Header Ads

  • Breaking News

    Chuyên gia Singapore: Vẫn coi Trung Quốc là Cộng sản, "Hoa Kỳ phạm một sai lầm chiến lược to lớn"

    Ảnh minh họa. Cuộc đọ sức Mỹ - Trung giờ lan rộng ra nhiều lĩnh vực khác.
    Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc nay đã lan rộng sang nhiều lĩnh vực và có nguy cơ chuyển thành một cuộc Chiến Tranh Lạnh mới. Hoa Kỳ nêu đích danh hệ tư tưởng của đảng Cộng sản Trung Quốc là một mối đe dọa cho phương Tây.

    Trong một chương trình bình luận chính trị trên kênh truyền hình Fox News, ngoại trưởng Mỹ đã chỉ rõ mối đe dọa của Trung Quốc là từ hệ tư tưởng của đảng Cộng Sản Trung Quốc : « Khác so với 10 năm trước đây, đảng Cộng Sản Trung Quốc ngày nay thể hiện ý định phá hoại tư tưởng phương Tây, nền dân chủ và các giá trị phương Tây. Điều đó khiến người Mỹ gặp nguy hiểm ».

    Trước đó, ngày 20/10/2020, Sách lược của Mỹ do Nhà Trắng công bố ghi rõ : « Việc sử dụng sức mạnh kinh tế, chính trị và quân sự ngày càng nhiều của đảng Cộng sản Trung Quốc để có được ủng hộ của nhiều nước làm tổn hại đến các lợi ích sống còn của Hoa Kỳ và xâm hại đến chủ quyền lãnh thổ, phẩm cách của nhiều quốc gia và cá nhân trên toàn cầu ».

    Theo L’Opinion, khi đặt trọng tâm vào mối họa cộng sản, chính quyền Donald Trump đang tìm cách thổi bùng lên ngọn lửa Chiến Tranh Lạnh, mà Hoa Kỳ từng ghi điểm trước sự tan rã của khối Xô Viết và sự biến mất của Liên Xô.

    Trả lời phỏng vấn cho tờ L’Opinion của Pháp, ông Kishore Mahbubani, một nhà cựu ngoại giao Singapore, tác giả tập sách Has China Won ? (Liệu Trung Quốc đã thắng ?) cho rằng, khi chọn đối đầu với Trung Quốc trên bình diện hệ tư tưởng, « Hoa Kỳ đã phạm một sai lầm to lớn chưa từng thấy ». Tạp chí Thế giới Đó đây tuần này xin giới thiệu lại.

    L’Opinion : Từ vài tháng nay, người ta ngày càng nói nhiều đến sự trỗi dậy của một cuộc Chiến Tranh Lạnh mới giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Ông nghĩ như thế nào về vấn đề này ?

    Kishore Mahbubani : Tôi cho rằng thuật ngữ này dễ gây hiểu nhầm. Vào thời kỳ chiến tranh lạnh, giữa Mỹ và Liên Xô hầu như không có các mối liên hệ trực tiếp. Liên Xô giao thương với Mỹ rất ít, họ cũng chẳng như Trung Quốc gởi chừng 300 ngàn sinh viên đến các trường đại học của Mỹ ; mà cũng chẳng có doanh nghiệp Mỹ nào lập cơ sở trên lãnh thổ Xô Viết với một số lượng quan trọng như tại Trung Quốc hiện nay. Hơn nữa, có rất nhiều hãng Trung Quốc có niêm yết trên sàn chứng khoán ở Wall Street.

    Thế nên, tình hình hiện nay rất khác so với giai đoạn căng thẳng Mỹ - Liên Xô. Đây cũng là một trong những lập luận chính trong tập sách của tôi giải thích vì sao Washington đã phạm phải một sai lầm chiến lược to lớn, khi lao vào một cuộc cạnh tranh địa chính trị chống Trung Quốc, mà không vạch ra một tầm nhìn chiến lược toàn diện dài hạn. Khi sử dụng thuật ngữ « chiến tranh lạnh », người ta tỏ ra « lười suy nghĩ » và người ta không nắm rõ là cuộc cạnh tranh hiện nay phức tạp hơn nhiều so với những gì đã xảy ra giữa Hoa Kỳ và Liên Xô.

    L’Opinion : Hoa Kỳ dường như đã chọn đối đầu với Trung Quốc trên phương diện hệ tư tưởng…

    Chính xác và điều đó minh họa rõ sự thiếu sáng suốt trong tư duy chiến lược của họ. Chẳng có gì là dễ dàng cả nếu như tại Mỹ, thuật ngữ « cộng sản » vẫn đồng nghĩa với « cái ác ». Khi chọn hướng đi này, Hoa Kỳ cuối cùng đã đánh giá thấp, chứ không phải đánh giá cao mối đe dọa Trung Quốc.

