Header Ads

  • Breaking News

    Điểm tin thế giới ngày Thứ bảy 6 tháng 6 năm 2020

    Hoa Kỳ sẽ cho phép các hãng hàng không Trung Quốc đến Mỹ với hai chuyến bay mỗi tuần
    Hoa Kỳ sẽ cho phép các hãng hàng không Trung Quốc khai thác hai chuyến bay mỗi tuần sau khi Bắc Kinh cho biết họ sẽ giảm bớt các hạn chế liên quan đến Covid-19 để cho phép nhiều hãng hàng không nước ngoài được đưa khách đến Trung Quốc hơn, Reuters dẫn tin từ Bộ Giao thông Vận tải Hoa Kỳ cho biết hôm 5/6.

    Trước đó, vào hôm 3/6, chính quyền của Tổng thống Donald Trump cho biết, họ đã lên kế hoạch cấm tất cả các hãng hàng không Trung Quốc bay đến Hoa Kỳ do Bắc Kinh đã không cho phép các hãng hàng không Mỹ nối lại các đường bay tới Trung Quốc đại lục sau khi tình hình dịch bệnh trở nên ổn định. Lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 16/6.

    Sau thông báo cấm toàn bộ chuyến bay của Trung Quốc đến Mỹ, chính quyền Trung Quốc cho biết họ sẽ cho phép các hãng hàng không Hoa Kỳ nối lại các chuyến bay đến Trung Quốc một tuần một lần vào thành phố mà họ chọn bắt đầu từ ngày 8/6.

    Tư lệnh Mỹ: Trung Quốc lợi dụng dịch Covid-19 để đẩy mạnh yêu sách ở Biển Đông


    Trung Quốc đang lợi dụng dịch Covid-19 để đẩy mạnh các yêu sách chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông thông qua sự gia tăng hoạt động của tàu hải quân nhằm đe dọa các quốc gia khác cũng tuyên bố chủ quyền vùng biển này, hãng tin Reuters dẫn lời Tư lệnh Lực lượng Hoa Kỳ tại Nhật Bản nói hôm 5/6.

    Trong cuộc phỏng vấn với Reuters, Trung tướng Kevin Schneider nói rằng, Trung Quốc đã gia tăng các hoạt động của tàu hải quân, tàu hải cảnh và tàu đánh cá của lực lượng dân binh nhằm sách nhiễu tàu của các nước khác ở Biển Đông, đồng thời Bắc Kinh cũng tăng cường hoạt động tại biển Hoa Đông, nơi đang có tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản.

    Tướng Schneider dự đoán Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cường hoạt động theo mức độ này trong những ngày tới.

    Hiện nay, Bắc Kinh đang đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông, và lệnh này có hiệu lực đến ngày 16/8/2020.

    Tin tặc Trung Quốc, Iran nhắm vào chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ


    Ngày 4/6, một quan chức an ninh cao cấp từ Tập đoàn Google nói rằng nhiều tin tặc (hackers) từ Trung Quốc và Iran đã nhắm mục tiêu vào chiến dịch tranh cử Tổng thống của các ứng viên Mỹ, theo hãng tin Reuters.

    Theo đó, các tin tặc Trung Quốc được cho là nhắm mục tiêu vào các nhân viên trong đội tranh cử của ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden. Trong khi đó, tin tặc Iran lại nhắm mục tiêu vào các tài khoản thư điện tử của các nhân viên thuộc đội tranh cử của Tổng thống Donald Trump.

    Ông John Hultquist, giám đốc về phân tích tình báo của công ty an ninh mạng Mỹ FireEye, mô tả hai nhóm tin tặc là “những phần tử do thám” và nói những người này nỗ lực thu thập tình báo hơn là lấy cắp tài liệu để tiết lộ lên mạng.

    Hiện tại, ngoài các dòng Twitter của ông Huntley, tập đoàn Google từ chối cung cấp thông tin chi tiết thêm nữa.

