Header Ads

  • Breaking News

    Điểm tin thế giới ngày Thứ bảy 4 tháng 7 năm 2020



    Trung Quốc đổ lỗi cho Tây Ban Nha gây dịch bệnh
    Trung Quốc hiện đang nỗ lực né trách nhiệm cho sự bùng phát đại dịch virus corona, khiến 11 triệu người bị lây nhiễm và hơn 500.000 người trên thế giới tử vong, khi nói rằng dịch khởi phát ở Tây Ban Nha chứ không phải Vũ Hán, theo news.com.au.
    Cụ thể, cố vấn y tế cao cấp của chính phủ, ông Hoàng Khiết Phu đã trích dẫn nghiên cứu tại Barcelona phát hiện Covid-19 trong mẫu nước thải vào tháng 3/2019, đồng thời đề nghị các cuộc điều tra về nguồn gốc Covid-19 trong tương lai cần tập trung vào Tây Ban Nha, theo The Sun.
    Tuy nhiên, các chuyên gia độc lập đã chỉ trích nghiên cứu này là thiếu sót và mâu thuẫn trước các bằng chứng mạnh mẽ cho luận điểm dịch bệnh khởi phát ở Vũ Hán hồi cuối năm ngoái.
    Giám đốc Viện Di truyền học ĐH UCL tại Luân Đôn, Giáo sư Francois Balloux nhận định: 
    “Lời giải thích hợp lý nhất của các mẫu thử nghiệm [tại Barcelona] này là sự trộn lẫn/nhiễm bẩn các mẫu thử”.
    Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ: Mỹ ủng hộ Ấn Độ chống lại sự hung hăng của Trung Quốc
    Rick Scott, một thượng nghị sĩ có tầm ảnh hưởng của Đảng Cộng hòa, hôm thứ Sáu (3/7) đã tuyên bố Mỹ sẽ sát cánh cùng Ấn Độ chống lại sự hung hăng của Trung Quốc ở khu vực miền đông Ladakh dọc Đường Kiểm soát Thực tế – biên giới Ấn-Trung – đồng thời khen ngợi chính phủ Ấn Độ đã duy trì nỗ lực đàm phán một giải pháp hòa bình cho vấn đề xung đột biên giới, theo Press Trust of India.
    Trong một lá thư đề ngày 2/7 gửi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Rick Scott đã bày tỏ sự chia buồn sâu sắc cho sự mất mát của 20 binh sĩ Ấn Độ tại Thung lũng Galwan.
    “Hoa Kỳ đứng về phía Ấn Độ khi các bạn chiến đấu chống lại sự hung hăng của Đảng Cộng sản Trung Quốc, và tôi khen ngợi những nỗ lực không ngừng nghỉ của các bạn trong việc đàm phán một giải pháp hòa bình”, ông Scott nói trong bức thư đăng trên Twitter hôm thứ Sáu.
    Trung Quốc và Ấn Độ di chuyển quân đội ‘theo đợt’ ra khỏi biên giới tranh chấp
    Trung Quốc và Ấn Độ đã đồng ý rút lực lượng quân đội tại khu vực tiền tuyến biên giới “theo từng đợt”, để hạ nhiệt căng thẳng đang diễn ra sau vòng đàm phán mới nhất, truyền thông Trung Quốc đưa tin.
    Giới quan sát cho biết thỏa thuận này cũng sẽ ngăn chặn các cuộc đụng độ bất chợt không lường trước, nhưng điều đó không đồng nghĩa với một sự rút lui việc triển khai quân đội của hai nước dọc biên giới dãy Himalaya và tình trạng đình chiến sẽ vẫn tiếp tục, theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng.
    Nhà hoạt động dân chủ nổi tiếng Nathan Law rời Hồng Kông
    Nhà hoạt động dân chủ nổi tiếng Hồng Kông, anh Nathan Law (La Quan Thông) đã rời thành phố cảng, anh tiết lộ trên trang Facebook cá nhân sau khi làm chứng trước một phiên điều trần tại Nghị viện Mỹ về luật an ninh quốc gia hà khắc Trung Quốc gần đây áp đặt cho khu vực bán tự trị này, theo CBC.
    Trong một bài đăng Facebook cuối hôm thứ Năm (2/7), anh Nathan Law cho biết anh đã quyết định vận động cho nền dân chủ Hồng Kông từ hải ngoại và đã rời thành phố. Anh không tiết lộ nơi cư trú mới của mình, viện dẫn yếu tố rủi ro an toàn cá nhân. 