    Như tôi có nhắc lại trong tập sách, mối đe dọa đó không xuất phát từ đảng Cộng sản Trung Quốc. Họ đã ngừng xuất khẩu Chủ nghĩa Cộng sản cách nay 40 năm. Khi Đặng Tiểu Bình công du các nước Đông Nam Á để thiết lập quan hệ, thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu từng nói với ông ấy rằng « Các ông muốn chúng tôi trở thành bạn bè như thế nào trong khi các ông vẫn ủng hộ các lực lượng cộng sản trong khu vực ? ». Hai năm sau đó, tất cả các lực lượng cộng sản trong vùng Đông Nam Á không còn nhận được sự hỗ trợ của Bắc Kinh.

    Nếu như Trung Quốc không còn là một mối đe dọa trên bình diện ý thức hệ, thì giờ đây họ lại là một thách thức rất lớn, bởi vì đó là một sự đối đầu với một nền văn minh với biết bao thăng trầm từ hơn 4.000 năm, một nền văn minh đã biết cách vực dậy sau mỗi lần bị chao đảo.

    Nền văn minh Trung Quốc mới là một thách thức đáng gờm hơn cả. Nếu quý vị cầm nhầm kính soi, quý vị không thể nào phân biệt rõ điều đó. Các nhà lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc dành nhiều thời gian để suy nghĩ đến công cuộc « đại phục sinh văn minh Trung Hoa », hơn là nghĩ đến tư tưởng Mác Lê-nin. Điều này giải thích tại sao việc lạm dụng thuật ngữ như « mối đe dọa Cộng sản » dẫn đến việc nhầm lẫn về bản chất thách thức Trung Quốc.

    L’Opinion : Vậy phải chăng lập luận về cộng sản trước hết là hướng vào công luận trong nước Mỹ ?

    Đương nhiên, với lập luận này, việc huy động dân Mỹ dễ dàng hơn rất nhiều, bởi vì đây vốn là tâm điểm trong trận chiến chống lại Liên Xô trong nhiều thập niên. Đa số dân Mỹ không phân biệt được giữa mối nguy, thách thức cộng sản và văn minh.

    Thế nhưng, mọi chuyện không đơn giản như thế ! Các nhà lãnh đạo Mỹ biết rằng họ có thể dễ dàng thuyết phục công luận bằng cách bôi xấu đối thủ. Cho dù Trung Quốc đạt được những kết quả, do đảng Cộng sản lãnh đạo quản lý tốt, thì đầu óc dân Mỹ vẫn không thể hình dung và chấp nhận điều này. Nếu làm so sánh giữa hai nước trên phương diện xã hội-kinh tế, người ta nhận thấy rằng, trong số các quốc gia phát triển, Mỹ là nước duy nhất mà thu nhập trung bình của 50% những người nghèo khó nhất đã bị tụt giảm trong 30 năm qua, trong khi đó, cùng giai đoạn này, người dân Trung Quốc lại có được những năm phát triển tốt nhất và kết quả này đạt được dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản. Làm thế nào để giải thích điều này ? Đó là đảng Cộng sản Trung Quốc tỏ ra rất hiệu quả. Do vậy, cần phải hiểu vì sao và họ làm thế nào. Nếu không tìm hiểu, thì sẽ không thể phân tích đúng tính hình.

    L’Opinion : Trong tập sách « Has China Won ? », ông điểm đích danh trách nhiệm của các nhóm chuyên gia cố vấn Mỹ. Vì sao ?

    Tôi thuộc thế hệ nhìn vào nước Mỹ để định hướng và giải thích cho chúng tôi về thế giới, do vai trò đầu tầu trí tuệ của Hoa Kỳ.

    Giờ đây tôi kinh hoàng nhận thấy rằng trên phạm vi toàn cầu, thủ đô nước Mỹ đã trở thành nơi mà người ta chi nhiều nhất, hàng trăm triệu đô la, cho nhiều nhóm chuyên gia cố vấn chiến lược, trong khi mà trình độ tư duy chiến lược lại quá yếu kém. Dường như họ không còn khả năng hiểu được bản chất thực thụ về thách thức Trung Quốc.

    Thêm vào đó, Hoa Kỳ chỉ chăm chăm đề cao sức mạnh của họ, mà quên đi những điểm yếu của chính bản thân mình. Như tôi có lưu ý trong sách, cấu trúc nội tại điều hành của Mỹ có điều gì đó đã bị hỏng hóc. Điều này đã dẫn đến tình trạng xuống cấp điều kiện sống của nhiều người dân và gia tăng nỗi thất vọng.

    Ngược lại, về phía Trung Quốc, người ta chỉ nói đến những điểm yếu của nước này. Đương nhiên Trung Quốc có những điểm yếu nhưng Hoa Kỳ không đo lường được sức mạnh to lớn của nước này và khả năng đáng gờm của đảng Cộng sản Trung Quốc nhằm duy trì bằng được các mục tiêu của họ. Trong chiều hướng này, các nhóm tham mưu chiến lược đã thất bại trong việc chuẩn bị cho nước Mỹ đối đầu với thực tế Trung Quốc.

