Header Ads

  • Breaking News

    Điểm tin thế giới ngày Thứ bảy 22 tháng 8 năm 2020


    Covid-19 : Virus lây lan nhanh hơn tại Pháp

    Virus corona đang lây lan nhanh hơn tại Pháp, đó là cảnh báo của Tổng cục Y tế Pháp trong một thông cáo ra hôm qua, 21/08/2020. Theo bản thông cáo này, 9 tỉnh ở Pháp đã vượt qua ngưỡng 50 ca nhiễm mới được phát hiện trong 7 ngày qua trên 100.000 dân.

    Hôm qua, theo số liệu của cơ quan Y tế Công cộng Pháp, tính trên toàn nước Pháp đã có thêm 4.586 ca nhiễm trong vòng 24 tiếng đồng hồ, thấp hơn một chút so với cao điểm hôm trước. Hôm thứ năm, số ca nhiễm mới đã lên tới 4.771, mức cao nhất kể từ đầu tháng 5. Hôm qua là ngày thứ hai liên tiếp từ tháng 5 mà số ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ tại Pháp vượt qua ngưỡng 4.000.

    Một chỉ số khác cho thấy virus gây bệnh Covid-19 đang lây lan nhanh hơn, đó là hôm qua đã có thêm 41 ổ lây nhiễm được phát hiện, nâng tổng số ổ lây nhiễm lên 283.

    Theo cơ quan Y tế Công cộng Pháp, hiện có 7 tỉnh được xếp vào diện « mức độ tổn thương cao » ( Bouches-du-Rhône, Guyane, Hérault, Paris, Sarthe, Seine-Saint-Denis et Val-de-Marne), và 31 tỉnh khác thuộc diện « mức độ tổn thương vừa phải ».

    Cho tới nay, tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Pháp đã lên tới 30.503, sau khi hôm qua có thêm 23 bệnh nhân qua đời trong vòng 24 giờ.

    Tuy nhiên, theo hãng tin AFP, có một số lý do khiến chúng ta không quá lo ngại. Thứ nhất, số ca nhiễm mới tăng cao một phần là do tại Pháp ngày càng có nhiều người được xét nghiệm, con số xét nghiệm nay lên đến gần 700.000 mỗi tuần. Mặt khác, hơn phân nửa số người được xét nghiệm dương tính là những người hoàn toàn không có triệu chứng nào.

    Thứ hai, tuy số ca nhiễm mới đang tăng từ mấy tuần qua, nhưng số người nhập viện hoặc phải vào phòng hồi sức cấp cứu không tăng bao nhiêu. Từ mức cao nhất ngày 08/04 với 7.148 người, số bệnh nhân nằm trong phòng hồi sức đã liên tục giảm, cho đến cuối tuần qua chỉ còn 379 người.

    1/4 dân số Ấn Độ có thể đã nhiễm nCoV


    Cứ bốn người ở Ấn Độ thì có ít nhất 1 người có thể đã bị nhiễm Covid – tỷ lệ cao hơn rất nhiều so với số liệu chính thức của chính phủ, theo người đứng đầu một phòng thí nghiệm tư nhân hàng đầu tại quốc gia Nam Á.

    Tiến sĩ A. Velumani cho biết kết quả phân tích 270.000 kháng thể do công ty Thyrocare của ông thực hiện trên khắp Ấn Độ cho thấy sự hiện diện của kháng thể ở trung bình 26% người dân, cho thấy họ đã phơi nhiễm virus corona.

    “Đây là tỷ lệ phần trăm cao hơn nhiều so với chúng tôi dự đoán. Sự hiện diện các kháng thể là đồng đều ở tất cả các nhóm tuổi, kể cả trẻ em”, ông Velumani chia sẻ với Reuters.

    Phát hiện của Thyrocare tương thích với các cuộc khảo sát của chính phủ được thực hiện ở các thành phố Ấn Độ như Mumbai, cho thấy 57% dân số ở các khu ổ chuột đông đúc đã bị phơi nhiễm virus corona.

    Ông Pence nói Joe Biden ‘phá hủy kinh tế Mỹ’ nếu đắc cử


    Phó Tổng thống Mike Pence hôm thứ Sáu (21/8) đã đáp trả các chỉ trích gay gắt mà Tổng thống Donald Trump nhận được tại đại hội đề cử của Đảng Dân chủ trong tuần này, phản bác rằng một nhiệm kỳ tổng thống dưới quyền Joe Biden sẽ đè bẹp nền kinh tế Mỹ và gia tăng tình trạng bạo lực trên đường phố, theo Reuters.

