Header Ads

  • Breaking News

    Đại-Dương - Hoà hay chiến trên biển Nam Trung Hoa

     Biển Nam Trung Hoa (SCS) đang diễn ra các cuộc thao dượt quân sự của nhiều lực lượng Hải quân khắp thế giới cứ như trận bão lửa đang hình thành khiến cho các quốc gia duyên hải, kéo dài từ Eo biển Đài Loan tới Tân Gia Ba rộng 3.5 triệu km2, phải lo âu.

    Đại-Dương - Hoà hay chiến trên biển Nam Trung Hoa
    Hải quân Trung Cộng tập trận bắn đạn thật gần Nhóm đảo Hoàng Sa. Tiêm kích cơ đa năng Su-30MKK của Trung Cộng tháo bình xăng phụ để mang tối đa hoả tiễn, bom và thiết bị trinh sát đã tập bay đường dài ban ngày trong 10 giờ đồng hồ với tốc độ chậm trên SCS được tiếp nhiên liệu trên không trung. Bắc Kinh muốn đe doạ các quốc gia duyên hải Đông Nam Á và chứng tỏ khả năng bảo vệ khu vực lợi ích của Trung Cộng.

    Bắc Kinh tập trận đổ bộ như thông điệp đe doạ Đài Loan lẫn Nhóm đảo Pratas do Đài Bắc cai quản. Kể từ đầu năm 2020, Nhóm mẫu hạm Liêu Ninh đã hai lần đi ra SCS để tuần tra và đe doạ các quốc gia duyên hải. Tàu Hải Dương Địa chất 8 đã quấy nhiễu hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam tại Bãi Tư Chính (Vanguard Bank) và trong Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của Mã Lai Á.

    Lần đầu tiên, Hoa Kỳ đã điều động ba Hải đội Xung kích Hàng không mẫu hạm (HKMH) vào khu vực Tây Thái Bình Dương nhằm thực-tế-hoá hoạt động của Bộ Tứ Kim Cương (QUAD) gồm có Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc Đại Lợi tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Hải đội Xung kích Thuỷ bộ hạm USS America đã cùng với một hộ tống hạm của Úc Đại Lợi tập trận gần nơi HD Địa chất 8 của Trung Cộng đang quấy nhiễu tàu khảo sát dầu khí của Mã Lai Á. Cuối tháng 7-2020, Hải đội HKMH, USS Ronald Reagan cùng với chiến hạm của Nhật Bản và Úc Đại Lợi tập trận trên Biển Phi Luật Tân, và Hải đội HKMH, USS Nimitz tập trận với Hải quân Ấn Độ gần Quần đảo Andaman và Nicobar của Ấn Độ, giáp phía bắc Eo biển Malacca. Bộ Tứ Kim Cương thao dượt chiến thuật triệt đường lương thảo của Trung Cộng như một lời cảnh cáo đanh thép.

    Bắc Kinh thành lập hai quận-đảo Tây Sa và Nam Sa trực thuộc Thành phố Tam Sa để cai quản hai Nhóm đảo Hoàng Sa (Paracel Islands) cùng Macclesfield Bank, và Nhóm đảo Trường Sa (Spratly Islands). Bắc Kinh chính thức đặt tên cho 25 “đảo” và rạn san hô cùng với 55 thực thể địa lý nằm dưới mặt nước nhằm thực-tế-hoá “chủ quyền biển lịch sử” trên SCS.

    Tháng 12-2019, Mã Lai Á đệ trình lên Uỷ ban Thềm lục địa Liên Hiệp Quốc để xin nới rộng quyền-chủ-quyền quốc gia theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và Phán quyết ngày 12-07-2016 của Toà án Trọng tài Thường trực về Luật Biển (PCA) bị Bắc Kinh phản đối trở thành một khúc quanh trong cuộc chiến pháp lý trên SCS có tính cách toàn diện hơn. Đã có 15 ghi chú bằng lời nói, hai lá thư ngoại giao (gửi cho tổng thư ký Liên Hiệp Quốc) và một tuyên bố đã được trao đổi từ Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai Á, Brunei, Indonesia. Các quốc gia không yêu sách chủ quyền như Úc Đại Lợi, Indonesia cũng gửi lưu ý và 1 thư ngoại giao từ Hoa Kỳ lên Liên Hiệp Quốc. Tất cả đều chống lại quan điểm của Bắc Kinh.

    Ngày 13-07-2020, Ngoại trưởng Mỹ, Mike Pompoeo công khai chỉ trích Trung Cộng bắt nạt các quốc gia trên SCS và cam kết sẽ bảo vệ tự do và an toàn hàng hải, đồng thời, kêu gọi các quốc gia trong khu vực tôn trọng UNCLOS và phán quyết của PCA. Hoa Kỳ sẽ cấm vận các công ty và cá nhân Trung Cộng liên quan đến các hoạt động phi pháp trên Biển Nam Trung Hoa.

    Sự thay đổi chính sách của Hoa Kỳ và thái độ bất chấp của Trung Cộng có thể đưa các bên liên quan đi theo chiều hướng nào?

