Header Ads

  • Breaking News

    Điểm tin thế giới ngày Thứ hai 17 tháng 8 năm 2020


    Hàng ngàn người biểu tình tại Bangkok đòi cải tổ chính trị

    Hàng ngàn người biểu tình tuần hành phản đối chính phủ tại thủ đô Bangkok của Thái Lan hôm Chủ Nhật, đòi phải có cải tổ chính trị.

    Những người biểu tình muốn có một bản hiến pháp sửa đổi và cũng kêu gọi cải tổ cả Hoàng triều, một chủ đề nhạy cảm ở Thái Lan.

    Theo luật Thái, bất kỳ ai chỉ trích Hoàng gia cũng đều phải đối diện với án tù dài hạn.

    Trong những tuần qua, hầu như ngày nào cũng có các cuộc biểu tình do sinh viên dẫn đầu.

    Một số lãnh đạo biểu tình đã bị bắt.

    Cuộc biểu tình diễn ra trong ôn hòa

    Tuy nhiên, những người tổ chức nói rằng họ hy vọng cuộc tuần hành hôm Chủ Nhật sẽ cho thấy sự ủng hộ rộng rãi hơn đối với yêu cầu đòi thay đổi chứ không chỉ giới hạn trong nhóm các sinh viên như trước.

    Cảnh sát Bangkok tối hôm Chủ Nhật nói có khoảng 10.000 người tham dự biểu tình.


    "Chúng ta muốn có một kỳ bầu cử mới và một quốc hội hội mới cho nhân dân," nhà hoạt động 24 tuổi hiện đang là sinh viên, Patsalawalee Tanakitwiboonpon, nói với đám đông reo hò.

    Các cuộc biểu tình do sinh viên dẫn đầu bùng lên trở lại vào ngày 18/7, bất chấp lệnh cấm tụ tập đông người trong tình trạng khẩn cấp quốc gia.

    Các cuộc tuần hành đã được tổ chức hầu như hàng ngày kể từ đó tới nay.

    Hồi tuần trước, lãnh đạo sinh viên nổi tiếng Parit Chiwarak, 22 tuổi, đã bị bắt và phải đối diện với nhiều cáo buộc, trong đó có cáo buộc nổi loạn, tấn công và tổ chức sự kiện có thể làm lây lan dịch bệnh.

    Thất thu 10 triệu tấn ngũ cốc vụ hè, ĐCSTQ gấp rút hạ lệnh khiến người dân lo đói ăn


    Thiên tai, nhân họa vẫn đang liên tiếp xảy ra ở Trung Quốc, khiến việc thu mua ngũ cốc dự trữ mùa hè trong năm nay sụt giảm gần 10 triệu tấn. Đứng trước bối cảnh nhiều khu vực sản xuất ngũ cốc vẫn còn đang bị nhấn chìm trong mưa lũ, Cơ quan Quản lý Nhà nước về Dự trữ Ngũ cốc và Nguyên liệu Trung Quốc đã ban hành một lệnh khẩn, tăng cường việc thu mua ngũ cốc vụ mùa thu. Động thái làm dấy lên nghi ngờ Trung Quốc đang rơi vào tình trạng khủng hoảng lương thực.

    Theo dữ liệu từ Cơ quan Quản lý Nhà nước về Dự trữ Ngũ cốc và Nguyên liệu của Trung Quốc công bố ngày 12/8, tính đến ngày ⅝, có tổng cộng 42,857 triệu tấn lúa mì được thu mua tại các khu vực sản xuất chính, giảm 9,383 triệu tấn so với cùng kỳ năm trước.

    Trong đó: tỉnh Hà Bắc thu mua 3,559 triệu tấn, giảm 935.000 tấn so với năm trước; tỉnh Giang Tô thu mua 10,835 triệu tấn, giảm 108.000 tấn so với năm trước; tỉnh An Huy thu mua 5,929 triệu tấn, giảm 2,224 triệu tấn so với năm trước; tỉnh Sơn Đông thu mua 6,614 triệu tấn, giảm 544.000 tấn so với năm trước; tỉnh Hà Nam thu mua 9,124 triệu tấn, giảm 5,388 triệu tấn so với năm trước; tỉnh Hồ Bắc thu mua 1,390 triệu tấn, tăng 68.000 tấn so với năm trước.

    Tổng cộng 706.000 tấn hạt cải dầu đã được thu mua tại khu vực sản xuất chính, giảm 51 nghìn tấn so với năm trước. ĐCSTQ sớm đã thu mua tổng cộng 2,641 triệu tấn gạo indica, tại các khu vực sản xuất chính, tăng 126.000 tấn so với năm trước.