    L’Opinion : Rất nhiều người sẽ nói với ông rằng người chịu trách nhiệm chính về tình hình này là Donald Trump, khi ông ta quyết định tiến hành chiến tranh thương mại với Trung quốc

    Cho dù Trump không « vô tư », thậm chí ngược lại, trước những căng thẳng hiện nay, nhưng cần nhắc lại rằng chính sách duy nhất mà đương kim tổng thống có được sự ủng hộ của phe đối lập Dân Chủ, đó chính là chính sách liên quan đến Trung Quốc. Vả lại, 9 phần 10 dân Mỹ coi Bắc Kinh là một mối đe dọa.

    Hiện nay, khó mà có những phát biểu « vừa phải » về Trung Quốc. Bởi vì nếu ai làm như vậy thì sẽ bị thất tín, mất uy tín ngay. Chính vì thế, nếu Joe Biden trúng cử vào tháng 11 tới, mọi việc sẽ không thay đổi, bởi vì có một sự đồng thuận trong « thâm tầng chính phủ - Nhà nước thực quyền » (bộ Quốc Phòng, CIA) về việc coi Trung Quốc là mối đe dọa cơ bản đối với sự ưu việt của Hoa Kỳ. Theo tôi, sai lầm của Hoa Kỳ là đặt ưu tiên này lên trên sự ấm no hạnh phúc của người dân Mỹ.

    L’Opinion : Để giải thích phần nào căng thẳng gay gắt giữa Trung Quốc và phương Tây hiện nay, ông có nhắc đến thuật ngữ khá phổ biến « hiểm họa da vàng »…

    Tôi ý thức được là mình đã mạo hiểm khi đề cập đến chủ đề này. Cùng lúc, với tư cách là một nhà quan sát, tôi không thể nào không tự hỏi tại sao phản ứng của Mỹ trước đà đi lên thành cường quốc của Trung Quốc lại mạnh mẽ đến như thế và tại sao điều đó dẫn đến những quyết định phi lý.

    Nỗi lo sợ này đã hằn sâu trong ký ức tập thể. Nó đã có từ thời đế quốc Mông Cổ tìm cách chinh phục châu Âu. Tôi còn nhớ rõ tuổi thơ ấu ở Singapore, tôi đọc nhiều câu chuyện về nhân vật Phó Mãn Châu (Fu Manchu), trong đó nhân vật phản diện là hiện thân của một người đàn ông da vàng.

    Vào cuối thế kỷ XIX, nước Mỹ thể hiện nỗi sợ hãi đó khi cấm di dân Trung Quốc đặt chân đến lãnh thổ, trong khi vẫn tiếp tục đón nhận người châu Âu. Trong những năm 1980, khi Nhật Bản bị xem như là một hiểm họa cho nền kinh tế phương Tây, người ta chứng kiến cùng kiểu phản ứng phi lý như vậy.

    Khi nêu ra khái niệm « hiểm họa da vàng » này, tôi muốn rằng người ta phải ý thức được điều đó và gột bỏ chúng đi để hiểu đúng về Trung Quốc, một đất nước hiện đại và trong một chừng mực nào đó đã bị phương Tây hóa. Thế nên, việc loại bỏ những bóng ma cản trở tầm nhìn sáng suốt về một thực tế là điều thiết yếu. Nhưng người Mỹ lại sợ nói đến điều này.

    L’Opinion : Dường như không có ai phản đối về cách tiếp cận bất hợp lý này của Mỹ đối với hồ sơ Trung Quốc. Điều này có làm ông lo lắng không ?

    Đương nhiên là có rồi. Tôi từng sống ở Mỹ với tư cách là đại diện của Singapore tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc khi xảy ra vụ khủng bố 11/09/2001. Sự giận dữ của họ là hoàn toàn chính đáng, cũng như việc có được sự ủng hộ của Liên Hiệp Quốc tấn công Afghanistan. Điều đó hoàn toàn hợp lý.

    Nhưng sau đó, Mỹ đã đi quá giới hạn đó và quyết định mở cuộc chiến tại Irak mà Pháp và Đức đã khôn khéo tìm cách ngăn chận. Tôi còn nhớ trong một bữa ăn trưa ở New York cùng với nhiều nhân vật có ảnh hưởng, người ngồi cạnh tôi, một chủ ngân hàng lớn, đã hỏi tôi là rượu được phục vụ có phải là rượu Pháp không và nói thêm rằng nếu đúng như vậy thì ông ta sẽ không uống, vì nước Pháp đã không ủng hộ Mỹ. Chúng tôi từng sống trong một dạng cả nước điên cuồng phẫn nộ và cuối cùng đẩy họ đến một thảm họa tại Irak.

    Bây giờ, người ta thấy lại bầu không khí này khi nói về Trung Quốc, đến mức người ta khó có thể chấp nhận nghe hỏi là liệu nước Mỹ được lợi gì khi khởi động một cuộc tranh đua địa chính trị với Trung Quốc và cuộc đọ sức này phải được tiến hành ra sao khi mà nó đã được khởi động.

    Thế nên, tôi mong muốn là một lần nữa là Pháp và Đức tìm cách thuyết phục Washington chấp nhận một cách tiếp cận hợp lý hơn trước thách thức Trung Quốc thay cho phản ứng theo cảm xúc đang làm cho Mỹ bị mù quáng.

    (RFI)

    Không có nhận xét nào