    Tổng thống Trump nói nước Mỹ ‘hầu như đã vượt qua’ Covid-19

    “Chúng ta có nền kinh tế vĩ đại nhất trong lịch sử thế giới. Sức mạnh đó cho phép chúng ta vượt qua đại dịch khủng khiếp này, hầu như đã vượt qua, tôi nghĩ rằng chúng ta đang làm rất tốt”, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói trong cuộc họp báo hôm 5/6 tại Nhà Trắng, theo AFP.

    “Chúng tôi đã đưa ra mọi quyết định chính xác”, Tổng thống Trump nói về cách xử lý đại dịch Covid-19 ở Mỹ. “Chúng ta đã tiến một bước lớn khi chúng ta trở lại”.

    “Hôm nay có lẽ là sự trở lại vĩ đại nhất trong lịch sử nước Mỹ nhưng nó không chỉ dừng lại ở đây”, ông Trump nói.

    “Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ thực sự lấy lại mức cao hơn bao giờ hết vào năm tới, điều duy nhất có thể ngăn chúng ta là chính sách tồi”, Tổng thống Mỹ cho biết.

    Pháp phủ nhận cho lãnh đạo phe đối lập Venezuela tị nạn

    “Juan Guaido không ở trong khu cư trú của Pháp tại Caracas. Chúng tôi đã xác nhận điều này với chính quyền Venezuela nhiều lần”, AFP dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Pháp Agnes von der Muhll hôm 5/6 cho biết.

    Tuyên bố của Pháp được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Venezuela Jorge Arreaza cáo buộc lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido đang ở trong đại sứ quán Pháp tại thủ đô Caracas nên không thể bắt chính trị gia này.

    “Chúng tôi không thể xâm nhập khuôn viên của bất cứ đại sứ quán nước ngoài nào, trong trường hợp này là Tây Ban Nha hoặc Pháp”, Arreaza nói, thêm rằng việc bắt Guaido bằng vũ lực là “không thể”.

    Tuy nhiên, lãnh đạo phe đối lập Venezuela đã phủ nhận thông tin về việc ông đang ở trong đại sứ quán Pháp tại thủ đô Caracas. “Họ đã nói dối các bạn”, Guaido đăng trên Twitter, nói thêm rằng ông vẫn “ở cùng mọi người”.

    Mỹ tố cáo tin tặc và các phần tử nước ngoài khích động căng thẳng

    Các đối thủ của Mỹ đang bắt đầu vũ khí hoá các cuộc biểu tình vốn đã làm tê liệt một phần nước Mỹ “để gieo rắc chia rẽ và bất đồng,” theo các giới chức thi hành luật pháp cấp cao Hoa Kỳ.

    Các cuộc biểu tình phản đối cái chết của một người Mỹ gốc Phi tên George Floyd trong lúc ông này bị cảnh sát da trắng khống chế đã khiến thế giới chú ý và được truyền thông Nga, Trung quốc và Iran ồ ạt đưa tin.

    Bộ Tư pháp và FBI tố cáo một số nước đang có một bước thêm nữa, tích cực bóp méo tin tức để làm cho tình hình tại Mỹ tệ hại hơn.


    “Tôi tin chúng tôi có bằng chứng rằng một số tin tặc và cácnhóm có liên hệ đến các chính phủ nước ngoài đang chú trọng đến tình hình đặc biệt của chúng ta hiện nay và cố gắng mọi cách làm cho tình hình xấu thêm,” Bộ trưởng Tư pháp William Bar nói trong một cuộc họp báo ngày 4/6 về những cuộc biểu tình.

    Ông Barr cáo buộc các phần tử nước ngoài “dùng tất cả các bên để làm bạo động tệ hại hơn.”


    Giám đốc FBI Christopher Wray từ chối chia sẻ thêm tin tức, dù ông dè dặt cảnh báo là bất cứ ai điều hành chiến dịch đưa thông tin sai lạc hay có những hoạt động gây ảnh hưởng làm tổn hại nước Mỹ sẽ không thoát khỏi trừng phạt.