    “Đảng Dân chủ đang đưa ra một viễn cảnh cho đất nước này. Viễn cảnh đó sẽ đè bẹp nền kinh tế của chúng ta và thúc đẩy những chính sách dẫn đến tình trạng bạo lực nhiều hơn trên đường phố,” ông Pence nói với Fox News trong 1 cuộc phỏng vấn sau bốn đêm diễn ra đại hội Đảng dân chủ.

    “Nền kinh tế Mỹ phụ thuộc vào lá phiếu của mọi người. Luật pháp và trật tự phụ thuộc vào lá phiếu của mọi người, và người dân Mỹ biết điều đó”, ông Pence nói.

    Đảng Cộng hòa sẽ tập trung vào những gì Tổng thống Trump đã làm được để tái thiết quân đội, phục hồi nền kinh tế, bổ nhiệm các thẩm phán chính trực và “duy trì luật pháp và trật tự”.

    Những chính sách này đi ngược lại chương trình nghị sự của Đảng Dân chủ vốn bao gồm thuế thu nhập cao hơn, chính sách chăm sóc sức khỏe do chính phủ tài trợ, cải cách nhập cư “và việc duy trì lời kêu gọi giảm ngân sách, cắt giảm hoặc giải tán cơ quan cảnh sát, điều đó sẽ thúc đẩy tình trạng bạo lực trên đường phố tại các thành phố lớn”, vị phó tổng thống chia sẻ nhận định với Fox News.

    ‘Tổng thống Trump sẽ giành chiến thắng vào ngày 3/11’, lãnh đạo Đảng Độc lập Anh Nigel Farage dự đoán

    Chủ tịch Đảng Độc lập Anh (UKIP), Nigel Farage, đã phân tích các ứng viên cho chức vụ Tổng thống Mỹ và không ngần ngại dự đoán Tổng thống Donald Trump sẽ tái đắc cử.

    “Tôi tin rằng ông Trump sẽ đè bẹp ông Biden trong cuộc tranh cử này. Cho dù bạn có ủng hộ anh ấy hay không, thì cũng không thể phủ nhận việc ông ấy rất nhanh trí”, ông Farage nói trong một bài báo trên Newsweek ngày 18/8.

    “Ngược lại, ông Biden tạo ấn tượng là một người đàn ông không hoàn toàn biết mình đang ở đâu. Thậm chí còn có suy đoán rằng “Slow Joe (Joe chậm chạp)” có thể tránh né những cuộc tranh luận này, và bằng cách nào đó điều này sẽ cứu được ông ấy, nhưng điều đó chắc chắn sẽ chỉ dẫn đến sự chế nhạo mang tính quốc gia”, Breitbart trích dẫn lời ông Farage.

    Chính trị gia thành công người Anh này, người được coi là “kiến trúc sư của Brexit”, đã nêu bật những phẩm chất khác của ông Trump có đủ sức nặng để cho phép ông có thêm bốn năm nữa tại Nhà Trắng.

    “Người đàn ông này vững chắc như một tảng đá … Ông Trump coi những cam kết đưa ra trong chiến dịch tranh cử năm 2016 của mình như những lời hứa, và ông ấy đã giữ lời”, ông Farage nhận xét.

    “Tôi sẵn sàng ngẩng cổ lên chờ đợi một lần nữa. Donald Trump sẽ giành chiến thắng vào ngày 3/11/2020”, ông Farage viết trên.

    Philippines gửi công hàm phản đối Trung Quốc ở biển Đông

    Philippines đã gửi công hàm ngoại giao tới Bắc Kinh phản đối cảnh sát biển Trung Quốc tịch thu các ngư cụ của ngư dân nước này tại khu vực tranh chấp giữa hai nước trên Biển Đông, theo Bloomberg.

    Tàu cảnh sát biển Trung Quốc tuần tra qua các tàu đánh cá của Philippines tại bãi cạn Scarborough đang tranh chấp trên Biển Đông

    Bộ Ngoại giao Philippines cho biết hôm thứ Năm (20/8) việc tịch thu các ngư cụ đánh bắt cá diễn ra ở bãi cạn Scarborough hồi tháng 5.

    Philippines cũng phản đối việc Trung Quốc tiếp tục thông qua radio thách thức các máy bay Philippines đang tiến hành các cuộc tuần tra hàng hải hợp pháp ở Biển Tây Philippines, theo cách gọi của nước này.

