Header Ads

  • Breaking News

    62 nghị sĩ của 28 nước yêu cầu Việt Nam trả tự do cho ông Nguyễn Bắc Truyển

    58 nghị sĩ đương nhiệm và 4 cựu nghị sĩ của 28 quốc gia đã ký chung một bức thư ngỏ gửi đến Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho ông Nguyễn Bắc Truyển.


    Bức thư ngỏ đề ngày 13 tháng 8 năm 2020 đã mở đầu như sau: “Chúng tôi, những Nghị sĩ từ khắp nơi trên thế giới ký tên dưới đây, có vinh dự viết thư này cho ông để yêu cầu ông dùng tất cả các biện pháp cần thiết để bảo đảm việc trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho ông Nguyễn Bắc Truyển, một người bảo vệ tự do tôn giáo, cũng như cho phép tất cả các tổ chức tôn giáo độc lập tại Việt Nam được tự do sinh hoạt tôn giáo mà không sợ bị bắt bớ, sách nhiễu, tù đày“.

    Bức thư ngỏ này là sáng kiến của tổ chức Nghị sĩ ASEAN vì Nhân quyền / Asian Parliamentarians for Human Rights (APHR). Tổ chức APHR được thành lập hồi tháng 6 năm 2013 với mục tiêu thúc đẩy dân chủ và nhân quyền ở tất cả các quốc gia trong khối ASEAN bằng cách sử dụng thế đứng đặc biệt của các nghị sĩ để vận động cho việc bảo vệ nhân quyền trong toàn ASEAN.

    Ngoài việc nhắc nhở đến Điều 22 của Tuyên bố Nhân quyền ASEAN, bức thư ngỏ còn nhấn mạnh đến tư cách đương kim Chủ tịch của ASEAN của ông Nguyễn Xuân Phúc: “Chúng tôi kêu gọi ông, với tư cách là đương kim Chủ tịch của ASEAN, hãy thể hiện vai trò lãnh đạo khu vực gương mẫu bằng cách bảo đảm các quyền tự do cơ bản của người dân và bảo đảm rằng luật pháp và chính sách phải nhất quán với các nghĩa vụ nhân quyền quốc tế và tinh thần của ASEAN: lấy người dân làm trọng điểm, luôn hướng tới người dân“.

    Ông Nguyễn Bắc Truyển là một tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo và là người hoạt động bảo vệ nhân quyền lâu năm, bao gồm quyền của các tôn giáo thiểu số. Bức thư cũng nêu rõ về trường hợp ông Truyển:

    “Đã ba năm kể từ khi ông Nguyễn Bắc Truyển bị công an Việt Nam bắt cóc vào ngày 30 tháng 7 năm 2017, rồi sau đó bị biệt giam cho đến khi ra tòa ngày 5 tháng 4 năm 2018 cùng với năm nhà hoạt động nhân quyền khác. Ông Truyển bị kết án 11 năm tù và 3 năm quản chế theo Điều 79 Bộ luật Hình sự 1999 về tội ´hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân´. Đơn kháng cáo của ông đã bị bác và ông Nguyễn Bắc Truyển hiện đang bị giam tại Nhà tù An Điềm, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam“.

    “Đây không phải là lần đầu tiên ông Truyển vào tù vì các hoạt động ôn hòa của mình. Trước đó ông Truyển đã bị bắt vào năm 2006 và được trả tự do vào năm 2010 sau khi chấp hành bản án ba năm sáu tháng vì tội ´tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam´ ”.