    “Là một nhà hoạt động có tầm ảnh hưởng toàn cầu, những lựa chọn tôi có trong tay là rất rõ ràng: kể từ giờ giữ im lặng hoặc tiếp tục tham gia các hoạt động ngoại giao cá nhân để có thể cảnh báo cho thế giới về mối đe dọa đến từ sự bành trướng độc đoán của Trung Quốc”, ông nói. “Tôi đã đưa ra quyết định này khi tôi đồng ý ra làm chứng trước Nghị viện Hoa Kỳ.”
    Canada sẽ thiết lập các quy tắc ngoại giao mới với Trung Quốc
    Sau khi Trung Quốc chính thức thi hành luật an ninh mới, Canada đã chấm dứt hiệp ước dẫn độ với Hồng Kông, hoãn xuất khẩu một số mặt hàng quân sự nhạy cảm như súng cao su và đạn hơi cay, đồng thời xem xét các biện pháp bổ sung bao gồm cho phép người Hồng Kông nhập cư tị nạn. Ottawa cũng cảnh báo công dân nước mình về khả năng bị bắt giam tùy tiện và dẫn độ về Trung Quốc đại lục trước bối cảnh luật an ninh mới.
    Trong cuộc phỏng vấn với tờ The Star hôm thứ Sáu (3/7), Ngoại trưởng Canada Francois-Philippe Champagne cho biết ông đã nhận được những lời kêu gọi thay đổi chiến lược ngoại giao của Canada với Trung Quốc, nói rằng ông đang xúc tiến soạn các dự thảo quy tắc mới trong cách tiếp cận với Bắc Kinh trước một loạt các hành động gây hấn mới nhất của nước này, và công việc này hiện đang tiếp diễn “khi tình hình diễn tiến”.
    “Chúng tôi thấy họ (chính quyền Trung Quốc) sử dụng một số biện pháp ngoại giao cưỡng chế, bắt giam tùy tiện. Chúng ta cần một khuôn khổ ngoại giao mới”, ông Champagne nói. “Rất nhiều nước sẽ phải xem xét lại mối quan hệ của họ [với Bắc Kinh]”.
    Covid-19 bùng phát mạnh, tổng thống Trump vẫn tổ chức lễ mừng Quốc Khánh
    Số ca nhiễm virus corona chủng mới xuất phát từ Vũ Hán, Trung Quốc trên thế giới đã vượt ngưỡng biểu tượng 11 triệu người. Gần 522. 250 người chết trên thế giới chỉ trong vòng có 7 tháng. Hoa Kỳ là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất nếu tính theo số nạn nhân tử vong với tổng cộng 129.405 người chết vì Covid-19.
    Đáng lo ngại là trong những ngày gần đây, số ca nhiễm mới thường nhật đã tăng vọt trở lại. Số liệu thống kê mới nhất tính đến 20giờ30 ngày thứ Sáu (03/7), do trường đại học Johns Hopkins đưa ra, trong vòng 24 giờ, nước Mỹ có thêm 57.683 ca nhiễm mới.
    Bất chấp tình hình dịch bệnh đang lây lan mạnh và những phản đối của đô trưởng Washington, tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn  chủ trì lễ mừng Ngày Độc Lập mồng 04 tháng Bảy tại Washington, trong khi tại nhiều nơi trên cả nước các lễ hội mừng quốc khánh đều bị hủy.
    WHO đổi giọng, nói Trung Quốc chưa từng báo cáo sự bùng phát dịch virus corona
    Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa tuyên bố giới chức Bắc Kinh đã không báo cáo sự bùng phát dịch Covid-19 lúc đầu hồi cuối năm ngoái cho tổ chức này. 
    Trong nhiều tháng, các quan chức WHO đã liên tục nhấn mạnh rằng giới chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã công khai nhanh chóng sự tồn tại của dịch Covid-19 cho WHO, đồng thời liên tục ca ngợi “tính minh bạch” của Bắc Kinh trong các báo cáo về dịch bệnh, bất chấp nhiều bằng chứng theo chiều hướng ngược lại.
    Nhưng một tiến trình xử lý dịch bệnh cập nhật được WHO công bố gần đây lại đi ngược lại những tuyên bố trước đây của tổ chức quốc tế này, theo phát hiện của tờ The Epoch Times.
    WHO hiện tuyên bố rằng văn phòng đại diện của họ tại Trung Quốc “đã truyền tải lại một thông cáo báo chí của Ủy ban Y tế thành phố Vũ Hán từ trang web của họ” về các trường hợp viêm phổi do virus ở thành phố Trung Quốc này.
    Văn phòng này sau đó đã công bố sự tồn tại của nCoV, sau khi xác minh với ĐCSTQ. Nói cách khác, WHO đã chủ động phát hiện ra dịch bệnh.
    Canada đình chỉ hiệp định dẫn độ với Hồng Kông để phản đối luật an ninh
    Chính phủ Canada hôm thứ Sáu (3/7) đã quyết định đình chỉ hiệp định dẫn độ mà nước này ký với Hồng Kông. Động thái này của Ottawa là để phản đối luật an ninh quốc gia hà khắc mà chế độ Trung Quốc đã ban hành đối với trung tâm tài chính toàn cầu.