    “Các phần tử nước ngoài này nên biết là chúng ta theo dõi chúng rất chặt chẽ và đang chuẩn bị hành động nếu cần,” ông khuyến cáo.

    Đại dịch cúm Tàu tại Đức ngày 05/06/2020

    Bang Nordrhein-Westfalen còn nhiều người mắc bệnh nhất: 2112 người. Bang Mecklenburg-Vorpommern còn ít người bệnh nhất: 15 người. Cột số màu xanh là số người đã bình phục.

    Tất cả học sinh tiểu học ở Nordrhein-Westfalen sẽ đi học lại từ ngày 15 tháng Sáu.

    Sau khi dịch cúm Tàu bùng phát ở Göttingen, hàng trăm học sinh dự kiến sẽ bị cách ly trong hai tuần. Trong số 120 người bị nhiễm virus Vũ Hán do vi phạm các quy định hạn chế tiếp xúc tại các bữa tiệc tư nhân cho Lễ hội Đường Hồi giáo có 35 học sinh.

    Một linh mục Công giáo từ quận Mecklenburgische Seenplatte đã được xét nghiệm dương tính với virus Covid 19. Giáo xứ St. Bernhard đã hủy tất cả các buổi lễ ở Stralsund và Demmin cho đến ngày 12 tháng Sáu. Chính quyền đang lo ngại một trường hợp “siêu lây lan” vì linh mục đã tiếp xúc với nhiều người dân.

    Các hãng hàng không trong Tập đoàn Lufthansa có kế hoạch mở rộng đáng kể các dịch vụ của họ trong những tuần và tháng tới đây. Dự kiến trong tháng 9, 90% các điểm đến của những tuyến bay ngắn và trung bình cũng như 70% điểm đến của các tuyến bay dài sẽ được kết nối trở lại.

    Theo một cuộc khảo sát, chưa đến một nửa dân số Đức sẽ sử dụng ứng dụng cảnh báo Corona. 39% sẽ không sử dụng nó. 16% cho biết họ không có điện thoại di động hoặc điện thoại thông minh trong cuộc khảo sát. Chính phủ liên bang muốn sử dụng một ứng dụng truy tìm để xác định rõ hơn các chuỗi lây nhiễm của virus Vũ Hán và để đảm bảo rằng sự lây lan của virus không tăng trở lại một cách đáng kể nếu như các biện pháp hạn chế được nới lỏng. Ứng dụng này dự kiến sẽ có vào tháng 6.

    Lần đầu tiên, chính phủ Đức hỗ trợ sản xuất vải không dệt để đối phó với sự thiếu hụt khẩu trang trong cuộc khủng hoảng cúm Tàu. Chính phủ đã tài trợ mua hai hệ thống của công ty Innovatec ở bang Nordrhein-Westfalen. Với hai hệ thống này, người ta có khả năng sản xuất 1500 tấn vải không dệt, đủ để sản xuất trên 1,5 tỷ khẩu trang. Điều này nhằm làm giảm sự phụ thuộc vào các nhà sản xuất nước ngoài.

    Cuộc đọ sức giữa Twitter và Trump tiếp diễn


    Song song với phong trào biểu tình chống bạo lực cảnh sát và kỳ thị sắc tộc sau cái chết của người Mỹ da đen George Floyd, một cuộc chiến đã bùng lên giữa tổng thống Donald Trump với Twitter, mạng xã hội mà ông vẫn rất ưa dùng.

    Cho tới nay, tổng thống Trump vẫn sử dụng mạng Twitter gần như mỗi ngày, kể cả khi ông cần thông báo những quyết định quan trọng. Với 81,7 triệu người đăng ký, tài khoản @realDonaldTrump là một trong 10 tài khoản được theo dõi nhiều nhất trên mạng Twitter. Nhưng xung đột giữa tổng thống Mỹ với mạng xã hội này đã bùng nổ kể từ khi Twitter dán nhãn « Cần kiểm chứng » lên hai tin nhắn của ông Trump cho rằng bỏ phiếu qua thư có thể dẫn đến gian lận phiếu.