    Cơ quan Quản lý Nhà nước về Dự trữ Ngũ cốc và Nguyên liệu Trung Quốc ngày 12/8 ra thông báo về tiến độ thu mua ngũ cốc vụ hè ở các khu vực sản xuất chính. Tiến độ có sự sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái (ảnh chụp màn hình Weibo).

    Nhật Bản muốn gia nhập liên minh tình báo, biến “Ngũ nhãn” thành “Lục nhãn”


    Trong bài trả lời phỏng vấn với tờ Nikkei hôm 16/8, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Taro Kono cho biết Nhật Bản mong muốn mở rộng hợp tác với liên minh chia sẻ thông tin tình báo “Ngũ Nhãn” để mở rộng mạng lưới tình báo, dự phòng trước các mối đe dọa về an ninh và thúc đẩy trao đổi thông tin giữa năm nước thành viên và Nhật. Ông Kono nhấn mạnh nước Nhật và các quốc gia này có cùng những giá trị chung và liên minh mới có thể được gọi là “Lục nhãn”.

    Nhóm “Ngũ nhãn” bao gồm Mỹ, Anh, Canada, Úc và New Zealand. Các thành viên đều có chung mối quan hệ văn hóa và lịch sử sâu sắc gắn liền với di sản Anglo-Saxon và cùng sử dụng tiếng Anh. Thời gian qua các thành viên trong nhóm đều có chung động thái chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực, từ các tranh chấp trên biển tới việc Bắc Kinh ban hành Luật An ninh quốc gia đối với Hồng Kông.

    Ngoài việc chia sẻ thông tin tình báo, đặc điểm nổi bật của nhóm “Ngũ nhãn” là mối quan hệ ngoại giao mạnh mẽ và họ thường đưa ra những tuyên bố chung về các vấn đề cùng quan tâm.

    Carrie Lam cắt đứt quan hệ với ĐH Cambridge, trả lại danh hiệu “Viện sĩ danh dự”


    Nhà lãnh đạo Hồng Kông đã hủy bỏ danh hiệu “Viện sĩ danh dự” tại Trường Wolfson thuộc Đại học Cambridge và cắt đứt quan hệ với tổ chức giáo dục này vì cho rằng họ đã có những cáo buộc vô căn cứ về bà, theo SCMP.

    Trường đặc khu Hồng Kông Carrie Lam đã đưa ra lời phản đối sau khi trường đại học ở Anh bày tỏ lo ngại về vai trò của bà trong Luật An ninh quốc gia mà Bắc Kinh áp đặt lên Hồng Kông vào tháng 6.

    Vào tối thứ Bảy (15/8), bà Lam cho biết trên trang Facebook của mình rằng bà đã viết thư cho trường đại học một ngày trước đó để từ bỏ danh hiệu “Viện sĩ danh dự” sau khi bị hủy visa Mỹ. Danh hiệu này thường được trao cho những người có thành tích xuất sắc và giữ vị trí cao. Bà Lam trước đó đã hoàn thành chương trình dành cho các nhà quản lý cấp cao của chính phủ ở đó vào năm 1982 và đã được trao danh hiệu vào năm 2017.

    “Hiệu trưởng đã viết thư cho tôi vào tuần trước, nói rằng trường đại học tin rằng tôi đã đi lệch khỏi nguyên tắc tự do học thuật và tự do ngôn luận, trừng phạt những giáo viên đã chỉ trích chính phủ, cấm sinh viên hát và hô khẩu hiệu ở trường và thực thi Luật An ninh quốc gia bên ngoài Hồng Kông,” bà Lam viết.

    Đợt trừng phạt tiếp theo của Mỹ sẽ nhắm vào ‘Hồng nhị đại’ của ĐCSTQ?


    Có thông tin tiết lộ, chính quyền Tổng thống Trump đang chuẩn bị thực hiện đợt truy kích trừng phạt thứ hai nhắm vào thế hệ đỏ thứ hai (Hồng nhị đại), thứ ba của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

    Ngày 15/8, tờ Apple Daily Hồng Kông đưa tin về tiết lộ của Phó Chủ tịch Tổ chức Các vấn đề Nước ngoài của Đảng Cộng hòa Hoa Kỳ, ông Du Hoài Tùng (Solomon Yue) hôm 13/8. Theo đó, ông Du cho biết, do vụ bắt giữ người sáng lập Tập đoàn truyền thông Next Media Hồng Kông, ông Lê Trí Anh, nên đợt truy kích trừng phạt tiếp theo của Hoa Kỳ nhắm vào thế hệ đỏ thứ hai, thứ ba của ĐCSTQ sẽ sớm bắt đầu. Lệnh này sẽ khiến các ngân hàng Hồng Kông mất khả năng xử lý các giao dịch bằng đô la Mỹ (USD) và thậm chí Sở Giao dịch Chứng khoán Hồng Kông cũng sẽ là nạn nhân.