    Theo hãng tin AFP, Bộ Ngoại giao Canada hôm 3/7 đã phát đi tuyên bố cho biết Ottawa cũng đang tạm dừng xuất khẩu thiết bị quân sự nhạy cảm tới Hồng Kông và cập nhật khuyến cáo đi lại để công dân Canada đang di trú tới trung tâm tài chính quốc tế này sẽ biết luật an ninh mới có thể ảnh hưởng đến họ như thế nào.
    “Canada đặt niềm tin vững chắc vào mô hình một quốc gia, hai chế độ”, AFP dẫn lời Thủ tướng Canada Justin Trudeau nói hôm 3/7.
    Luật an ninh quốc gia Hồng Kông mà Trung Quốc ban hành hôm 30/6 và có hiệu lực từ 1/7 đã hình sự hóa các hành vi lật đổ, ly khai, khủng bố và thông đồng với các thế lực nước ngoài.
    Bắc Kinh đã đối mặt với làn sóng chỉ trích mạnh mẽ về luật an ninh mới này. Các chỉ trích đa phần đến từ các quốc gia phương Tây. Họ cho rằng luật an ninh mới sẽ chấm dứt quyền tự trị cao độ của Hồng Kông.
    Trong khi đó, các nhà lãnh đạo chế độ Trung Quốc cho rằng luật an ninh mới sẽ giúp khôi phục ổn định xã hội sau một năm Hồng Kông bị nhấn chìm trong các cuộc biểu tình chống chính phủ và ủng hộ dân chủ. Họ cũng khẳng định luật này sẽ chỉ nhắm đến một số “kẻ gây rối” và không bóp nghẹt tự do của người dân Hồng Kông.
    Zalo, TikTok bị phát hiện ăn trộm dữ liệu người dùng
    Khi mở ứng dụng Zalo, nhiều người dùng hệ điều hành iOS 14 Beta phát hiện máy hiển thị dòng thông báo “Zalo pasted from…” khi vừa sao chép đường link ngoài. Điều này cho thấy Zalo đang thu thập dữ liệu người dùng từ bộ nhớ tạm của iPhone, qua đó dấy lên những mối lo ngại về quyền riêng tư và bảo mật của người dùng. Vấn đề tương tự cũng xuất hiện trong ứng dụng TikTok của Trung Quốc.
    Phiên bản iOS 14 Beta dành cho các thiết bị như iPhone, iPad và iPod touch mới được hãng Apple bổ sung thêm hàng loạt các tính năng bảo mật mới, trong đó có tính năng thông báo khi có ứng dụng truy cập vào bộ nhớ tạm của máy (bộ nhớ lưu trữ các dữ liệu được sao chép). Với tính năng này, bất cứ khi nào có ứng dụng truy cập vào bộ nhớ tạm và thực hiện việc dán (paste) các dữ liệu thì iOS 14 sẽ hiển thị dòng thông báo: “(ứng dụng) pasted from (ứng dụng)”. Điều đó có nghĩa là ứng dụng này đã sử dụng bộ nhớ tạm được sao chép từ ứng dụng gần nhất trước đó.
    Nhờ tính năng trên, nhiều người dùng mới đây đã phát hiện ra việc hàng loạt ứng dụng, bao gồm hai ứng dụng được rất nhiều người sử dụng hiện nay là TikTok của Trung Quốc và Zalo của Việt Nam, đã truy cập vào bộ nhớ tạm của máy và có thể lấy đi rất nhiều các thông tin nhạy cảm mà người dùng đã sao chép vào đó. Các thông tin này có thể là mật khẩu, số điện thoại, email hay thậm chí là mã thẻ ngân hàng.
    Với Zalo, dòng thông báo trên hiện lên ngay cả khi người dùng chưa thực hiện lệnh “dán” và lặp lại liên tục mỗi khi người dùng mở ứng dụng. Cụ thể, sau khi sao chép một đoạn văn bản từ ứng dụng Ghi chú, rồi mở Zalo, iPhone sẽ liên tục đưa ra thông báo về việc Zalo đã “dán” nội dung này, nhưng không thể hiện nội dung đã được dán vào đâu và sử dụng như thế nào. Điều này cho thấy ứng dụng đã tự động lấy dữ liệu từ bộ nhớ tạm của máy dù chưa được sự đồng ý từ phía người dùng.
