Header Ads

  • Breaking News

    Hoàng Lan - Kế hoạch khai thác thương mại nguồn tài nguyên băng cháy trên Biển Đông của Trung Quốc liệu có thành hiện thực?

    Nội dung bài viết bao quát lịch sử quá trình từ khi Trung Quốc manh nha thúc đẩy ý tưởng nghiên cứu băng cháy trên Biển Đông; cho đến hiện trạng khai thác hiện nay để làm rõ thực chất Trung Quốc đã đi đến bước nào trong tiến trình khai thác một loại năng lượng mới ở trên Biển Đông.

    Mở đầu

    Bộ Tài nguyên Thiên nhiên, Trung Quốc mới đây (26/3) đã công bố nước này vừa thiết lập 2 kỷ lục thế giới về tổng lượng khí tự nhiên thu được từ hoạt động khai thác thử nghiệm băng cháy và về tổng lượng khí thu được trong một ngày sau khi kết thúc đợt thử nghiệm lần thứ 2 kéo dài khoảng một tháng (17/2-18/3) tại khu vực biển Shenhu nằm ở phía bắc Biển Đông. Kế hoạch khai thác băng cháy của Trung Quốc đã được đưa vào Kế hoạch quốc gia từ năm 2002 và không ngừng được giới cầm quyền nước này thúc đẩy thông qua nhiều biện pháp và dự án cụ thể đặc biệt từ sau năm 2013. Điều này đặt ra câu hỏi liệu có chăng một chính sách cụ thể, mang tính dài hạn của chính quyền Trung Quốc liên quan đến kế hoạch khai thác băng cháy trên Biển Đông trong thời gian tới?

    Trên cơ sở phân tích về những đánh giá, nghiên cứu khảo sát của Trung Quốc về trữ lượng băng cháy; mục tiêu được chính phủ Trung Quốc đề ra và quá trình triển khai hoạt động khai thác trên thực tế có thể thấy, mặc dù vấp phải rất nhiều trở lực và thách thức song chính phủ Trung Quốc đã có những bước triển khai trên thực tế và gặt hái được thành quả bước đầu trong tiến trình khai thác băng cháy trên Biển Đông. Nội dung bài viết dưới đây sẽ bao quát lịch sử quá trình từ khi Trung Quốc manh nha thúc đẩy ý tưởng nghiên cứu băng cháy trên Biển Đông; cho đến hiện trạng khai thác hiện nay để làm rõ thực chất Trung Quốc đã đi đến bước nào trong tiến trình khai thác một loại năng lượng mới ở trên Biển Đông; đồng thời nhìn nhận những thách thức, triển vọng cũng như ý đồ và tác động từ việc khai thác băng cháy trên Biển Đông của Trung Quốc.

    Băng cháy - nguồn năng lượng dồi dào mà Trung Quốc muốn làm chủ trên Biển Đông


    Theo các khảo sát đánh giá của Trung Quốc, băng cháy hiện được tìm thấy ở cả trên đất liền và dưới biển sâu, cụ thể ở 4 khu vực: Biển Đông, Biển Hoa Đông, vùng băng vĩnh cửu của cao nguyên Thanh Tạng và vành đai phía đông bắc Trung Quốc[1]. Đáng chú ý, Trung Quốc xác định, chỉ 3% trữ lượng băng cháy được tìm thấy ở các khu vực như tầng băng vĩnh cửu, vùng biển gần bờ; còn lại 97% trữ lượng băng cháy được xác định ở vùng biển sâu của Biển Đông và biển Hoa Đông, trong đó chủ yếu là ở khu vực Biển Đông.

    Theo báo cáo năm 2016 của Bộ Năng lượng Trung Quốc, vùng biển sâu ngoài khơi Trung Quốc được xác định là khu vực có trữ lượng băng cháy lớn nhất tương đương hơn 74,4 tỷ tấn dầu[2] quy đổi. Trữ lượng này ước tính đủ cho Trung Quốc sử dụng trong vòng khoảng gần 150 năm nếu khai thác được. Đặc biệt là, theo một số đánh giá của Trung Quốc, con số hơn 74 tỷ tấn dầu quy đổi trên mới chỉ là xác định bước đầu, trên thực tế, khu vực Biển Đông có thể còn tồn tại trữ lượng băng cháy lớn hơn rất nhiều mà Trung Quốc chưa xác định hết được[3].