    Hoa Kỳ không còn đứng ngoài cuộc để các quốc gia trên Biển Nam Trung Hoa bị Trung Cộng bắt nạt, đe doạ nữa mà bằng mọi biện pháp, kể cả nguy cơ xung đột quân sự với Trung Cộng. Hoa Kỳ công khai ủng hộ giải pháp hoà bình và ổn định SCS trên nền tảng UNCLOS và Phán quyết của PCA năm 2016.

    Hoa Kỳ chống mọi hành vi quấy rối công cuộc khai thác tài nguyên thiên nhiên trong vùng EEZ và Thềm lục địa của các quốc gia duyên hải Đông Nam Á. Hoa Kỳ tuyên bố sẽ giúp đỡ nghề cá Việt Nam phát triển, đồng hành với các quốc gia duyên hải tái lập nền hoà bình, ổn định và an ninh trên Biển Nam Trung Hoa bằng luật pháp quốc tế. Trong cuộc Đối thoại ASEAN-Hoa Kỳ thông qua video hôm 05-08-2020, Phụ tá Ngoại trưởng Mỹ, David Stilwell cho biết “hai bên đều nhấn mạnh tính chất quan trọng của Quan hệ Đối tác Chiến lược Hoa Kỳ-ASEAN trong việc bảo đảm an ninh cho một vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Hoa Kỳ sẽ không làm một mình.

    Bộ trưởng Y tế Hoa Kỳ, Alex Azar dẫn đầu phái đoàn thăm viếng Đài Loan trong vài ngày tới, kể cả gặp mặt Tổng thống Thái Anh Văn đang bị Bắc Kinh phản đối quyết liệt. Đài Bắc đồng ý trả cho Hoa Kỳ 600 triệu USD để mua bốn phi cơ giám sát tự hành SeaGuardian cở lớn có tầm hoạt động 6,000 hải lý so với 160 của Đài Loan. Đài Bắc điều động 200 thuỷ quân lục chiến tới Nhóm đảo Pratas (tương đương với số tuần duyên thường trực ở đó) trong dịp Trung Cộng tập trận đổ bộ quy mô.

    Tân Gia Ba và Israel đang thành lập Công ty Liên doanh tại Đảo quốc Sư tử để sản xuất hệ thống hoả tiễn chiến thuật tầm xa và hoả tiễn pháo binh nhằm cung cấp Hệ thống Phòng thủ Duyên hải Lưu động để tấn công các chiến hạm trên biển. Dự án này có thể thu hút sự chú ý của các quốc gia duyên hải Đông Nam Á đang do dự chấp nhận hệ thống hoả tiễn trên bờ của Hoa Kỳ.

    Ngoại trưởng Mã Lai Á, Hishammuddin Hussein được South China Morning Post ngày 05-08-2020 trích dẫn “tránh chọn bên Hoa Kỳ hoặc Trung Cộng nên kêu gọi ASEAN đoàn kết”. Thực tế, ASEAN chia rẽ khó hàn gắn sau khi thâu nhận Việt Nam, Lào, Cambode, Myanmar và chủ trương đèn nhà ai nấy rạng. Vấn đề Biển Nam Trung Hoa dễ giải quyết hơn nếu chỉ có nhóm các quốc gia duyên hải (Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai Á, Brunei, Indonesia, Tân Gia Ba) đàm phán trực tiếp với Trung Cộng dựa trên nền tảng UNCLOS và phán quyết của PCA.

    Tổng thống Phi Luật Tân, Rodrigo Duterte vừa muốn Hoa Kỳ bảo vệ vừa thích nhận tiền từ Bắc Kinh. Số tiền đầu tư 24 tỉ USD mà Tập Cận Bình hứa trong lần gặp mặt đầu tiên vẫn cứ nhỏ giọt. Trò đi dây của Duterte khi đe doạ huỷ bỏ Thoả thuận Binh sĩ Mỹ Thăm viếng đã bị hố. Dân chúng Phi Luật Tân ủng hộ Hoa Kỳ với tỉ lệ cao.

    Việt Nam ở vào vị thế khó khăn nhất trong cuộc tranh chấp trên Biển Nam Trung Hoa: (1) Thứ nhất, Bắc Kinh buộc chặt Việt Nam vào 16 chữ vàng và 4 tốt mà giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam không quan tâm đến khát vọng độc lập tự chủ của dân tộc mà sợ làm mếch lòng Bắc Kinh. (2) Thứ hai, sông liền sông, núi liền núi rất dễ khi Trung Cộng tấn công đột ngột như từng xảy ra suốt dòng lịch sử. (3) Thứ ba, chính sách đồng hoá của Trung Cộng càng dễ dàng hơn khi người hàng xóm Phương Bắc giàu có, chịu chi mạnh tay. (4) Thứ tư, Việt Nam chưa chứng tỏ cho Hoa Kỳ, Nhật Bản, Châu Âu như một đối tác đáng tin cậy và muốn xây dựng một thể chế tự do, dân chủ thực sự.

    Biển Nam Trung Hoa sẽ hoà bình, ổn định, an ninh, phát triển hài hoà nếu mọi người đều góp sức, chung tay xây dựng và bảo vệ. Chẳng có bữa cơm nào miễn phí!

    Đại-Dương

    Không có nhận xét nào