Header Ads

  • Breaking News

    Chính trường Trung Quốc đón bão: Chiến dịch của ông Tập Cận Bình rúng động "pháo đài quyền lực"

    Những vi phạm và biến chất một cách có hệ thống trong lĩnh vực chính pháp của Trung Quốc đã bị lộ rõ, khi Bắc Kinh bắt đầu tiến hành chiến dịch chỉnh đốn quy mô lớn từ tháng 7.


    "Chính pháp" được mô tả là một hệ thống mang đặc sắc Trung Quốc, bao gồm tất cả Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, các cơ quan tư pháp hành chính, cơ quan công an và các cơ quan về an ninh quốc gia,...

    Do nghiệp vụ của các cơ quan này có mối liên hệ lớn, nên những đơn vị như vậy được gọi chung là "hệ thống chính pháp".

    Ngành chính pháp Trung Quốc xuất hiện tham nhũng có hệ thống

    Chiều ngày 27/7, thành phố Linh Bảo, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, tổ chức đại hội chỉnh đốn đội ngũ chính pháp, trong đó bản ghi âm "lời sám hối" của cựu cục trưởng Công an Liu Zhanqiang được công bố. Bị điều tra từ tháng 9 năm ngoái, đến nay Liu trở thành bài học đối với hơn 400 cựu đồng nghiệp như một "điển hình tiêu cực".

    Cục trưởng Công an thành phố Linh Bảo Li Xiaodou thừa nhận tình trạng thoái hóa đã trở nên nghiêm trọng trong đội ngũ này, đến mức "không thể không chỉnh đốn, không thể không bắt giữ".

    Tạp chí China Newsweek (Trung Quốc) - do Quốc vụ viện Trung Quốc quản lý - ngày 22/8 cho hay, kể từ khi Bắc Kinh phát động chiến dịch nhằm vào các băng đảng tội phạm xã hội đen, hàng loạt quan chức trong hệ thống chính pháp của thành phố Linh Bảo đã "ngã ngựa".

    Đây không phải là trường hợp đặc biệt, khi hàng loạt địa phương khác ở Trung Quốc cũng xuất hiện tình trạng tham nhũng có hệ thống trong ngành chính pháp. Chống tham nhũng trong hệ thống chính pháp được nhà chức trách Trung Quốc xem là nhiệm vụ cấp bách hiện nay.

    Ủy ban Chính pháp của Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ngày 8/7 chính thức thông báo khởi động thí điểm công tác "chỉnh đón đội ngũ chính pháp trên cả nước". Văn phòng thí điểm chỉnh đốn đội ngũ chính pháp toàn quốc được thành lập, do Bí thư Ủy ban là ông Trần Nhất Tân làm chủ nhiệm.

    Ủy ban chọn ra 5 thành phố cùng 4 huyện, bên cạnh 2 trại giam, để thí điểm trong 3 tháng.

    Một huyện thí điểm ở thành phố Linh Bảo được báo cáo "đang nỗ lực tạo dựng phiên bản Linh Bảo của cuộc 'chỉnh đốn đảng Diên An' trong thời kỳ mới" - đề cập phong trào chỉnh đốn nội bộ quy mô lớn của ĐCSTQ do Mao Trạch Đông phát động vào tháng 5/1941, kéo dài đến tháng 4/1945.

    Đến giữa tháng 8, các địa phương thí điểm đã hoàn thành vòng đầu tiên của chương trình là giáo dục học tập, tiếp nối bằng hoạt động tự kiểm tra và sửa đổi.

    "Vòng điều tra truy cứu sẽ có bắt giữ thật sự," nguồn tin thân cận ngành chính pháp Linh Bảo tiết lộ với China Newsweek, cho biết trong thời gian qua trên cả nước đã có hơn 30 quan chức chính pháp "ngã ngựa". Đây chỉ là bước đầu tiên, nguồn tin nói rằng "một trận bão tố chỉnh đốn lớn hơn sắp ập đến".

    "Hướng lưỡi dao vào trong"

    Trên toàn Trung Quốc, đội ngũ cảnh sát, thẩm phán, kiểm sát viên và nhân viên an ninh đang đồng loạt tham gia vào công cuộc chỉnh đốn đội ngũ chính pháp của ĐCSTQ nhằm chống tình trạng tham nhũng, lạm quyền và không trung thành với tổ chức.

    Bộ Tư pháp Trung Quốc hôm 30/7 đăng tải trên website của mình, nhấn mạnh cuộc thí điểm chỉnh đốn đội ngũ chính pháp là "một cuộc tự cách mạng 'nạo xương trị độc'".

    Tờ New York Times ngày 20/8 bình luận, chiến dịch được xây dựng như một công cụ sắc bén nhằm hỗ trợ Chủ tịch Tập Cận Bình củng cố kỷ luật nội bộ, trong bối cảnh Trung Quốc sẽ bước vào giai đoạn chuyển giao lãnh đạo sau 2 năm nữa, và các xung đột với Mỹ cùng các nước khác tiếp diễn.