    Cuộc chiến giữa lãnh đạo cường quốc hàng đầu thế giới với một trong những mạng xã hội phổ biến nhất có vẻ như đang tiếp tục leo thang. Hôm qua, một lãnh đạo cao cấp của Twitter đã không loại trừ khả năng mạng xã hội này sẽ đình chỉ tài khoản cá nhân của tổng thống Trump, nếu nguyên thủ quốc gia Mỹ tiếp tục đăng những phát biểu kích động bạo lực, vi phạm các quy định của Twitter.

    Trong cuộc chiến chống lại các mạng xã hội, tổng thống Trump không phải muốn làm gì thì làm. Sắc lệnh của tổng thống Trump nhắm vào các công ty mạng xã hội bị xem là trái với Tu chính án thứ nhất của Hiến Pháp Hoa Kỳ bảo vệ quyền tự do ngôn luận của công dân Mỹ, cho nên hiệp hội Center for Democracy & Technology ngày 02/06 thông báo đã đệ đơn kiện chống lại sắc lệnh này.

    Một nhà đối lập Thái Lan bị bắt ở Cam Bốt : Biểu tình phản đối ở Bangkok


    Wancalerm Satsaksit, một nhà đấu tranh dân chủ Thái Lan, tị nạn tại Cam Bốt, đã bị một nhóm người có vũ trang bắt cóc gần nhà riêng ở Phnom Penh vào tối 04/06/2020, theo tin của tổ chức Quan sát Nhân quyền (Human Rights Watch).

    Wanchalearm Satsaksit đã phải chạy khỏi Thái Lan năm 2014, sau cuộc đảo chính của quân đội do tướng Prayut Chan-o-Cha, hiện là thủ tướng, cầm đầu. Theo thông tín viên RFI Juliette Buchez tại Phnom Penh, nhà đối lập bị Thái Lan truy nã từ năm 2018 nhưng tiếp tục chỉ trích mạnh mẽ chính quyền Bangkok.

    Tổ chức Đài Quan sát Nhân quyền lo ngại cho tính mạng của nhà đấu tranh và yêu cầu mở điều tra ngay lập tức. Trong khi đó, hàng trăm người đã biểu tình tại Bangkok ngày 05/06, bất chấp tình trạng khẩn cấp chống dịch Covid-19, để đòi chính phủ giải thích.

    Tường thuật từ Bangkok của thông tín viên RFI Carol Isoux :


    « Gần 100 người biểu tình đã tập hợp sau khi được thông báo về vụ bắt cóc nhà đối lập trẻ, rất nổi tiếng trong giới đấu tranh.

    Cách đây vài tháng, hai thi thể bị đổ xi măng lên đã được tìm thấy trên sông Mêkông. Nhiều trường hợp mất tích tương tự đã xảy ra ở Lào, Việt Nam và Cam Bốt. Chủ đề này vô cùng nhạy cảm. Đề cập những vụ mất tích như vậy trên truyền thông Thái Lan đã là tự chuốc lấy rủi ro ».

    Hoa Kỳ : Tiếp tục biểu tình rầm rộ chống phân biệt chủng tộc và bạo lực cảnh sát
    Ngày 06/06/2020, tại Hoa Kỳ sẽ lại có nhiều cuộc tập hợp đông đảo nhằm phản đối những bất bình đẳng sắc tộc và bạo lực cảnh sát, cùng lúc với một buổi lễ mới tưởng niệm George Floyd, mà cái chết đã gây ra một làn sóng phản kháng dữ dội trong những ngày qua.

    Theo hãng tin AFP, truyền thông Mỹ cho biết là các cuộc tập hợp lớn sẽ diễn ra tại nhiều thành phố, đặc biệt là tại New York, Miami và Washington, với sự tham gia của hàng chục ngàn người.