    Cuối bức thư ngỏ của tổ chức Nghị sĩ ASEAN vì Nhân quyền (APHR), 62 nghị sĩ của 28 nước đã yêu cầu Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc:

    “– Trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho ông Nguyễn Bắc Truyển, cũng như cho tất cả những người hiện đang bị cầm tù chỉ vì đã thực hiện ôn hòa các quyền con người của họ, bao gồm quyền tự do tôn giáo hay niềm tin”;

    “– Bảo đảm rằng tất cả các tổ chức và nhóm tôn giáo, đặc biệt là những tổ chức và nhóm chưa đăng ký và không được công nhận, có thể thực hiện ôn hòa quyền tự do tôn giáo hay niềm tin và tự do tiến hành các hoạt động tôn giáo mà không bị đe dọa, tra tấn hoặc đối xử tệ bạc, giam giữ hoặc bị bỏ tù, vì việc thực hành đức tin của họ một cách ôn hòa”;

    “– Bảo đảm tất cả các luật trong nước liên quan đến các vấn đề tôn giáo, bao gồm cả Luật Tín ngưỡng và Tôn giáo, tuân thủ luật Nhân quyền Quốc tế, bao gồm cả Công ước quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị“.


    Gần đây Dân biểu Hoa Kỳ Alan Lowenthal, đại diện Địa hạt 47 tiểu bang California, chia sẻ tại một buổi hội luận về nhân quyền tại Việt Nam rằng ông đang thực hiện thủ tục để chính thức bảo trợ TNLT trẻ Nguyễn Văn Hóa.

    “Tôi rất ấn tượng với những gì anh Hóa đã làm,” ông nói.

    Anh Nguyễn Văn Hóa, một nhà báo trẻ tuổi và là cộng tác viên của Đài Á Châu Tự Do, đã đưa tin và hình ảnh video về những vụ biểu tình phản đối công ty Formosa xả thải gây ô nhiễm môi trường tại Hà Tĩnh năm 2016. Năm 2017 anh Hóa bị tuyên án 7 năm tù và 3 năm quản chế với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước”.

    “Video của anh đã đóng vai trò lớn cho thế giới thấy việc gì đã xảy ra ở Việt Nam. Tôi muốn sát cánh với anh, lên tiếng cho anh, và cho Việt Nam biết, chúng ta đang quan sát họ rất kỹ. Mỗi khi họ muốn tương tác với chính quyền Hoa Kỳ, những người bảo trợ TNLT như tôi sẽ lên tiếng đòi hỏi họ trả tự do cho những TNLT đó.”

    Bà Nguyễn Thị Huệ, chị của Nguyễn Văn Hóa, nói bà cùng gia đình rất phấn khởi nghe tin về dự tính của Dân biểu Lowenthal. Bà nói những ý định của ông cũng chính là những điều mà Hóa mong chờ từ lâu.

    “Mong muốn nhất của Hóa đó là sự quan tâm của cộng đồng người Việt, cũng như các LHQ và các nước, lá có tiếng nói cho Hóa. Nguyện vọng của Hóa từ lâu rồi, gần 2 năm rồi, là muốn có các đại sứ quán đại diện vào trại giam thăm Hóa 1 lần, để Hóa có những nguyện vọng muốn nói lên. Có những nguyện vọng mà Hóa cần phải cho người bên ngoài được biết nhiều hơn, nhưng nếu qua thư từ thì bị dập hết. Những cái thông tin đó họ không cho ra ngoài”. 9.20

    Bà Huệ nói, sự bảo trợ từ dân biểu rất cần thiết vì từ tháng 6, khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại với trung tâm ổ dịch tại Đà Nẵng, gần trại giam An Điềm nơi người em của bà bị giam, gia đình không còn được đi thăm nuôi, và hàng tháng, Hóa gửi thư xin thuốc men rất nhiều.

    Chương trình bảo trợ TNLT, được gọi là Dự án Bảo vệ Tự Do, là một trong những chương trình chính của Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos của Quốc Hội Hoa Kỳ.