    Các quan chức trong ngành chính pháp Trung Quốc được yêu cầu "hướng lưỡi dao vào trong" và "nạo xương để trị độc", bỏ qua những quan hệ cá nhân để vạch trần những đồng nghiệp biến chất.

    "Loại bỏ những thành viên có hại của tập thể," ông Trần Nhất Tân yêu cầu trong phiên họp của Ủy ban Chính pháp. "Loại bỏ những thành phần 'hai mặt', bất trung và dối gian với đảng."

    NYT gọi Ủy ban Chính pháp là "một pháo đài [bảo vệ] quyền lực của ĐCSTQ", bên cạnh Quân giải phóng nhân dân (PLA). Ông Tập Cận Bình so sánh việc quản lý hệ thống an ninh của đất nước giống như việc nắm chắc "lưỡi dao" trong tay đảng - một cách diễn đạt giống với Mao Trạch Đông.

    Đặng Duật Văn, cựu biên tập Thời báo Học tập của Trường đảng Trung ương Trung Quốc, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Phân tích Chiến lược Trung Quốc (Mỹ), nhận xét: "Cuộc chỉnh đốn Diên An xoay quanh việc phục tùng Mao trong mọi vấn đề, và đây là tín hiệu lớn nhất về việc học theo mô hình Diên An lần này."

    Theo ông Đặng, mục tiêu then chốt của chiến dịch chỉnh đốn ngành chính pháp là nhằm củng cố vị thế của ông Tập Cận Bình.

    Đây không phải là lần đầu tiên ngành chính pháp Trung Quốc gặp sóng gió. Vào tháng 7/2014, cựu Bí thư Ủy ban Chính pháp trung ương, cựu Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc Chu Vĩnh Khang đã bị điều tra vì những "vi phạm kỷ luật nghiêm trọng". Đến nay Chu là quan chức cấp cao nhất bị "ngã ngựa" trong chiến dịch chống tham nhũng mà ông Tập phát động sau khi lên nắm quyền năm 2012. Chu bị tuyên án chung thân vào năm 2015.

    Một chiến dịch "từ trên xuống dưới"

    "Nếu có ai đó bất ngờ không liên lạc được thì có khả năng là đã bị điều tra," nguồn tin của China Newsweek tại Linh Bảo tiết lộ. Sau khi cuộc chỉnh đốn khởi động, đội ngũ công an địa phương phải học tập hoặc kiểm tra hàng ngày, không khí trở nên căng thẳng.

    Tín hiệu về chiến dịch thanh lọc nhằm vào ngành chính pháp đã được đưa ra từ đầu năm. Ông Tập Cận Bình phát biểu trong hội nghị Công tác chính pháp trung ương hồi tháng 1, yêu cầu "xây dựng đội quân chính pháp sắt thép mà đảng và nhân dân có thể tin cậy, dự vào, và yên tâm".

    Trên nền tảng thí điểm, chiến dịch của ông Tập sẽ chính thức triển khai ở các hệ thống chính pháp "từ trên xuống dưới" trên toàn Trung Quốc từ năm 2021, dự kiến hoàn thành trong Quý I năm 2022.

    "Người của trung ương tới" đã trở thành một tín hiệu đáng gờm, khi các quan chức nhúng chàm trong ngành chính pháp bắt đầu "ngã ngựa".

    Một thông báo trên tài khoản WeChat của Ủy ban Chính pháp trung ương hé lộ Bí thư tổ đảng, quyền Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Nghĩa ô Cao Xiangting "vi phạm kỷ luật và pháp luật nghiêm trọng, chủ động đầu thú". Bà Cao trước đó có 20 năm làm việc trong hệ thống chính pháp ở thành phố Linh Bảo - địa phương thí điểm chỉnh đốn.

    Ngày 13/7, cựu Phó bí thư tổ đảng, Phó viện trưởng Viện kiểm sát tỉnh Giang Tô Yan Ming cũng bị điều tra. Yan trở thành quan chức cấp sở đầu tiên bị xử lý sau khi chiến dịch chỉnh đốn khởi động.

    Sự phức tạp trong ngành chính pháp Trung Quốc

    Theo NYT, dù Trung Quốc bắt đầu mạnh tay với giới chức chính pháp, song các chuyên gia và nghiên cứu gần đây của Trung Quốc cho thấy ban lãnh đạo nước này vẫn gặp khó khăn trong quản lý cơ cấu quan liêu phức tạp của hệ thống cảnh sát, an ninh, tòa án, kiểm sát, và trại giam.

    Các nhà nghiên cứu Trung Quốc nói rằng giữa các cơ quan kể trên vẫn tồn tại tình trạng chia rẽ phạm vi công việc và cạnh tranh lẫn nhau.