    Ở Biển Đông, theo Trung Quốc, băng cháy được phát hiện rải rác khắp khu vực, nhưng tập trung nhiều nhất ở khu vực phía bắc Biển Đông đặc biệt là khu vực đông bắc.

    Phải lưu ý, các số liệu công bố về nguồn năng lượng băng cháy được phát hiện ở Biển Đông của Trung Quốc hiện còn chưa được hoàn thiện bởi lẽ việc tìm kiếm thăm dò nguồn năng lượng này tuy đã được triển khai ở Trung Quốc trong suốt hơn 10 năm qua nhưng những khu vực được Trung Quốc tiến hành khảo sát và thử nghiệm mới chỉ dừng lại ở phía bắc Biển Đông[4] do nhiều yếu tố liên quan đến kỹ thuật công nghệ, yếu tố hiệu quả kinh tế và cả vấn đề chính trị ở khu vực Biển Đông. Do đó, công cuộc phát triển nguồn năng lượng mới này ở Trung Quốc vẫn đang tiếp tục được coi là mục tiêu ưu tiên của Trung Quốc.

    Trung Quốc xác định mục tiêu tiến tới sản xuất thương mại băng cháy trên Biển Đông vào năm 2030

    Trên thực tế, Trung Quốc bắt đầu “nhòm ngó” đến nguồn năng lượng băng cháy từ rất sớm và không ngần ngại công bố lộ trình tiến tới mục tiêu cuối cùng là khai thác thương mại nguồn tài nguyên băng cháy trên Biển Đông.

    Theo đó, trong Kế hoạch khai thác băng cháy quốc gia, Trung Quốc đặt ra mục tiêu cụ thể: “đến năm 2020 hoàn thành giai đoạn điều tra dữ liệu về băng cháy; từ năm 2020 – 2030 là giai đoạn thử nghiệm khai thác sản xuất và từ sau năm 2030 Trung Quốc sẽ tiến tới sản xuất thương mại nguồn tài nguyên băng cháy”[5].

    Để đạt được mục tiêu này, trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 (2016 – 2020), Trung Quốc xác định tư tưởng và phương châm chỉ đạo việc tìm kiếm, thăm dò khai thác băng cháy ở Trung Quốc là “đẩy mạnh việc nghiên cứu kết hợp với thăm dò điều tra; đổi mới, sáng tạo kết hợp với ứng dụng thực tiễn; khai thác tài nguyên phải đi đôi với môi trường”[6]. Sở dĩ chính quyền nước này rất chú ý đến vấn đề môi trường vì nhiều nghiên cứu chỉ ra mặc dù là nguồn năng lượng sạch dồi dào, xong trong quá trình khai thác, nếu ứng dụng kỹ thuật chưa chính xác, băng cháy có thể sẽ thải ra một lượng lớn khí thải gây ảnh hưởng tiêu cực đến khí quyển mà khó có thể khắc phụ được hậu quả[7]. Chính vì vậy, chính quyền Trung Quốc luôn lo lắng đến hệ luỵ từ việc nghiên cứu ứng dụng chưa đầy đủ công nghệ kỹ thuật cao trong quá trình khai thác nguồn tài nguyên dồi dào này.

    Thực tiễn triển khai các kế hoạch tìm kiếm thăm dò và thử nghiệm khai thác băng cháy ở phía bắc Biển Đông

    Dưới chính sách tăng cường và đẩy nhanh hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác băng cháy trên biển, Trung Quốc hiện nay đã gần hoàn tất bước 3 trong lộ trình 5 bước để tiến tới sản xuất thương mại băng cháy trên biển.

    Theo lộ trình Trung Quốc đặt ra, để tiến tới mục tiêu sản xuất thương mại vào năm 2030, Trung Quốc đã trải qua giai đoạn nghiên cứu lý thuyết và thử nghiệm mô phỏng (từ 1998 – 2008); hiện nay Trung Quốc đã cơ bản hoàn tất giai đoạn tìm kiếm, thăm dò thử nghiệm và đang triển khai giai đoạn khai thác thử nghiệm (dự kiến đến hết năm 2020). Theo Trung Quốc đánh giá, việc công bố thiết lập 2 kỷ lục vừa qua đã giúp Trung Quốc tiến một bước xa để chuẩn bị bước vào giai đoạn 4 là sản xuất thử nghiệm bằng cháy (từ 2020 – 2030)[8].

