Header Ads

  • Breaking News

    Điểm tin thế giới ngày Thứ ba 23 tháng 6 năm 202


    Thượng đỉnh EU-TQ không đạt được tuyên bố chung

    Thượng đỉnh đầu tiên giữa một lớp lãnh đạo châu Âu mới với Chủ tịch TQ Tập Cận Bình mang lại rất ít kết quả, thậm chí không ra được một tuyên bố chung, theo New York Times.

    Tại một cuộc họp thượng đỉnh hôm thứ Hai (22/6), Liên minh châu Âu (EU) đã khẩn thiết đề nghị các nhà lãnh đạo Trung Quốc nỗ lực nhiều hơn trong các cuộc đàm phán đang bế tắc để đạt được một thỏa thuận đầu tư và thương mại, một vấn đề ngày càng làm phiền lòng 27 thành viên EU.

    Nhưng lời đề nghị này dường như không được Trung Quốc đáp lại, khi nước này thắt chặt kiểm soát nền kinh tế trong nước và trở nên hiếu chiến hơn trong quan hệ với các cường quốc phương Tây.

    Sự nhạy cảm của Trung Quốc về nguồn gốc của virus corona, các động thái của họ với Hong Kong và chính sách ngoại giao hiếu chiến là các chủ đề chính của cuộc họp thượng đỉnh. Việc họp qua video cũng làm giảm khả năng đàm phán hoặc truyền tải các thông điệp thầm lặng.

    Do đó, cuộc họp thượng định, vốn đã bị hoãn lại từ cuối tháng Ba, không có khả năng tạo ra một bước đột phá để đưa ra được một hiệp ước đầu tư. Lớp lãnh đạo mới của châu Âu, bao gồm Chủ tịch Ủy ban Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng Charles Michel, dù không kỳ vọng nhiều vào cuộc họp nhưng vẫn thất vọng.

    Giữa căng thẳng, Thủ tướng Trung Quốc tuyên bố EU là đối tác
    Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, hôm thứ Hai, nói rằng mối quan hệ giữa Liên minh châu Âu (EU) và đất nước của ông thiên về đối tác nhiều hơn là đối thủ, theo Reuters.

    Ông Lý đưa ra phát biểu này trong bối cảnh quan hệ giữa Trung Quốc và EU đang căng thẳng vì nhiều quốc gia thuộc EU cho rằng Bắc Kinh đã che giấu sự thật về virus Vũ Hán khiến đại dịch Covid-19 lây lan ra toàn cầu.

    Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel đã có cuộc họp trực tuyến với ông Lý hôm thứ Hai. Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho hay, trong cuộc họp, ông Lý bày tỏ sự lạc quan về triển vọng hợp tác với EU, nói rằng Bắc Kinh bằng lòng phối hợp sâu với tổ chức này trong việc nghiên cứu vắc xin chống Covid-19.

    LHQ tiếp tục lên án Triều Tiên về nhân quyền

    Hội đồng Nhân quyền của Liên Hợp Quốc (HRC), hôm thứ Hai, đã thông qua một nghị quyết lên án việc nhà nước Bắc Hàn chà đạp các quyền cơ bản của con người. Việc làm này đã được HRC thực hiện liên tục trong 18 năm qua, theo Yonhap.

    Trong phiên họp thứ 43 được tổ chức tại Geneva, Thụy Sĩ, HRC gồm 47 quốc gia thành viên, đã thông qua nghị quyết bằng sự đồng thuận.

    “(Hội đồng) quan tâm sâu sắc đến các vi phạm nhân quyền có hệ thống, phổ biến và trắng trợn ở Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, trong nhiều trường hợp, điều này đã cấu thành tội ác chống lại loài người”, nghị quyết của HRC viết.

    Quan chức Trung-Ấn đàm phán


    Reuters đưa tin, hôm thứ Hai, quan chức quân đội Ấn Độ và Trung Quốc đã có cuộc gặp trực tiếp sau cuộc xung đột biên giới căng thẳng khiến nhiều binh sĩ hai bên tử vong vào đầu tuần trước.

    Một nguồn tin từ chính phủ Ấn Độ cho biết, chỉ huy quân đội hai bên đã có cuộc hội đàm nhiều giờ tại Moldo, khu vực nằm bên vùng đất đang được Trung Quốc quản lý tính từ Đường kiểm soát thực tế (LAC) thuộc cao nguyên Aksai Chin, một trong hai vùng đất mà Trung-Ấn đang tranh chấp và là nơi xảy ra vụ xô xát vừa qua.

    Cuộc họp kéo dài nhiều giờ. Trong cuộc họp, Ấn Độ yêu cầu Trung Quốc rút quân về vị trí mà họ đã cắm chốt kể từ tháng Tư trở về trước, một nguồn tin thứ hai từ chính phủ Ấn Độ nói với Reuters.