    Theo dân biểu Lowenthal, sự bảo trợ này sẽ cho phép ông phản đối hành vi bắt bớ, tù giam của Việt Nam, và yêu cầu thông tin về người TNLT qua các đường dây chính thức:

    “Một khi chúng tôi nhận làm người bảo trợ (cho Hóa), tôi sẽ liên lạc với Đại sứ quán Hoa Kỳ, cho họ biết Hóa là TNLT của tôi bảo trợ, yêu cầu quý ông bà thông tin với chính quyền Việt Nam là tôi đã bảo trợ cho anh ấy. Tôi sẽ yêu cầu đại sứ quán, ‘Trả lời cho tôi biết về tình trạng của anh ấy, anh ấy ra sao? Đại sứ có thể thăm viếng anh ấy không?’ Có rất là nhiều điều chúng tôi có thể làm, một khi đã làm người bảo trợ cho Hóa”.

    Ủy ban Tom Lantos được thành lập tại Hạ Viện vào năm 2008, với mục tiêu khuyến khích dân biểu Hoa Kỳ tích cực tham gia trong những vấn đề nhân quyền. Dân biểu Lowenthal là một trong 6 ủy viên ban chấp hành của ủy ban lưỡng đảng này.

    Ông nói, khi ông được biết về trường hợp của blogger Nguyễn Văn Hóa, ông đã nộp đơn với Ủy ban Tom Lantos, đề cử TNLT này, và ông phải trình bày đầy đủ về hoàn cảnh của anh trước khi Ủy ban quyết định chấp nhận bảo trợ.

    “Dự án Bảo vệ Tự Do thật sự là một cách để nghị viên Quốc Hội chúng tôi có thể thông tin đến những TNLT là chúng tôi đang bảo vệ họ, chúng tôi không quên họ. Chúng tôi đang sánh vai với họ”.

    Chương trình bảo trợ TNLT của Quốc Hội Hoa Kỳ không phải là chương trình duy nhất mà còn nhiều chương trình tương tự của tổ chức, cơ quan khác tại Hoa Kỳ và các nước dân chủ.

    Luật sư Anurima Bhargava, phó chủ tịch Uỷ hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế (USCIRF) từ cuối năm 2019 đã bảo trợ cho TNLT ông Nguyễn Bắc Truyển, qua Dự án Tù Nhân Lương tâm Tôn Giáo của Ủy hội.

    Theo USCIRF, chính quyền Việt Nam giam ông vì những nỗ lực lên tiếng, bảo vệ tín đồ Phật giáo Hòa Hảo và các cựu TNLT khác.

    Ủy viên James Carr nhận xét về trường hợp ông Truyển:

    “Ông ấy là một tín đồ Phật giáo Hòa Hảo. Công việc của ông chú trọng vào việc hỗ trợ pháp lý cho các gia đình TNLT và các cộng đồng tôn giáo bị đàn áp. Như quý vị cũng biết, ông bị bắt năm 2017, và ngày 5/4/2018 ông bị đưa ra xét xử. Và quý vị có thể tin không, ông bị tuyên án 11 năm tù. Tôi có rất nhiều người bạn từ Việt Nam. Việt Nam có thể hành xử tốt hơn. Họ không phải là một chính quyền yếu kém đến nỗi phải bắt một người như ông và giam ông 11 năm”.

    Cựu tù nhân lương tâm, Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài, đã hai lần đi tù vì vận động cho dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam. Trong thời gian bị giam ông được văn phòng Dân biểu Alan Lowenthal và đại diện Quốc Hội Đức Quốc, Nghị viên Marie-Luise Dött lên tiếng can thiệp.

    Từ Đức Quốc, Ls. Đài nói, những chương trình bảo trợ này vô cùng quý báu. Ông cho rằng, những sự bảo trợ có thể thay đổi đời sống hàng ngày trong tù và sau đó.

