Header Ads

  • Breaking News

    Covid-19 bùng phát trở lại ở Mỹ phải chăng do sớm mở cửa?

    Nền kinh tế sớm mở lại với biên độ mở cửa rộng cộng với số lượng xét nghiệm nhiều hơn là những nguyên nhân ghi nhận số ca nhiễm virus corona gia tăng tại Mỹ trong thời gian qua, một chuyên gia y tế nhận định với VOA dù cho rằng nền kinh tế Mỹ không thể đóng cửa mãi để chống dịch.
    Cuối tháng 6, đầu tháng 7 dịch Covid-19 bùng phát trở lại mạnh mẽ ở Mỹ với số ca nhiễm lần lượt phá những mốc kỷ lục – thậm chí gấp đôi con số đỉnh dịch trước đó. Đơn cử vào ngày 11/7 – Mỹ ghi nhận đến 66.500 ca nhiễm mới, theo số liệu của Đại học John Hopkins. Đây là ngày thứ 5 liên tiếp Mỹ vượt mốc 60.000 ca nhiễm.

    Trong đợt bùng phát mới này, các tiểu bang ghi nhận số ca nhiễm hàng ngày kỷ lục là Texas, Florida, Georgia, Arizona, California… trong khi tại bang New York, vốn là tâm dịch trước đây của Mỹ, tình hình dịch bệnh đã lắng xuống nhiều với số ca nhiễm lẫn số ca tử vong giảm mạnh. Riêng tiểu bang Florida hôm Chủ nhật 12/7 đã có thêm 15.300 ca nhiễm, theo số liệu của giới chức y tế bang này được CNN dẫn lại. Đây là con số kỷ lục trong một ngày ở tiểu bang này.

    Theo trang theo dõi số liệu theo thời gian thực Worldometers, tính đến ngày 13/7, nước Mỹ có gần 3,5 triệu người nhiễm virus corona với hơn 138.000 người tử vong. Con số này có nghĩa là trong gần 100 người dân Mỹ sẽ có 1 người nhiễm.

    ‘Mở cửa tự do hơn’

    Từ thành phố Houston, bang Texas, bác sĩ Nguyễn Đông Châu thuộc bệnh viện Houston Methodist, nhận định với VOA rằng việc nới lỏng các biện pháp cách ly xã hội là nguyên nhân chính gây nên đợt bùng phát này.

    “Sau thời gian cách ly người thấy số ca nhiễm đi xuống thì chính quyền từng tiểu bang đã mở cửa lại nền kinh tế để cho phép người ta đi làm trở lại. Văn phòng, cửa hàng, chợ búa, các điểm giải trí mở cửa trở lại thì số lây nhiễm sẽ nhiều hơn,” ông giải thích.

    Một lý do khác, theo bác sĩ Châu, là Mỹ hiện nay đã xét nghiệm nhiều hơn so với trước đó. “Hiện giờ có nhiều hãng thuốc đã sản xuất bộ thử. Nhiều nhà thuốc đều có làm xét nghiệm. Thử càng nhiều thì càng phát hiện nhiều ca nhiễm,” ông cho biết.

    “Có những tiểu bang về mặt chính trị nào đó họ mở cửa nhiều hơn, mở cửa lẹ hơn, cho nhà hàng tiếp lượng khách nhiều hơn, mở cửa cho tự do hơn nên bị nhiều hơn.”

    Ông dẫn chứng là New York chỉ cho nhà hàng phục vụ 25% công suất trong khi Texas cho mở với 50% công suất.

    Ngoài ra, để biết được bang nào đó có số ca nhiễm nhiều hơn bang kia, ông cho rằng phải biết được mỗi bang đã thực hiện được bao nhiêu xét nghiệm và trong đó có bao nhiêu phần trăm người nhiễm mà số liệu này, theo ông, ‘hiện không có bang nào công bố’.

    “Ví dụ nếu Texas làm xét nghiệm nhiều hơn ở New York thì dĩ nhiên số ca nhiễm sẽ nhiều hơn.”

    Bên cạnh đó, ông lập luận rằng do bang New York trước đây đã bị nhiễm rất nhiều nên số người giờ đây bị nhiễm thêm ‘sẽ còn ít’ trong khi những tiểu bang khác lúc trước chưa bị nhiễm bao nhiêu nên giờ số lượng người có thể bị nhiễm ‘sẽ rất nhiều’.

    Khi được hỏi các cuộc biểu tình rầm rộ trên khắp nước Mỹ để đòi công lý cho người da màu sau cái chết của George Floyd có phải là một nguyên nhân không, bác sĩ Châu cho rằng đó chỉ là phỏng đoán ‘không có cơ sở’.

    “Ở Houston diễn ra đám tang của ông Floyd có đám đông ra đường dự đám tang,” ông phân tích. “Nhưng không chỉ số ca ở Houston tăng lên mà các thành phố có bãi biển ở Florida cũng tăng lên.”