    Đài Loan cho quân đội ra Biển Đông huấn luyện


    Một quan chức quốc phòng Đài Loan hôm thứ Hai xác nhận, Thủy quân lục chiến Đài Loan đã triển khai quân tới đảo Pratas (Đông Sa) ở Biển Đông trong bối cảnh có thông tin quân đội Trung Quốc sẽ tập trận trong khu vực vào tháng Tám tới, theo Focus Taiwan.

    Vị quan chức quốc phòng cho biết cuộc tập trận sẽ chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn nhằm tăng cường khả năng phòng thủ và các kỹ năng hậu cần cho các sĩ quan Cảnh sát biển Đài Loan đóng trên đảo.

    WHO: Covid-19 đang bùng phát đồng thời tại các nước lớn


    Reuters dẫn tin từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm thứ Hai cho biết các trường hợp nhiễm virus Vũ Hán đang đồng thời tăng vọt ở một số quốc gia lớn, với mức độ “lo ngại tăng lên” ở Châu Mỹ Latinh, đặc biệt là ở Brazil.

    “Bệnh nhân tăng có thể do việc mở rộng xét nghiệm, nhưng chúng tôi không tin rằng đây là hiện tượng do xét nghiệm”, chuyên gia cấp cao của WHO, ông Mike Ryan, nói trong một cuộc họp báo.

    Ông Ryan cho biết, số lượng người dương tính với nCoV đã tăng vọt tại một số nước Mỹ Latinh như Chile, Argentina, Colombia, Panama, Bolivia, Guatemala, và đáng lo ngại nhất là Brazil, quốc gia có số bệnh nhân đã vượt quá 1 triệu và từng ghi nhận số người nhiễm bệnh mới tăng kỷ lục, 54.000 bệnh nhân sau 24 giờ.

    Hàn Quốc chỉ trích ông Bolton xuyên tạc hội nghị Trump – Kim


    Cố vấn An ninh Quốc gia Hàn Quốc Chung Eui-yong hôm nay nói phần viết về các cuộc thảo luận giữa lãnh đạo Mỹ và liên Triều trong cuốn hồi ký sắp xuất bản của ông John Bolton là sai sự thật và bị bóp méo, theo Reuters.

    Trong cuốn hồi ký sắp xuất bản với tựa đề “The Room Where It Happened: A White House Memoir” (Căn phòng nơi chuyện đó xảy ra: Hồi ký Nhà Trắng), ông Bolton, cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, đã thuật lại chi tiết các cuộc họp trước và sau 3 cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, bao gồm cả việc hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai được tổ chức tại Việt Nam đã sụp đổ như thế nào.

    Ông Bolton có viết rằng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, người rất muốn cải thiện quan hệ với Triều Tiên, đã đưa ra kỳ vọng không thực tế với cả Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cho chương trình nghị sự “thống nhất” của riêng ông.

    “Nó không phản ánh thực tế chính xác và thực chất các sự kiện đã bị xuyên tạc”, ông Chung Eui-yong nói.

    Triều Tiên lắp lại loa tuyên truyền dọc biên giới

    Các quan chức quân sự Hàn Quốc hôm nay cho biết Triều Tiên đang lắp đặt lại hệ thống loa tuyên truyền ở các khu vực dọc biên giới liên Triều, theo Yonhap.

    Theo giới chức Hàn Quốc, Triều Tiên đã thiết lập lại hệ thống loa “ở nhiều nơi” bên trong Khu phi quân sự (DMZ) từ ngày 21/6.

    “Động thái này đã được phát hiện ở hơn 10 khu vực, và diễn ra đồng thời”, một quan chức của Tham mưu Trưởng Liên quân Hàn Quốc cho biết, thêm rằng Seoul đang theo dõi chặt chẽ tình hình và sẵn sàng phản ứng với mọi tình huống.

    Đáp lại hành động của Triều Tiên, Hàn Quốc cũng đang xem xét lắp đặt lại hệ thống loa ở khu vực biên giới.
    Sau hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào ngày 27/4/ 2018, hai miền đã đồng ý tạm dừng mọi hành động thù địch và loại bỏ các phương tiện tuyên truyền, bao gồm phát sóng qua loa và phát tờ rơi.

    Đài Loan bay thử phi cơ tự phát triển


    Hôm nay, phi cơ huấn luyện siêu âm AT-5 Brave Eagle do Đài Loan tự phát triển được một chiến đấu cơ Ching-kuo hộ tống đã thực hiện chuyến bay thử dài 12 phút trước sự chứng kiến của Tổng tống Thái Anh Văn tại căn cứ quân sự ở Đài Trung.