    Theo báo cáo của Cục Điều tra Địa chất biển Trung Quốc, trong giai đoạn 1 về nghiên cứu băng cháy, Trung Quốc đã tập hợp được hầu hết dữ liệu về băng cháy trên toàn bộ Biển Đông dựa trên các dữ liệu địa chất biển mà Trung Quốc đã có từ trước đó cũng như sự hợp tác của các cơ quan nghiên cứu nước ngoài. Do đó, Trung Quốc có cơ sở để kết luận về trữ lượng băng cháy trên Biển Đông cũng như những khu vực phân bố băng cháy rải rác khắp Biển Đông. Bước vào giai đoạn 2 về tìm kiếm thăm dò, Trung Quốc đã triển khai khoan thăm dò thực tế được tại một số khu vực ở phía bắc Biển Đông. Còn trong giai đoạn 3 về thử nghiệm khai thác, Trung Quốc mới chỉ khai thác thử nghiệm được ở khu vực Shenhu, nằm ở phía đông bắc Biển Đông. Cụ thể:

    -Về tìm kiếm thăm dò, trong Chương trình quốc gia về Điều tra trữ lượng băng cháy ở vùng biển Trung Quốc công bố năm 2002, nước này đã đặt mục tiêu khoan thăm dò tại các khu vực mà Trung Quốc đánh giá có tiềm năng băng cháy cao gồm các khu vực: 1) bể trầm tích Haizao Hoàng Sa (Xisha Trough Basin), 2) khu vực bể trầm tích Qiong Dongnan nằm ở phía tây bắc Biển Đông, 3) khu vực Shenhu ở phía đông bắc Biển Đông và 4) khu vực Đông Sa[9].

    Tháng 4-6/2007, Trung Quốc lần đầu tiên triển khai thành công kế hoạch khoan thăm dò lấy mẫu băng cháy ở khu vực Shenhu và trở thành nước thứ 4 trên thế giới (sau Mỹ, Nhật và Ấn Độ) khoan thử nghiệm được băng cháy ở trên biển vào thời điểm đó. Tháng 6-9/2013, Trung Quốc lần đầu tiên tiến hành khoan thử nghiệm thành công băng cháy ở khu vực nước sâu, vị trí khoan khi đó của Trung Quốc nằm ở phía đông bồn địa Châu Giang (phía bắc Biển Đông). Tháng 6-9/2015, Trung Quốc tiếp tục khoan ở toàn bộ 19 điểm thăm dò tại khu vực Shenhu[10]. Sau khi kết thúc giai đoạn khoan thử nghiệm ở một số khu vực ở phía bắc Biển Đông, Trung Quốc nhận định trữ lượng băng cháy ở khu vực phía bắc Biển Đông cực kỳ dồi dào. Theo số liệu đã được Trung Quốc kiểm định tại thời điểm đó, trữ lượng băng cháy ở khu vực phía bắc Biển Đông ít nhất tương đương với hơn một nửa trữ lượng dầu mỏ đã được Trung Quốc xác định ở trên lục địa[11].

    -Về khai thác thử nghiệm, tính đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc mới chỉ tiến hành thành công 2 đợt khai thác thử nghiệm ở khu vực biển Shenhu, cách Hồng Kông khoảng 300 km về phía đông nam (phía đông bắc Biển Đông). Đợt khai thác thử nghiệm lần đầu tiên bắt đầu từ tháng 3-6/2017. Trong đợt khai thác này, Trung Quốc đã tiến hành khoan ở độ sâu 1266m dưới mực nước biển và thu được khoảng 300.000 m3 khí tự nhiên từ băng cháy trong vòng khoảng 60 ngày[12]. Đợt khai thác thử nghiệm thứ 2 cũng ở khu vực biển Shenhu dưới độ sâu 1225m, được Trung Quốc tiến hành mới đây từ ngày 17/2-18/3/2020. Trong đợt khai thác này, Trung Quốc đã thu được 861.400 m3 khí tự nhiên từ băng cháy, tính trung bình mỗi ngày khai thác đạt khoảng 28.700 m3 khí. Với kết quả trên, Trung Quốc cho rằng, nước này đã lập kỷ lục thế giới về số lượng khí tự nhiên thu được từ băng cháy và trữ lượng khí thu được trong một ngày.[13]