    Trước đó, Đài Á Châu Tự do (RFA) đã đưa tin, việc thực thi Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông sẽ khiến cho vị thế quốc tế của Hồng Kông rơi vào tình trạng nguy hiểm. Theo hình thế địa vị trung tâm tài chính quốc tế của Hồng Kông bị suy yếu, thế hệ đỏ thứ hai và thứ ba của ĐCSTQ, những người có được tài sản khổng lồ thông qua Hồng Kông cũng chưa biết xoay sở cách nào, đây đang là vấn đề nóng gây nhiều chú ý trong dư luận.

    Tin tức trích dẫn một phân tích, khi chính quyền Bắc Kinh xây dựng Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông, họ chỉ một mực hùa theo yêu cầu của ông Tập Cận Bình về việc “giải quyết vấn đề Hồng Kông” mà đã không xem xét đến hậu quả. Đồng thời, hàng loạt biện pháp trừng phạt mà Mỹ đưa ra cũng tạo nên sự răn đe lớn đối với thế hệ đỏ thứ hai, vốn là nhóm có khối tài sản kếch xù tại Hồng Kông. Vì hệ thống tài chính của thế giới nằm trong tay Hoa Kỳ, nên bất kỳ ngân hàng lớn nào cũng đều phải thực hiện các giao dịch tài chính với Hoa Kỳ. Chỉ cần bị điểm tên trong danh sách trừng phạt của Hoa Kỳ, các quốc gia khác sẽ không sẵn sàng “chơi cùng” với họ, hoạt động ngân hàng tài chính cũng không thể tiếp tục.

    Ông Tập kiên định nền kinh tế Mác-xít


    Nền kinh tế chính trị Mác-xít của Trung Quốc sẽ tiếp tục thích ứng với môi trường quốc tế và những biến động trong nước, nó sẽ vẫn phải là cơ sở để xây dựng tương lai đất nước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định, SCMP đưa tin hôm Chủ nhật (16/8).

    “Nền tảng của nền kinh tế chính trị Trung Quốc chỉ có thể là nền kinh tế chính trị theo chủ nghĩa Mác, và không được dựa trên các lý thuyết kinh tế khác”, ông Tập nói trong một bài báo đăng hôm thứ Bảy (15/8) trên tờ Lý thuyết chính trị định kỳ Qiushi.

    Theo SCMP, ông Tập đã bác bỏ những ý kiến cho rằng nền kinh tế chính trị Mác-xít của Trung Quốc đã lỗi thời, khi cho rằng nó cho phép thị trường đóng vai trò quyết định trong việc phân bổ nguồn lực nhưng cũng đồng thời nâng cao vai trò của chính phủ.

    Ông Tập nói, Trung Quốc phải hỗ trợ và phát triển nền kinh tế thuộc sở hữu công của mình, đồng thời hỗ trợ các loại hình sở hữu khác.

    Belarus biểu tình lớn nhất trong lịch sử


    Hôm Chủ nhật, hàng chục nghìn người ủng hộ phe đối lập ở Belarus đã tham gia một cuộc biểu tình lớn nhất trong lịch sử ở Thủ đô Minsk để phản đối và yêu cầu Tổng thống Alexander Lukashenko từ chức. Tuy nhiên vị tổng thống đã tại vị gần 30 năm đáp lại bằng một bài phát biểu thách thức, theo SBS News.

    Đám đông người biểu tình tuần hành qua các đường phố đến Quảng trường Độc lập, một nhà báo AFP ước tính số người tham gia đoàn biểu tình khổng lồ này là hơn 100.000 người. SBS News cho hay, đây là một cuộc biểu tình có quy mô chưa từng thấy kể từ khi Liên Xô tan rã.

    Những người biểu tình cầm những tấm biểu ngữ với những dòng chữ như “Ông không thể rửa sạch máu” và “Lukashenko phải trả lời cho hành vi tra tấn và giết người”.

    Phản ứng trước yêu cầu người biểu tình, ông Lukashenko tuyên bố cuộc bầu cử tổng thống là hợp pháp, gián tiếp khẳng định ông sẽ không từ chức.

    Iran phản đối UAE thiết lập quan hệ với Israel


    Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã lên án thỏa thuận hòa bình giữa Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Israel, ông nói trong một bài phát biểu hôm thứ Bảy rằng UAE đã phạm phải “sai lầm lớn”, Fox News đưa tin hôm Chủ nhật.