    Mỹ hối thúc các trường đại học ‘nhanh chóng có hành động’ đáp trả tác động của Trung Quốc tại các trường đại học


    Bộ Ngoại giao Mỹ vừa soạn thảo một lá thư kêu gọi các trường đại học tại nước này rà soát lại mối quan hệ của họ với các Viện Khổng Tử do Trung Quốc hậu thuẫn, và “nhanh chóng có hành động” đề phòng chính quyền Trung Quốc thông qua đó đánh cắp nghiên cứu của Hoa Kỳ, theo The Epoch Times.

    Lời kêu gọi được đưa ra vài ngày sau khi Bộ Ngoại giao chỉ định Viện Khổng Tử (CIUS) tại Mỹ là cơ quan ngoại giao của Trung Quốc tại Hoa Kỳ, một động thái nhằm hạn chế hoạt động của nó tại đây. CIUS là một tổ chức có trụ sở tại Washington nhằm thúc đẩy và hỗ trợ các Viện và Phòng học Khổng Tử trong các trường đại học và phổ thông trên khắp đất nước. Các chương trình, do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tài trợ, đã thu hút sự dò xét ngày càng nhiều của chính quyền tổng thống Trump do lo ngại chúng đang góp phần truyền bá các tuyên truyền của Trung Quốc và hạn chế quyền tự do ngôn luận trong các lớp học ở Hoa Kỳ.

    Hiện có 75 Viện Khổng Tử trong các trường đại học của Mỹ, theo nhóm vận động giáo dục Hiệp hội Học giả Quốc gia.

    “Ở bề mặt Viện Khổng Tử nhằm mục đích giới thiệu cho người Mỹ ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc, nhưng chúng cũng gây ảnh hưởng xấu đến các cơ sở giáo dục của Mỹ và phổ biến tuyên truyền của ĐCSTQ”, Keith Krach, thứ trưởng phụ trách tăng trưởng kinh tế, năng lượng và môi trường, đã viết trong bức thư đề ngày 18/8 gửi đến ban giám đốc các trường đại học và cao đẳng Hoa Kỳ.

    Nhà đối lập Nga Navalny được đưa sang Đức để chữa trị

    Theo hãng tin AFP, chiếc máy bay chở nhà đối lập Nga Alexei Navalny, hiện đang bị hôn mê, sáng nay, 22/08/2020, đã đáp xuống sân bây Tegel của Berlin, nơi mà ông sẽ được điều trị. Theo những người thân cận, ông Navlany đã bị đầu độc.

    Chiếc máy bay được trang bị đầy đủ thiết bị y tế, do một tổ chức phi chính phủ thuê, đã cất cánh từ thành phố Omsk vùng Siberi sau nhiều giờ mặc cả gay go với phía Nga. Ngay khi vừa đáp xuống Berlin, nhà đối lập 44 tuổi, đang trong tình trạng nguy kịch, đã được đưa ngay đến một trong những bệnh viện nổi tiếng nhất châu Âu.

    Navalny đã được sang Đức nhờ nỗ lực của những người thân cận, dứt khoát đòi các bác sĩ ở Omsk phải cho ông được ra nước ngoài để chữa trị, vì nếu tiếp tục ở bệnh viện tại đây thì sẽ khó mà bảo toàn tính mạng nhà đối lập Nga. Mãi đến tối qua, bệnh viện Omsk mới bật đèn xanh cho việc chuyển Navalny sang Đức, cho rằng tình trạng của ông đã « ổn định ». Các bác sĩ Đức cũng đã được khám nhà đối lập Nga, để bảo đảm là có thể đưa ông bằng máy bay sang Berlin.

    Ông Navalny đang trong tình trạng hôn mê và tình trạng của ông được báo cáo là ổn định.

    Navalny là người chỉ trích Tổng thống Vladimir Putin có tiếng tăm, ông đã liên tục vạch trần nạn tham nhũng ở Nga. Ông đã đi tù nhiều lần.

    Ấn – Úc – Nhật sẽ bắt tay giảm phụ thuộc chuỗi cung ứng vào Trung Quốc

    Nhật Bản, Ấn Độ và Australia đang hướng tới một nỗ lực ba bên mới nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng toàn cầu và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, trong trường hợp xảy ra một thảm họa khác tương tự đại dịch Covid-19 xảy ra trong tương lai.

    Tờ Bưu điện Nam Hoa buổi sáng (South China Morning Post) nhận định, bùng phát của dịch Covid-19 đã cho thấy tầm quan trọng của việc đa dạng hóa khỏi sự phụ thuộc vào thương mại và chuỗi cung ứng của Trung Quốc đối với nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước như Nhật Bản, Ấn Độ và Australia.

    Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đã khởi xướng ý tưởng này với chính phủ Ấn Độ khoảng một tháng trước. Các cuộc đàm phán không chính thức vẫn đang diễn ra, theo các nhà kinh tế am hiểu vấn đề.

    Sáng kiến ​​phục hồi chuỗi cung ứng (SCRI) dự kiến ​​sẽ được bàn thêm trong hội nghị thượng đỉnh Ấn Độ-Nhật Bản hồi đầu tháng 9.

    Việc tham gia sáng kiến ​​này cũng tương hợp với tôn chỉ của Australia là đa dạng hóa khỏi sự phụ thuộc thương mại vào Trung Quốc, đặc biệt vào thời điểm các mối liên kết thương mại song phương đang ngày càng trở nên căng thẳng do Australia thúc đẩy một cuộc đánh giá phản ứng của mỗi nước trước đại dịch Covid-19.

    Tuy nhiên, Australia vẫn chưa đồng ý tham gia thỏa thuận và các cuộc thảo luận về việc gia nhập hay không vẫn đang tiếp diễn.

    Jagannath Panda, điều phối viên Đông Á tại Viện Nghiên cứu và Phân tích Quốc phòng Manohar Parrikar ở New Delhi, cho biết: “Vâng, cuộc thảo luận đang tiếp diễn và hiện các kế hoạch cần được tiến hành”.

    “Đại dịch Covid-19 đã bộc lộ sâu sắc cho ba quốc gia thấy sự cần thiết phải giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc… [Sáng kiến] hợp tác ba bên Australia-Nhật-Ấn như vậy là đã đến thời điểm chín muồi”.

    “Với một khuôn khổ hợp tác có định hướng, [sáng kiến] ba bên có thể nổi lên như một bước đệm hướng tới sự phục hồi nền kinh tế khu vực và thúc đẩy việc tái phân bổ quyền lực trong khu vực khỏi Trung Quốc”.

    Ông Tập phát động chiến dịch thanh trừng nội bộ

    Hàng tá quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã bị điều tra kể từ tháng 7, trong một chiến dịch được gọi là “làm trong sạch thể chế chính trị và luật pháp” của Đảng.

    Các nhà phân tích cho biết trên Tạp chí phố Wall rằng, cuộc thanh trừng được thúc đẩy bởi một trong những đồng minh thân cận của lãnh đạo Tập Cận Bình, người đề xuất quan điểm “hướng lưỡi dao vào trong và cạo chất độc từ trong xương”. Chiến dịch này nhằm siết chặt sự kiểm soát và tăng cường uy quyền của ông Tập.

    Jonathan Cheng, chánh văn phòng thường trú của Wall Street Journal tại Trung Quốc, đăng bài phân tích chính sách thanh trừng nội bộ của ông Tập (ảnh chụp màn hình Twitter).

    Quan chức cấp cao nhất trong số những người bị điều tra là Giám đốc công an Thượng Hải Cung Đạo An, cùng một số nhân vật trước đó từng được khen ngợi vì thành tích công tác của họ.

    Mục đích của chiến dịch là bổ nhiệm các nhân viên cảnh sát, công tố viên và thẩm phán nào có thể “tuyệt đối trung thành, tuyệt đối trong sáng và tuyệt đối tin cậy”.

    “Ông Tập đặc biệt phụ thuộc vào bộ máy nhà nước cưỡng chế này [để duy trì quyền lực], nhưng ông ấy cũng không tin tưởng vào nó”, Wu Qiang, một nhà nghiên cứu chính trị Trung Quốc và là cựu giáo sư tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh nói với Tạp chí phố Wall.

    Người đứng đầu chiến dịch thanh trừng, Chen Yixin so sánh nó với Phong trào Chỉnh phong Diên An trong giai đoạn 1942 – 1945. Đây là một trong những cuộc thanh trừng đẫm máu nhất trong lịch sử ĐCSTQ, nhằm tăng cường quyền lực của nhà độc tài Mao Trạch Đông.

    Đối với một số nhà quan sát, chiến dịch chứng tỏ sự tham nhũng dai dẳng trong hệ thống tư pháp hình sự của ĐCSTQ.

    Đối với nhà kinh tế Sheng Hong, những người đứng đầu ĐCSTQ “không nhận ra rằng tham nhũng là vấn đề mang tính thể chế”.

    Không có nhận xét nào