    Theo lời ông thì chừng nào có cuộc khảo sát những người mới nhiễm bệnh là họ có từng đi biểu tình không thì mới có thể khẳng định được là có hay không mối liên hệ giữa các cuộc biểu tình với số ca nhiễm gia tăng.

    Một nguyên nhân nữa, bác sĩ Châu nói, các nhà khoa học trên khắp thế giới ngày càng đưa ra nhiều bằng chứng cho thấy virus này có thể sống sót và lây lan trong không khí (airborne) chứ không chỉ lây lan bằng cách va chạm lên các bề mặt không thôi.

    “Nếu mình vô một phòng có người bệnh vừa mới đi qua thì con virus vẫn còn trong không khí khiến mình bị bệnh.” “Nhất là ở những tiểu bang nóng như Florida hay Texas, người ta ưa dồn vào phòng máy lạnh, máy lạnh luân chuyển không khí vòng vòng và những người trong phòng sẽ hít virus vô người,” bác sĩ Châu tiếp lời.

    ‘Người nhiễm trẻ hóa’

    Đợt bùng phát mới này ở Mỹ cũng kéo độ tuổi những người nhiễm bệnh đi xuống khi ngày càng có nhiều người trẻ mắc bệnh trong khi trước đây những người nhiễm virus đa phần là lớn tuổi, theo thống kê của giới chức y tế Mỹ.

    Giải thích về vấn đề này, bác sĩ Châu nói: “Một số người trẻ ở nhà lâu chịu không nổi nên khi có lệnh cho phép ra đường, họ ùa ra ngoài. Nhiều bãi biển người ta ùa ra đầy luôn.”

    Ông lý giải một phần do giới trẻ ỷ y mình có sức khỏe, sức đề kháng tốt nên không sợ, một mặt họ phải đi làm để kiếm sống. Trong khi đó, những người lớn tuổi tuân thủ nghiêm túc lệnh ở nhà do lo sợ bị nhiễm virus.

    Về lý do con số tử vong trong đợt bùng phát này ở Mỹ, trung bình từ 300 đến 800 ca, thấp hơn nhiều so với lúc đầu vốn có khi lên đến trên 2.000 ca tử vong một ngày, bác sĩ Châu cho rằng đó là do ‘giới y khoa đã hiểu biết nhiều hơn về cách chữa trị bệnh này’.

    “Dù chưa có thuốc chữa khỏi 100% nhưng đã có những thuốc làm tăng cơ hội sống sót nhiều hơn, chẳng hạn như đã có những thuốc giúp làm giảm việc viêm do bão cytokine (do cơ thể phản ứng quá mức trước virus),” ông giải thích. “Nếu trong vòng tuần lễ đầu mà bệnh nhân qua khỏi thì tỷ lệ tử vong sẽ ít hơn.”

    Không những thế, việc số người nhiễm mới đa phần là người trẻ sẽ giúp kéo con số tử vong đi xuống vì ‘người trẻ họ khỏe hơn nên nếu bị nhiễm thì họ có thể qua khỏi được’.

    Không thể không mở cửa

    Mặc dù việc mở cửa lại nền kinh tế khiến cho số ca lây nhiễm virus corona tăng đột biến, bác sĩ Châu không cho rằng nền kinh tế Mỹ nên tiếp tục đóng cửa để chờ đến khi kiểm soát dịch hoàn toàn mới mở cửa lại.

    “Dĩ nhiên bắt mọi người ở nhà hết thì sẽ không bị gì hết. Nhưng không thể nào con người ta không làm gì, không thể nào nền kinh tế 100% không làm gì được hết. Mình biết trên lý thuyết không làm gì hết thì sẽ không bị nhưng chuyện này không thể làm được,” ông lập luận.

    Theo phân tích của vị bác sĩ này thì ở nhà nhiều quá sẽ dẫn đến nhiều vấn đề nan giải hơn Covid-19, trong đó có gia tăng bệnh trầm cảm, tình trạng bạo lực gia đình và các bệnh nhân nan y khác sẽ không đi thăm khám được…

    “Những người bị bệnh ung thư mấy tháng nay không đi bác sĩ được, họ không được theo dõi bệnh hàng tháng thì sẽ chết nhiều hơn bệnh Covid-19 này,” ông nói. “Những người bị bệnh tim cũng thể được mổ dịch vụ, nếu đùng một cái họ bị nghẹn tim thì cũng phải chờ chứ không làm gì được.”

    Do đó, chuyên gia y tế này cho rằng ‘nước Mỹ phải trở lại cuộc sống bình thường’ trong khi tìm thuốc chủng ngừa và thuốc điều trị Covid-19, như ‘bệnh cúm trước sau gì cũng phải bị’. Tuy nhiên, mọi người khi ra đường ‘phải có trách nhiệm’ thực hiện các biện pháp phòng ngừa để tránh làm lây lan dịch bệnh.

    https://www.voatiengviet.com/

    Không có nhận xét nào