    “Máy bay huấn luyện đời mới không chỉ tạo ra hơn 2.000 việc làm, mà còn giúp truyền tải kinh nghiệm và xây dựng thế hệ nhân tài mới trong ngành công nghiệp hàng không”, Reuters dẫn lời bà Thái phát biểu sau khi chứng kiến màn bay thử.

    AT-5 Brave Eagle là máy bay phản lực quân sự đầu tiên được Đài Loan tự thiết kế và chế tạo trong hơn 30 năm qua, kể từ khi hòn đảo thử nghiệm tiêm kích hạng nhẹ F-CK-1 Ching-kuo năm 1989. Chính phủ của bà Thái từng nhiều lần khẳng định rằng tự phát triển công nghệ quân sự là ưu tiên hàng đầu nhằm hiện đại hóa năng lực phòng thủ và đối phó mối đe dọa từ Bắc Kinh.

    Trung Quốc phủ nhận bắt công dân Canada vì vụ bà Mạnh Vãn Châu

    Theo Reuters, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hôm nay tuyên bố việc truy tố tội gián điệp với 2 công dân Canada là Michael Kovrig và Michael Spavor không liên quan đến vụ việc của bà Mạnh Vãn Châu, giám đốc tài chính của Tập đoàn công nghệ Huawei.

    Hôm 19/6, cơ quan công tố Trung Quốc thông báo trên website rằng ông Kovrig và Spavor bị truy tố tội gián điệp. Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết ông “rất thất vọng” về quyết định của Trung Quốc.

    Khi được hỏi về phát ngôn của ông Trudeau rằng sẽ tiếp tục gây áp lực lên Bắc Kinh để “chấm dứt giam giữ tùy tiện 2 công dân Canada”, ông Triệu Lập Kiên tuyên bố không có sự giam giữ tùy tiện ở Trung Quốc.

    EU gọi Trung Quốc là đối tác thương mại xâm phạm sở hữu trí tuệ hàng đầu

    Liên minh Châu Âu coi Trung Quốc là một trong những nước vi phạm quyền sở hữu trí tuệ hàng đầu, theo một báo cáo mới.

    Báo cáo hai năm một lần, do Ủy ban châu Âu ban hành vào tháng 1, liệt kê các đối tác thương mại của khối và mức độ hiệu quả của từng đối tác trong việc bảo vệ sở hữu trí tuệ (IP) của họ, theo The Epoch Times.

    Sở hữu trí tuệ là một vấn đề lớn, khi các ngành công nghiệp phụ thuộc lớn vào quyền sở hữu trí tuệ chiếm gần một phần ba số việc làm của EU và 80% lượng hàng xuất khẩu của nó, tờ Financial Times trích dẫn báo cáo.

    Nhưng hiện nay các nhà sản xuất của EU đang mất gần 10% lượng hàng bán ra, tương đương hàng tỷ euro doanh thu do vấn nạn sở hữu trí tuệ, đánh trực tiếp vào công ăn việc làm của người dân cũng như nguồn thu thuế của chính phủ.

    Theo Ủy ban Châu Âu, nơi điều phối chính sách thương mại của 28 quốc gia thành viên, Trung Quốc hiện đang được EU xếp vào nhóm vi phạm ở mức độ “ưu tiên số 1” của Châu Âu do việc xâm phạm sở hữu trí tuệ trên quy mô lớn và trong thời gian dài. Trung Quốc là quốc gia duy nhất được liệt vào nhóm “ưu tiên của 1”, một chỉ định đã được gán từ ít nhất năm 2016 cho đến nay.

    Financial Times cho hay, báo cáo này của EU, được ban hành từ năm 2006, không chỉ xác định rõ các nước vi phạm quyền sở hữu trí tuệ tồi tệ nhất trên thế giới, mà còn nêu bật tiến triển chậm chạp trong việc cải thiện tình hình, và Trung Quốc là một trường hợp đặc biệt.

    Trung Quốc cũng phê duyệt các bằng sáng chế đáng ngờ, cho phép tòa án nước này miễn công nhận các bằng sáng chế của các công ty nước ngoài, đồng thời khuyến khích hành vi “bụi bằng sáng chế”, tức việc cấp gộp bằng sáng chế trong các lĩnh vực nhất định, từ đó cản trở quá trình cấp bằng sáng chế chính quy.

    “Trung Quốc là nguồn gốc của một lượng lớn hàng giả và hàng lậu xuất sang EU, về cả giá trị và khối lượng”, báo cáo có nêu.
     

    Võ Thái Hà tóm lược
     

    Không có nhận xét nào