    Như vậy, tính tới thời điểm hiện tại, mặc dù Trung Quốc đã thu thập được dữ liệu về băng cháy trên toàn bộ khu vực Biển Đông trong giai đoạn nghiên cứu lý luận; song trong quá trình triển khai trên thực tế, Trung Quốc mới chỉ khoan thăm dò được ở toàn bộ khu vực biển Shenhu và một phần khu vực bồn địa Châu Giang; về khai thác, Trung Quốc mới chỉ tiến hành thành công hai đợt khai thác thử nghiệm ở khu vực biển Shenhu và thu được hơn 1 triệu m3 khí tự nhiên từ băng cháy trong gần 3 tháng tác nghiệp của cả hai đợt thử nghiệm.

    Triển vọng và thách thức phải đối mặt

    Quyết tâm mang tính chính trị, sự hậu thuẫn về mặt chính sách thông qua việc phân bổ nguồn lực vào các chương trình, dự án nhằm nâng cao năng lực khai thác băng cháy ở Trung Quốc là những nhân tố thuận lợi thúc đẩy kế hoạch khai thác băng cháy của nước này sớm đạt được mục tiêu cuối cùng là tiến tới khai thác thương mại nguồn băng cháy dồi dào trên Biển Đông vào năm 2030. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, trong bối cảnh công nghệ kỹ thuật như hiện nay, việc đạt được mục tiêu đặt ra của Trung Quốc gặp phải nhiều khó khăn, thách thức cản trở hơn là những thuận lợi từ chính sách hay quyết tâm chính trị của giới cầm quyền nước này.

    Thuận lợi đầu tiên phải kể đến là việc thúc đẩy triển khai kế hoạch tìm kiếm thăm dò và khai thác băng cháy của Trung Quốc được coi như “một mũi tên trúng hai đích”, vừa giải quyết bài toán kinh tế, vừa xuất phát từ góc độ lợi ích chính trị. Nhìn lại lịch sử những lần Trung Quốc hạ đặt giàn khoan thăm dò dầu khí trên Biển Đông như sự kiện HD981 năm 2014; đưa tàu khảo sát HD8 vào phía nam Biển Đông từ tháng 7-10/2019 và tháng 4-5/2020 vừa qua có thể thấy, những hoạt động đó đều liên quan đến vấn đề chính trị chứ không chỉ là hoạt động khảo sát thăm dò dầu khí thông thường. Nói một cách khác, việc duy trì hoạt động thăm dò và khảo sát năng lượng trên Biển Đông gắn với mục tiêu về an ninh, chủ quyền và lãnh thổ của Trung Quốc. Hiện nay những nghiên cứu về băng cháy của Trung Quốc cũng chỉ ra các bể băng cháy có tiềm năng trên Biển Đông lại nằm ở những khu vực hết sức nhạy cảm, đặc biệt là nằm ven xung quanh cái gọi là “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Vì thế, trong tương lai, hoạt động thăm dò, khai thác băng cháy trên Biển Đông sẽ còn được chính quyền Trung Quốc quyết tâm thực hiện vì đây là cách thức để Trung Quốc thực hiện cái gọi là “chủ quyền không thể chối cãi trên Biển Đông” của mình.