    Thủ tướng Ấn Độ gửi thông điệp đến Trung Quốc: Kỷ nguyên của chủ nghĩa bành trướng đã chấm hết
    Theo tờ Breitbart, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 3/7 đã tới khu vực Ladakh ở phía bắc Himalaya, khu vực xảy ra đụng độ đẫm máu giữa binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc hồi giữa tháng 6. Tại đây, ông đã có bài phát biểu trước các binh sĩ đóng tại căn cứ ở khu vực Nimu, Ladakh.
    “Kỷ nguyên của chủ nghĩa bành trướng đã chấm hết. Bây giờ là thời đại của sự phát triển. Suốt nhiều thế kỷ qua, chủ nghĩa bành trướng đã gây tổn hại nhất cho thế giới”, người đứng đầu chính phủ Ấn Độ nói.
    Thủ tướng Modi cũng gửi gắm những lời khích lệ đến binh sĩ Ấn Độ: “Sự quả cảm của các bạn và đồng đội đã gửi đến toàn thế giới thông điệp về sức mạnh thực sự của Ấn Độ”.
    “Khi sự an toàn của đất nước này nằm trong tay các bạn, thì tôi rất tin tưởng. Không chỉ tôi, mà cả quốc gia đều tin tưởng vào các bạn”, ông nói.
    Đề cập đến vụ đụng độ đẫm máu hồi tháng trước ở biên giới tranh chấp với Trung Quốc, ông Modi nói: “Tôi xin gửi lời chia buồn đến các binh sĩ đã hy sinh ở thung lũng Galwan. Kẻ thù của chúng ta đã nhìn thấy lửa thịnh nộ của các bạn”.
    Tổng thống Philippines ký luật chống khủng bố
    “Động thái ký điều luật này thể hiện cam kết nghiêm túc của chúng tôi nhằm dập tắt khủng bố, từ lâu đã quấy rầy đất nước cũng như gieo nỗi đau và nỗi sợ không thể tưởng tới rất nhiều người dân của chúng ta”, AFP dẫn lời Harry Roque, phát ngôn viên của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho biết.
    Luật chống khủng bố được quốc hội Philippines phê chuẩn tháng trước đã gây tranh cãi về điều khoản cho phép Tổng thống chỉ định một hội đồng có thể bắt những người bị cho là khủng bố.
    Các vụ bắt giữ có thể tiến hành mà không cần chờ lệnh và kẻ tình nghi khủng bố có thể bị tạm giam lên tới 24 ngày, cao hơn rất nhiều so với thời hạn tạm giam tối đa ba ngày theo Đạo luật An ninh Con người cũ.
    Nhiều nhà phê bình cho rằng định nghĩa về khủng bố trong điều luật mới rất “mơ hồ” và có thể củng cố chiến dịch chống lại những ý kiến chỉ trích Duterte. “Dưới thời Tổng thống Duterte, ngay cả những nhà phê bình chính phủ ôn hoà nhất cũng có thể bị coi là những kẻ khủng bố”, Nicholas Bequelin, giám đốc khu vực châu Á của Tổ chức Ân xá Quốc tế nói.
    Người đầu tiên bị truy tố tội khủng bố theo luật an ninh Hồng Kông
    Tong Ying-kit, 23 tuổi, đã bị truy tố với một tội danh xúi giục ly khai và một tội danh khủng bố, theo tài liệu tòa án Hồng Kông hôm 3/7. Nguồn tin từ cảnh sát cho biết Tong hôm 1/7 đã lao xe máy vào một nhóm sĩ quan đang dẹp người biểu tình phản đối luật an ninh ở Wan Chai.
    Theo video trên các trang mạng xã hội và truyền hình địa phương, Tong đã điều khiển một chiếc xe máy phân phối lớn màu cam, gắn theo lá cờ có dòng chữ “Giải phóng Hồng Kông, cuộc cách mạng của thời đại chúng ta”. Sau khi rẽ sang đoạn đường nhỏ, Tong lao xe thẳng vào một nhóm cảnh sát chống bạo động Hồng Kông.
    Sau khi ngã xuống đất, thanh niên 23 tuổi nhanh chóng bị các sĩ quan xông vào bắt. Các nguồn tin cho hay Tong đã không xuất hiện tại phiên tòa, trong khi luật sư biện hộ nói rằng anh vẫn đang trong viện điều trị vết thương.
    Cảnh sát Hồng Kông cho biết đã bắt 370 người, gồm 10 người theo luật an ninh quốc gia mới, vì mang theo cờ độc lập, nhãn dán và tờ rơi. Các tội danh theo luật mới được cho là rất mơ hồ, như “sử dụng những phương pháp nguy hiểm để gây nguy hại nghiêm trọng cho sức khỏe hoặc an toàn cộng đồng”. Người Hồng Kông vi phạm luật có thể bị kết án chung thân, quyền tố tụng và xét xử các “trường hợp nghiêm trọng” thuộc về chính quyền Trung Quốc đại lục.

    Không có nhận xét nào