    Ông Rouhani nói việc UAE đồng ý thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel là “sự phản bội ý chí của người dân Palestine và ý chí của người Hồi giáo”.

    Trong một động thái lịch sử, UAE trong tuần qua đã quyết định trở thành quốc gia thứ ba ở Trung Đông chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel, trong một nỗ lực được cho là nhằm ngăn chặn Israel sáp nhập Bờ Tây.

    Somali: Khách sạn bị tấn công, ít nhất 7 người chết

    Các chiến binh đã xông vào một khách sạn cao cấp bên bờ biển ở Thủ đô Mogadishu, Somali, hôm Chủ nhật, bắn chết ít nhất 7 người và làm bị thương hơn 20 người sau khi kích nổ một quả bom xe bên ngoài khách sạn, Reuters đưa tin.

    Nhóm phiến quân Hồi giáo al Shabaab tuyên bố rằng họ chính là lực lượng đã thực hiện vụ tấn công vào khách sạn Elite ở bãi biển Lido, Mogadishu, và các tay súng của nhóm này đã chiến đấu với lực lượng an ninh Somali.

    Hãng thông tấn nhà nước SONNA hồi tối muộn Chủ nhật cho biết sự việc đã kết thúc và 205 người đã được giải cứu khỏi khách sạn “bao gồm các bộ trưởng, nhà lập pháp và dân thường”.

    Ý tái áp dụng biện pháp phòng dịch Covid

    Italia sẽ đóng cửa các vũ trường và câu lạc bộ, đồng thời bắt buộc người dân đeo khẩu trang ở một số khu vực vào ban đêm khi lần đầu tiên tái áp dụng các hạn chế trong bối cảnh các trường hợp nhiễm virus viêm phổi Vũ Hán gia tăng trên khắp đất nước, đặc biệt ở những người trẻ tuổi, theo Reuters.

    Số ca mắc mới Covid trong tuần qua ở Italia cao hơn gấp đôi so với số ca nhiễm bệnh trong ba tuần trước. Độ tuổi trung bình của những người nhiễm loại virus có nguồn gốc từ Trung Quốc này đã giảm xuống dưới 40.

    Quy định mới sẽ bắt đầu áp dụng từ thứ Hai và sẽ kéo dài tới đầu tháng Chín. Người dân sẽ phải đeo khẩu trang từ 6 giờ chiều tới 6 giờ sáng tại các khu vực gần quán bar và quán rượu, nơi có nhiều người tụ tập.

    Chuyên gia kinh tế: Mỹ rất có thể sẽ loại Trung Quốc khỏi hệ thống đô la toàn cầu


    Trong bối cảnh hứng chịu nhiều lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ, chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhiều khả năng sẽ bị loại trừ dần khỏi hệ thống đồng đô la toàn cầu, theo một số nhà phân tích.

    “Chúng ta phải chuẩn bị tinh thần Mỹ có thể trục xuất Trung Quốc khỏi hệ thống thanh toán bằng đồng đô la”, Guan Tao, nhà kinh tế toàn cầu cấp cao tại hãng tư vấn tài chính BOC International, một chi nhánh Ngân hàng Trung Quốc, cảnh báo gần đây, theo Reuters.

    Một biện pháp trừng phạt chủ yếu khác mà ĐCSTQ có thể phải đối mặt là việc tịch thu một phần hoặc toàn bộ các chứng khoán đầu tư tại Kho bạc Hoa Kỳ. Số chứng khoán này có giá trị lên tới 1,08 tỷ USD, tương đương 4% tổng số chứng khoán phát hành.

    Một trong những biện pháp bảo vệ mà ĐCSTQ có thể thực hiện là tăng cường sức ảnh hưởng toàn cầu của đồng nhân dân tệ, đồng tiền quốc gia, nhằm giảm sự phụ thuộc vào đồng đô la.

    “Quốc tế hóa đồng nhân dân tệ là một điều tốt nên làm”, tờ Asian News trích lời Shuang Ding, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế tại ngân hàng Standard Chartered khu vực Trung Quốc mở rộng, kiêm cựu chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC).

    Đồng đô la là phương tiện chính của trao đổi kinh tế toàn cầu và các giao dịch quốc tế được điều tiết bởi tổ chức Hiệp hội Viễn thông Liên Ngân hàng và Tài chính Quốc tế (SWIFT), thông qua 11.000 ngân hàng tại 204 quốc gia, khiến việc áp đặt lệnh trừng phạt trở nên tương đối dễ dàng.

    Không có nhận xét nào