    Thứ hai, chính quyền Trung Quốc không ngừng ban hành các chính sách, thể chế và đầu tư nguồn nhân lực vào việc đẩy nhanh tiến độ khai thác khí tự nhiên từ băng cháy tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến trình khai thác băng cháy. Từ năm 2002, chính quyền trung ương Trung Quốc đã chính thức đưa việc thăm dò tìm kiếm băng cháy vào chương trình quốc gia. Năm 2004, Trung Quốc cho thành lập Trung tâm Nghiên cứu Băng cháy thuộc Viện Năng lượng Quảng Châu. Để tạo khuôn khổ chính sách thuận lợi, Trung Quốc cho thành lập nhiều dự án nghiên cứu trọng điểm như Dự án quốc gia về băng cháy mang tên “Thăm dò đánh giá tiềm năng tài nguyên băng cháy ở vùng biển nước ta” năm 2002; Dự án Kỹ thuật then chốt để thăm dò và khai thác nguồn tài nguyên băng cháy ở Trung Quốc được thành lập trong quá trình triển khai Kế hoạch 863 (Kế hoạch nghiên cứu phát triển công nghệ kỹ thuật cao Trung Quốc giai đoạn Năm năm lần thứ 11). Năm 2008, Trung Quốc tiếp tục thành lập dự án giai đoạn mới nằm trong Kế hoạch 973 mang tên “Nghiên cứu cơ sở về khai thác băng cháy trên Biển Đông”. Có thể thấy, chính phủ Trung Quốc đặc biệt quan tâm và dành nhiều nguồn lực cho việc nghiên cứu, thăm dò tìm kiếm tiến tới khai thác nguồn băng cháy trên Biển Đông.

    Thứ ba, dưới sự đầu tư nguồn lực của chính phủ, hiện Trung Quốc đã từng bước làm chủ và sáng tạo được các kỹ thuật và thiết bị công nghệ cao nhằm nâng cao hiệu quả thăm dò và khai thác băng cháy. Theo báo cáo của chính phủ Trung Quốc, đợt khai thác thử nghiệm diễn ra trong tháng 3 vừa qua, sở dĩ nước này đạt được 2 kỷ lục thế giới về sản lượng khai thác khí tự nhiên từ băng cháy do nước này đã nghiên cứu và ứng dụng thành công các kỹ thuật cũng như thiết bị mà nước này chế tạo. Ví dụ, về kỹ thuật khoan, Trung Quốc hiện nay là nước đầu tiên trên thế giới đã áp dụng thành công được kỹ thuật khoan ngang ở dưới biển sâu để khai thác khí tự nhiên từ băng cháy[14]. Mặc dù kỹ thuật khoan ngang ở tầng biển sâu đã được các nước khoa học tiên tiến như Mỹ thử nghiệm từ những năm 1980s, nhưng chưa nước nào áp dụng thành công kỹ thuật này vào hoạt động khai thác băng cháy.[15] Về các thiết bị kỹ thuật cao, hiện nay Trung Quốc cũng đã tự nghiên cứu chế tạo và từng bước làm chủ các thiết bị phục vụ cho công tác thăm dò và khai thác băng cháy, giảm sự phụ thuộc vào nước ngoài. Theo báo cáo vừa qua của chính phủ Trung Quốc, nước này hiện đã làm chủ được 32 chi tiết thiết bị liên quan đến các kỹ thuật then chốt trong khai thác băng cháy trong đó có 6 hạng mục đạt được ưu thế vượt trội và 12 hạng mục thiết bị Trung Quốc đã tự chế tạo được[16]. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã nghiên cứu chế tạo các hệ thống nhằm ngăn ngừa và kiểm soát rủi ro với môi trường do hoạt động khai thác băng cháy tạo ra. Hệ thống này cũng đã được ứng dụng thành công trong đợt tác nghiệm vừa rồi của Trung Quốc ở vùng biển Shenhu.

    Mặc dù vậy, không thể chối cãi rằng, các giới nghiên cứu của Trung Quốc đều thừa nhận các vấn đề được coi là trở lực lớn nhất đối với Trung Quốc nếu tiến tới khai thác băng cháy trên Biển Đông trong tương lai gần là: vấn đề hiệu quả kinh tế, vấn đề kiểm soát rủi ro môi trường trong quá trình khai thác và cả những nhạy cảm mang tính chính trị ở khu vực Biển Đông.