    Sau buổi lễ đầu tiên tưởng niệm George Floyd tại Minneapolis hôm 04/06, một buổi lễ thứ hai sẽ được tổ chức hôm nay tại Raeford, bang North Carolina, quê của nạn nhân, đã chết vì ngạt thở do bị một cảnh sát da trắng đè chân lên cổ khi bắt giữ ông tại Minneapolis hôm 25/05.

    Ngày càng có nhiều người phẫn nộ trước việc cảnh sát đã đàn áp thô bạo những người biểu tình ôn hòa. Những hình ảnh các vụ đàn áp này đã được phổ biến rộng rãi trên mạng trong những ngày qua. Hai cảnh sát đã bị đình chỉ công tác do đẩy một người biểu tình 75 tuổi ngã mạnh xuống đất tại thành phố Bufflo, bang New York, trong khi người này lúc đó chỉ có một mình đối diện với hàng chục cảnh sát. Thống đốc bang New York đã yêu cầu sa thải hai cảnh sát này và biện lý ở địa phương đã mở điều tra.

    Nhật tung gói cứu trợ kinh tế tới hơn 2.000 tỷ USD

    Chính phủ Nhật đã tung gói kích thích kinh tế khổng lồ hơn 2.000 tỷ USD sau đại dịch Covid-19, nhưng con số này vẫn không đủ để hỗ trợ cho một phân khúc quan trọng trong nền kinh tế Nhật, theo Reuters.

    Nguồn ngân sách cứu trợ này đã vấp phải chỉ trích của các chủ nhà hàng vì gói giải cứu chủ yếu chỉ trợ giá cho các mặt hàng như thịt bò “wagyu”, dưa vàng Nhật Bản và quảng bá du lịch thay vì cấp tiền mặt cho các công ty theo như nhu cầu cấp bách của họ.

    Sự vật lộn của nền công nghiệp nhà hàng Nhật Bản đang nêu bật một vấn đề lớn hơn trong kế hoạch hồi phục của xứ sở hoa anh đào, vì ở mức 2.2 nghìn tỷ USD là quy mô của cả nền kinh tế nước Ý – nhưng con số này vẫn không đủ để hỗ trợ cho một phân khúc quan trọng của Nhật – nơi mà các doanh nghiệp nhỏ sử dụng tới 70% nguồn lao động của quốc gia. Điều này đặt ra một rủi ro cho công cuộc phục hồi của quốc gia Đông Á kể từ cuộc suy thoái thời hậu chiến cho tới bối cảnh hậu đại dịch Covid-19 hiện nay mà họ đang phải đối mặt.

    Danh sách trợ giá của chính phủ Nhật bao gồm các mặt hàng như thăn bò Kobe chất lượng hảo hạng với giá khoảng 37.20 USD/100g, và dưa Yubari thượng hạng được bán với giá hơn 90 USD cho mỗi quả nặng 1,6 kg.

    Chính phủ Nhật trợ giá cho một nửa chi phí mua sắm thương mại điện tử, dịch vụ mang đi và cung cấp các bữa ăn học đường. Ví dụ, các thương nhân được nhận tới 9.31 USD cho 100g bò “wagyu” và lên tới 22.34 USD cho mỗi kg dưa.

    Đài Bắc quật mồ chế độ độc tài của Tưởng Giới Thạch để cảnh tỉnh Bắc Kinh

    Le Monde bắt đầu bài tường thuật “đào xới tội ác chế độ độc tài” với một trường hợp tiêu biểu cụ thể : Fred Chin, 71 tuổi, bị kết án 12 năm tù với tội danh khủng bố vào năm 1971. Đến tháng 7 năm 2019, nạn nhân bị án oan thời Quốc Dân Đảng độc tôn cầm quyền được tổng thống Thái Anh Văn của đảng Dân Chủ Tiến Bộ chính thức giải oan. Trong buổi lễ, trước hàng ngàn cựu tù nhân, vị tổng thống thứ hai của đảng Dân Tiến đứng lên tuyên bố: Một mảnh giấy tống quý vị vào nhà tù, cũng một mảnh giấy tuyên quý vị vô tội.

