ấn Độ sẽ mời Úc tham gia tập trận Malabar. Hai bên cũng đã ký một số thỏa thuận và MoU về hợp tác như không gian mạng, khoa học, công nghê, đặc biệt là Thỏa thuận Hỗ trợ hậu cần lẫn nhau (MLSA).

    + Các nước khác:

    GS. Narushige Michishita, Phó chủ tịch Viện Nghiên cứu Sau đại học Quốc gia về Chính sách Nhật Bản (GRIPS), ngày 10/6 bày tỏ lo ngại rằng cả hệ thống trong Trung Quốc, chứ không chỉ mình Chủ tịch Tập, có tham vọng về “Trung Hoa vĩ đại”. Cân bằng quân sự trong khu vực đang thay đổi nhanh chóng. Ông cho rằng những hoạt động gần đây của Trung Quốc tại Biển Đông và Biển Hoa Đông là đòn đánh lạc hướng khỏi các vấn đề mà hệ thống này bị tấn công và chỉ trích. Về biện pháp đối phó, Narushige Michishita nhận xét cân bằng quân sự có lẽ là không đủ, mà Nhật Bản, Mỹ và các nước trong khu vực phải làm gì đó nhằm thay đổi hệ thống Trung Quốc, hướng tới một Trung Quốc yêu hòa bình và tôn trọng các cường quốc khác.

    Tờ First Post ngày 12/6 nhận định quan hệ Trung – Úc từ lâu đã nguội lạnh trước cả khi Covid 19 bắt đầu. Trung Quốc không hài lòng khi thấy Úc đứng về phía Mỹ kêu gọi một cuộc điều tra về nguồn gốc dịch, bất chấp Trung Quốc là đối tác thương mại và thị trường du học sinh và du lịch lớn của Úc. Hơn nữa, Úc không những hoàn toàn bác bỏ yêu sách của Bắc Kinh ở Biển Đông, mà còn triển khai tàu chiến tới tập trận ở vùng biển này. Bên cạnh đó, Trung Quốc đã sử dụng con bài tiếp cận thị trường để chống lại những chỉ trích từ khắp nơi bao gồm ở Na Uy, Canada, chứ không chỉ đối với Úc.

    http://nghiencuubiendong.vn/

    Không có nhận xét nào