    Đầu tiên là tính bất khả thi về hiệu quả kinh tế. Hiện nay, chi phí sản xuất một mét khối khí tự nhiên là chưa đến 1 NDT/m3. Trong khi đó, chi phí sản xuất băng cháy được thế giới thống kê tương đương với 30 – 50 usd/ triệu đơn vị BTU khí tự nhiên từ băng cháy (khoảng 220 – 360 NDT). Theo như IEA dự tính, cho đến khi các nước áp dụng được một cách hiệu quả về kỹ thuật, phương pháp và quy trình khai thác thì cũng sẽ mất khoảng 4.7 – 8.5 usd (tương đương 33 – 80 NDT) để khai thác được một triệu đơn vị BTU khí tự nhiên từ băng cháy[17]. Chính vì vậy mà, theo ông Zhang Maorong, Trưởng ban nghiên cứu Năng lượng và Môi trường, Viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế hiện đại Trung Quốc đánh giá cho rằng, việc đạt được đến mục tiêu khai thác thương mại băng cháy trên biển vào năm 2030 đối với Trung Quốc là không hề dễ dàng, vì để đạt được mục tiêu này, Trung Quốc phải đạt được song song rất nhiều mục tiêu, vừa thăm dò tìm kiếm được nhiều mỏ băng cháy với trữ lượng và điều kiện thuận lợi; vừa nghiên cứu các kỹ thuật để giảm giá thành sản xuất, như vậy nghĩa là phải vừa đạt đột phá trong nghiên cứu lý luận, vừa đột phá trong công nghệ, thiết bị thì mới giúp Trung Quốc đạt được mục tiêu trên.[18]

    Bên cạnh đó là những rủi ro về vấn đề môi trường mà Trung Quốc chưa thể giải quyết. Để khai thác băng cháy, cần tăng nhiệt độ, giảm áp suất để giải phóng khí, do đó, các nước khi tiến hành khai thác băng cháy sẽ phải dùng tác động từ bên ngoài tạo môi trường thay đổi về nhiệt độ và áp suất để khai thác được băng cháy. Chính những tác động làm thay đổi nhiệt độ và áp suất lại dẫn đến những hệ luỵ như lở đất dưới đáy biển, sóng thần, huỷ diệt sinh vật biển,… Ngoài ra, khi khai thác băng cháy sẽ giải phóng ra một lượng lớn khí metan, nếu kỹ thuật khoan không chuẩn, những lỗ khoan bị rò rỉ sẽ gây thoát một lượng lớn khí metan huỷ hoại nghiêm trọng cho môi trường, gây hiệu ứng nhà kính, biến đổi khí hậu. Hiện nay, Trung Quốc nhận thức rằng, nếu khai thác băng cháy không an toàn và dẫn tới nổ băng cháy thì hậu quả có thể sẽ gấp mười nghìn lần năng lượng của vụ nổ hạt nhân[19]. Do đó, Trung Quốc tuyệt đối không thể xem nhẹ những hệ quả của việc khai thác băng cháy trong tương lai. Chính vì vậy, trọng tâm nghiên cứu chế tạo của Trung Quốc hiện nay vẫn tập trung làm sao để giảm thiểu những rủi ro có thể xảy ra trong quá trình nước này tiến hành khai thác băng cháy. Đây vừa là rào cản lớn nhất, song cũng là nút thắt quan trọng trong việc mở ra triển vọng sản xuất thương mại băng cháy trong tương lai của Trung Quốc.

    Những tác động và hệ luỵ trong tương lai

    Trung Quốc nhận thức rằng, băng cháy là một nguồn năng lượng sạch của tương lai, sớm muộn sẽ thay thế nguồn năng lượng dầu khí truyền thống. Do đó, tương lai sẽ là cuộc cạnh tranh giữa những nước lớn trong công cuộc làm chủ lĩnh vực khai thác băng cháy. Trung Quốc cũng cho rằng, nước nào làm chủ được công nghệ và kỹ thuật khai thác, sớm sản xuất thương mại được băng cháy sẽ là nước có được lợi thế trong cục diện năng lượng trong tương lai[20]. Với tiềm năng có trữ lượng băng cháy ở ngoài khơi lớn, thêm vào đó là những thành tựu bước đầu như lập kỷ lục về sản lượng khai thác khí tự nhiên từ băng cháy cũng như sản lượng khí khai thác được trong một ngày, Trung Quốc hiện nay đang tự tin là quốc gia dẫn đầu thế giới về lĩnh vực khai thác nguồn năng lượng tương lai này. Thực tế này cũng củng cố thêm quyết tâm của chính quyền Trung Quốc trong việc đạt được mục tiêu đến năm 2030 khai thác thương mại từ băng cháy trên Biển Đông.