    Các nhà lãnh đạo Trung Quốc dường như bận tâm nhất về các quan chức cảnh sát và tư pháp cấp cơ sở - theo Qin Qianhong, giáo sư luật tại Đại học Vũ Hán. Một chiến dịch vào năm 2018 nhằm tấn công các băng nhóm tội phạm có quan chức bảo kê đã củng cố lo ngại ở cấp cao rằng những lực lượng địa phương vẫn bị vô hiệu hóa bởi tình trạng tham nhũng.

    "Bất chấp các cuộc điều tra hình sự và tham nhũng đã hạ bệ hàng loạt người, nhưng phần lớn kết cấu chủ thể của ngành chính pháp không có sự thay đổi," ông Qin nói, bổ sung rằng việc nhà chức trách đề cập cuộc chỉnh đốn Diên An không đồng nghĩa Bắc Kinh sẽ áp dụng các biện pháp nghiêm khắc như thế trong chiến dịch này.

    "Điều này để thể hiện rằng cuộc chỉnh đốn phải được nhìn nhận nghiêm túc, phải giải quyết được vấn đề," ông nói với NYT. "Tuy nhiên, Diên An là mô hình về thiết lập lãnh đạo hạt nhân và lòng trung thành, đây là điều cần phải làm."

    Các nhà điều tra trong tuần qua thông báo cục trưởng Cục Công an thành phố Thượng Hải, Phó thị trưởng Cung Đạo An đã bị điều tra do vi phạm kỷ luật. Ông này là quan chức công an cấp cao nhất bị xử lý từ đầu chiến dịch chỉnh đốn đến nay.

    Một số quan chức khác "ngã ngựa" gồm một cựu giám đốc trại giam ở Nội Mông, giám đốc Công an thành phố Giang Môn, tỉnh Quảng Đông, và một cựu quan chức có nhiều năm làm việc trong ngành chính pháp ở tỉnh Giang Tô. Các cáo buộc nhằm vào những người này chưa được thông báo chính thức.

    Trước đó vào tháng 4, Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Tôn Lập Quân - người từng phụ trách chống Covid-19 ở Vũ Hán - bị điều tra vì "hành vi vi phạm nghiêm trọng kỷ luật và pháp luật".

    Quyền lực của Bí thư Ủy ban Chính pháp

    NYT bình luận, chiến dịch chỉnh đốn ngành chính pháp được cho là sự xác nhận đối với vai trò nổi bật của Bí thư Ủy ban Chính pháp Trung Quốc Trần Nhất Tân.

    Trong vài năm qua, quan chức 60 tuổi này được ghi nhận đã xử lý thành công nhiều nhiệm vụ chính trị "khó nhằn". Ông Trần cũng lãnh đạo chiến dịch đả kích các quan chức làm "ô dù" cho tội phạm ở địa phương. Tháng 2 năm nay, ông được cử đến Vũ Hán để tham gia kiểm soát tình hình dịch bệnh Covid-19 tại đây.

    "Những vai trò được chú ý như thế rõ ràng khiến ông ấy được biết đến rộng rãi, và trao cho ông cơ hội để xây dựng vị thế của mình," chuyên gia về chính pháp Trung Quốc tại Đại học Vienna bình luận trên NYT. "Dường như ông đang chuẩn bị cho vai trò quan trọng hơn."

    Ông Tập Cận Bình từng phát đi tín hiệu kêu gọi giới chức sẵn sàng cho thời kỳ khó khăn tiếp theo. Dù Trung Quốc đã vượt qua nguy cơ lây lan diện rộng của dịch Covid-19 và kinh tế đang phục hồi, ông Tập hồi cuối tháng 7 cảnh báo các quan chức cảnh sát rằng "môi trường quốc tế ngày càng phức tạp, sự bất ổn và khó lường ngày càng rõ rệt".

    Trong năm nay, Trung Quốc cũng đã thành lập một Ủy ban chính sách trị an, thuộc "Tiểu tổ điều phối phát triển Trung Quốc bình an", nhằm gia tăng sức mạnh trấn áp những biến động và tội phạm.

    "Đối với Trung Quốc mà nói, 5 năm tiếp theo là khoảng thời gian then chốt," ông Đặng Duật Văn bình luận.

    "Theo quan điểm của ông Tập Cận Bình, chiến dịch chỉnh đốn ngành chính pháp cần phải bảo đảm không có bất kỳ vấn đề nào có thể trở thành nguy cơ lớn trong nước trong tương lai," ông nói, đề cập cạnh tranh và đối đầu leo thang giữa Mỹ-Trung, cũng như nỗ lực của Bắc Kinh để đưa nền kinh tế bước vào một giai đoạn tăng trưởng mới.

    https://soha

    Không có nhận xét nào