    Thái Anh Văn, vào năm cuối nhiệm kỳ một, đã thề là “tận lực” thi hành “công lý chuyển tiếp” trong nhiệm kỳ hai theo nghĩa thanh toán nợ nần tội ác của chế độ Tưởng Giới Thạch đối với dân Đài Loan. Mục tiêu đi tới không phải chỉ để tưởng nhớ nạn nhân của chính sách “khủng bố trắng” (để phân biệt với Cộng Sản khủng bố đỏ) mà còn để chứng minh Đài Loan là chế độ dân chủ.

    Trong bối cảnh Trung Quốc ngăn cấm triệt để mọi sinh hoạt tưởng niệm biến cố thảm sát Thiên An Môn ngày 04/06/1989, Đài Bắc thách thức Bắc Kinh “xét lại sự kiện 04/06 và xin lỗi nhân dân một cách chân thành”. Tại Đài Loan, cuộc điều tra về tội ác của chế độ độc tài bắt đầu từ năm 2018, giải mật 70.000 hồ sơ, truy tìm tài sản kếch sù do Quốc Dân Đảng thu tóm bất chính, trao trả, bồi thường cho nạn nhân.

    Vớt vát bằng ‘Kinh tế vỉa hè’, phải chăng Bắc Kinh đang bất lực trước làn sóng thất nghiệp gia tăng

    Gần đây, chính quyền đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã khuyến khích người dân ra đường bày bán hàng rong, thậm chí đề xuất “kinh tế vỉa hè” để giải quyết vấn nạn thất nghiệp. Về điều này, có nhiều nhân sĩ trong ngành bày tỏ rằng ĐCSTQ đã hoàn toàn bất lực trước làn sóng thất nghiệp ngày một gia tăng.

    Truyền thông chính thức của ĐCSTQ ngày 28 tháng 5 đưa tin rằng Văn phòng Văn minh Trung ương ĐCSTQ tuyên bố rằng năm nay sẽ không liệt các hành vi lấn chiếm lòng lề đường, chợ trời và những tiểu thương lưu động vào nội dung làm mất mỹ quan văn minh đô thị. Trên thực tế, ngay từ tháng 3 năm nay, thành phố Thành Đô của tỉnh Tứ Xuyên đều đã cho phép các tiểu thương và người bán hàng rong tạm thời lấn chiếm lòng lề đường.

    Sau đó, các kênh truyền thông ĐCSTQ đã bắt đầu cổ súy “nền kinh tế vỉa hè”. Vào ngày 1/6, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong chuyến khảo sát đến thành phố Yên Đài của tỉnh Sơn Đông đã ghé thăm một vài gian hàng ở cộng đồng địa phương, nói rằng “kinh tế vỉa hè, kinh tế cửa hàng” là nguồn quan trọng trong việc mang lại việc làm cho người dân, là một phần sức sống của nền kinh tế Trung Quốc.

    Cục quản lý đô thị của thành phố Thụy Xương, tỉnh Giang Tây cũng gọi điện thông báo đến các tiểu thương cho phép họ dựng lập quầy hàng tại địa điểm đã được chỉ định.

    Sau khi ĐCSTQ cho phép người dân bày bán hàng ngoài đường phố, các kênh truyền thông nhà nước Trung Quốc đã ồ ạt khoe khoang rằng có nơi tiểu thương mỗi ngày kiếm được trên 30.000 Nhân dân tệ (khoảng 92 triệu VNĐ). Về điều này, tất nhiên người dân cũng không dễ bị lừa. Có nhân sĩ bình luận ở Trung Quốc nói rằng: “Sinh kế của người dân càng khó khăn, những lời tuyên truyền kiểu chó mèo ngày càng nhiều, đừng có tô son trát phấn cho mấy quầy hàng ngoài vỉa hè đó nữa”.
    Võ Thái Hà tóm lược

    Không có nhận xét nào