    Quyết tâm này nằm trong tổng thể chính sách trở thành “cường quốc biển”, đồng thời là một phần trong thực thi và triển khai chính sách Biển Đông của Trung Quốc. Do đó, Trung Quốc chắc chắn sẽ không bao giờ từ bỏ việc tìm kiếm, thăm dò và từng bước khai thác băng cháy trên Biển Đông.

    Nếu thuận lợi, đến năm 2030 Trung Quốc đạt được mục tiêu sản xuất thương mại băng cháy ngoài khơi, khi đó Trung Quốc sẽ dành lợi thế, làm chủ được nguồn năng lượng khổng lồ và thay đổi cán cân nhập khẩu năng lượng đến 70% hiện nay. Xuất phát từ thực tế tìm kiếm thăm dò và thực nghiệm hiện nay, trong tương lai diễn tiến khai thác băng cháy của Trung Quốc sẽ bắt đầu từ những mỏ băng cháy ở phía bắc Biển Đông và lấn dần sang các mỏ ở phía vùng biển Đài Loan, Trung Sa, Hoàng Sa rồi sau đó trong tương lai dài, không loại trừ tham vọng tiến sâu tới cả các điểm cực của cái mà Trung Quốc vẫn gọi là “đường lưỡi bò”. Khi đó, việc khai thác băng cháy của Trung Quốc ắt sẽ làm bùng lên tranh chấp ở khu vực phía nam Biển Đông bởi các quốc gia ven biển sẽ đều kiên quyết bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền ở Biển Đông của mình, kiên quyết phản đối các hành động ngang ngược và phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông trong đó có cả kịch bản hoạt động khai thác băng cháy ở phía nam Biển Đông của Trung Quốc.

    Kết luận


    Với việc phát hiện ra một trữ lượng lớn băng cháy ở Biển Đông – nguồn năng lượng có thể đáp ứng gần 150 năm nhu cầu năng lượng của Trung Quốc, nhiều năm trở lại đây, nước này đã không ngừng thúc đẩy các hoạt động tìm kiếm, thăm dò và tiến tới khai thác thử nghiệm băng cháy trên Biển Đông. Tuy nhiên, cho tới hiện tại, Trung Quốc mới chỉ tiến hành thành công hai đợt khai thác thử nghiệm băng cháy ở khu vực Shenhu nằm ở phía đông bắc Biển Đông với tổng hơn 1 triệu m3 khí tự nhiên thu được từ hai đợt thử nghiệm này. Với kết quả trên, Trung Quốc tự tin cho rằng mình là quốc gia dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực khai thác băng cháy và có đủ khả năng để đạt được mục tiêu sản xuất thương mại băng cháy vào năm 2030. Mặc dù vậy, phải khẳng định rằng, xét ở bối cảnh hiện tại, dù Trung Quốc đã làm chủ được nhiều công nghệ tiến tiến, nghiên cứu chế tạo thành công các thiết bị phục vụ công tác khai thác băng cháy, tuy nhiên, với chi phí kinh tế quá cao, đi kèm với đó là những rủi ro rất lớn về môi trường mà Trung Quốc chưa tìm được cách xử lý triệt để là những thách thức rất lớn cản trở triển vọng khai thác băng cháy trên Biển Đông trong tương lai gần của Trung Quốc. Song, với quyết tâm chính trị rất lớn trong việc “kiểm soát và làm chủ Biển Đông”, khai thác băng cháy sẽ được chính quyền Trung Quốc sử dụng như một công cụ để khẳng định cái gọi là “chủ quyền không thể chối cãi của Trung Quốc trên Biển Đông”. Khi đó, hoạt động khai thác băng cháy trong khu vực biển không thuộc chủ quyền, quyền của quyền của Trung Quốc trong tương lai chắc chắn sẽ tiếp tục là căn nguyên khiến tình hình Biển Đông thêm phức tạp và rối ren.

    Hoàng Lan, nghiên cứu viên của Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao. Tác giả chân thành cảm ơn ông Lê Anh Thắng, Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo; và ông Phạm Quý Ngọc, Viện Dầu khí Việt Nam đã có những góp ý, chỉnh sửa nội dung chuyên môn và nhận xét bài viết của tác giả. Bài viết phản ánh quan điểm riêng của tác giả.

    Không có nhận xét nào