    “Nó ảnh hưởng rất nhiều. Thứ nhất là bản thân mình ở trong nhà tù, khi đó thì mình cũng cảm nhận được cái sự thay đổi, từ cách đối xử của những người quản giáo, cho đến cách đối xử của điều tra viên. Ví dụ, trước khi có những sự bảo trợ như vậy, thì thái độ của quản giáo viên rất là khề khà, tức là họ muốn kéo dài thời gian của mình trong tù, mặc dù họ biết trước sau cũng phải thả mình, nhưng mà khi có dân biểu hoặc thượng nghị sĩ bảo trợ cho mình thì thái độ họ thay đổi khắc hẳn. Ví dụ đối với cá nhân tôi chẳng hạn. Lúc ngày 30/7/2017 thì an ninh, ý là giam tôi ít nhất 2 năm nữa rồi họ mới thả, nhưng sau đó 3 tháng thì họ vội vàng bảo, thôi chúng tôi không giữ anh ở đây nữa, chúng tôi hoàn tất hồ sơ nhanh, xử anh rồi cho anh đi Đức bởi vì lúc này sức ép từ nước Đức hay Mỹ và các nước khác rất là lớn với chúng tôi. Chúng tôi không thể giữ anh nữa. Thì đấy là từ người an ninh điều tra họ nói với mình”.

    LS Đài bị trục xuất ngày 8/6/2018 và đưa đi Đức. Ông hiện cư ngụ tại Hanau. Ông đã gặp được người bảo trợ ông, dân biểu Quốc Hội Đức, bà Marie-Luise Dött, và tìm hiểu sự bảo trợ cụ thể diễn ra như thế nào:

    “Thứ 1, bà ghi tên của tôi trên bàn làm việc. Và mỗi khi gọi điện thoại, bà sẽ gọi hàng tháng sang bộ ngoại giao Đức, hay sang bên Văn phòng Đối ngoại Đức, bà ấy hỏi là trong tháng tới, có phái đoàn nào của Việt Nam và Đức làm việc với nhau hay không. Nếu có, bà sẽ xin gặp cùng hoặc là sẽ có là thư gửi bên phía Việt Nam. Và đồng thời 2-3 tháng một lần, bà ấy gọi cho vị Đại sứ Việt Nam bà gây áp lực. Rồi bà nói là sẽ tổ chức cuộc gặp, giới thiệu về hội nghị đầu tư, và bà mời Đại sứ Việt Nam đến để gặp. Và khi gặp, vấn đề yêu cầu Việt Nam trả tự do cho tôi cũng là vấn đề đầu trước khi nói về vấn đề kinh tế. Khi mà vị dân biểu bảo trợ cho mình thì họ sẽ làm tất cả những gì có thể làm được trong mối quan hệ giữa quốc gia đó với Việt Nam, để gây áp lực trả tự do cho mình”.

    Ông nói, trường hợp của Nguyễn Bắc Truyển hay Nguyễn Văn Hóa, nếu như họ muốn đi định cư tại Mỹ, thì việc bảo trợ của dân biểu có tác dụng rất lớn để nhà cầm quyền Việt Nam sớm trả tự do cho họ.

    Theo ông, không có TNLT nào muốn phải rời đất nước, vì họ muốn được đóng góp cho dân chủ, nhân quyền ngay từ trong nước. Nhưng xét trên kinh nghiệm cá nhân, Ls. Đài nói, nếu phải tạm rời khỏi Việt Nam, nhất là với những bản án quá cao như ông Truyển, 11 năm tù, anh Hóa, 7 năm tù, người TNLT vẫn có thể tiếp tục đấu tranh hiệu quả từ nước ngoài:

    “Cho nên là việc mình phải tạm thời rời khỏi Việt Nam, có lợi hơn cho chính người đó thoát khỏi nhà tù. Thứ 2, nếu ra bên ngoài mà mình biết tận dụng tốt thời gian, biết sử dụng mạng xã hội hiệu quả, thì đấu tranh thậm chí lợi hại hơn là ở trong nước.”

    Dân biểu Alan Lowenthal cho biết, Ủy ban Nhân Quyền Tom Lantos sẽ có quyết định về việc bảo trợ TNLT Nguyễn Văn Hóa trong những ngày sắp tới.

    https://www.rfa.org/

    Không có nhận xét nào